Chuẩn bị tổ chức Lễ hội Kỷ niệm 481 năm ngày mất Thái tổ Mạc Đăng Dung

Nhằm ôn lại thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Thái tổ Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chương trình công tác năm 2022, UBND huyện Kiến Thụy đã ban hành Kế hoạch: 171/KH-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2022 về việc tổ chức  Lễ hội kỉ niệm 481 ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Lễ hội  năm nay sẽ diễn ra từ ngày 16-18/9/2022 tại Kiến Thụy, Hải Phòng. Đây cũng là dịp để người dân Kiến Thụy quảng bá hình ảnh khu di tích tưởng niệm các vua đời nhà Mạc và du lịch - văn hóa bản địa của huyện.

Thái tổ Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão (1483) - mất năm Tân Sửu (1541). Ông sinh ra tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương, nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Thời trẻ Mạc Đăng Dung có sức khỏe phi thường, tướng mạo khôi ngô, đi thi võ ở Kinh đô trúng đô lực sỹ được sung vào chân Túc vệ chuyên cầm dù theo xe vua. Từ đó ông thăng tiến trên con đường quan lộ, năm 29 tuổi (1511) được phong tước Vũ Xuyên Bá, đến năm 34 tuổi (1516) được cử làm trấn thủ Sơn Nam. Sau đó được phong Thái sư Nhân Quốc Công, rồi đến An Hưng Vương.

Vào đầu thế kỷ 16, triều Lê sơ suy tàn, triều chính rối ren, giặc giã nổi lên khắp nơi, trăm họ không yên, lầm than cực khổ. Trước sứ mệnh lịch sử, trước xã tắc giang sơn, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô dẹp loạn. Trước vận mệnh của đất nước, vua Lê Cung Hoàng viết Chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung. Ông lên ngôi vua vào ngày 15/6 năm Đinh Hợi (1527) đến hết năm (1529) với niên hiệu là Minh Đức. Sau đó nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và lui về làm Thái Thượng Hoàng.

Tuy chỉ làm vua trong 2 năm nhưng với tầm nhìn và tài năng kiệt suất của mình, ông đã xây dựng một triều đại Nhà Mạc thịnh trị có nhiều canh tân, đổi mới trong lịch sử Việt Nam. Mạc Đăng Dung đưa ra một số quy chế về ruộng đất gồm: binh điền, lộc điền, quân điền dựa trên các quy chế có từ thời Hồng Đức và cho đúc tiền Thông bảo. Ông cho xây dựng kinh đô Dương Kinh, là kinh đô thứ 2 của Triều Mạc và là kinh đô duy nhất ở Việt Nam được xây dựng hướng ra phía biển. Mạng lưới giao thông được mở rộng, giao thương phát triển với bên ngoài. Kinh tế hàng hóa phát triển, các chợ đô thị, cảng thị ven sông, ven biển được hình thành như: Phố Hiến, Dương Kinh, cảng thị ở Tiên Lãng, Hải Phòng… nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, như: gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu…

Thời kỳ Mạc Thái Tông trị vì là đỉnh cao của Nhà Mạc. Trật tự an ninh được đảm bảo. Không có người cầm giáo mác và binh khí đi ngoài đường, không còn trộm cướp ban đêm. Người đi lại buôn bán được an toàn. Trâu bò chăn thả không phải mang về. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã viết: “Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”. Trong thời gian trị vì 65 năm, Nhà Mạc đã tránh được mọi hiểm họa xâm lăng, nạn binh đao nồi da nấu thịt… Thời kỳ này Đạo giáo, Phật giáo được phục hồi và phát triển, giáo sư Trần Lâm nhận xét: “Nhà Mạc đã xóa bỏ nhiều cấm đoán khắt khe thời Lê sơ, Phật giáo nhất là đạo giáo, nhân gian được thở trong bầu không khí mới”.

Dưới triều đại Mạc đã mở được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sỹ, tuyển chọn 11 Trạng nguyên, trong đó có nhà trí thức kiệt xuất Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến gần 50 tuổi Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mới chịu đi thi và chọn Nhà Mạc làm minh chủ. Chính sách dùng người của Nhà Mạc được đời sau mãi ca ngợi. Như sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ cuối thời Lê Trung Hưng có ghi: “Cái đức chính của thời Minh Đức và Đại chính của Nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên”.

Sau khi bị thất thế, Nhà Mạc tiếp tục cát cứ tại Cao Bằng, nhưng tuyệt nhiên không mượn ảnh hưởng của ngoại bang. Trong suốt 85 năm ở Cao Bằng, Nhà Mạc đã bảo vệ, giữ yên bờ cõi vùng đất cực Bắc của đất nước. Phải chăng việc cát cứ ở Cao Bằng nếu không được lòng người ủng hộ thì không thể tồn tại đến 85 năm.

Thanh Long đao bảo vật quốc gia 

Trong suốt chiều dài lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, không thể tách rời 65 năm Nhà Mạc trị vì đất nước và định đô ở Thăng Long – Hà Nội. Triều đại Nhà Mạc đã được lịch sử ghi nhận và đánh giá đúng, đặc biệt là những thành tựu nổi bật, những đóng góp to lớn của Vương triều Mạc trong tiến trình dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc. Tất cả đã khẳng định cho sự trường tồn mãi mãi, không thể phai nhòa với thời gian của một Vương triều hưng thịnh, có nhiều canh tân đổi mới trong lịch sử Việt Nam.

Lễ hội kỷ niệm  năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung đã trở thành Lễ hội truyền thống của huyện Kiến Thụy được tổ chức hàng năm. Nhằm đảm bảo các nghi thức lễ - hội và phát huy những giá trị lịch sử truyền thống văn hóa, các hoạt động tại lễ hội đảm bảo được trang trọng, tiết kiệm, an toàn. Phần lễ gồm: Lễ cáo yết, lễ tiến vua, lễ kỉ niệm, đón nhận Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia,  lễ tạ. Phần hội gồm; các trò chơi dân gian như; thi đấu cờ tướng; thi đấu bóng chuyền hơi hội người cao tuổi;  biểu diễn lân sư rồng, biểu diễn võ thuật, võ cổ truyền.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Thái tổ Mạc Đăng Dung, người đã khai sáng và lập nên một triều đại tồn tại gần 200 năm trong lịch sử Việt Nam - người dân Kiến Thụy nói riêng và Hải Phòng nói chung luôn kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống để gìn giữ cho con cháu đời sau./.

Nguồn: Ban quản lý

Viết bình luận