CẦN HIỂU ĐÚNG NGUYỄN BỈNH KHIÊM VÀ NHÀ MẠC
TRẦN KHUÊ
Thú vị biết bao khi nghe ông Okakura Kakuzu, một triết nhân Nhật Bản nói rằng: “Chúng ta hãy kính mộ cổ nhân nhiều hơn nữa nhưng hãy bắt chước cổ nhân ít hơn”. Và quan sát tình hình nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những năm qua, tôi xin phép được thêm rằng: “Chúng ta cần biết kính trọng người cùng thời, nhưng cần suy tư độc lập để tránh sao chép những suy tư của họ”.
Suy tư và nghiên cứu về Nguyễn Bình Khiêm và thời đại của ông, tôi thấy cần định rõ chuẩn mực và hệ thống hoá mọi chứng cứ lịch sử một cách trung thực, khoa học. Như thế mới hy vọng đánh giá đúng về ông và về cái gọi là “Nguỵ triều Mạc” mà ông đã hết lòng phụng sự. Từ đó có thể hiểu những gì là tinh hoa của Nguyễn Bỉnh Khiêm để kế thừa và phát huy, những gì là hạn chế của Nguyễn Bỉnh Khiêm và thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm để khắc phục; những gì mà Nguyễn Bỉnh Khiêm và thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như danh nhân và những thời đại kế tiếp chưa tập thành để xác định rõ trách nhiệm của chúng ta hiện nay.
CÓ HAI NGUYỄN BỈNH KHIÊM…
Theo tôi hiểu, ít nhất chúng ta đã có tới hai Nguyễn Bỉnh Khiêm: Một Nguyễn Bỉnh Khiêm –đời thường và một Nguyễn Bỉnh Khiêm –huyền thoại.
Huyền thoại thì hoặc là không có thật hoặc là cái thật đã được huyền hoá nghĩa là được cường điệu, tô đậm phóng đại theo ý chí, ước vọng của người đời. Với huyền thoại, cái mơ cao hơn cái thật, niềm hi vọng và lòng sùng tín trùm lên nhân vật và sự kiện. Tất cả trở thành thần tượng, tuyệt vời thiêng liêng và khả kính. Ở đó chỉ còn là sùng tín và hy vọng. Nguyễn Bỉnh Khiêm-huyền thoại là một Nguyễn Bỉnh Khiêm đạo cao đức trọng, giỏi thi ca và có tài tiên tri, một con người siêu việt (vượt cao hơn cả mọi thứ vua chúa đương thời), sống vĩnh hằng trong tâm thức của muôn người. Bàn về Nguyễn Bỉnh Khiêm-huyền thoại là chuyện cực khó, vì đó là một hiện tượng đã định hình được khẳng nhận và nhất thành bất biến, khôn thể thêm bớt gì nữa.
Tôi thành kính nghiêng mình trước nguyễn Bỉnh Khiêm-huyền thoại, một hiện tượng thuộc về tâm thức dân tộc và với một ý nghĩa nào đó, đây cũng là một hiện tượng văn hoá dân tộc. Nhưng đứng trên giác độ nghiên cứu khoa học, tôi chú ý nhiều hơn, có thể là chủ yếu, đối với một Nguyễn Bỉnh Khiêm-đời thường.
Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm-đời thường, tôi muốn khảo sát (cho dù tài liệu còn chưa đủ), tôi muốn định giá (cho dù chuẩn mực, tiêu chí chưa dễ được số đông chấp nhận) và tôi muốn tút ra những bài học thích đáng, bổ ích cho hôm nay (cho dù khái niệm này chưa phải đã có chung một nhận thức). Nhưng có lẽ điều cần thiết và quan trọng là tôi muốn duyệt lại mấy vấn đề không được quyền tranh cãi nữa vì nó đã nằm trong tâm thức của nhiều thế hệ và đặc biệt là giứo khoa học quyền uy đã khẳng định trên mặt sử sách, báo chí không chỉ dăm ba thập kỷ mà đã dăm ba thế kỷ. Sở dĩ tôi dám liều mạng và sẵn sàng đón mọi búa rìu thị phi vì tôi ý thức được rằng mình đang nghiên cứu một Nguyễn Bỉnh Khiêm-đời thường, một danh nhân văn hoá kiệt xuất của dân tộc vì lợi ích của nghiệp bảo vệ văn hoá dân tộc, vì lợi ích của một cuộc cách mạng và một chế độ mà vài ba thế hệ chúng ta đã đổ mồ hôi và xương máu ra xây dựng nó và hiện tại giữa một thời đại đầy biến cố phi thường, chúng ta lại đang ra sức bảo vệ nó như bảo vệ chính mạng sống của mình. Mấy vấn đề đó là:
1. Vì sao Nguyễn Bỉnh Khiêm lại bỏ ra một nửa sau của đời mình để phụng sự nhà Mạc vốn bị coi là “nguỵ triều”?
2. Phải chăng nhà Mạc đã có những mặt tích cực mà hầu hết các sử gia cổ xưa và hiện đại không nhìn thấy hoặc nhìn thấy mà không chấp nhận, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì lại nhìn thấy và chấp nhận?
3. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người chán đời hay yêu đời là người của nhàn dật hay của hành động?
4. Về mặt thi pháp, Nguyễn Bỉnh Khiêm có gì hay, có gì dở, có gì hơn, có gì kém so với người đương thời?
5. Trong lịch sử phát triển văn hoá dân tộc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những thành tựu gì đóng góp vào sự phát triển và cả vào sự ngưng trệ của ý thức hệ dân tộc?
Nghiên cứu tiểu sử Nguyễn Bỉnh Khiêm tôi thấy có mấy điểm hết sức lý thú:
1. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn nhà Mạc để phụng sự và đã toàn tâm, toàn ý phụng sự nhà Mạc.
Khi nhà Mạc giành ngôi của nhà Lê thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ở tuổi ba mươi bảy (1491-1527). Và khi vua cha Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho vua con là Mạc Đăng Doanh thì Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa tròn bốn mươi tuổi, nghĩa là đúng vào cái tuổi “tứ thập bất hoặc”. Quan sát và ngẫm nghĩ về thời cuộc tám năm liền, (từ 1527-1534) ông quyết định vác lều chõng đi thi và sau khi đã đỗ rất cao (Trạng nguyên) ông làm quan với triều Mạc Đăng Doanh, rồi tiếp theo là các triều Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp-Ngoài những đợt nghỉ ngắn hạn, ông chỉ chính thức ‘huyền xạ” (về trí sĩ) vào năm đã ở tuổi bảy mươi ba:
Điểm kiểm hành niên thất thập tam
Huyền xa sai văn dã ưng tàm
(Đếm tuổi mình đã bảy mươi ba
Treo xe hơi muộn, cũng nên thẹn.)
Ông còn ân hận vì sức yếu rồi nên không giúp rập nhà vua được nữa:
Trì khu tự hữa ta vô lực
Vinh tiện hà cầu khởi thị tham
(Vốn tự thẹn đua bay với người, than ôi không đủ sức.
Không cầu sang hèn đâu phải là tham).
(Về hưu gởi cho quan Thượng thư Bộ Lại Kế Khê Bá Giáp Hải)
Trong khảng ba mươi năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hết lòng phò bốn triều Mạc-Hành trạng của ông, thơ văn của ông và cả bạn đồng liêu của ông đã minh định điều đó. Và phải lý giải sao cho thoả đáng khi ông được phong tặng rất nhanh những chức tước quan trọng dưới triều các vua Mạc?
Lý giải sao cho thấu tình đạt lý về hơn hai chục bài thơ nói về việc hộ giá nhà vua đi đánh giặc và không phải chỉ một lần? (Chỉ cần đọc kỹ bốn bài viết về chuyện “Hộ giá…”và sáu bài “Qua sôn Hữu…” cũng đủ hiểu cảm hứng và lòng chân thực của ông. Và tôi nhất hoàn toàn với Ngô Đăng Lợi rằng không thể coi lời khen tặng của Lại bộ Thượng Thư Kế Khê Bá Giáp hải đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm là “lời nói vu vơ không căn cứ”.
“Danh quán no gia lôi phấn địa
Lực phù nhật cốc tụ kình thiên
Tứ triều huân nghiệp nhân trung kiệt
Cửu lão quang nghi thế thượng tiên”
(Tiếng tăm ông lừng lẫy làng nho như sấm rền mặt đất
Năng lực của ông phò vua như cột chống đỡ trời.
