Lễ cúng Kỷ niệm ngày mất của Thái tông Mạc Đăng Doanh

Sáng ngày 15 tháng 02 năm 2023 ( tức 25 tháng Giêng) Ban quản lý Di tích Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc  tổ chức Lễ cúng giỗ Kỷ niệm ngày mất Thái tông Mạc Đăng Doanh.
Thái Tông Mạc Đăng Doanh (... -1540; vua thứ 2 Nhà Mạc) trị vì từ năm 1530-1540. Ông làm quan nhà Lê đến chức Dục Mỹ Hầu. Khi Thái Tổ Mạc Đăng Dung lên ngôi (năm 1527), con trưởng Mạc Đăng Doanh được lập làm Thái tử.

Sử gia Lê Quý Đôn, mặc dù đứng trên lập trường ủng hộ chính quyền Lê - Trịnh nhưng cũng ghi nhận sự thực: "Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn."
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận thời thịnh trị của Mạc Thái Tông: "Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi".
Đánh giá sự nghiệp chính trị cũng như đạo đức của Mạc Đăng Doanh, sử gia ở đầu thế kỷ XIX Phan Huy Chú viết: "Mạc Đăng Doanh tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình...".
Ngày 25 tháng Giêng năm Canh Tý 1540, Mạc Thái Tông lâm trọng bệnh băng hà. Con trưởng là Mạc Phúc Hải được Mạc Thái Tổ đưa lên ngôi tức Mạc Hiến Tông. Mạc Đăng Doanh có tất cả 7 người con, trong đó nổi bật nhất là Khiêm Đại vương Mạc Kính Điển.
Những danh sĩ xuất chúng nhất thi đỗ trong giai đoạn này gồm có: Nguyễn Thiến (1532), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1535), Giáp Hải (1538), Hoàng Sầm (1538).

Nguồn: Ban quản lý Di tích

Viết bình luận