Sáng 09/01/2025 (mùng 10/12 âm lịch,) BQL Di tích Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc tổ chức Lễ cúng giỗ Vua Mục tông Hồng ninh Hoàng đế Mạc Mậu Hợp, vị Vua thứ 5 của Nhà Mạc. Ngài trị vì đất nước 27 năm từ năm ( 1565 - 1592).
HOÀNG ĐẾ MẠC MẬU HỢP VỚI VIỆC THỰC HIỆN MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC CỦA NHÀ MẠC
Hoàng đế Mạc Mậu Hợp là vị vua thứ 5 của nhà Mạc, là một mắt xích quan trọng của toàn bộ hệ thống nhà Mạc. Ngài có đặc điểm là cầm quyền lâu nhất, 27 năm (1565-1592) ở Thăng Long, một mặt kế thừa di sản để lại của tiên đế, mặt khác phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do hoàn cảnh gây nên cho số phận của nhà Mạc.
Dẫn đến việc hoàng đế Mạc Phúc Nguyên lên ngôi khi còn quá ít tuổi (6 tuổi), đồng thời dẫn đến vụ chia rẽ nghiêm trọng giữa hai bậc đại thần Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi và Khiêm vương Mạc Kính Điển;
Và đặc biệt, trực tiếp là việc qua đời đột ngột của “kình thiên trụ” Khiêm vương Mạc Kính Điển, mà sử đã ghi “khiến lòng người trong cõi dao động.”
Chùa Bạch Đa nơi thờ tượng Hoàng đế Mạc Mậu Hợp
Trong hoàn cảnh như vậy, Ngài vẫn giữ vững ý chí sắt đá phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược của nhà Mạc: xây dựng một nền kinh tế đa diện đem lại đời sống tốt đẹp cho các tầng lớp nhân dân; thực hiện một nền giáo dục sùng Nho đến cùng, đồng thời tôn trọng Phật , Lão, thần làng; xây dựng một nếp văn hóa tư tưởng cởi mở, nhân văn, tôn trọng con người , tôn trọng văn hóa dân gian.
*
Trong thời gian cầm quyền, hoàng đế Mạc Mậu Hợp đã tận tụy, kiên tâm, quyết chí thực hiện cho được mục tiêu chiến lược của tiên đế.
Về kinh tế-xã hội, Ngài coi nông nghiệp là nghề gốc, nhưng đồng thời cũng ra sức phát triển công thương nghiệp. Chúng ta thấy, chợ (9 cái), cầu (10 chiếc), gốm sứ có minh văn (còn lại15 sản phẩm)...Một nền kinh tế đa diện và năng động hình thành và phát triển, bước đầu đem đến sự phồn vinh cho xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được hưởng lợi, đặc biệt đáng quan tâm là lớp dân thường: người làm ruộng, người buôn bán, người đánh cá, kẻ chăn trâu,...đều hồ hởi.
Về văn hóa- giáo dục, Ngài đã quyết tâm , kiên trì đào tạo, tuyển chọn nhân tài qua thi cử. Ngài làm vua 27 năm thì tổ chức đúng 10 kỳ thi, cứ 3 năm một kỳ, tổng cộng lấy 175 tiến sỹ. Kỳ cuối cùng, tình hình nguy nan, Trịnh Tùng đã đánh sát Kinh kỳ, Ngài vẫn quyết cho thi để lấy thêm cho đất nước 17 tiến sỹ, trong đó có 4 thám hoa.
Đúng là “Mạc thị sùng Nho”, nhưng không độc tôn Nho giáo. Dưới thời Ngài, Phật giáo, Đạo giáo và thần làng được tôn sùng, số chùa được xây dựng (52 ngôi ), số đạo quán (7/8 ngôi), số đình làng (5/11ngôi). Riêng đình Lỗ Hạnh và đình Tây Đằng là hai đình làng đặc sắc, tiêu biểu và lâu đời nhất trong các công trình kiến trúc công cộng, được xây dựng /trùng tu vào thời này.
Về cá nhân, chúng ta thấy vua Mạc Mậu Hợp là một vì vua có học vấn, có trí lực, thể lực, văn võ kiêm toàn, có trách nhiệm cao đối với tiên liệt và lịch sử, trong hoàn cảnh nguy nan đã rời bỏ ngai vàng nhận nhiệm vụ nặng nề nhất, là tổng chỉ huy toàn quân, cầm đầu hai cuộc chiến đấu, trực tiếp đối đầu với Trịnh Tùng. Không chỉ có Ngài nêu gương dũng lược, mà con trai-vua Mạc Toàn và mẹ già-Quốc mẫu cũng đều xông lên hy sinh vì sự nghiệp lớn. Một gia đình hoàng tộc như vậy không có nhiều trong lịch sử các vương triều nước ta.
Hoàn cảnh lịch sử không cho phép lật ngược ván cờ. Hoàng đế Mạc Mậu hợp thất trận. Nhưng, các thế hệ hậu duệ của Ngài lớp lớp kế tiếp nhau chiến đấu vì mục tiêu chiến lược của nhà Mạc, qua thời kỳ Cao Bằng, đến thời kỳ hậu Cao Bằng và chỉ chấm dứt khi thủ lĩnh Hoàng (Mạc)Công Chất qua đời ở Điện Biên, năm 1769.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
-Nguyễn Tiến Cảnh,….: Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật xuất bản, H, 1993.
-Viện Khoa học xã hội: Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, H. 1988.
-Lâm Giang: Trạng nghuyên Giáp Hải, NXB Khoa học xã hội, H, 2009.
-Gia phả họ Ngô-Mạc ở Bình Dương, Vĩnh Phúc
- Đỗ Thị Hảo: Bà tiến sỹ triều Mạc- Nguyễn Thị Duệ, trong sách Kỷ yếu Hôi thảo khoa học…, Hà Nội. 2010.
-Khâm định việt sử thông giám cương mục, NXB Giáo dục, H,1998.
- Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung di tích đền- chùa Hoà Liễu, Tài liệu không xuất bản.
- Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng: Hiệu chỉnh lại thời dụng của 8 niên hiệu thời Mạc, trong sách Kỷ yếu hội thảo khoa học vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, Hà Nôi, 9-2010.
-Phan Huy Lê: Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19, NXB Thế giới, H, 1995.
-Vũ Duy Mền: Một số vấn đề về làng xã dưới thời Mạc, trong sách Vương triều Mạc, NXB Khoa học xã hội,h, 1996.
-Nguyễn Xuân Toàn: Những đóng góp của nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng, sách Kỷ yếu hội thảo…, H, 2011.
-Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, NXB Hải Phòng, Hải Phòng, 2010.
-Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia , NXB Khoa học xã hội, H, 2001.
-Phan Đăng Thuận: Kinh tế thời Mạc, Luận án thạc sỹ sử học, Trường Đại học Vinh.
-Ngô Đức Thọ….:Các nhà khoa bảng Việt Nam, (1075-1919), NXB Văn học, H. 2006.
-Nguyễn Bá Vân: Gốm thời Mạc ,trong sách Mỹ thuật thời Mạc,Viện Mỹ thuât, H, 1993.
-Thành Văn: Sự thật về việc mất ngôi báu của vị vua “háo gái”không” thuốc chữa”, báo Đời sống và Pháp luật, số 17, ra ngày 14-4-2012.
Nguồn: Ban quản lý Di tích KTN các Vua nhà Mạc
Viết bình luận