Huân nghiệp trải bốn triều, ông là tài năng kiệt xuất giữa cõi người
Dung nghi rực rỡ của tuổi chín mươi, ông khác gì vị tiên nơi trần thế)
Điểm qua vài nét như vậy đủ thấy, thật đáng nghi ngờ những ý kiến đoán định, su diễn (mà hầu hết đều sao chép từ Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề) rằng: Nguyễn Bỉnh Khiêm nghe lời khuyên của bạn hữu hoặc “Ôn ở cái thế ra không được” (Bùi Duy Tân). Rõ ràng tuổi tác, hành trạng và tác phẩm của ông đã chứn minh rằng ông đi thi ở tuổi bốn mươi tư và làm quan với nhà Mạc cho đến tận năm bảy mươi ba là hoàn toàn tự nguyện, chẳng có chứng cứ nào nói lên rằng ông miễn cưỡng hay bị bó buộc.
Việc ông không sớm ra thi để làm quan với nhà Lê cũng là việc dễ hiểu: Ông không thể đem tài năng ra phụng sự cái loại “vua quỷ Lê Uy Mục” và “vua lợn Lê Tương Dực”. Ngay sau khi nhà Mạc đã giành ngôi vua của nhà Lê, ông cũng chẳng vôi vã gì: quan sát và suy ngẫm tám năm ròng, ông mới quyết định ra thi và làm quan với nhà Mạc. Cân nhắc tính toán thận trọng nhường đó mà các vị nghiên cứu vẫn không chấp nhận. Trong khi đó các vị vẫn không ngớt lời ca tụng ông là tài giỏi, có bản lĩnh vững chắc, có tài tiên tri, tiên giác. Đặc biệt Vũ Phương Đề lại khẳng định một cách võ đoán và cực kỳ tự mâu thuẫn: “Sở dĩ có bài thơ trên, vì ông biết rõ nhà Lê sẽ được trung hưng (…) (…). Quả nhiên về sau nhà Lê Trung Hưng, bốn phương trở lại yên tĩnh, bấy giờ bạn hữu đều khuyên ông ra làm quan, đến năm bốn mươi tư tuổi ông mới chịu ra ứng thí, khoa thi hương ấy ông được đỗ đầu, rồi năm sau tức năm thứ sáu đời nhà Mạc (1535), lại tỉnh thi được đỗ thứ nhất, khi vào thi đình đối lại đỗ Tiến sĩ đệ nhất danh, được bổ chức Đông Các Hiệu Thư trong thời Thái Tông nhà Mạc, ông có làm hai bài thơ “Xuân thiên ngự tửu” “đều dự hạng ưu, rồi thăng chức Hữu Thị Lang Bộ Hình, sau thời gian ngắn lại thăng chức Tả Thị Lang kiêm chức Đông Các Đại Học Sĩ” (Côn Dư Tiệp Ký, tr 400).
Tiên tri rằnh nhà Lê sẽ trung hưng mà lại ra làm quan với nhà Mạc, làm một cách tận tuỵ để được thăng hết chức này đến tước khác và đến cực phẩm triều đình: Lại Bộ Thượng Thư Thái phó Trình Quốc Công.
Quả thật là không hiểu nổi! Càng khó hiểu hơn khi thấy rất nhiều người đều tin cả Vũ Phương Đề. Tôi không ngạc nhiên và phàn nàn gì nhiều lắm về các nhà nghiên cứu hiện đại của ta về Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đáng ngạc nhiên là một trí tuệ lớn như Phan Huy Chú mà vẫn nhẹ dạ sao chép lại Vũ Phương Đề. Nếu tôi không nhầm thì người thận trọng nhất là Lê Quý Đôn, trong Lê Triều Thông sử, ông không chép Nguyễn Bỉnh Khiêm vào chư thần truyện, cũng chẳng chép vào Nghịch thần truyện. Ông lờ đi, thật rất đáng tiếc! Do đó mọi điều hiểu sai, hiểu nhầm về Nguyễn Bỉnh Khiêm hầu như đều xuất phát từ bản phả ký của Vũ Phương Đề.
Về tinh thần tự nguyện phục vụ nhà Mạc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn có hàng loạt chứng cứ để xác minh. Chính Vũ Phương Đề đã ghi nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm-đời thường của chúng ta có tất cả ba bà vợ. Ba bà này đã sinh hạ mười hai người con gồm có bảy trai, năm gái. Trong số bảy trai thì có tới sáu người thành đạt và đều làm quan với nhà Mạc, lập được quân công và được thụ phong những chức tước quan trọng. Nghĩa là không phải riêng ông mà cả nhà ông phục vụ nhà Mạc.
Đáng chú ý hơn nữa là Nguyễn Bỉnh Khiêm có một loạt bạn thân trước kia từn làm quan với nhà Lê sau lại ra làm quan với nhà Mạc như: Lễ Độ Bá Vũ Cán, Văn Đạt Bá Nguyễn Mậu v.v.. Sau này ông vẫn thân thiết và cùng xướng hoạ với những người bạn này. Ngay cha con Trạng nguyên Nguyễn Thiến, trọng thần nhà Mạc-sau bỏ theo Lê Trịnh, ông cũng chẳng hề cắt đứt tình thân.
Theo tôi, phải chăng sau này các sử gia và các nhà nghiên cứu sứ nhìn theo con mắt của Tống Nho Nguyễn triều hoặc Hậu lê triều nên mới trở nên khe khắt. Còn vào thế kỷ mười sáu, mười bảy việc chạy sang phía bên này hay phía bên kia cũng chẳng có gì lấy làm điều. Chẳng có điều gì đến nỗi day dứt quá đáng. Cứ xem như danh tướng Nguyễn Quyện chức đến Thái bảo, tước đến Thạch quận công mấy lần chạy qua chạy lại giữa Mạc và Lê-Trịnh là đủ biết. Hồi Lê Thái tổ lại càng rộng rãi: “Những bậc hào kiệt có tài văn võ, mà còn bỏ sót chưa tiến cử, hoặc bị thù hằn, kìm hãm, hãy tới ngay Sở Thiếu Phó Lê Văn Linh, tại đây sẽ xét thực về tài đức, sẽ tâu trình bổ dụng. Chỉ cốt được người có tài đức, chứ không câu nệ sự đã ra làm quan với nhà Minh, hoặc kẻ sĩ thường”. (Đại Việt Thông sử tr 82). Sau này Quan Trung cũng rộng rãi như thế.
Có lẽ đây là một vấn đề khá thú vị đáng cho các nhà sử học và các nhà tâm lý học quan tâm nghiên cứu.
2. Nguyễn Bỉnh Khiêm coi việc đánh giặc để giúp các vua Mạc và cứu dân là đại nghĩa.
Mấy nhà nghiên cứu của ta hay gán cho Nguyễn Bỉnh Khiêm những tư tưởng mà ông không có. Ông Bùi Duy Tân viết: “Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có thái độ gay gắt trong phê phán chiến tranh phong kiến cát cứ (…)Trong hoàn cảnh ấy, có lẽ trong thâm tâm ông nghĩ rằng: nếu cách ly các tập đoàn phong kiến ra xa nhau, để mỗi tập đoàn ổn định ở một nơi, thì chiến tranh tuy chưa thể dập tắt ngay, cũng có thể hy vọng giảm thiểu được phần nào”. (Văn học Việt Nam tr 131).
Ông Đinh Gia Khánh cũng diễn một ý tương tự: “Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm trước sau vẫn phê phán nạn cát cứ và chiến tranh phong kiến kia mà! Vậy có lẽ cần giải thích bằng lý do khác nhau. Rất có thể là Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy rằng các tập đoàn phong kiến đánh nhau mãi mà chưa tập đoàn nào chịu tập đoàn nào, cho nên đã giảm nhẹ sự đối địch, giảm nhẹ xung đột bằng cách tạm thời tách các tập đoàn ra, mỗi tập đoàn ở một góc và ở xa nhau như thế, thì chúng đỡ đánh nhau”. (Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm tr 11).
Thế là cả hai ông đều mang huyền thoại trộn lẫn với hiện thực rồi đặt giả thiết và giả thiết theo kiểu đó thực vô cùng tai hại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rồi các ông lại cố vớt vát bênh vực bào chữa cho Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thế là Nguyễn Bỉnh Khiêm đã làm một việc với động cơ tốt, nhưng biện pháp thì tiêu cực và hậu quả thì lại nghiêm trọng. Việc làm của ông chứa chất mâu thuẫn nan giải, mâu thuẫn có nguồn gốc từ sự lẩn quẩn, bế tắc của chế độ phong kiến mà ông không thể vượt qua được” (Bùi Duy Tân). Còn ông Đinh Gia Khánh thì coi: “Đó là mâu thuẫn trong việc làm của Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
Thực ra đó không phải là mâu thuẫn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó chính là mâu thuẫn trong tư duy nghiên cứu của các ông. Chỉ khi nào người nghiên cứu dựa trên chứng cứ hiện thực, chú ý đén quá trình phát triển biện chứng của sự vật, và tránh được lối tư duy định kiến, tiên nghiệm thì mới hy vọng khỏi mắc sai lầm.
