Chính quyền địa phương thời Mạc
Tác giả: Đinh Khắc Thuân
Nhà Mạc tồn tại với tư cách là một vương triều nằm trọn trong thế kỉ XVI. Vì nhiều lí do khác nhau mà đến nay sự hiểu biết về triều đại này còn những hạn chế nhất định. Để góp phần hiểu rõ hơn về triều Mạc, chúng tôi cố gắng trình bày ở đây đơn vị hành chính các cấp và chức quan chủ yếu ở đó, cũng như chức năng, nhiệm vụ của họ qua tư liệu văn bia và một số thư tịch cổ.
1. Đạo thừa tuyên.
Đơn vị hành chính thời Mạc dường như chỉ được biết đến qua một lời dẫn rất vắn tắt của Minh Thế Tông (1522-1566): "Còn đất 13 lộ, thì cứ chiếu theo tên đất cũ, đều đặt Tuyên phủ và các chức Đồng tri, Phó sứ, Thiêm sự, mỗi chức một viên" (Toàn thư, 1968, T.4, tr.133). Thực tế, dưới thời Mạc có 13 đơn vị hành chính lớn nhất ở các địa phương được gọi là đạo thừa tuyên.
Thừa tuyên tức Thừa tuyên bố chánh sứ ty vốn được thành lập ở Trung Quốc dưới thời Minh năm 1368 và được sử dụng ở Việt Nam từ thời Lê thế kỉ XV (Huang Bandai, 57; Lê triều quan chế, 77). Các thừa tuyên này là những cơ quan hành chính địa phương cao nhất, thường gắn với các đạo, nên còn gọi là "đạo thừa tuyên". Thời Mạc duy trì các thừa tuyên của thời Lê và đơn vị hành chính cao nhất được thống nhất sử dụng là "đạo", như nhận xét trong An Nam đồ thuyết: "Mạc Đăng Dung chia nước làm 13 đạo, ở đó đặt Thừa chánh ty" (Annan tushuo, 517). Đó là các đạo: Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam, Lạng Sơn, Ninh Sóc, Hưng Hóa, Tuyên Quang, An Bang, Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hóa và Quảng Nam.
Đạo là đơn vị hành chính địa phương cao nhất mà ở đó do Tam ty lo việc chính sự, quân sự và giám sát là : Thừa ty tức Thừa tuyên sứ ty, hay Thừa chánh sứ ty, Đô ty tức Đô chỉ huy sứ ty và Hiến ty tức Hiến sát sứ ty (Michel Cartier, 29). Điều này từng được Trịnh Nhược Tăng, sử gia Trung Quốc nhận xét năm 1561 như sau: "Mạc Đăng Dung, ngoài chia các đạo, lập Thừa chánh ty, Hiến sát ty và Tổng binh ty" (Trịnh Nhược Tăng, tr.517). Tổng binh ty ở đây chính là Đô ty vừa nêu ở trên.
Trong ba ty của chính quyền địa phương thì ty Thừa, tức Thừa chánh sứ ty là quan trọng nhất. Bởi bản thân tên gọi của nó mang ý nghĩa "thừa mệnh bố cáo mệnh lệnh của Hoàng đế" (thừa tuyên). Thừa chánh sứ là vị trưởng quan hành chính cao nhất ở địa phương cùng với Đô chỉ huy sứ và Đề hình án sát sứ phân chia nắm giữ việc dân chính, quân chính và hình ngục.
