Trạng nguyên Giáp Hải: Người có công lớn với vương triều nhà Mạc

[VOV2] - Trạng nguyên Giáp Hải là người có công lao lớn đối với triều đình, với nhân dân, đất nước trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động của dân tộc. Ông đã có những quyết định sáng suốt, hành động thiết thực, góp phần bảo vệ Tổ quốc, an dân.

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhà chính trị thời nhà Mạc. Ông được dân gian gọi là Trạng Kế, được giao giữ việc 6 Bộ, kiêm chức Đại học sĩ Đông các, coi việc tòa Kinh diên. Cho đến nay những giai thoại về sự hiếu học của ông vẫn được lưu truyền rộng rãi và trở thành tấm gương về sự hiếu học cho con cháu đời sau.

Theo sử sách, khoa thi Mậu Tuất (1538) niên hiệu Đại Chính thứ 9, Thái Tông Mạc Đăng Doanh, Giáp Hải thi đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh, tức Trạng nguyên. PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: "Đó là một khoa thi theo mô hình nho giáo rất chuẩn mực, Giáp Hải đỗ trạng nguyên khoa này, đứng về mặt bài văn sách thì cũng là một bài văn rất mẫu mực về mặt nghị luận. Trong đó, chứng tỏ một trình độ kinh học cao và một khả năng quan sát thời cuộc rất là nhạy cảm với những vấn đề nhạy cảm nhà vua đặt ra".

Văn bia do Giáp Hải soạn cho thân phụ Giáp Đức Kỳ, khắc 1549. Bia đã được đề xuất là Bảo vật Quốc gia năm 2017. Ảnh KT

Văn bia do Giáp Hải soạn cho thân phụ Giáp Đức Kỳ, khắc 1549. Bia đã được đề xuất là Bảo vật Quốc gia năm 2017. Ảnh KT

Hầu hết các nguồn sử liệu đều khẳng định tài năng và những đóng góp của trạng nguyên Giáp Hải trên các lĩnh vực quân sự, ngoại giao. Ông nhiều lần được cử đi tiếp sứ nhà Minh. Thời kỳ Giáp Hải làm quan cho nhà Mạc cũng là thời kỳ nhà Mạc gặp nhiều khó khăn khi nhà Minh đang rình rập xâm lược. Để bảo vệ vương triều còn non trẻ, bảo vệ nhân dân thoát cảnh chiến tranh, nhà Mạc buộc phải có những nhượng bộ nhất định về biên giới. Do có tài văn chương lại giỏi đối đáp nên sau khi đỗ trạng, Giáp Hải được vua cử đi lãnh trách nhiệm ngoại giao tiếp các sứ giả nhà Minh và đã khéo léo dàn xếp ổn thoả vấn đề biên giới nên kẻ địch phải nể phục. Truyền thuyết về bài thơ “Vịnh bèo” nổi tiếng của ông xuất hiện trong bối cảnh này đã phần nào minh chứng cho thực lực tài ngoại giao của ông.

Theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm thì chính bài thơ “Vịnh bèo” của trạng nguyên Giáp Hải đã giúp đất nước thoát khỏi nạn binh đao. "Mao Bá Ôn đã đưa ra bài thơ Vịnh bèo, muốn thông qua bài thơ này để thể hiện sự coi thường quốc gia Đại Việt rằng, các người yếu ớt lắm chỉ như những đám bèo thôi, chỉ cần một cơn gió thổi là thổi tan luôn đám bèo và ngụ ý nhà Minh muốn bóp chết nhà Mạc trong trứng nước. Lúc này Giáp Hải đã đưa ra bài thơ Vịnh bèo. Trong bài thất ngôn bát cú này có hai câu kết đã chứng tỏ một đòn đánh chí mạng vào thói hống hách của quân Minh. Tuy cánh bèo mỏng manh nhưng lại là một khối đoàn kết rất lớn, quân dân Việt sẵn sàng chống lại kẻ thù. Tương truyền, Mao Bá Ôn và Kiều Loan khi nghe xong đã rút quân về. Có thể nói đây là dùng thơ đánh đuổi giặc, nó thể hiện cái tài của Trạng nguyên Giáp Hải".

Phò tá triều Mạc qua 2 đời vua, Trạng nguyên Giáp Hải luôn tận tụy, lấy lời trung và lòng chính trực của một nhà nho để khuyên can vua lo việc chính sự. Năm 1578, Giáp Hải dâng sớ cảnh tỉnh nhà vua 6 điều đáng sợ. TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm cho rằng, trạng Nguyên Giáp Hải là người luôn lo cho vận mệnh của đất nước, luôn hết sức phò tá cho nhà Mạc với mong muốn nhà Mạc ngày càng vững mạnh. "Vào năm Diên Thành lúc này Giáp Hải đã là viên đại thần quan trọng trong triều Mạc. Trong thời phong kiến chỉ có 6 Bộ điều hành đất nước thì ông đứng đầu 6 Bộ là Thượng thư Bộ Lại đồng thời ông giữ chức Đô ngự sử. Lúc ấy ông bắt đầu cảm thấy nhà Mạc có dấu hiệu suy thoái thì đưa ra 6 điều đáng sợ với triều đại: Điều đầu tiên phải kính thiên phụng tổ thì lúc này nhà Mạc bê trễ trong việc thờ phụng, ko quan tâm chính sự. Thứ hai vua có nhân thì ai cũng muốn đến gần nhưng trong cung vua bề tôi nịnh thần thì được gần vua. Thứ ba quan sách nhiễu dân chúng. Thứ tư nước hỏng do quan lại hoang tàn. Thứ năm là nước mạnh dân mạnh nhưng dân sống rất khổ cực. Thứ sáu tướng nào cũng chỉ biết đến mình. 6 điều lo sợ này cảnh tỉnh cho nhà vua cần trấn chỉnh lại quan lại…".

Có thể nói, Trạng nguyên Giáp Hải là người có lòng tự tôn dân tộc, yêu nước thương dân, có nhiều đóng góp vào công cuộc thương thuyết bang giao giữ gìn bờ cõi, chấn chỉnh bộ máy, cải cách hành chính, tiến cử nhân tài. Ông là tấm gương sáng về lòng trung thực, liêm chính, cả đời tận tụy lo cho dân cho nước. Đây cũng là niềm tự hào của con cháu dòng họ Giáp như ông Giáp Đại Thắng khi nói về trạng nguyên Giáp Hải. "Chúng tôi rất tự hào về ông, trong quá trình 48 năm phụng sự sự nhà Mạc, ông là người có tài có đức và cống hiến suốt đời mình cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, ông là người rất thương dân và yêu nước".

Thời gian làm quan của Giáp Hải trước sau 5 lần giữ chức Thượng thư, 3 lần giữ chức đài ấn, được phong tước Thái bảo Sách quốc công. Với những gì đã làm được trong cuộc đời làm quan của mình, Trạng nguyên Giáp Hải là người có công lao lớn đối với triều đình, với nhân dân, đất nước trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động.

Nguồn: vov.vn

Viết bình luận