Một hệ thống luận cứ hiện thực và lịch sử chứng minh rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề có những mâu thuẫn kiểu đó. Ông không hề đứng trên các tập đoàn phong kiến mà dứt khoát đứng về một phía: tập đoàn nhà Mạc. Ông không hề phản đối chiến tranh chung chung mà phản đối những kẻ gây ra chiến tranh chống vua Mạc.
Nghịch tặc xương cuồng phạm đế kinh
Chủ ưu thần nhục trọng thường tình.
Cảm hứng thi (tam)
(Lũ giặc ngang ngược điên khùng phạm cả vào kinh đô
Chúa lo thì tôi nhục, đáng thương tình xiết bao!)
Thiêm tâm như bất dung gian nguy
Ưng vị vương sự trợ nhất kỳ
Quá Hữu Giang (Nhị)
(Lòng trời nếu chẳng dung tha kẻ gian nguy
Thì hãy một phen trợ sức cho quân nhà vua)
Rõ ràng “nghịch tặc”, “gian nguy” và tất cả những chữ “tặc” khác trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỉ tập đoàn Lê-Trịnh, còn các từ “chủ”, “vương sư” hoặc “cửu trùng”, “thánh chủ”, “đại giá” v.v.. là dùng để chỉ vua Mạc.
Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm những kẻ chống lại vua Mạc là gian là nguỵ. Nguyễn Bỉnh Khiêm theo vua Mạc đánh dẹp bọn gian nguỵ để cứu nhân dân thoát cảnh bị “treo ngược”:
Đại giá tây tuần trú thử sơn
Nhất phương sĩ nữ vọng an toàn
Đảo huyền dân cửu ly hung đạo
Trắc đát thuỳ vô xúc thiện đoan
(Tây hộ quá Lục Yên Châu)
(Xa giá lớn đi tuần miền Tây, đóng quân ở núi này khắp vùng trai gái đều trông mong được sống yên ổn lâu nay dân sa vào tay bọn trôm cướp hung dữ như kẻ bị treo ngược không ai là không động lòng từ thiện, tỏ tình thương xót)
(Hộ giá đi miền Tây qua châu Lục Yên)
Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân và một số vị nghiên cứu khác cứ cho rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm mấy lần đi ‘tòng nhung” là do “bị vua Mạc ép đi theo quân”. Có lẽ một phần do các vị hiểu nhầm nghĩa từ “cưỡng” trong “cưỡng tòng nhung”, “cưỡng trí tòng nhung”, “cưỡng truy tuỳ”…
Từ “cưỡng” có ba nghĩa: 1. Không chịu khuất (résister, contrarier) 2. Gắng sức (s’efforcer) 3. Ép buộc (forcer, obliger, contraindre).
Vì hiểu nhầm nên ông Đinh Gia Khánh và ông Hữu Thế mới dịch thành “gắng gượng”:
“Tuổi quá sáu chục, gắng gượng theo quân”
(Niên du lục thập cưỡng tòng nhung)
Gượng dấn mình dự cuộc viễn chinh
(Cưỡng trí tòng nhung tán viễn chinh)
Chỉ có ông Lỗ Công hiểu đúng và dịch đúng:
Tuổi già gắng gượng việc binh nhung
Giết giặc mong vì nước dốc trung
(Lão lai tương dữ cưỡng tòng nhung
Diệt tặc do hoài báo quốc trung)
Và ông Hữu Thế cũng có một lần dịch đúng:
Già si độn, gặp thời loạn lạc
Gắng theo quân bàn bạc mưu cơ.
(Lão độn trùng phùng thử loạn ly
Dự tham nhung mạc cưỡng truy tuỳ)
Cũng nên lưu ý “cưỡng” có thể dùng làm ngoại động từ (verbe tránitif) cũng có thể dùng làm nội động từ (verbe intransitif). Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm hầu hết từ “cưỡng” được dùng làm nội động từ. Do đó chủ ngữ ẩn trong các dòng thơ này không thể là vua Mạc mà chính là một đại từ phản thân (pronom réfléchi) chỉ tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dịch là “gắng sức” hay “gắng gỏi” mới chính xác và mới đảm bảo được sự nhất quán của nội dung tác phẩm. Vì thực tế Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ bị ép buộc và ông chưa bao giờ nói rằng mình bị ép buộc. Ông cho việc “tòng nhung” giết giặc là trách nhiệm của mình đối với vua, với dân.
Ông hành động vì muốn báo đền ơn nước:
“Diệt tặc do hoài báo quốc trung”
Vì muốn cho nhân dân sống yên vui:
“Đồ thân dân giai nhẫm tịch tê”
(Dân lầm than khổ cực đều được nằm trên nệm chiếu yên ổn).
Ông hành động vì nghĩa:
“Trì khu mị đạn hiệu vi cung
Sinh bình chí nghĩa quan hoài thiết”
(Ruổi rong chẳng quản thân hèn.
Tấm lòng chí nghĩa vững bền sắt son)
Hơn nữa, vì muốn làm sáng đại nghĩa:
“Vị quốc tồn cô minh đại nghĩa
Chỉ kỳ diệt tặc phục thần châu”
(Vì nước bảo toàn ấu chúa, nêu rõ nhĩa lớn
Định thời hạn giết giặc, khôi phục kinh đô)
3. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài thao lược:
Theo Đinh Gia Khánh thì việc ông “bị vua Mạc ép đi theo quân. Có lẽ vì vua Mạc muốn dùng uy vọng của ông để tăng thanh thế cho mình, cứ chưa có chứng cớ gì về tài thao lược điều binh khiển tướng của Nguyễn Bỉnh Khiêm cả”( tr15). Ông cũng nhấn mạnh cái ý “Cũng vì các vua Mạc kế tiếp nhau tìm cách sử dụng Nguyễn Bỉnh Khiêm cho nên lại có cớ để luôn luôn thăng chức cho ông (…). Vua Mạc trọng thị Nguyễn Bỉnh Khiêm thì một phần có thể là thực lòng (tôi gạch dưới-TK) mà cũng vì muốm lợi dụng uy vong của ông” (tôi gạch dưới-TK)
Cái chuyện “ép đi theo quân” rõ ràng là không hề có đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn chuyện “lợi dụng uy vong của ông” cũng cần được xem lại. Nhưng cái chuyện “có lẽ”, “có thể là” mà cứ được nhấn đi nhấn lại dưới ngòi bút có uy vọng như ngòi bút của ông Đinh Gia Khánh quả thật là điều khá gây cấn cho những thế hệ sau.
Theo những chứng cứ mà tôi thu lượm được trong thư tịch xưa trên những văn bản đáng tin cậy thì không hề có cái chuyện vua Mạc mang theo đi trong hàng quân của mình một ông già đầy uy vọng nhưng lại thiếu “thiếu tài thao lược”. Trước hết phải nói rõ ràng nhà Mạc không hề thiếu những người có tài thao lược, chuyện này tôi sẽ đưa đủ chứng cứ trong phần bàn về nhà Mạc.
Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm thiếu tài thao lược hoặc không lập nên công trạng gì đáng kể hẳn vua Mạc không cần phong tặng ông những chức tước quan trọng như thế. Cũng không nên quá tin vào lối nói khiêm nhường của ông mà tưởng thật rằng ông thiếu tài cán hoặc sự đóng góp mưu kế của ông là không đáng kể:
“Đã hai dạo, già yếu theo quân đến phía sông miền tây…
Bỗng nghe đồn luỹ giặc bị quét sạch không
Mưu kế vạn toàn ở chốn miếu đường là tài lực của chư tướng
Thư sinh này sao dám nói đến công lao.”
(Thơ chứ Hán: Qua sông Hữu (bài sáu).
