Di sản văn hóa lộ thiên mang phong cách nghệ thuật thời Mạc ở trung tâm Dương Kinh xưa.
Tồn tại 65 năm ( 1527 – 1592), nhà Mạc góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đất nước. Thành tựu dễ nhận thấy nhất của vương triều Mạc đối với đất nước và thành phố Cảng Hải Phòng ngày nay là đã có công mở mang kinh tế công – thương, phát triển hệ thống thủy lợi, củng cố đê điều và bắt đầu có cái nhìn linh hoạt hơn về khả năng phát triển kinh tế biển. Học hành, thi cử, đào tạo và lựa chọn, sử dụng nhân tài đã có bước tiến khá xa so với các triều đại trước. Đặc biệt, thời Mạc còn để lại cho hậu thế cả một gia tài di tích kiến trúc – nghệ thuật và điêu khắc khá đồ sộ. Trong đó, tiêu biểu hơn cả là đình Tây Đằng, đình Lỗ Hạnh ( Hà Tây), chùa Trà Phương, chùa Nhân Trai, chùa Hòa Liễu ( Kiến Thụy – Hải Phòng). Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn, Tuyên Quang và phế tích đô thị thương cảng phố Hiến, làng kinh đô Ngũ Đoan…
Có thể khẳng định rằng: Trung tâm Dương Kinh xưa ( tức huyện Kiến Thụy ngày nay) và vùng phụ cận hiện có mật độ đậm đặc nhất hệ thống phế tích, di tích các công trình kiến trúc – nghệ thuật và di sản điêu khắc mang phong cách nghệ thuật thời Mạc ở nước ta. Chỉ tính các di tích , dấu tích lộ thiên đã có ngót nghét con số 50 trong đó đáng quan tâm nhất là các di tích, quần thể di chỉ khảo cổ học ở Cổ Trai ( Ngũ Đoan), Nghi Dương ( Ngũ Phúc), Đại Hoàng (Tân Dân – An Lão), chùa Trà Phương, Đại Trà, Hòa Liễu, Nhân Trai, Phúc Hải, Văn Hòa, Du Lễ (Kiến Thụy), Minh Thị, Phú Kê, Hà Lâu ( Tiên Lãng), chùa Cả An Hưng, Quang Khải ( An Dương), Trung Hành ( Hải An), Đồng Quan ( Vĩnh Bảo)…
Tuy nhiên, tài liệu về thời nhà Mạc còn quá ít ỏi, nên việc tìm hiểu về kiến trúc nghệ thuật nói chung và nghệ thuật kiến trúc cung đình thời Mạc nói riêng quả là khó khăn. Cố giáo sư Chu Quang Trứ dựa vào thư tịch cổ lý giải về sự khan hiếm di tích kiến trúc – nghệ thuật thời Mạc như sau: “ Nhà Lê sau khi giành lại được quyền quản lý đất nước đã ra sức phá hủy những công trình văn hóa gắn với nhà Mạc – nhất là ở những nơi nhà Mạc có uy tín. Lê Quý Đôn cho biết năm 1592 khi truy kích quân Mạc ở huyện Thanh Hà, “ nhà cửa tại các phủ Hạ Hồng, Nam Sách và Kinh Môn đều bị (quân Lê – Trịnh) đốt cháy gần hết…” Khi chúa Trịnh giúp vua Lê khôi phục kinh sư đã “ đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai, hủy bia đá ở lăng mộ, chặt hết cây trồng trong lăng”. Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, người dân vùng Dương Kinh xưa vốn có cảm tình với nhà Mạc đã cất dấu được một số di vật quý bằng đá, bằng đồng, bằng gỗ để cho hậu thế chiêm ngưỡng tự hào. Điển hình như: Tượng Mạc Đăng Dung và Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản ( vợ Mạc Đăng Dung?), bộ tượng Tam thế, đôi sấu đá thành bậc được tạc vào năm 1551 – 1562, do nhà sư Tăng Phúc Huyền đứng chủ hưng công; tượng Khiêm vương Mạc Kính Điển, tượng Mạc Đôn Nhượng ở chùa Nhân Trai; tượng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản ở chùa Hòa Liễu ( Kiến Thụy), Minh Thị ( Tiên Lãng), Bách Phương (An Lão); tượng vua Mạc và tượng Phật bằng đá ở chùa Hòa Liễu, Đại Trà, Phúc Hải, Văn Hòa (Kiến Thụy), Lôi Động (Thủy Nguyên)… Trong đó, có một số di tích vật khắc ghi rõ niên đại cụ thể như: Tấm bia “ Tu bà Đinh tự chi bi” ở chùa Trà Phương dựng năm 1561; tượng Đức vua ở chùa Trung Hành tạc năm 1583, ở chùa Bạch Đa tạc năm 1580; tượng “Đức vua” và Phật bà quan âm tọa sơn ở chùa Đại Trà tạc năm 1578; tượng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, tượng Tam Thế, tượng ông Hoàng ở chùa Hòa Liễu tạc năm 1562. Tượng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản và tượng A – di – đà ở chùa Minh Thị tạc năm 1572…
