Huyện Kiến Thụy long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy)

Sáng 19-4, huyện Kiến Thụy long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy).

 Tới dự có các đồng chí: Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; Hội đồng Mạc tộc Việt Nam và các tỉnh, thành trong cả nước.

Một số hình ảnh trong Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Về phía lãnh đạo thành phố có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Đình Chuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Phạm Văn Thép, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó chủ tịch HĐND, UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo huyện Kiến Thụy; đại diện một số địa phương cùng đông đảo người dân, du khách.

 Lễ đón nhận gồm các nội dung: dâng hương tưởng niệm; trình chiếu phóng sự giới thiệu cụm di tích quốc gia đặc biệt liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy); công bố quyết định và trao bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt...Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt mang tên “Mạc triều vang bóng còn mãi ngàn năm”.

Kiến Thụy vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, là huyện ven biển nằm về phía Đông Nam thành phố Hải Phòng. Trải qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người dân Kiến Thụy đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây đã trải qua với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Người dân Kiến Thụy từ bao đời nay đã biết khai hoang, lấn biển, lập ấp dựng làng, vượt qua gian nan, thách thức gây dựng cơ đồ, làm nên nghiệp lớn. Đó là những anh hùng hào kiệt, những nhân vật huyền thoại đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước ngàn năm của dân tộc, như: Trương Nữu công thần bậc nhất của triều Bố cái Đại Vương chống quân đô hộ nhà Đường thế kỷ thứ 7; Vũ Hải một danh tướng thời Trần chống quân Mông Nguyên xâm lược thế kỷ thứ 13 và đỉnh cao là Tiên vương Hoàng đế Thái Tổ Mạc Đăng Dung, người đã khai sáng và lập nên một triều đại tồn tại 65 năm ở kinh thành Thăng Long và 85 năm cát cứ ở Cao Bằng.

Với tầm nhìn và tài năng kiệt suất, Thái Tổ Mạc Đăng Dung và các tiên vương, tiên đế nhà Mạc đã xây dựng một triều đại hưng thịnh có nhiều canh tân, đổi mới trong lịch sử Việt Nam.

Về kinh tế nhà Mạc đã đưa ra quy chế về binh điền, lộc điền, quân điền dựa trên các quy chế có từ thời Hồng Đức và cho đúc tiền Thông bảo. Nhà Mạc cho xây dựng kinh đô Dương Kinh là kinh đô thứ 2 sau kinh thành Thăng Long và là kinh đô ven biển duy nhất ở Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu trị vì đất nước, nhà Mạc đã chú trọng phát triển kinh tế, mạng lưới giao thông được mở rộng, giao thương với bên ngoài. Kinh tế hàng hóa phát triển, các chợ đô thị, cảng thị ven sông, ven biển được hình thành như: Phố Hiến, Dương Kinh, cảng thị ở Tiên Lãng, Hải Phòng, … Về an ninh trật tự được đảm bảo. Không có người cầm giáo mác và binh khí đi ngoài đường, không còn trộm cướp vào ban đêm. Người đi lại buôn bán được an toàn. Trâu bò thả chăn không phải mang về. Về giáo dục và dùng người: Dưới triều đại Mạc đã mở được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sỹ, tuyển chọn 13 trạng nguyên, trong đó có nhà tri thức kiệt suất Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đặc biệt trên vùng đất Dương Kinh xưa, Kiến Thụy nay, qua khai quật khảo cổ học năm 2004 cho thấy: nơi đây Kinh đô Dương Kinh xưa đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ và nguy nga, như: điện Hưng Quốc, điện Tường Quang và hoàng thành nhà Mạc. Cùng với đó nhà Mạc cho xây dựng nhiều đền chùa mang Kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Trong đó có nhiều di tích, di sản, bảo vật quốc, các công trình văn hóa thời Mạc vẫn tồn tại đến ngày nay. Tiêu biểu là cụm Di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh gồm 5 di tích: Khu tưởng niệm vương triều Mạc được UBND thành phố xếp hạng di tích thành phố năm 2016; Từ đường họ Mạc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 2002; đền chùa Hòa Liễu xếp hạng di tích quốc gia năm 1993, chùa Trà Phương xếp hạng di tích quốc năm 2007; chùa Nhân trai xếp hạng di tích thành phố năm 2003. Có thể nói, cụm 5 di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh là tổng hòa của nhiều yếu tố về giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật thời Mạc. Tại đây đang lưu giữ những bảo vật quốc gia: Thanh long đạo, tượng Mạc Thải Tổ, bức phù điêu Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng các văn bia mang tính độc bản và những lễ hội văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc, điển hình là Lễ hội Minh thề độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Viết bình luận