Đánh thức Trà Kiệu

Đánh thức Trà Kiệu

hành cổ Trà Kiệu (xã Duy Sơn - huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vừa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia trong lúc tường thành phía đông lần đầu tiên được một đoàn khảo cổ khai quật. Những giá trị lịch sử - văn hóa của kinh thành được công nhận ở tầm vóc cao hơn, đang và sẽ khai phóng những tiềm năng về phát triển kinh tế - văn hóa huyện Duy Xuyên nói riêng và Quảng Nam nói chung, mà lâu nay ngủ vùi trong giấc đông quên lãng.

 

Chuyện về một kinh thành đã mất

 

Lâu nay, nhắc đến Duy Xuyên người ta nhắc ngay đến di sản thế giới - thánh địa Mỹ Sơn. Nhưng, như lời PGS.TS Bùi Chí Hoàng - Phó Viện trưởng viện KHXH vùng Nam bộ (thuộc viện KHXH Việt Nam): “Khi kinh đô chuyển về Trà Kiệu thì người Chăm mới đẩy mạnh việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn. Nghĩa là, có Trà Kiệu mới có Mỹ Sơn”.

 

 

 

Nhà thờ thiên chúa giáo Trà Kiệu.

 


Ngược quá khứ, để thấy sự tàn khốc của lịch sử, thời gian, con người trước di sản quý báu này. Năm 446, khi nước Lâm Ấp hình thành chưa đầy 200 năm, Đàn Hòa Chi - thứ sử Giao Châu - được lệnh vua Trung Hoa tiến đánh Simhapura. Vẻ huy hoàng của Simhapura thời kỳ này được sử Hoa chép lại: “Quân lính thấy ở đó một số vật lạ lùng và hiếm có, hay lạ đến nỗi người ta không biết để làm gì”. Theo “Sử ký ngoại kỷ”, các đền bị phá và các tượng có cái to đến 10 người ôm bị nấu chảy đúc được 100 cân vàng khối nguyên chất. 160 năm sau, Lưu Phương lại chiếm đóng Simhapura, tàn phá kinh thành, lấy đi tất cả vàng bạc đá quý cùng 18 bài vị bằng vàng của 18 vị vua đã trị vì vương quốc này. Năm xưa, chiến thắng trở về, Đàn Hòa Chi được phong đến chức Hành Khiển, vẫn không thôi ám ảnh bởi những pho tượng Chàm và sách Nam Tề Thư ghi: “Đàn Hòa Chi đã chết vì trông thấy thần man di ám ảnh ông ta”. Lưu Phương cũng vậy, sau trận đánh vội rút quân nhưng đã chết trên đường về vì dịch chân voi…

 

Du khách hành hương về nhà thờ thiên chúa giáo.

 


Vẫn còn nguyên dấu tích của hai đợt tàn phá ghê gớm nhất đối với Simhapura: Nhiều nơi trong nội thành, người ta vác cuốc đào hố, đến lớp đất đen đãi thể nào cũng ra vài hạt cườm, bông tai. Ở nhiều hố khảo cổ, lớp than đó có niên đại đúng vào năm 446, năm Đàn Hòa Chi tiến đánh Trà Kiệu. Đến giờ, dấu tích tàn phá không chỉ ẩn mình trong đất, mà lộ thiên ra ngoài: đoạn thành dài hơn 1 km phía Nam với những chân tường, móng tháp mủn nát dần bị một dãy nhà san sát đè lên. Nhưng thời gian phá hoại cũng không bằng con người: Nếu năm 1927, khi J.Y. Claey khai quật khu tháp chính, di tích còn gần như nguyên vẹn, chỉ sụt lở phần đỉnh tháp, thì nay… phần hạ móng tháp đã lộ ra bởi những máy ủi người ta cào để cấp đất làm nhà. Một thời, ồ ạt làn sóng đào tìm vàng trong lòng đất. Hàng trăm hiện vật bằng sa thạch, gốm, vàng ngọc và thủy tinh bị đập phá, hoặc lọt vào tay kẻ săn lùng cổ vật.