Dưới Thừa chánh sứ có hai chức phó giúp việc là Tham chính và Tham nghị. Thứ bậc của ba chức này là Thừa chánh sứ - Tham chính - Tham nghị. Bởi từ chức Tham nghị, có thể thăng lên chức Tham chính và Thừa chánh sứ. Nguyễn Khẳng Công, chẳng hạn, Tiến sĩ năm 1562, được giữ chức Tham nghị đạo Hải Dương năm 1569, sau được thăng lên chức Tham chính đạo Ninh Sóc năm 1576; còn Lê Quang Bí, thì từ chức Tham chính đạo Tuyên Quang thăng lên chức Thừa chánh sứ đạo Kinh Bắc năm 1539 (Văn bia thời Mạc, tr.199, 192). Thừa chánh sứ có thể thăng lên chức Thị lang thậm chí Thượng thư của một trong sáu bộ ở Trung ương. Trái lại, trong một số trường hợp khác, chức Thừa chánh sứ do viên Thị lang hoặc Thượng thư ở Lục bộ kiêm nhiệm. Trường hợp Trần Phỉ chẳng hạn, từ chức Thừa chánh sứ đạo An Bang được thăng lên chức Thị lang bộ Lại năm 1532 (Thông sử, 153), rồi lên Thượng thư bộ Lễ năm 1538. Tiếp đó năm 1540, nguyên là Thượng thư bộ Lễ, Trần Phỉ giao kiêm chức Thừa chánh sứ đạo Hải Dương. Trần Vĩnh Tuy, Tiến sĩ năm 1553, chức Thừa chánh sứ đạo An Bang được phong làm Thị lang bộ Lễ, Lê Quang Bí khi giữ chức Thị lang ở bộ Lại, được kiêm quản Thừa chánh sứ đạo Kinh Bắc năm 1539, Vũ Thoát - Thị lang bộ Binh cũng được kiêm nhiệm chức Thừa chánh sứ đạo Thanh Hoa năm 1583 (Văn bia thời Mạc, 192, 231). Như vậy phẩm trật của Thừa chánh sứ tương đương với chức Thị lang trong Lục bộ ở triều đình, nghĩa là ở hàng Tòng tam phẩm, sơ thụ là Gia hạnh đại phu, thăng thụ là Gia tích đại phu và gia thụ là Gia thông đại phu. Tuy nhiên do vị trí trọng yếu của một số thừa tuyên mà người đảm nhận chức vụ ở các nơi này có phẩm hàm cao hơn. Chẳng hạn thừa tuyên Hải Dương, đất "căn bản" của nhà Mạc, nơi đây vừa là quê hương, đất phát tích và vừa là nơi có kinh đô thứ hai: Dương Kinh, do Trần Phỉ kiêm nhiệm năm 1540, khi ông đã là quan Thượng thư, với phẩm trật hàng chánh tam phẩm (Thông sử, 172). Chức vụ Thừa chánh sứ đạo này về sau cũng do một vị Thượng thư là Nguyễn Đoan Trung đảm nhận. Tóm lại, ty Thừa có các chức quan tương tự thời Lê sơ và thời Minh, nhưng tổ chức gọn nhẹ hơn.
Hiến sát sứ ty, còn được gọi là Đề hình án sát sứ ty, là một trong ba ty ở đạo thừa tuyên, xuất hiện ở Việt Nam từ thời Lê thế kỉ XV (Lịch triều hiến chương loại chí, T.1, tr.477). Ty này lo việc giám sát, hình ngục ở địa phương như điều luật trong bộ Luật thời Lê Mạc Hồng Đức thiện chính đã quy định: "Dân gian bị oan, ắt có kiện. Có kiện, ắt có xét xử. Do vậy, trước phải do Xã trưởng, sau đến quan huyện, rồi nha môn hai ty Thừa và Hiến tra hỏi". Cùng với Thừa ty, Hiến ty đồng thời có chức năng duy trì trật tự, kỉ cương ở địa phương, và được tổ chức tương tự Thừa ty như vừa trình bày ở trên. Chức trưởng quan của Hiến sát sứ ty là Hiến sát sứ và dưới là hai viên phó quan giúp việc là Phó sứ và Thiêm sự (Huang Bandai, 58). Tư liệu văn bia phản ánh khá cụ thể các chức quan và hoạt động của ty Thừa này dưới thời Mạc. Văn bia chùa Hương Nham (Tuyên Quang, khắc năm 1537) cho biết Hiến ty đạo Tuyên Quang khi này có Hiến sát sứ Ngô Nghiêm Khê và Hiến sát Phó sứ Vũ Trạch Xuyên. Văn bia cho biết Ngô Nghiêm Khê tức Ngô Hoằng, đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất (1526), chức Hiến sát sứ đạo Tuyên Quang, thăng thụ Triều liệt đại phu; nghĩa là chức này có phẩm trật tương đương những quan văn hàng tòng tứ phẩm. Không rõ Vũ Trạch Xuyên còn mang thêm chức, tước gì và phẩm trật ở hàng nào, song được biết Trần Chấp Huyền năm 1583 cũng đảm nhận chức Phó sứ đạo Tuyên Quang này (Văn bia thời Mạc, 234). Khi đảm nhận chức đó, Trần Chấp Huyền được sơ thụ là Mậu lâm tá lang, tương đương văn quan hàng Tòng lục phẩm (Lê Kim Ngân, 143). Hoạt động của Hiến sát sứ ty liên quan mật thiết với Ngự sử đài, cơ quan giám sát, đàn hặc ở Trung ương, đặc biệt là với viên Giám sát ngự sử ở các đạo. Lê Quang Bí sau 9 năm làm việc ở Hàn lâm viện, được bổ làm Hiến sát sứ đạo Sơn Tây, thăng lên làm Tham chính Thừa ty đạo Tuyên Quang kiêm Đô Ngự sử (Văn bia thời Mạc, 191).
