Ca dao thời Mạc ở Cao Bằng (1592 – 1677)

Ca dao thời Mạc ở Cao Bằng (1592 – 1677)

Khi xưa lính thú phải lên làm nhiệm vụ trấn ải ở trấn Cao Bằng, thấy miền đất này xa xôi hiểm trở, cứ ba năm mới được về quê nên có câu ca dao:

 

Ba năm trấn thủ lưu đồn

Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan

Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân đói khổ phàn nàn cùng ai

Miệng ăn măng trúc, măng mai

Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng…

 

Đến thời nhà Lê trung hưng, nhà Mạc thất thế phải lên Cao Bằng xây dựng căn cứ củng cố lực lượng vững mạnh để chuẩn bị thời cơ chiếm lại Thăng Long. Quân sĩ nhà Mạc tự nguyện lên Cao Bằng nên có câu:

 

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non

Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

 

Lời khuyên trong ca dao này rất nhẹ nhàng, tình nghĩa, quyến luyến, biểu hiện người chồng quyết tâm lên Cao Bằng để tham gia chiến đấu, xây dựng căn cứ nhà Mạc ở Cao Bằng.

 

Khi lên đến Cao Bằng, người chồng nhắn tin về cho vợ:

 

Ở nhà có nhớ anh không?

Để anh kể nỗi Cao Bằng mà nghe

 

Tâm sự người chồng khi xa vợ nhớ nhau, kể chuyện Cao Bằng cho vợ, không than vãn khổ sở, oán trách. Còn câu ca dao:

 

Mình về nuôi cái, cùng con

Để anh đi trẩy nước non kịp người

Cho kịp chân ngựa, chân voi

Cho kịp chân người, kẻo thiếu việc quân…

 

Đây biểu lộ người lính tự nguyện lên Cao Bằng để phò nhà Mạc, có tinh thần trách nhiệm, không buồn phiền oán trách. Lại thêm các câu:

 

Chân đi đá lại dùng dằng

Nửa nhớ Cao Bằng, nửa nhớ vợ con

Đi thì nhớ vợ cùng con

Khi về nhớ củ khoai non trên rừng.

 

Sự lôi kéo dùng dằng, đi lên cao Bằng hay ở lại với vợ con. Tình cảm bị phân đôi nhưng cuối cùng Cao Bằng có sức hút mạnh hơn vợ con. Người chồng yêu Cao Bằng có tình cảm đặc biệt với Cao Bằng nên quyết tâm tạm xa vợ con lên xây dựng căn cứ nhà Mạc ở Cao Bằng.

 

Có 4 cặp thơ dài nhất:

 

Ngày đi trúc chửa mọc măng

Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre

Ngày đi lúa chửa chia vè

Ngày về lúa đã đỏ hoe cánh đồng

Ngày đi em chửa lấy chồng

Ngày về em đã tay bồng, con mang

Con thì chẻ nứa đan giường

Con thì vặn võng cho nàng ru con.

 

Các câu thơ này nói lên đôi trai gái xa nhau, chàng trai lên Cao Bằng quá lâu, người yêu đợi chờ mòn mỏi đã lỡ thì, quá lứa, không chờ đợi được nên đi lấy chồng.

 

Tại sao vào cuối thế kit XVI, đầu thế kỉ XVII lại có nhiều chàng trai lên phò nhà Mạc ở Cao Bằng? Bởi vì, thời điểm lịch sử đó nhà Mạc đã tiến hành chính sách đổi mới toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo… nhà Mạc được lòng dân, làm cho đời sống của dân ngày càng được cải thiện, yên ổn làm ăn, không bị sưu cao thuế nặng, nên hầu hết lòng dân theo Mạc. Và khi bị thatas thế phải lên Cao Bằng, họ đã lên theo để phò Mạc. Tiếng lành đồn xa tuổi trẻ lên phò nhà Mạc, xây dựng quê hương mới, trái với chính sách của nhà Lê - Trịnh đưa quân lên Cao Bằng để trấn áp, chinh phạt nhà Mạc, nên quân lính của nhà Lê – Trịnh chắc không có được tình cảm nêu trên. Tâm tình này đã phổ thành những câu ca dao thắm thiết yêu thương “Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”

 

Đây là tình cảm của nhân dân miền xuôi lên Cao Bằng gắn bó với nhà Mạc ở Cao Bằng cùng xây dựng căn cứ Cao Bằng tồn tại 85 năm. Các câu thơ đó đã trở thành ca dao, dân ca. Khi trở thành ca dao là tình cảm chung của nhân dân: Nước non, non nước Cao Bằng có từ đây.

 

Nguyễn Xuân Toàn

Viết bình luận