Hầu hết các pho tượng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đều được đặt giữa trên Phật điện trang nghiêm hay tại ban thờ Hậu phật linh thiêng. Nền tượng thường được khoét sâu vào lòng bia như một vòm động của cuốn và tượng được thể hiện trong lòng “ động” gắn liền phía lưng vào lòng bia. Trên bia có hai bông sen nở hoặc đôi phượng hoàng múa và dòng chữ “ Động chủ” hay “ vân tiên động”. Ở chùa Trà Phương, tượng tạc nổi cao khỏi nền 6 cm ở tư thế ngồi tọa thiền, hai tay đặt trên đùi, tay phải để ngửa vào trong lòng, còn tay trái úp duỗi thẳng ra phía trước. Mặt đầy phúc hậu đường nét mềm mại, hình khối vững chắc, dáng quý phái nhưng bình dị. Còn ở chùa Hòa Liễu, bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản lại được chạm nổi khối cao nhưng vẫn dựa lưng vào lòng bia, chiếm cả chiều cao và chiều rộng của “ động”. Tượng thể hiện một phụ nữ quý phái , nhưng chân chất, đôn hậu ngồi tĩnh tọa bán kiết già hở nửa lòng bàn chân trái, đầu trần tóc chải, tai dài đeo hoa nhỏ, vai rất xuôi, mặc áo dài hở ngực lộ rõ yếm thiên y trang trí hoa cúc và dây lưng kép tỏa sang hai bên.
Tượng Tam thế Phật thời Mạc tìm thấy ở chùa Cả (An Hưng), Hòa Liễu ( Kiến Thụy)…thường có kích thước xấp xỉ gần bằng người thực và được làm theo một quy tắc chung: Đầu tượng chia làm hai phần – phần trên là “nhục kế” (Tiếng Phạn là Unsisa – tướng thứ 32 của Phật, Bồ Tát; tướng này do lòng kính thuận sư trưởng mà mọc ra, biểu hiện cho trí tuệ, sự giác ngộ phật pháp của người tu hành). “ Nhục kế” nằm trên đỉnh đầu, bao bọc xung quanh “ nhục kế” và đầu tượng là những cụm tóc nhỏ xoắn ốc nổi. Đỉnh của “ nhục kế” là “ vô kiến đỉnh” tượng trưng cho tướng sang quý, trí tuệ, công quả và sức mạnh “ chân tâm vi rượu” của nhà Phật. Mặt tượng trái xoan, hơi thóp ở phần dưới, đó là khuôn mặt mang nhiều yếu tố nữ: tai dài dầy hơi chảy, nguyệt mi cong; sống mũi thẳng; mắt khép hở hơi nhìn xuống. Miệng ngậm, môi hơi thoáng nụ cười hàm tiếu. Nhìn chung, vẻ mặt toát lên sự nhẹ nhàng, đôn hậu, ít nhiều có nét thực của tượng chân dung và phần nào lột tả được ý nghĩa soi rọi nội tâm của người tu hành. Vẻ đẹp của tượng Tam thế nói riêng và tượng Phật thời Mạc nói chung trước hết, là sự nhấn mạnh ngôn ngữ, khối hình của điêu khắc tượng tròn. Các khối lồi, lõm, cứ đối nhau, người xưa khéo léo dùng một số mảng chìm để tôn lên các mảng nổi chủ đạo. Trên tổng thể đài sen được làm gần như vuông để nhấn độ chắc khỏe của khối tạo hình, tượng phát triển về bề ngang với bộ ngực nở nang, cặp vú căng nhô đầy sức sống và thân thon dần như “ thắt đáy lưng ong”. Đặc biệt, với nối tạo hình thoải mái không câu nệ, không gò bó, sôi nổi mà tươi tắn, phồn thực, tượng Tam thế thời Mạc rất gần gũi với tâm thức về vẻ đẹp của người phụ nữ lưu truyền trong dân gian.