Có một lần, vua mạc Phúc Nguyên ở vào tình thế nguy cấp, ong đã hiến kế và làm chuyển biến được tình hình. Chiến công lừng lẫy này, sử gia Ngô Sĩ Liên ghi chép rất sơ sài, không hề nói rõ tại sao quân Lê-Trịnh đang thắng lớn, ở vùng Kinh Bắc và trên nhiều vùng khác, thế mà đột nhiên Trịnh Kiểm hốt hoảng vội vã rút quân về Thanh Hoa. Đây là một kế sách rất lớn giúp vua Mạc chuyển bại thành thắng, bảo toàn được đất đai và kinh đô. Trong Công Dư Tiệp Ký, Vũ Phương Đề ghi rất sơ lược. Sau khi thuật khá chi tiết về công lao và mưu trí của Nguyễn Bỉnh Khiêm giúp vua Mạc dụ hàng được Nguyễn Quyện, Vũ Phương Đề viết “Trong thời gian ấy, đức Thế Tổ đã dấy nghĩa binh, thanh thế vang khắp xa gần, đánh nhau mấy trận ở cửa Thần Phù, Khiêm vương Mạc Kính Điển đại bại. Thế Tổ thừa cơ tiến binh theo đường núi phía Tây ra đánh Kinh Bắc, khiến cho trong ngoài nơm nớp lo sợ, ông hiến kế hư thực, họ Mạc theo đó thi hành, bấy giờ trong cõi mới tạm ổn định” (tr 403).
Chỉ có Lê Quý Đôn là ghi khá cụ thể, tỉ mỉ:
“Tháng ba năm Cảnh Trị thứ 4 (1561), có người hiến kế với Phúc Nguyên rằng:
“Quân nhà Lê xâm lấn ta rất gắt! Ta sở dĩ kiên thành cố thủ, để cầm cự lâu dài, là có ý muốn chờ họ thiếu lương sẽ bị bại. Nhưng hiện nay đường vận tải của họ rất thuận tiện, tiếp tế lương thảo liên tiếp đầy đủ, họ hoàn thành đã hai năm nay, thanh thế rất mạnh. Thì còn chờ đến lúc nào mới thừa cơ đánh phá? Chi bằng dùng cách xuất kỳ bất ý, ngầm dẫn quân tiến thẳng, vào Thanh Hoa, đánh ngay vào nơi tâm phúc, thì đạo quân vây ở Kinh Bắc và Hải Dương, ta không cần đánh sẽ tự giải. Đó là cái kế “đánh nước Nguỵ để cứu nước Hàn” của Tôn Tử vậy.
Phúc Nguyên nghe theo lời trên, bèn sai viên tướng khác thay Kính Điển trấn thủ Kinh Bắc, rồi ngầm với Kính Điển về Kinh Sư.
Tháng 7, Kính Điển dùng chiến thuyền vào cướp Thanh Hoa, đánh vào các cửa biển. Các tướng trấn thủ của biển là Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh không phòng bị, trong khi hoảng hốt, vội lui quân về giữ Vạn Lại. Thái sư được tin trên, bèn gấp rút truyền lệnh cho Hoàng Đình Ái dẫn quân về trấn thủ Thanh Hoa (…). Thái sư cũng triệt hết quân ở các doanh lui về Thanh Hoa” (Đại Việt thông sử, tr 310, tờ 233b và 234a).
Ghi chép cụ thể, tỉ mỉ và tương đối khách quan là tác phong rất đáng quý của Lê Quý Đôn khi viết Đại Việt Thông Sử, Kiến Văn Tiểu Lục cũng như nhiều sách khác của ông. Nhưng ở đoạn văn trên lại có một chi tiết không cụ thể (có thể nói đây là hiện tượng hiếm thấy vào loại số 1 ở Lê Quý Đôn), đó là chi tiết: “Có người hiến kế với Phúc Nguyên”.
“Người hiến kế này là ai?Hiến kế với vua và lại được nhà vua “nghe theo” hẳn không thể là người ít danh vọng và uy tín. Đọc suốt Đại Việt Thông Sử cũng như Kiến Văn Tiểu Lục, người ta dễ nhận thấy dưới các triều Mạc nhất là Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp, có rất nhiều triều thần hiến kế sách trị nước và giữ nước cho nhà vua. Nhưng dù người hiến kế có nhiều hay ít uy vọng, dù được nhà vua nghe theo hay không nghe theo, Lê Quý Đôn cũng ghi chép rất cụ thể nội dung kế sách và hị tên kèm theo chức tước của người hiến kế. Có thể nói trường hợp này là rất ngoại lệ, rất đặc biệt. Cũng như việc Lê Quý Đôn ghi đủ loại như chư thần và nghịch thần, và trong Kiến Văn Tiểu Lục, mục Tài phẩm (tài năng và phẩm hạnh), ông ghi mấy chục danh nhân kể cả một số người đã làm quan với “nguỵ Mạc” như Lễ bộ thượng thư Hà Nhậm Đại, nhưng tài năng, phẩm hạnh, hành trạng… của Lại Bộ Thượng thư Thái phó Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thì ông không ghi chép. (Có những nhân vật ít nổi tiếng như Lê Bá Ly mà Lê Quý Đôn ghi về tài năng phẩm hạnh 2 trang dầy đặc tới hơn 500 chữ, một só nhân vật khác cũng còn được một vài trăm chữ. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm thì không được ghi tiểu truyện). Lê Quý Đôn chỉ ghi về Nguyễn Bỉnh Khiêm rất sơ sài: Một lần ghi về thi đỗ, một lần ghi về “trí sĩ”, một lần ghi về “tên tác phẩm”. Thế thôi! À, có thêm một lần ông ghi ý kiến của Chu Xán về Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hồi đầu niên hiệu Khang Hy, nà Thanh sai Minh Đồ và Chu Xán sang nước ta sách phong, lúc ấy là năm Chính Hoà thứ tư (1683). Xán có tiếng hay thơ. Ông ta chép nhữn thơ đề vịnh núi sông và bè bạn tặng đáp vừa thất ngôn, vừa tứ tuyệt 48 bài, nan đề là Sứ Giao ngâm. Khi về dâng lên triều đình. Trong các bài thơ ấy có câu rằng: “Y quan văn vật trọng Nam cương”, lại tự chua rằng: “Nhân vật nước này, về phần lý học có, Trình Truyền, Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cảo và Hồ Sĩ Dương; về phần kinh tế có Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi và Lương Thế Vinh, còn về phần văn học có khá nhiều”. Như thế thì tiếng tăm tiền bối nước ta vang đến Trung Quốc đã lâu. Lại lúc ấy, triều thần có Nguyễn Đình Trụ, Trần Thọ, Tống Nho và Vũ Duy Khương phung mệnh đón tiếp. Nguyễn Công Vọng, Lê Hi, Nguyễn Đình Cổ và Hoàng Công Điền tiếp đãi ở sứ quán, Nguyễn Trạc Dụng và Nguyễn Công Nho sung vào việc hộ tống, đều có thơ tặng, vừa thất ngôn, vừa tứ tuyệt gồm 34 bài. Chu Xán đều chép thành tập nhan đề Nam giao hảo âm, phụ vào với tập trước, đều khắc vào ván gỗ phát hành. Như thế cũng đủ rõ Văn hiến nước ta được Trung Quốc quý trọng” (Kiến Văn tiểu lục tr 284-285).
Các nhân vật tiền bối có tiếng tăm mà Chu Xán đã kể đến, Lê Quý Đôn đều có ghi chép tiểu sử và bình luận, Riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm thì không! Tôi ghi nhận mấy hiện tượng rất lạ này để các nhà nghiên cứu của ta xem xét thêm vào cho ý kiến.
Nhân đây, tôi cũng xin phép đính chính vài điều đã được truyền ngoa quá lâu quanh huyền thoại và truyền thuyết Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cái câu “An Nam lý học hữu Trình Truyền!” trong Công Dư tiệp ký rõ ràng không phải nguyên văn của Chu Xán, mà là lời của Vũ Phương Đề. Vũ Phương Đề đã cắt xén lời chua của Chu Xán và gây ra sự hiểu lầm không nhỏ. Còn câu “Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản” mà ông Bùi Duy Tân và một số nhà nghiên cứu khác ghi là lời của Trạng Trình cũng không phải. Đó là lời văn suy đoán của Vũ Phương Đề ghi trong Công dư tiệp ký:
“Năm Thuận Bình thứ 8 (1556), Lê Trung Tông mất, không có hoàng nam nối ngôi. Thế Tổ do dự không biết lập ai, hỏi Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan cũng không quyết địn nổi, nên mới phải sai gia nhân ngầm đem lễ vật về tận Hải Dương để hỏi. Ông không trả lời mà chỉ quay lại mà bảo với các gia nhân rằng: “Vụ lúa này không được mấy. chỉ tại thóc giống không tốt, vậy các ngươi phải đi tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói xong, ông lại lên xe ra chùa sai các chú tiểu quét dọn, đốt hương, ngoài ra không hề đả động đến chuyện khác, bởi vì ông đã hơi tỏ cho biết cái thâm ý là “cứ thờ Phật thì được ăn oản” (tr 405).