Về Đô ty, bộ phận tổ chức lực lượng quân sự ở địa phương, gắn liền với tổ chức quân sự chung trong cả nước. Nhà Mạc, ngay sau khi thiết lập chính quyền năm 1528, đã ban lệnh tổ chức lại các lực lượng quân sự qua đoạn trích sau: "Đăng Dung sai bàn định phép binh, đặt bốn vệ: Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô; các vệ sở nội ngoại trong Ngũ phủ, tên gọi các ty sở thuộc, các quan chức và viên số theo như triều trước (...). Chia bổ các ty, mỗi ty đặt một viên Chỉ huy sứ, một viên Chỉ huy đồng tri, một viên Chỉ huy thiêm sự, 10 viên trung hiệu, 1100 trung sĩ, chia làm 22 phiên..." (Thông sử, 138).
Như vậy tại Kinh đô, có 4 vệ là Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y và Kim Ngô, thuộc lính cấm thành; còn ở các địa phương thì lập các Đô ty. Dưới các vệ cấm thành lại đặt các ty, và dưới các Đô ty ở địa phương lại có các vệ, rồi sở và ngũ. Tư liệu văn bia cho biết ở vệ Cẩm Y có ty Phục Ba "Sãi Bùi Doãn Văn hiệu Phúc Thái, tước Trạch Dương bá ở Cẩm Y vệ Phục Ba ty". Vệ Kim Ngô ở Kinh đô năm 1542 có ty Thần Tý và ty Chiêu Dũng (Văn bia thời Mạc, 343, 67); còn vệ Chiêu Vũ có ty Hà Thanh, từng gắn với lực sĩ Nguyễn ích Diệu, thợ khắc tài hoa đã san khắc khá nhiều bia thời Mạc (Văn bia thời Mạc, 235, 248, 194, 300). Người đứng đầu mỗi ty này là một viên Chỉ huy sứ và hai viên giúp việc là Chỉ huy đồng tri và Chỉ huy thiêm sự.
Đối với các Đô ty, một trong ba cơ quan hành chính của chính quyền địa phương, lo về quân sự, mỗi Đô ty có một số vệ, như Đô ty Tuyên Quang năm 1537 có ba vệ là Tuyên Quang, Định Tây và Thanh Tây (Văn bia thời Mạc, 53). Về nguyên tắc, mỗi Đô ty có một viên chỉ huy trưởng là Đô chỉ huy sứ và hai viên giúp việc là Đô chỉ huy đồng tri và Đô chỉ huy thiêm sự, tương tự các vệ ở Kinh đô. Đối với một số ty thuộc các đạo ít dân cư, thì những người chỉ huy quân sự ở đây được gọi là Tổng binh sứ, Tổng binh đồng tri và Tổng binh thiêm sự, tương tự chức quan võ của các xứ dưới thời Lê (Lê Kim Ngân, 93). Chẳng hạn Nguyễn Văn Trạch chức Tổng binh thiêm sự đạo Ninh Sóc (Văn bia thời Mạc, 340). Trái lại đối với một số vùng chiến lược trọng yếu thì lại đặt các trấn như trấn Cao Bằng thuộc đạo Ninh Sóc thời Mạc, ở đó cũng có các viên Tổng binh sứ, Tổng binh đồng tri và Tổng binh thiêm sự, như Phạm Văn Tuấn, năm 1579, chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Tổng binh đồng tri trấn Cao Bằng, thuộc Đô tổng binh sứ ty đạo Ninh Sóc (Văn bia thời Mạc, 194). Dưới các vệ là các sở mà ở đó có các chức Khống lãnh, Võ úy và Phó Võ úy.
Về mặt hành chính, các vệ cấm thành và các đô ty được tổ chức như vậy dưới sự quản lí của bộ Binh trong Lục bộ. Nhưng khi có chiến tranh, thì quân đội được tập hợp và tổ chức thành các đạo quân dưới sự chỉ huy của các Tả hữu Đô đốc ở Ngũ phủ, như đã trình bày ở trên. Năm 1592, trong một trận quyết chiến với nhà Lê, "Mạc Mậu Hợp đã đốc thúc điều động binh mã trong bốn trấn, bốn vệ và ngũ phủ, cộng hơn mười vạn quân" (Thông sử, 293). Thất bại ở trận này đã kéo theo sự tan rã hoàn toàn lực lượng quân sự của nhà Mạc, cũng như sự suy sụp của vương triều này.
