Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc

Đến từ đường họ Mạc Cổ Trai (xã Ngũ Đoan, H.Kiến Thụy, Hải Phòng) một ngày đầu xuân, chúng tôi thấy tiếng loa, tiếng trống rộn ràng cổ động cho một sới vật tổ chức tại đây.

Lắng nghe thì thấy giọng người dẫn chương trình là ông Lê Văn Sức, nguyên huấn luyện viên đội tuyển vật nữ quốc gia, người từng “lên” Báo Thanh Niên với nghệ danh Sức “vật” và nổi tiếng với tài MC ở các sới vật phong trào.

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 1

Sới vật được tổ chức tại từ đường họ Mạc ở xã Ngũ Đoan, H.Kiến Thụy, Hải Phòng, quê của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung), người lập nên Vương triều Mạc

KỲ VĂN

Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng và Liên đoàn Vật Việt Nam đã tổ chức giải vật này. Giải có 27 vận động viên, thuộc 6 hạng cân, của các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (TP.Hải Phòng) và xã Ninh Hiệp (H.Gia Lâm, Hà Nội), thi đấu 24 trận trong ngày 12.2. Các đô vật đều được test Covid-19 và đóng khố xanh hoặc đỏ khi ra sới.

Đáng chú ý, dù là một hội vật “làng”, nhưng giải này có các đô vật tầm cỡ quốc gia như Nguyễn Trung Đức, Trần Văn Tưởng (đều khoác áo đội Cổ Trai, xã Ngũ Đoan sở tại), còn trên hàng ghế danh dự, có ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, nguyên Tổng thư ký của Liên đoàn Liên đoàn Thể dục Việt Nam.

“Khác biệt lớn nhất là ở giải vật dân tộc thời Mạc này là tôi có thể tường thuật một cách vui vẻ để bà con thư giãn và yêu mến môn vật. Ở giải chính quy thì MC chỉ thông tin một cách khô cứng”, MC Sức “vật” nói. Ông được Liên đoàn Vật Việt Nam mời xuống Hải Phòng giúp cho hội vật này.

Theo ông Trần Văn Quang, Trưởng bộ môn Vật, Sở VH-TT Hải Phòng, thành phố này có nhiều huyện nổi tiếng về phong trào vật như Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo. Ông Quang từng đoạt 2 huy chương vàng SeaGame các năm 1997 và 2003, cũng xuất thân từ các giải vật phong trào ở Hải Phòng như thế này.

Ông Hoàng Văn Kể, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, cho biết giải vật này sẽ được tổ chức thường niên để khơi dậy tinh thần thượng võ của Mạc tộc cũng như các dòng họ khác của đất nước Việt Nam.

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 2

Các đô vật "xe đài" trước mỗi trận đấu, đây là thủ tục bắt buộc trong vật dân tộc và được khán giả theo dõi, nhận xét rất kỹ

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 3

Màn xe đài của đô vật Nguyễn Trung Đức. Không chỉ thi đấu xuất sắc, Đức còn là đô vật có màn xe đài đẹp nhất hội thi

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 4

Rất nhiều con cháu Mạc tộc và các bậc cao niên đã mang khăn đóng, áo dài đến theo dõi các trận đấu

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 5

Giải thi đấu theo luật vật của Liên đoàn Vật Việt Nam. Đô nào “lấm lưng trắng bụng”, hoặc bị nhấc 2 chân lên không là thua cuộc

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 6

Túm khố là một miếng đánh lợi hại trên sới

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 7

Một đòn hiểm khiến đối phương "bay" ra khỏi thảm đấu

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 8

Chấn thương nhỏ với Trần Đức Tùng, một trong 6 đô vật của xã Ninh Hiệp dự giải, đô Tùng ngay sau đó đã hồi phục và tiếp tục trận đấu ở hạng cân 75 - 87 kg

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 9

Chỉnh khố cho đô vật trước khi vào trận. Theo một thành viên ban tổ chức, do đây là hội vật tái hiện truyền thống nên khố có phần dài rộng, kín đáo hơn

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 10

Dòng họ Thạch Văn ở Ninh Hiệp, có tổ là họ Mạc Kiến Thụy là đơn vị tham gia tài trợ cho giải

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 11

Các khán giả nhí thử làm “đô vật”. Theo ông Trần Văn Quang, việc tuyển chọn học viên vật dễ hơn nhờ các giải vật tổ chức ở làng xã như thế này

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 12

Hàng nghìn người dân đã tới theo dõi các trận đấu. Họ được phát khẩu trang, xịt tay khử khuẩn khi đến hội

KỲ VĂN

Đầu xuân đi xem đấu vật dân tộc thời Mạc - ảnh 13

Có tới 18 giải thưởng và phần quà bằng tiền và hiện vật đã được trao. Đô vật Trần Văn Tưởng đoạt được giải "lớn nhất" là một chiếc xe đạp

KỲ VĂN

Nguồn: Báo thanh niên

Viết bình luận