Lại còn câu vẫn truyền miệng là lời của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói bóng gió với sứ giả của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ũng cứ phiên âm sai đi. Chỉ có ông Nguyễn Quân phiên đúng: “Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”. Vũ Phương Đề chép là “Khả dĩ”, sau sang sách khác thì thành “vạn đại”. Theo tôi, truyền khẩu thì thế nào cũng được nhưng đã chép vào sách giáo khoa, giáo trình để dạy các cháu học sinh trung học hay đại học thì phải hết sức thận trọng, chính xác. Cổ nhân rất kỵ cái lối “dĩ ngoa truyền ngoa”.
Ông cũng có những mâu thuẫn nội tâm rất lạ. Chính ông đã thông gia với Phạm Quỳnh, một người xuất thân từ lái buôn chè, sau làm đến Tiết chế Đông đạo, đại diện cho tập đoàn doanh thương tại triều Mạc Phúc Nguyên (con trai Phạm Quỳnh là Phạm Dao làm Trấn thủ xứ Sơn Nam tức con rể ông, trở thành một lộng thần trong triều đình). Cũng chính ông lại khinh ghét giới thương nhân và miệt thị đồng tiền, tìm cách xa lánh đời sống đô thị.
Tất nhiên, không thể đòi hỏi một người xuất thân từ cửa Khổng như ông lại phải chấp nhận mặt tích cực của đồng tiền và giới thương nhân. Ngay những người thông tuệ đến sau ông hàng mấy thế kỷ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương…, và ngay cả những tác gia hiện đại mà gần kề chúng ta nhất như Lưu Quang Vũ còn chẳng thấy rõ, huống chi ông? Giới trí thức dù xuất thân từ quý tộc hay bình dân mà nằm trong vòng vây của ý thức hệ tiểu nông thì không thể tránh khỏi thái độ thù ghét đồng tiền và sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá. Họ không sao chịu nổi sức san phẳng tàn nhẫn của đồng tiền và sự đảo lộn bảng giá giá trị xã hội; họ càng không chịu đựng nổi thói nhố nhăng hãnh tiến của giới thương nhân ít học hoặc vô học nhưng lại có quá nhiều tiền bạc, thường biểu lộ thái độ thô bạo đối với những giá trị cổ truyền.
Điều thú vị là Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân từ cửa Khổng, ông đi ngang qua sân nhà Lão Tử, rồi đứng lại trước cửa Thiền, suy ngẫm về giáo lý và đạo lý; cuối cùng ông đã trở về với đồng ruộng và lũy tre xanh của làng quê Việt Nam, hay nói cách khác đi, ông đã trở về với dân tộc. Suốt đời ông, ông đã sống như mình cần sống và đã hành động như mình cần hành động.
Ông đã từng rèn luyện và trang bị cho mình một học vấn uyên bác, một tài năng kiệt xuất. Chưa gặp thời, ông ẩn mình chờ đợi. Gặp thời, ông dốc lòng, dốc sức phò vua, giúp nước, cứu dân. Ông nhìn ngắm cảnh đẹp của đất nước, suy tư về nhân tình thế thái và đạo lý làm người rồi diễn đạt thành thơ ca bằng một ngôn ngữ tươi đẹp trong sáng, giản dị, bằng một nhịp điệu khi hào hùng khi êm ái của một tâm hồn Việt Nam thanh thản yêu con người, yêu đất trời và yêu tự do. Cảm xúc của ông lúc lâng lâng phấn chấn, lúc chua chát u buồn nhưng bao giờ cũng trĩu nặng tình người; tư duy của ông sâu sắc nhưng có phần khép kín và bế tắc. Tất cả ở ông đều đạt tới đỉnh cao của thời đại và toả rạng vào tương lai. Nhưng dẫu sao, như nhiều danh nhân khác của dân tộc, ông cũng bị mắc nghẽn trong vòng vây của phạm trù tư duy tiểu nông, luôn luôn sống bằng kinh nghiệm và không ngừng nuối tiếc quá khứ một đi không bao giờ trở lại. Ông thấu tình nhưng chưa đạt lý, cái lý của một thời kỳ lôn xộn đảo đien ắt phải xảy ra để chuẩn bị cho sự kiến lập một trật tự mới, ổn định và phát triển. Ông đau buồn chứng kiến mọt cách không tự giác, một thời kỳ trở mình và thất bại của dân tộc. Thêm một lần nữa, sau nhà Hồ, tập đoàn quý tộc quan liêu lại đán bại tập đoàn doanh thương. Không thể đòi hỏi ở ông nhiều hơn nữa, vì rất nhiều người trong chúng ta sống sau ông gần 5 thế kỷ vẫn chưa thức nhận một cách đầy đủ rằng: Phàm đã đạt tới đỉnh cao thì tất nhiên phải xuống dốc, “xuống cấp”. Nếu không biết bước qua, nhảy sang được phạm trù tư duy công nghiệp và xây dựng một xã hội công nghiệp (định hướng xã hội chủ nghĩa, tất nhiên!) với một nền kinh tế hàng hoá phát triển thì phải rơi vào cái vòng xoáy trôn ốc đi xuống. Đó là quy luật khắc nghiệt về kinh tế, cũng là quy luật khắc nghiệt về mặt văn hoá, xã hôi.
Điều đáng mừng là, trừ đi những phần hạn chế mà chẳng một ai tránh khỏi, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn là một nhân cách lớn, tiêu biểu cho tinh hoa văn hoá truyền thống của Việt Nam. Tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm tươi đẹp và trong sáng như đất nước và ngôn từ Việt Nam luôn luôn trong sáng và tươi đẹp. Chúng ta biết ơn ông vì ông đã để lại cho đời một bài học lớn: Người trí thức chân chính dẫu gặp khó khăn nguy khốn vẫn phải giữ vững khí tiết và niềm tin, và không quên hành động hết lòng vì đại nghĩa của dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố cơ bản tạo nên mỗi nhân cách văn hoá.
Đối với giới nghiên cứu sử học và giới nghiên cứu văn học, dẫu sao, một vấn đề quan trọng vẫn còn treo đó, đáng được thảo luận, tranh luận:
- Phải chăng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhầm lẫn hoặc hèn nhát khi bỏ ra ba chục năm đời mình và cả sáu con trai của mình toàn tâm toàn ý phục vụ triều Mạc?
- Hay phải chăng nhà Mạc là một vương triều tốt xứng đáng được những người có tài năng và đức độ như cha con Nguyễn Bỉnh Khiêm phụng sự?
… VÀ CÓ HAI NHÀ MẠC!
Sử gia Ngô Sĩ Liên coi nhà Mạc là ‘nguỵ triều” nên không chép riêng thành một kỷ và chỉ gọi mọt cách khinh bỉ là “Mạc thị”. Lê Quý Đôn thì xếp tất cả các vua Mạc vào loại “nghịch thần”. Sử quán triều Nguyễn thì càng khe khắt khỏi bàn. Sử gia Trần Trọng Kim thì mạt sát hết lời:
“Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.
Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người, là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục”(1). Tất nhiên khi chép về sự kiện vua quan nhà Nguyễn lần lượt cắt đất 3 tỉnh miền Đông, rồi 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, rồi đầu hàng và dâng cả đất nước Đại Nam cho xâm lược Pháp, thì sử gia Trần Trọng Kim lại chuyển giọng khác. Sử gia coi đó không phải là chuyện “phản quốc” và “vô liêm sỉ”… mà là chuyện có thể thông cảm được. Vua Tự Đức vẫn là một đấng anh quân đáng kính phục vì dẫu sao ngài vẫn là một ông vua hay chữ và lại rất có hiếu với mẹ ngài.
Khen, chê là thẩm quyền của các sử gia. Điều tôi muốn bàn ở đây là vấn đề sự thật lịch sử. Không cần thiết phải bênh vực cho vua Mạc hay bất cứ thứ vua chúa nào. Nhưng khi thấy sự thật lịch sử, bị bóp méo hoặc xuyên tạc thì cần đính chính.
Về chuyện cắt đất cho nhà Minh, sử gia Ngô Sĩ Liên có ghi 2 lần.
- Lần thứ nhất vào năm 1528: “Đăng Dung sợ nhà Minh đem quân sang hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy Thuận (…)
-Lần thứ hai vào năm Canh Tý (1540) (Mạc Đại Chính năm thứ 11-Minh Gia Tĩnh năm thứ 19): “Mùa đông tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Thế Khanh, Đăng Văn Trị, Nguyễn Tổng, To Văn Tốc, Nguyễn Kinh Té, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh qua Trấn Nam quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây vào cổ, đi chân không đến bò rạp ở Mạc phủ nước Minh, giập đầu quỳ hàng dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai quân dân trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liêu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc, lệ vào Khâm Châu, lại xin ban chính sóc, cho ấn chương và cẩn thận che chở, giữ gìn để đợi ổn định. Lại sai Văn Minh và bọn Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng đến Yên Kinh”(2).