 

Đứng trên đồi Bửu Châu sẽ bao quát tầm mắt toàn cõi Trà Kiệu.

 


“Có một kinh đô giống như thành thị của các thần. Thành phố cùng những công trình kiến trúc rất lộng lẫy được trang hoàng tươi trẻ mát mẻ dường như do các thần tạo ra vậy” - thời huy hoàng của kinh thành xưa được sử sách chép lại, cũng được chứng thực bởi những cổ vật hình thành nên phong cách điêu khắc Trà Kiệu - như ngôi tháp chính của kinh thành, được giữ gần như nguyên vẹn, chứng minh tháp xưa cao ít nhất 40 m, lớn nhất vùng Đông Nam Á. “Những đền đài đổ nát dưới thời gian” - thời huy hoàng của Simhapura đã không còn; người Duy Xuyên đang mơ lại cái thời "Điện các huy hoàng trong ánh nắng/Đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh".

 


Điểm dừng chân thứ ba

 

 

 

 

Việc đoàn chuyên gia của Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ cùng các chuyên gia Nhật Bản khai quật thành đông Trà Kiệu (từ ngày 20/2 đến 6/3/2013) đánh dấu việc Simhapura được khai quật một cách có hệ thống. Tiến sĩ Yamagata Mariko, giảng viên Trường Showa Women’s University (và trường Kanazawa University), cho biết: “Do nằm lâu trong lòng đất, thành đông bị xáo trộn khá nhiều bởi nước ngầm. Tuy vậy, ở dưới sâu, bờ thành vẫn nguyên vẹn...” Từ đó, bà Mariko bày tỏ ý tưởng: “Phế tích vẫn có giá trị của phế tích. Trong khi nhiều hố khảo cổ vẫn còn nguyên thì cần nâng cao ý thức của người dân để bảo vệ giá trị to lớn này, đồng thời cần quảng bá hình ảnh Trà Kiệu ra nhiều nơi. Cách tốt nhất là kết hợp với du lịch”. Cùng quan điểm này, PGS tiến sĩ Bùi Chí Hoàng bày tỏ: “Trà Kiệu nằm giữa tuyến hành lang du lịch Hội An - Mỹ Sơn. Sẽ rất khả thi nếu biến nơi này thành điểm dừng chân thứ ba trên tuyến hành lang”.

 

Đợt khai quật thành Đông Trà Kiệu (20/2 - 6/3/2013) đã phát hiện nhiều tư liệu lịch sử có giá trị.

 


Thực tế, Duy Xuyên đâu chỉ có Mỹ Sơn; Trà Kiệu đâu chỉ có Simhapura. Suốt quá trình khai cơ, tiền nhân người Việt đã để lại rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa ở đây. Ngoài thành Trà Kiệu, nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu cũng đã được công nhận di tích cấp quốc gia (năm 2005). Nhà thờ được xây dựng vào năm 1680, cùng thời điểm với các thiết chế văn hóa khác của làng Trà Kiệu như chùa Trà Kiệu, đình Trà Kiệu, miếu thành hoàng. Tuy đình Trà Kiệu đã bị chiến tranh phá hủy, du khách vẫn thấy những kiến trúc còn lại cùng nằm trên một đường thẳng quay mặt về hướng Bắc với một cảnh quan tuyệt vời, đủ để gợi nhớ về một thời 13 vị thủy tổ từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh đến Trà Kiệu lập làng (1470), một thời, Trà Kiệu trở thành ngôi làng lớn nhất ở Quảng Nam (Quảng Nam tam đại xã).

 

Bà Mariko nói: “Phế tích vẫn có giá trị của phế tích. Trong khi nhiều hố khảo cổ vẫn còn nguyên thì cần nâng cao ý thức của người dân để bảo vệ giá trị to lớn này, đồng thời cần quảng bá hình ảnh Trà Kiệu ra nhiều nơi. Cách tốt nhất là kết hợp với du lịch.”