2. Các đơn vị hành chính dưới "đạo".
Chính quyền nhà Minh, nhất là trong triều đại Chu Nguyên Chương (1368 - 1399) là một chính quyền Trung ương tập quyền khá hoàn chỉnh, với bộ máy hành chính chặt chẽ gồm ba cấp: đạo thừa tuyên (sau chuyển thành "tỉnh") - phủ - châu hoặc huyện. Cấu trúc này ảnh hưởng đến Việt Nam thời Lê sơ và được duy trì ở thời Mạc. Tuy nhiên ở Việt Nam thời Lê Mạc, hệ thống hành chính lại gồm bốn cấp là đạo - phủ - huyện hoặc châu và xã.
Phủ là một đơn vị hành chính được sử dụng rộng rãi từ thời Đường, do châu chuyển đổi thành như châu Thành Ung thành phủ Kinh Triệu, châu Lạc thành phủ Hoài Nam. Đến thời Tống thì phủ hoàn toàn là đơn vị hành chính trên đơn vị hành chính châu, thậm chí ở một số nơi phủ trở thành đơn vị hành chính đứng đầu tương đương lộ, hoặc tuyên phủ ty. Dưới thời Minh, phủ là đơn vị hành chính trung gian giữa cấp hành chính cao nhất (Thừa tuyên sứ ty) và huyện, đơn vị hành chính cơ sở (Jean de Miribel, 123). Biến đổi của đơn vị hành chính "phủ" ở Trung Quốc cũng nhận thấy tương tự ở Việt Nam. Thời Lí, một số châu được đổi thành phủ, như châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức. Thời Trần, tên gọi phủ được dùng chỉ đơn vị hành chính cao nhất ở một số địa phương, như phủ Thanh Hoa do Thái sư Trần Thủ Độ cai quản, phủ Thiên Trường do Thái bảo Vương Nhữ Chi đảm nhận (Toàn thư, T.2, 192). Cho đến hết giai đoạn nhà Trần (cuối thế kỉ XIV), tên gọi phủ có lúc chỉ đơn vị hành chính lớn nhất ở địa phương, có khi là đơn vị hành chính thứ hai quản châu, huyện. Từ năm thứ 5 niên hiệu Quang Thuận (1466) đời vua Lê Thánh Tông, tên gọi phủ hoàn toàn dùng cho đơn vị hành chính thứ hai. Thời Mạc, phủ là đơn vị hành chính sau đạo, cai quản các huyện, châu mà văn bia ghi lại khá cụ thể, như "Thanh Hoa đạo Thiệu Thiên phủ Đông Sơn huyện, An Hoạch xã", hoặc "Sơn Tây đạo Tam Đới phủ Bạch Hạc huyện"... (Văn bia thời Mạc, 190, 331).
Phủ có vị trưởng quan là Tri phủ và vị phó quan là Đồng tri phủ. Chẳng hạn Đỗ Bá Chiêu chức Tri phủ phủ Yên Bình đạo Tuyên Quang năm 1537, Mạc Hoàng Trung, Tri phủ phủ Lâm Thao (đạo Sơn Tây) năm 1572 (Văn bia thời Mạc, 53, 159). Thông thường mỗi đạo bao gồm vài phủ trở lên, duy có đạo Tuyên Quang gồm một phủ Yên Bình. Phủ này quản lí tất cả các châu, huyện trong địa hạt đạo Tuyên Quang. Ngoài chức năng hành chính, phủ có chức năng nổi bật là chăm lo việc giáo dục, thi cử trong phủ mà chức quan đảm nhận việc này là Huấn đạo, cùng việc khuyến nông, hộ đê với các viên quan là Khuyến nông sứ và Hộ đê sứ. Phủ thực sự là đơn vị hành chính trung gian giúp đạo quản lí các châu, huyện.