Như thế là Ngô Sĩ Liên ghi chép rằng, Mạc Đăng Dung nộp cho nà Minh 6 động của châu Vĩnh An. Còn Trần Trọng Kim thì lại chép là Mạc Đăng Dung “xin dâng 5 động”: Là động Tê Phù, động Kim Lạc, động Cổ Xung, động Liêu Cát, động La Phù và đất Khâm Châu”(3).
Thế là không rõ căn cứ vào tư liệu văn bản nào mà sử gia Trần Trọng Kim bớt đi một động (An Lương) chép sai tên một động (Cổ Sâm thành Cổ Xung) và đặc biệt là thêm ta một châu (Châu Khâm). Chưa cần phải kiểm tra, khảo cứu gì cũng lập tức thấy ngay sử gia Trần Trọng Kim đã bịa thêm ra cái gọi là “Khâm Châu”. Khâm Châu là đất thuộc Trung Quốc từ trước đời nhà Tống và đến đời Minh, và đến tận ngày nay nó vẫn là đất của Trung Quốc, làm sao Mạc Đăng Dung lại có thể cắt đất dâng nộp phần đất không phải của nước mình?
Về hai châu Quy Thuận cũng thế, học giả Đào Duy Anh đã chứng minh rằng, sử gia Ngô Sĩ Liên nhầm. Đó là hai châu của Trung Quốc.
Đào Duy Anh đã khảo chứng và chú giải như sau: “Minh sử quyển 321 chỉ chép: [cướp ngôi rồi] qua một năm thì [Mạc Đăng Dung] sai sứ sang cống, đến thành Lạng Sơn bị đánh mà trở về” chứ không chép việc Mạc Đăng Dung dâng đất hai châu Quy Thuận để tạ tội. Vả chăng hai châu Quy Thuận thì nhà Tống đã chiếm từ thời nhà Lý nước ta rồi. Hai châu Quy Thuận là châu Quy Hoá và Thuận An. Trung Quốc địa danh đại tự từ điển nói rằng châu Quy Hoá đời Tống trị sở ở tại huyện Nghi Sơn tỉnh Quảng Tây. Nhà Tống đặt châu ấy với đất Vật Dương do Nùng Trí Hội nộp. Châu Thuận An thì nhà Tống đặt ở đất Vật Ác do Nùng Tôn Đản nộp, và các đất Lôi Hoả, Kế Thành, Ôn Nhuận. Hai châu ấy về sau trở thành châu Quy Thuận tỉnh Quảng Tây”(4).
Về chuyện nộp 6 động, học giả Đào Duy Anh cũng nêu rõ: “Minh sử quyển 321 chép: “Năm [Gia Tĩnh] thứ 19… bấy giờ Phương Doanh (tức Đăng Doanh) đã chết, Đăng Dung sai ngay sứ đi xin hàng. Tháng 11 đem cháu là Văn Minh cùng đầu mục bộ hạ 42 người, vào Trấn Nam quan, đầu tù chân đất, bò rạp dập đầu ở trước đàn để dâng biểu hàng. Bá Ôn thay lời chiến xá cho. Lại đến quân môn bò rạp lạy lần nữa để dâng sổ sách về thổ địa quân dân và ban xin chính sóc để làm phiên thần mãi mãi”(5).
Cũng về sự kiện này Lê Quý Đôn lại chép như sau: “Sợ nhà Minh đem quân đánh, Đăng Dung mật sai người hối lộ viên tướng giữ châu Liên là Trương Nhạc. Trương Nhạc yêu cầu xin cắt đất nộp nhà Minh và bỏ đế hiệu.
Viên tham chính nhà Minh là Vạn Đạt, sai bọn Vương Lương Phục đem tờ sức đòi Đăng Dung phải đích thân đến cửa quân, nộp đất dựng mốc; bỏ đến hiệu đã tiếm xưng, và vâng lĩnh lịch, theo đúng ngày tháng của Trung Quốc”(6). Rồi cũng chính Ngô Sĩ Liên lại chép trong tác phẩm của mình như sau:
“Tháng 10 này 20 [1540], bọn Mao Bá Ôn về Yên Kinh tâu nói rằng: Mạc Đăng Dung tự trói mình dâng lễ hàng ở cửa ải, xin tuân theo chính sóc, tước bỏ tiếm hiệu, trả lại đất 4 động đã xâm chiếm, xin nội phụ xưng thần (…)”(tôi gạch dưới-TK)
Như vậy là cần phải khảo chứng cho thật rõ ràng chính xác vấn đề: Mạc Đăng Dung đã nộp bao nhiêu đất: 6 động, 5 động, 4 động? Và việc “trả lại đất 4động đã xâm chiếm” cụ thể là đất nào? đã xâm chiếm hồi nào?
Khi khảo đến sách Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu, tôi càng vô cùng kinh ngạc. Vì theo Nguyễn Văn Siêu thì “Vĩnh An châu chí niên hiệu Hồng Đức triều Lê chỉ có 3 xã, không có động”(?). Phần này tác giả Phương Đình Dư Địa chí khảo cứu khá kỹ và cũng nêu lên một mối ngờ rất lớn, Ông viết:
“Trong Tiền Lê bản kỷ chép: “Mạc Đăng Dung đã cướp ngôi nhà Lê năm thứ 19 niên hiệu Gia Tĩnh triều Minh đem bản tịch 13 đạo Thừa chính tự xin hàng, lại sai nộp 6 động Tư Phù, Kim Lạc, Cổ Sâm, Liêu Cát, An Lương, La Phù ở châu Vĩnh An (An Bang thừa chính tư) thuộc vào châu Khâm”. Trong Lê Đại Hành bản kỷ chép: “dân Triều Dương làm loạn trốn sang tấn Như Tích thuộc châu Khâm nhà Tống- Đến đời Lý Thái Tổ đổi Triều Dương là Vĩnh An Châu-Vĩnh An Châu chí niên hiệu Hồng Đức triều Lê chỉ có 3 xã, Không có động. Khâm châu chí nhà Minh chép phía Tây có 2 tuần kiểm tư là Trấn Như Tích và Phật Đào tiếp giáp với nước Giao Chỉ. Năm thứ 2 niên hiệu Tuyên Đức bị mất vào nước An Nam. Năm thứ 20 niên hiệu Gia Tĩnh lại lấy lại. Thế thì 6 động họ Mạc đem nộp, ngờ là đất Như Tích, Phật Đào ở Khâm Châu, chỉ vì tên gọi thay đổi khác nhau mà thôi”.
Tiếp theo ông lại trình bày tỉ mỉ về địa giới châu Vĩnh An (An Bang thừa chính tư) cũng như địa giới châu Khâm biến động theo các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh, và ông đã đặt giả thiết như sau:
“Sách Nhất thống chí nhà Thanh lại chép: Mấy động Tê Lẫm, Liêu Cát, Cổ Sâm, An Lương, đời Tống mới đặt động trưởng thuộc châu Khâm. Năm thứ hai niên hiệu Tuyên Đức thuộc về nước Giao Chỉ. Năm thứ 19 niên hiệu Gia Tĩnh lại lấy lại. Thế thì hợp với nhà Mạc nộp đất. Nhưng niên hiệu Tuyên Đức đã theo về Giao Chỉ thì Vĩnh An châu chí lúc đầu nhà Lê vì sao không chép, có lẽ nhà Mạc lúc mới xâm lấn kịp khi mang bản tịch xin hàng lại đem đất đã lấn được giả lại vậy”(7) (tôi gạch dưới-TK)
Tôi xin nêu ra những chứng cứ trên và xin được chất chính với các sử gia hiện nay đang nghiên cứu thời kỳ lịch sử này.
Về sự kiện này tôi cũng xin phép có ý kiến như sau: qua khảo chứng tôi thấy sử gia Ngô Sĩ Liên chép sự kiện lịch sử này có phần thiếu chính xác, có một phần chưa đầy đủ. Nhưng dù sao ông cũng có phần thận trọng và không đưa ra lời bàn (ông chỉ đưa lời bàn về sự kiện “cướp ngôi”). Còn sử gia Trần Trọng Kim thì vừa xuyên tạc, vừa buông lời mạt sát nhà Mạc một cách thiếu thận trọng.
