Sáng 26/9/2021 (20/8 âm lịch,) BQL di tích Khu tưởng niệm Các Vua Nhà Mạc tổ chức Lễ giỗ tưởng niệm 480 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung ( 22/8 năm Tân Sửu 1541 - 22/8 năm Tân Sửu 2021).
Thái tổ Mạc Đăng Dung là cháu bảy đời cụ Mạc Đĩnh Chi. Ngày trước vốn ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà, tỉnh Hải Dương sau dời sang làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, tỉnh Kiến An.
Thái tổ Mạc Đăng Dung, thời trẻ nhà nghèo làm nghề đánh cá, nhưng có sức mạnh, thi đỗ Đô lực sĩ, làm Đô chỉ huy sứ triều Lê Uy Mục, đến triều Tương Dực được phong Vũ Xuyên bá, sau vua Chiêu Tông lại phong Vũ Xuyên hầu".
Khi quyền bính đã về tay, cụ Mạc Đăng Dung tất yếu cũng phải tìm cách để củng cố địa vị của mình, như Trần Thủ Độ, như Hồ Quý Ly.. Ông bắt buộc phải tiêu diệt các lực lượng chống đối. Nhưng đa số các quan lại, đại thần cũ nhà Lê đều được cụ Mạc Đăng Dung giữ lại, tiếp tục trọng dụng, thể hiện lòng nhân ái của mình. Trước thực tế một bộ phận không nhỏ các quan lại, đại thần nhà Lê bỏ theo giúp nhà Mạc, sử cũ, vì thành kiến, viết: "Thấy quyền lớn của họ Mạc cũng bỏ vua mà theo phò cụ Mạc Đăng Dung". Họ theo giúp nhà Mạc có lẽ do nhận thức được tính hợp lý của thời cuộc, cảm được ân đức của cụ Mạc Đăng Dung chứ không phải chỉ vì xu thời "thấy quyền lớn.." như nêu trên.
Từ năm Giáp Thân 1524, sau khi Chiêu Tông bị giết, Cung Hoàng lên thay, nhưng mãi đến ba năm sau là năm Đinh Hợi (1527) cụ Mạc Đăng Dung mới để các quan nhà Lê thảo chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc…
cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi, khủng hoảng cung đình tạm thời được giải quyết, dẫn đến cục diện Nam-Bắc (Lê-Trịnh và Mạc) phân tranh, tức "thời đại Nam-Bắc triều" (Bắc: 1527-1593; Nam: 1533-1599).
Thái tổ Mạc Đăng Dung làm vua 3 năm rồi truyền ngôi cho con là Thái tông Mạc Đăng Doanh, về Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng.
Toàn bộ công tích của nhà Mạc cống hiến cho lịch sử dân tộc đã được sử sách ghi chép. Riêng công trạng của Thái tổ Mạc Đăng Dung có thể tóm tắt như sau:
Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều chính đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ, Thái tổ Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ, lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. Không ai có thể phủ nhận thành tựu của nhà Mạc.
Xét về sự nghiệp dựng nước thì bao giờ cũng "vạn sự khởi đầu nan"- công lao đó thuộc về cụ Mạc Đăng Dung. Nhân dân ta, một khi đã thừa nhận là nhà Mạc có cống hiến cho dân tộc thì không thể không thừa nhận công lao của cụ Mạc Đăng Dung.
Do hạn chế lịch sử, lại thêm tình cảm "ghét nên xấu" nên các sử gia phong kiến đã có những đánh giá lệch lạc, không đúng, thậm chí xuyên tạc bản chất chính sách ngoại giao mềm dẻo của nhà Mạc và cụ Mạc Đăng Dung để rồi coi là "ngụy triều", là "có tội"... và theo đó, một số nghiên cứu lịch sử sau này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề mà tiếp tục phủ nhận công lao đối với quốc gia - dân tộc và có những nhận định sai cho nhà Mạc và cụ Mạc Đăng Dung. Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, nhiều nhà sử học trong và ngoài nước đã nghiêm túc đi sâu, chắt lọc sử liệu cũ và kết quả điền dã để minh oan, khẳng định những cống hiến cho đất nước, cho dân tộc của nhà Mạc và cụ Mạc Đăng Dung trong thế kỷ XVI.
Nói tóm lại, với 65 năm tồn tại ở Thăng Long, nhà Mạc đã có cống hiến nhất định với lịch sử dân tộc. Công lao dựng nghiệp của cụ Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp dựng nước của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận, hậu thế cần trân trọng và phát huy.
Nguồn: Ban quản lý Di tích
Viết bình luận