Huyện Kiến Thụy tổ chức lễ kỷ niệm 481 năm ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung
Sáng 17/9 (tức 22 tháng 8 âm lịch), huyện Kiến Thụy long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 481 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung tại Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc (xã Ngũ Đoan).
Tới dự có đồng chí Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ; đại diện lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo du khách, con cháu gốc Mạc tộc.
Sau 2 năm không tổ chức phần hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm nay, lễ kỷ niệm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung được tổ chức với quy mô trang trọng, đầy đủ các nghi lễ, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Mặc dù có mưa lớn trong ngày chính lễ, song từ sáng sớm, hàng nghìn du khách, con cháu dòng họ Mạc và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái, dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân bậc tiền nhân có nhiều công lao, đóng góp cho dân tộc.
Thái tổ Mạc Đăng Dung sinh ngày 23/11 (năm 1483), mất ngày 22/8 (năm 1541) tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương, nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Trước sứ mệnh lịch sử, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua trị vì vào ngày 15/6 năm Đinh Hợi (năm 1527), lấy niên hiệu là Minh Đức. Đến năm 1529, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh và lui về làm Thái thượng hoàng. Tuy thời gian trị vì ngắn nhưng với tầm nhìn và tài năng kiệt xuất, Mạc Đăng Dung và các tiên vương, tiên đế nhà Mạc xây dựng triều đại thịnh trị, có nhiều tiến bộ, đổi mới trong lịch sử.
Lễ giỗ tưởng niệm 481 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung là hoạt động văn hóa nhằm ôn lại thân thế, sự nghiệp, tôn vinh đóng góp to lớn của Thái tổ Mạc Đăng Dung, Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh di tích cấp thành phố Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc, được xây dựng trên nền Điện Tường Quang của kinh đô Dương Kinh xưa, nơi hiện lưu giữ Thanh long đao thời Mạc, một trong ba bảo vật Quốc gia của huyện Kiến Thụy.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 16 đến 18/9 với nhiều hoạt động văn hoá đa dạng, phong phú như: Diễn xướng chầu văn, múa lân, múa rồng, trống trận, biểu diễn võ thuật, văn nghệ truyền thống, vở chèo “Lễ đăng quang của Mạc Thái Tổ”… cùng một số trò chơi dân gian đặc sắc./.
Tin và Ảnh: Vân Nga
Nguồn: báo Hải Phòng
Viết bình luận