Căn cứ vào lời chép của Ngô Sĩ Liên ở Minh sử thì nhà Minh bắt Mạc Đăng Dung “trả đất 4 động đã xâm chiếm” và căn cứ vào khảo chứng của Nguyễn Văn Siêu với kết luận dè dặt của ông rằng “có lẽ nhà Mạc lúc mới xâm lấn kịp thời mang bản tịch xin hàng lại đem đất đã lấn được giả lại vậy”, thiết nghĩ có thể tạm kết luận:
Nếu Mạc Đăng Dung có mắc tội thì không phải là cái tội “cắt đất mà dâng cho người” mà “tội” của Mạc Đăng Dung là đã xâm lấn đất của người, rồi không giữ nổi rồi phải đem nộp trả lại đất đã lấn.
Điều đáng buồn là những luận điệu chép sai ngoa trong sử sách như vậy cứ được truyền thấm vào tim óc hết thế hệ này đến thế hệ khác và đáng sợ hơn nữa nó lại thấm cả vào ngòi bút của mấy nhà biên soạn sử của ta dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Tập thể các sử gia đó đã viết như sau:
“(…) Họ Mạc đã tỏ ra hèn hạ, không kế thừa được truyền thống giữ nước vô cùng oanh liệt của dân tộc. Trước sự đe doạ của nhà Minh, Mạc Đăng Dung đã đầu hàng và đem dâng một phần đất của Tổ quốc cho kẻ thù để mong được rảnh tay đàn áp nhân dân và đối phó với phe phái đối lập trong nước.
Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thanh danh của đất nước, đó là những điều thiêng liêng đối với người Việt Nam từ ngàn xưa, nay bị xúc phạm vì bất lực và hèn nhát của tập đoàn thống trị họ Mạc”(8).
Hiển nhiên là trong khi viết và xét duyệt thông qua những dòng phê phán đầy nhiệt tình yêu nước và đầy sự phẫn nỗ của lý trí như thế, mấy sử gia hiện đại trong biên chế của ta lãng quên mất rằng trong cái “tập đoàn thống trị bất lục và hèn nhát” ấy có cả những người như Tả Thị Lang Hình bộ Khiêm Đông các Đại học sĩ Trình Truyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm vĩ đại và đáng kính của dân tộc ta đó. Mà Trình Truyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuỷ chung không hề coi cái hành động “đem đất đã lấn được trả lại” nhà Minh, cũng không một lời chê trách cái “khổ nhục kế” trá hàng tự buộc dây vào cổ, dập đầu quỳ lạy ở Mạc phủ nước Minh mà dâng biểu xin hàng của vua tôi nhà Mạc.
Chắc chắn rằng lịch sử được nhìn nhận theo quan điểm thực tiễn của dân tộc kết hợp với quan điểm duy vật khoa học của thời đại chúng ta, nếu chưa kịp khen thì cũng không hề chê những hành động ngoại giao nhún nhường, khôn khéo hạ mình trước một đố phương quá mạnh cốt sao giữ yên được bờ cõi và chủ quyền. Chẳng phải chính vua Quang Trung, sau chiến thắng Đống Đa lừng lẫy vẫn phải cứ giả vương sang làm lễ ôm gối Càn Long nhà Thanh chiến bại, để tỏ tình phụ tử?
Chẳng phải chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta vẫn thấy cần hạ mình đến thăm tên tướn Tàu Phù Tiêu Văn để đưa dân tộc thoát cảnh hiểm nghèo vào lúc Việt Nam dân chủ cộng hoà còn trứng nước?
Chẳng lẽ lịch sử đã coi đó là những hành động ngoại giao khôn khéo lại không phải là sự đánh giá công bằng, chính xác?
Rút lại nhà Mạc thường bị lên án về ba tội: cướp ngôi nhà Lê, cắt đất của Tổ quốc dâng cho nhà Minh, đầu hàng nhà Minh một cách nhục nhã. Với quan điểm của chúng ta hiện tại: việc giành lấy ngôi vua từ tay một triều đại, một dòng họ đã suy tàn là hợp quy luật, việc trá hàng nhẫn nhục để giữ yên cõi bờ và bảo toàn chủ quyền là khôn khéo. Còn tội “cắt đất” dâng cho kẻ thù rõ ràng là không có chứng cứ chính xác. Chờ đến khi có nhà nghiên cứu nào đưa ra được chứng cứ lịch sử khác, tôi có thể khẳng định rằng:
“NHÀ MẠC KHÔNG HỀ MẮC TỘI PHẢN QUỐC!”
Đó là chưa kể sử sách của Ngô Sĩ Liên và Lê Quý Đôn đều ghi nhận và khen ngợi một lời di chúc vô cùng đôn hậu và chứa chân tình yêu nước thương dân của một đại thần nhà Mạc là Phò mã Đô uý Thái phó Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn. Trước khi chết, ông đã đưa thư khuyên Mạc Kính Cung rằng:
“Nay nhà Mạc khí vận đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời vậy. Dân là dân vô tội, mà để cho mắc nạn binh đao, sao lại nể thế. Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy lực, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ đánh nhau tất có một con bị thương không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, cốt phải phòng bị cẩn thận là hơn. Lại chớ nên mời người nước Minh vào trong nước ta, để đến nỗi dân ta phải chịu lầm than, đó cũng là tội không gì nặng bằng”(9) (tôi gạch dưới-TK)
Giá như mọi thứ Mạt Trần, Mạt Lê, Mạt Nguyễn… đều biết suy nghĩ như thế! Và chẳng lẽ một lời nói đẹp như vậy không đáng được nhắc lại để con cháu chúng ta ngẫm nghĩ hay sao? Và chẳng lẽ những lời nói đẹp tương tự đã vang lên dưới các triều vua Mạc lại không đáng được đưa vào sách giáo khoa hay sao?!
“(…) Kính xin bệ hạ ban sắc cho triều thần bàn những điều luật thương dân. Lại cần bồi dưỡng gốc nước, cố kết nhân tâm mà không bắt dân mệt, không nên dùng hết sức dân, nên giảm bớt sự phục dịch của dân. Đó là kế sách trị bình vậy” (Trích tờ sớ của Lại bộ Thượng thư Tô Khê hầu Giáp Trưng dâng vua Mạc Mậu Hợp phê phán việc thuế khoá khiến dân không được yên)(10)
Khảo sát, nghiên cứu về nhà Mạc, tôi thấy triều Mạc lúc xuống dốc suy tàn cũng xấu xa chẳng kém bất cứ triều đại phong kiến chính thống nào trong lịch sử dân tộc. Nưng đấng bậc cầm bút trước tôi cũng đã chép và phê phán tới mức thừa dư rồi. Do đó tôi thấy chẳng cần thêm gì nữa. Nhưng còn những mặt tốt đẹp của nhà Mạc? Tất cả hầu như bị lãng quên, hầu như cho rằng không đáng nói đến. Vậy thì tôi thấy cần phải nói, cần phải viết ra. Ít nhất là một cuốn sách. Đố chính là cuốn “Bàn về Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhà Mạc” có độ dày trên dưới 300 trang. Trong phạm vi bài tham luận này tôi chỉ xin phép nên một số luận điểm về triều Mạc mong góp phần thảo luận với giới nghiên cứu văn học ở đất nước ta:
1. Nhà Mạc là một triều đại được nhân dân đương thời công nhận và ủng hộ.
Sử gia Ngô Sĩ Liên dù khinh ghét “nguỵ triều” Mạc vẫn đã khách quan ghi nhận:
“Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào kinh bắt hiếp vua phải nhường ngôi. Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón vào kinh sư”.(ĐVSKTT q4 tr118)
67 năm trị vì ở Đông Kinh cộng với 75 năm tồn tại trên đất Cao Bằng đã xác nhận triều Mạc có một cơ sở xã hội khá vững chắc, đáng được tìm hiểu và nghiên cứu.
2. Nhà Mạc là một triều đại từng tạo ra được một xã hội ổn định, no ấm, có kỷ cương và pháp luật.
Sách Ô Châu Cận Lục có ghi khá cụ thể những cảnh sinh hoạt phồn thịnh của thời kỳ này. Và ngay sử gia Ngô Sĩ Liên và Lê Quý Đôn cũng đã ghi nhận:
“Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài, người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường xá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đất những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng kiểm điểm một lần thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân 4 trấn đều được yên ổn”.
Ngô Sĩ Liên còn ghi thêm hiẹn tượng đường xá không nhặt của rơi, cổng ngoài không cần đóng.
3. Đó là một vương triều có chính sách khuyến khích phát triểt nông nghiệp, thủ công nghiệp thương nghiệp, đặc biệt là ngoại thương.