Huyện là một đơn vị hành chính quan trọng ở Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử và cho đến tận ngày nay. ở Trung Quốc, về cơ bản, huyện là đơn vị hành chính cơ sở (Michel Cartier, Une réforme locale en Chine, 35), trong khi đó ở Việt Nam, từ cuối thế kỉ XIV trở đi, huyện quản lí các xã, đơn vị hành chính cơ sở. Dưới thời Mạc, viên trưởng quan của huyện là Tri huyện, cùng viên phó quan là Huyện thừa. Khá nhiều văn bia ghi lại được các chức quan này, chẳng hạn Vũ Giới là Tri huyện huyện Phúc Yên năm 1537, Trịnh Hướng chức Tri huyện huyện Thanh Oai năm 1573, Khổng Tuấn, Huyện thừa huyện Tây Lan năm 1557 (Văn bia thời Mạc, 53, 162). Khổng Tuấn được phong hàm Cẩn sự tá lang, tương đương văn quan hàng thất phẩm. Ngoài ra còn có người giúp việc, với chức danh là Đề lại. Như chức năng của đạo, huyện quản lí các việc chính sự, quân sự và kiện tụng, trong đó chịu trách nhiệm và có quyền lực đặc biệt quan trọng trong việc quản lí đất đai, thuế khóa, nhân đinh.
Châu là đơn vị hành chính xuất hiện khá sớm ở Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng trước giai đoạn nhà Minh và nhà Lê, thì châu là đơn vị hành chính khá lớn: châu quản huyện. Ví dụ thời thuộc Đường, nước ta được chia làm 12 châu cai quản 50 huyện, như châu Phong có 5 huyện, châu Diễn có 7 huyện (Lịch triều hiến chương loại chí, T.1, tr.32). Sau đó ở Trung Quốc, châu tồn tại dưới hai dạng: một là châu trực lệ lớn hơn huyện và châu tương đương huyện. Còn ở Việt Nam thì châu có một dạng duy nhất, tương đương huyện, nhưng sử dụng ở vùng núi, như một số châu ở đạo Tuyên Quang, Ninh Sóc ở phía Bắc và Nghệ An ở phía Nam. Nhiệm vụ của châu cũng tương tự nhiệm vụ của huyện như vừa nêu trên. Vị trưởng quan ở châu gọi là Tri châu, cùng vị phó quan là Đồng tri châu như văn bia chùa Hương Nham đã ghi lại được vị Tri châu châu Đại Man năm 1537 là Nguyễn Công Quyết và vị Đồng tri châu châu Thu Vật thuộc đạo Tuyên Quang, cùng năm đó là Bùi Bá Thông (Văn bia thời Mạc, 53).
Đơn vị hành chính cấp cơ sở ở Việt Nam là xã. Xã thường gắn liền với làng và tên gọi "làng xã" trở nên rất quen thuộc. Nguồn tư liệu thư tịch cho biết tên gọi chức quan "đại tư xã" (quan từ ngũ phẩm trở lên) và "tiểu tư xã" (quan từ lục phẩm trở xuống) xuất hiện vào năm 1242 dưới triều vua Trần Thái Tông (1225 - 1258). Nhưng đến cuối thời Trần vào năm 1397 đời Trần Thuận Tông (1388 - 1398), chức Xã quan bị bãi bỏ. Đến năm 1466, dưới đời vua Lê Thánh Tông, chức quan này được quy định cụ thể hơn : "đặt Xã quan, xã lớn 3 người, xã vừa 2 người, xã nhỏ 1 người, và đổi Xã quan làm Xã trưởng" (Lịch triều hiến chương loại chí, T.1, tr.479).
Nhìn chung, như thời Lê, mỗi xã ở thời Mạc có một viên đứng đầu dưới tên gọi là Xã trưởng. Bên cạnh đó, còn có tên gọi là Xã chính hay Xã quan. Tên gọi Xã quan và Xã trưởng đồng thời xuất hiện trên văn bia chùa Bảo Phúc dựng năm 1572, cùng liên quan đến nhân vật Bùi Gia Mô ở xã Tây Tựu huyện Đan Phượng (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội). Trong phần lạc khoản bài văn bia, Bùi Gia Mô là người viết chữ được ghi rõ chức quan là Xã quan; còn trong phần kê họ tên các vị xã thôn trưởng trong xã, cũng có Bùi Gia Mô (Văn bia thời Mạc, 154). Có nghĩa là Xã trưởng là chức trưởng quan ở xã, còn Xã quan là tên gọi chung cho những vị chức tước của xã, trong đó có cả Xã trưởng. Vị Xã trưởng đảm nhận chung mọi việc trong xã, còn Xã sử và Xã tư (sau này đổi thành Trương tuần) là người giúp việc, nhất là việc thuế khóa và tuần tra, an ninh. Vị Xã trưởng luôn được coi là người mẫu mực của xã "tiêu biểu cho phong hóa, phải nên khuyên dân làm điều thiện, xa điều ác", như điều luật thời Lê Mạc quy định (Hồng Đức thiện chính, 53). Thực tế họ đều là người làm công đức, người làm việc thiện như đã được ghi lại trong văn bia.