 


Du khách tiếp tục thăm viếng lăng mộ Mạc Cảnh Huống dưới chân đồi Bửu Châu. Cũng lạ, lăng mộ quận chúa Mạc Thị Giai cách đó chừng 5 km đã được công nhận di tích cấp tỉnh, được nhiều người biết đến, nhưng lăng mộ của người chú ruột Mạc Thị Giai là Mạc Cảnh Huống (1542-1677), lại hoàn toàn bị quên lãng. Trong khi, Mạc Cảnh Huống được sử triều Nguyễn ghi nhận là bậc khai quốc công thần, là vị chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong, người vạch ra chiến lược quân sự để chống quân Trịnh ở phía Bắc và bình Chiêm ở phương Nam và được chúa Tiên Nguyễn Hoàng tấn phong chức Nguyên huân Sư Thống thủ Thống Thái phó.

 

Nhà thờ tiền hiền ngũ xã Trà Kiệu - di tích lịch sử cấp quốc gia.

 


Tiếp bước lên đồi Bửu Châu, để ngắm cảnh nguy nga của nhà thờ Trà Kiệu. Trên ngọn đồi này, vào triều Lê Hy Tông (1613 - 1635), Hiếu Văn hoàng hậu cho xây dựng một ngôi chùa trên đỉnh Non Trược gọi là Bửu Châu Quan Tự. Sau này, ngôi chùa dời đi, để đến năm 1898, giáo dân Trà Kiệu xây cất một nhà thờ thiên chúa. Đứng trên đồi, tầm mắt du khách bao quát hết toàn cảnh Trà Kiệu, với xa xa ruộng đồng, vắt qua những rặng tre, còn in dấu tích của những đập Thổ, đập Làng… trong công cuộc khai cơ Trà Kiệu. Phóng tầm mắt về phía tây, sẽ thấy hòn Kim Sơn uốn lượn như rồng, ẩn hiện giếng Tiên 4 mùa trong xanh nước trường lưu.

 

Chùa Trà Kiệu - ngôi chùa xây dựng vào năm 1680.

 


Phóng tầm mắt về phía Tây - Nam, sẽ thấy chùa tháp Dương Bi (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn) - một phế tích rất đặc biệt. Từ năm 1978 trở về trước, ở gò đất cao sau chùa, có một ngọn tháp Chăm giống nguyên si tháp Bằng An ở Điện Bàn (hình lục giác) nhưng quy mô lớn hơn nhiều, phía trước tháp lại có một ngôi chùa Việt. Tháng 10 năm 2005, khi phá dỡ ngôi chùa cổ để xây dựng chùa mới, những người thi công đã phát hiện: lớp móng có vôi vữa của ngôi chùa lại xếp chồng lên một lớp móng của người Chăm, không vôi vữa kết dính. Việc xếp chồng hai lớp móng khiến liên tưởng đến chuyện người Việt xưa tận dụng nền móng của một kiến trúc nằm trong cụm tháp Dương Bi của người Chăm, để xây dựng chùa cho mình…

 


Rồi thì bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh lưu giữ những cổ vật Chăm - Sa Huỳnh rất có giá trị, khu du lịch sinh thái Duy Sơn, với núi non ghềnh thác thơ mộng. “Trà Kiệu hoàn toàn có thể làm điểm dừng chân thứ ba trên tuyến hành lang du lịch Hội An - Mỹ Sơn” - PGS.TS Bùi Chí Hoàng khẳng định. Bà Nguyễn Thị Tuyết, cán bộ bảo tàng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cũng cho biết: “Trong đợt khai quật thành đông, các nhà khoa học đã đề xuất ý tưởng mở một khu bảo tàng mái che cạnh hố khảo cổ để du khách tham quan. Với việc được công nhận di tích cấp quốc gia, tỉnh sẽ triển khai một bộ sưu tập chung gồm những di vật khảo cổ có liên quan đến thành Simhapura và nền văn hóa Champa. Đây là những động thái đầu tiên trong chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch tại Trà Kiệu”.

 

Bài và ảnh: Mai Thành Dũng

Nguồn: baotintuc.vn

 

Viết bình luận