Việc buôn bán với các nước Nhật Bản, Triều Tiên, các nước Đông Nam Á và bán đảo Tiểu Á được mở rộng. Một số thuyền buôn phương tây cũng đã có mặt. Đường, hồ tiêu, tơ lụa, quế, hồi sa nhân và đồ gốm là các mặt hàng được các nước ưa chuộng.
4. Vương triều Mạc chú ý phát triển giáo dục và đào tạo được nhiều nhân tài kiệt xuất.
Vua Mạc khuyến khích xây dựng trường học, trực tiếp sai một đại thần trông nom việc sửa chữa trường Quốc Tử Giám và đích thân đi thăm nhà Thái học. Trong 67 năm nhà Mạc tổ chức đều đặn 20 kỳ thi Hội, đào tạo được 20 Trạng nguyên và khoảng 456 Tiến sĩ. Có nhiều nhân vật kiệt xuất như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Bùi Vinh, Giáp hải, Giáp Trưng, Nguyễn Năng Nhuận, Đặng Vô Cạnh, Tần Văn Nghi, Hồ Sĩ Khải, Phạm Quỳnh, Phạm Dao, Hà Nâm Đại, Bùi Văn Khuê, Mạc Kính Điển, Dương Văn An, Nguyễn Quang Bật v.v.. Đặc biệt có Nguyễn Thị Duệ, người Chí Linh (Hải Dương) là phụ nữ Việt Nam đầu tiên cải trang nam giới đi thi đỗ Tiến sĩ dưới triều Mạc.
5. Đó là một vương triều trọng chữ nôm, khuyến khích sáng tác văn thơ nôm và tạo ra một thời kỳ văn học Nôm rực rỡ trong lịch sử văn học dân tộc.
Thơ văn Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Hoàng Sĩ Khải, Lê Bá Ly… đã đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử văn học dân tộc Tô Công Phụng Sử và Lâm Truyền Kỳ Ngộ là những truyện thơ Nôm viết theo thể thơ Đường luật có giá trị.
Một bài phú nôm của Bùi Vinh mà được vua Mạc thưởng tới 10 lượng vàng thật là chuyện hiếm thấy trong lịch sử văn học nước nhà. (Với cả một tập Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca mà Lê Ngô Cát chỉ được vua Tự Đức thưởng cho một tấm lụa với hai đồng tiền khiến cho tác giả phải nhếch mép cười khẩy:
Vua khen thằng Cát có tài
Ban cho cái khố với hai đồng tiền.
6. Dưới vương triều Mạc nhiều ngành nghệ thuật phát triển rực rỡ và độc đáo.
Hầu hết các chùa đổ nát đều được trùng tu và các chùa Tây Phương, Phổ Minh đã đánh dấu một nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ khá tài hoa độc đáo. Tượng bà chúa Mạc ở chùa Phổ Minh và các pho tượng La Hán, chùa Tây Phương là những công trình nghệ thuật đậm đà màu sắc dân tộc(11). Đặc biệt là gốm thời Mạc lại ghi khắc cả niên hiệu, nơi sản xuất và tên nghệ nhân. Ghi tên tác giả trên tác phẩm gốm có lẽ là một hiện tượng có một không hai trong lịch sử sáng tác gốm ở cả nước ta và ở cả thế giới. Đó là một hiện tượng cực kỳ độc đáo và lý thú đáng được nhiều ngành khoa học và nghệ thuật quan tâm nghiên cứu.
Dưới thời mạc nghệ thuật kiến trúc lâu dài và thành trì cũng có nhiều vẻ độc đáo không nên bỏ qua.
7. Triều Mạc có nhiều cởi mở về tư tưởng và ngôn luận:
Nghiên cứu mmọt loạt bản sớ tấu và một số cuộc đàm thoại giữa vua và đình thần, một số cuộc tranh luận giữa các đại thần nhà Mạc, tôi thấy dưới triều Mạc có sự cởi mở khá rộng rãi về mặt tư tưởng và ngôn luận.
Đặc biệt có sự phê phán chỉ đích danh từng đại thần. Đáng kinh ngạc là sự phê phán cả nhà vua. Đọc mấy sớ của Lại Bộ Thượng Thư Nghĩa Sơn Bá Trần Văn Nghi cũng tạm hình dung được cái không khí đấu tranh tư tưởng trong triều đình nhà Mạc mạnh mẽ nhường nào:
“Những tờ sớ của các vị đình thần trước sau đã tâu bày, đều nói thẳng những sự sai lầm, có thể như những liều thuốc hay rất đáng cứu xét để tu tỉnh. Bệ hạ đã ban chỉ dụ khen ngợi, mà vẫn chưa thấy mở rộng lượng theo lời can gián (…) Không biết đó có phải do ý định của bệ hạ mà tạo ra tình trạng đó hay là hoặc có kẻ làm mờ ám thông minh, lừa dối bệ hạ chăng?
Những việc như thế rất trái với đường lối trị nước. Cho nên thể thống triều đình ngày càng rối loạn, những lời công luận, ngày càng bế tắc”.
Hàng loạt sớ nói năng thẳng thắn theo kiểu ấy mà lạ thay, vua Mạc không hề hạ lệnh tống giam hoặc giết một ai.
Tóm lại, có thể nói không quá đáng rằng: nhà Mạc là một vương triều chẳng có gì xấu hơn các vương triều khác và nó cũng tốt chẳng kém bất kỳ vương triều chính thống nào trong lịch sử dân tộc. Riêng về những nét độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc thì hầu như ít có vương triều sau này sánh nổi.
Do đó, Nguyễn bỉnh Khiêm cùng 6 con trai ông và rất nhiều nhân tài khác (có một số là cựu thần nhà Lê) tình nguyện và tận tuỵ phung sự vương triều Mạc tưởng chẳng có gì khó hiểu. Tất cả đều đóng góp vào một giai đoạn phát triển của dân tộc về mọi lĩnh vực nhất là lĩnh vực kinh tế và văn hoá. Giai đoạn này tương ứng với giai đoạn phát triển của một số nước ở châu Âu sau đó khoảng nửa thế kỷ. Riêng về sự thất bại của nhà Mạc, tôi sẽ lý giải trong một dịp khác. Chỉ xin nói ngay một điều: đó là sự thất bại nằm trong sự thất bại của tầng lớp thương nhân Việt Nam bắt đầu tính từ thời nhà Hồ, qua nhà Mạc, nhà Tây Sơn, cho đến tận nhà Nguyễn với cuộc đàn áp khốc liệt, đẫm máu của Minh Mệnh đối với cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi trên đất Gia Định vốn có một nền kinh tế hàng hoá phát triển từ ngót ba thế kỷ qua. Sự thắng thế của các tập đoàn quý tộc quan liêu và ý thức hệ tiểu nông đã nhiều phen cản trở sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá, đồng thời tạo ra những thảm hoạ cho đất nước và dân tộc.
Ngẫm như thế, càng thấy thấm thía cái ý nghĩa của chủ trương đẩy mạnh sự phát triển nền kinh tế hàng hoá và mở rộng giao lưu kinh tế và văn hoá với thế giới của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Đường lối, chủ trương đã đúng, nếu lại kèm theo việc sử dụng đúng nhân tài và biện pháp tổ chức thích hợp, còn lo gì không đuổi kịp các nước tiên tiến trong một tương lai không xa.
(Viện Khoa học xã hội- Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm: Nguyễn Bình Khiêm trong lịch sử phát triển văn hoá dân tộc, Nxb Đà Nẵng 2000 từ trang 15 đến trang 51)
CHÚ THÍCH:
(1) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược-Quyển II tr 17, Nxb: Bộ giáo duc, Trung tâm học liệu, Sài Gòn 1971.
(2)Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 4, Tr 131, Nxb KHXH, Hà Nội 1973 (bản dịch của…)
(3) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược-Quyển II tr 17, Nxb: Bộ giáo duc, Trung tâm học liệu, Sài Gòn 1971.
(4)Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 4, Phần chú giải và khảo chứng tr 347, Nxb KHXH, Hà Nội 1973.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Tr 349.
(6)Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1978, tr 272.
(7)Phương Đình Dư Địa chí- bản dịch của Ngô Mạnh Nghinh-Nxb Tự Do-Sài Gòn 1959, tr 116-117.
(8) Lịch sử Việt Nam-NXB KHXH Hà Nội.
(9)Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV tr205, Kiến văn tiểu lục, tr368.
(10)Đại Việt thông sử, tr 335
(11) Nguyễn Phi Hoanh: Mỹ thuật Việt Nam, NXB TP. Hồ Chí Minh tr158.
Viết bình luận