Không hề ngoa ngôn khi nói rằng: pho tượng Quan âm tọa sơn ở chùa Đại Trà ( Kiến Thụy) là một trong những tác phẩm đẹp nhất trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo Việt Nam. Tượng được thể hiện ngồi trên mỏm núi nhấp nhô dạng thủy ba, chân phải chống xuống, chân trái khoanh lại ở thế nằm ngang, hai tay đặt trên đầu gối vẻ khoan thai, tự tại; đầu đội mũ “ Tì lữ” trang trí hoa cúc mãn khai và mặt trời tỏa hòa quang hình đao mác, chân để trần. Hòn Giả Sơn – bệ tượng chạm hình cá sấu, chim cọng mạng, hầu vương và mặt quỷ ô ba nan đà long vương. Dạng tượng này, chúng ta còn gặp lại ở chùa Hòa Liễu ( Kiến Thụy), chùa Cả (An Hưng – An Dương)…
Tượng các “ Đức vua” thời Mạc dường như được thể hiện theo kiểu ngồi thiết triều trên bệ rồng, đầu đội mũ bình thiên hình trụ tròn ôm sát gáy, đỉnh mũ vuông và phẳng. Tai dài, mặt thanh tú, sáng sủa, hiền hậu, nhân tuệ. Thần khoác áo hoàng bào có ống tay rất rộng. Hai tay cầm hốt chắp trước ngực. Hình khối tượng khá mượt mà mang đậm nét chân dung, khác xa với cách thể hiện tượng Inđra gốc Ấn Độ đầy vẻ áp chế.
Nhận xét về quy mô của hệ thống di sản văn hóa thời Mạc ở đất Dương Kinh, cố giáo sư Nguyễn Du Chi dự cảm rằng: “ vì biết rằng Thăng Long không thể là chỗ dựa cho chính quyền mới của mình, nên sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã nghĩ ngay đến việc xây dựng cơ sở ở quê hương mình. Đó là vùng Hải Phòng – Hải Dương – Quảng Ninh ngày nay. Nhà Mạc đã cho xây dựng ở vùng này nhiều công trình thổ mộc, cho đổi vùng quê thành Dương Kinh coi như một kinh đô thứ 2 ở quê hương dòng họ mình như kiểu Phủ Thiên Trường của nhà Trần và Nam Kinh của nhà Lê trước đây. Mạc Đăng Dung và các Vua Mạc kế tục đã cho xây ở vùng Dương Kinh nhiều cung điện, lầu các, có những cung điện nổi tiếng như: Phúc Huy, Hưng Quốc… Nhà Vua còn cho xây dựng điện Sùng Đức ngay trên nền nhà cũ của Mạc Đĩnh Chi ( Xã Lũng Động – Chí Linh – Hải Dương) nhằm nêu cao truyền thống của dòng họ mình…
Giáo sư Trần Lâm Biền dựa vào linh cảm của người đắm mình trong nghiên cứu mỹ thuật tạo hình Phật giáo Việt Nam mách bảo rằng: ở vào thế kỷ XVI, mảnh đất Hải Phòng ngày nay đã được chứng kiến quá trình hình thành, phát triển của nền mỹ thuật Mạc, rực rỡ, cởi mở và phóng khoáng. Nền mỹ thuật này mang nhiều tính nhân đạo, nhiều yếu tố tự do, chứa đựng chất dân dã và ít nhiều có xu hướng hội nhập với văn minh nhân loại. Giáo sư Trần Lâm Biền khuyên chúng tôi rằng: nghiên cứu nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật sản xuất gốm sứ thời Mạc sẽ phần nào hiểu rõ những khát vọng và rào cản đối với người Việt trong lịch trình chinh phục biển khơi và hội nhập kinh tế - văn hóa thế giới.
Trần Phương – Du lịch lịch sử - văn hóa Hải Phòng
Viết bình luận