Ngoài các đơn vị hành chính vừa nêu trên, còn có "tổng", đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã sử dụng phổ biến ở Việt Nam từ cuối thế kỉ XVII đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng đã xuất hiện ở thời Mạc. Trong văn bia Mạc, chúng ta khôi phục được 12 tổng của huyện Tân Minh phủ Nam Sách. Sự xuất hiện đơn vị hành chính tổng này là sản phẩm của công việc quản lí nông thôn Việt Nam và là nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cộng đồng ngày một mở rộng cùng với sự phát triển ngày càng cao của làng xã. Cũng vào thế kỉ XVI ở vùng núi phía Bắc, xuất hiện đơn vị "đô", tương đương với đơn vị hành chính "tổng" vùng đồng bằng.
Tóm lại, chính quyền địa phương nhà Mạc có thể khái quát trong mô hình sau:
Sơ đồ hành chính này định hình từ thời Lê sơ, được duy trì dưới thời Mạc và trở nên phổ biến ở thời Lê Trung hưng thế kỉ XVII, XVIII.
Tuy có đôi chỗ khác biệt với thời Lê, song tổ chức chính quyền thời Mạc về cơ bản là duy trì bộ máy chính quyền từng được cải cách hoàn thiện vào năm 1471 dưới đời vua Lê Thánh Tông. Bộ máy chính quyền này được ảnh hưởng trực tiếp từ bộ máy chính quyền nhà Minh, nhưng không phải là toàn bộ mà chỉ sử dụng những yếu tố đã ổn định. Chẳng hạn, ở thời Minh đã xuất hiện nội các và đơn vị hành chính tỉnh, nhưng cả hai chưa hề xuất hiện ở thời Lê - Mạc. Thêm nữa, nhà Mạc duy trì bộ máy hành chính thời Lê, song lại khôi phục một số quy chế có tính truyền thống từ thời Trần như vua nhường ngôi cho con trưởng để làm Thái Thượng hoàng và tuy không dùng Tể tướng, nhưng lại lập Phụ chính để giúp vua điều hành chính sự, nhất là đối với những vị vua còn trẻ.
TÀI LIỆU DẪN
1. Annan tushuo (An Nam đồ thuyết) do Zheng Ruozeng (Trịnh Nhược Tăng) biên soạn vào thời Minh, Tứ khố toàn thư, chương 69, năm 1932, tr.473-548.
2. Cartier, Michel, Une réforme locale en Chine au XVIe siècle Hai Rui a chun'an 1558-1562, Paris, La Haye, Mouton & Co, 1973.
3. Đại Việt sử kí toàn thư do Phạm Công Trứ, Lê Hi biên soạn (Bản dịch) Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1968, 4 tập.
4. Đại Việt thông sử (Thông sử), do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1774 (Bản dịch của Lê Mạnh Nghinh), Sài Gòn, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1973.
5. Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1996.
6. Huang Bandai (Hoàng Bản Đái), Lidai zhiguan biao, Shanghai, Zhonghua shuju, 1965.
7. Hồng Đức thiện chính (Bản chữ Hán, A.330) do Nguyễn Sĩ Giác dịch, Sài Gòn, Nam Hà ấn quán, 1959.
8. Lê Kim Ngân, Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông: 1460-1497, Sài Gòn, Bộ Quốc gia Giáo dục 1963.
9. Lịch triều hiến chương loại chí, do Phan Huy Chú biên soạn (Bản dịch), Viện Sử học, KHXH., Hà Nội, 1992, 4 tập.
10. Mingdai difang guanli ji wenguan zhidu 明 代 地 方 官 吏 及 文 官 制 度 (dịch từ bản tiếng Pháp: L'administration provinciale et les fonctionnaires civils au temps des Ming 1368-1644 của Jean de Miribel, France), 陜 西 人 民 出 版 社, 1994.
11. Quan chế khảo 官 制 考 (Bản dịch từ Sử học bị khảo VHv.1850 của Đặng Xuân Bảng), Tư liệu Viện Sử học, 1986.
Nguồn :hannom.org.vn
Viết bình luận