Dương Kinh triều Mạc

DƯƠNG KINH TRIỀU MẠC

NGÔ ĐĂNG LỢI -Chủ tịch Hội sử học Hải Phòng

Sau nhiều năm cùng các em, con trai và bầu bạn cúc cung tận tụy phục vụ bốn đời vua Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng lập nhiều công lớn dẹp yên nhiều cuộc chống đối triều đình, từ chân một lính túc vệ xuất thân bình dân Mạc Đăng Dung được thăng dần đến chức Tiết chế các doanh thuỷ bộ quân 13 đạo, tức Tổng Tư lệnh Quân đội (năm 1520). Việc thăng tiến vượt bậc như thế nên có không ít người ghen tị, gièm pha. Việc chỉ huy đánh dẹp hầu hết các cuộc khởi loạn ở nhiều nơi, kể cả ở kinh đô Thăng Long và các vùng phụ cận, ắt hẳn có nhiều kẻ thâm thù. Cho nên, Mạc Đăng Dung luôn bị gièm pha, vu cáo. Vua Lê Chiêu Tông và vua Lê Cung Hoàng đều biết rõ điều này. Thế mà, ngày 27/7 năm Nhâm Ngọ (1522). Vua Lê Chiêu Tông lại nghe bọn nịnh thần trốn khỏi kinh đô, chạy ra Sơn Tây ban chiếu kêu gọi quân các nơi về tiêu diệt phe Mạc Đăng Dung. Tình thế ấy buộc ông ta phải phế truất nhà vua và lập em vua lên thay. Để tránh các thế lực chống đối, Mạc Đăng Dung phải rời triều đình về Hồng Thị thuộc huyện Gia Lộc (Hải Dương ngày nay). Tháng 10 năm Ất Dậu (1522) bắt được vua Lê Chiêu Tông giáng xuống làm Đà Dương vương, vua Cung Hoàng do phe Mạc dựng lên làm vua 5 năm mà các thế lực bất mãn, chống đối vẫn luôn tìm cách hãm hại Mạc Đăng Dung. Vì thế, nhiều lúc ông phải lui về quê ở Cổ Trai để tránh dư luận vu cho hám danh, chuyên quyền. Câu "trấm tà khẳng sự sàm nhân thiết, trung hiếu, trung tồn thực đức kiên" (gièm pha mặc kẻ bày nhiều cách, trung hiếu bền lòng chẳng chút sai) trong bài thơ vua Lê Cung Hoàng tặng Mạc Đăng Dung ngày tết Đoan Ngọ năm Đinh Hợi (1527) cùng với nhiều diễn biến chính trị từ năm 1526 đến đầu năm 1527 chứng tỏ nhiều âm mưu tìm cách hãm hại Mạc Đăng Dung, khiến phe ông ta phải ra tay trước. Nếu không có cái hoạ tru di cả họ không thể tránh thoát. Vì vậy, ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), phe Mạc Đăng Dung đã phế truất vua Lê Cung Hoàng, tôn Mạc Đăng Dung lên ngôi Hoàng đế. Sau khi lên làm vua, vương triều Mạc đặt Dương Kinh ở quê hương mà trung tâm là huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Chữ Dương trong "Dương Kinh" bắt nguồn từ đó. Sử gia trung thành của Lê - Trịnh là Đăng Bính, phê phán "lấy chỗ đất một xó ở Hải Dương gọi là Dương Kinh..." Nhưng sử chép địa bàn Dương Kinh rất rộng, gồm toàn bộ xứ Hải Dương và phủ Thuận An của xứ Kinh Bắc cùng các phủ "Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình của xứ Sơn Nam". Cổ Trai, Nghi Dương là trung tâm của Dương Kinh được coi là ấp thang mộc. Vì là quê và nơi phát tích của Vương triều Mạc, nhiều bia ký vùng này thường dùng từ đế hương - quê hương hoàng đế để chỉ Cổ Trai - Nghi Dương. Truyền ngôn cũng như một số bia ký coi Cổ Trai là linh địa - đại cát cục của nước ta. Thế đất có đủ tiền án là dãy núi Cửu Long, Đồ Sơn, hậu chẩm là dãy núi Đào Lĩnh - Tượng Sơn và thế gối sơn đạp thuỷ, Rồng Ba Gia ấp lại, Voi Đồng chầu sang.... đủ cả tay long, tay hổ. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc năm Tân Mùi (1511) "Bấy giờ hào kiệt và thuật sĩ đều nói rằng ở phương Đông có khí sắc thiên tử, vua sai Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ra Đồ Sơn để trấn áp. Đăng Dung cũng đi cùng đám ấy mà không ai biết". Sự kiện này, sách Việt sử diễn âm soạn đời Mạc cũng ghi:

 

Thời vận đã hết nhà Lê

 

Có mây năm sắc chầu về Đồ Sơn.

 

Thuận điềm xuất chấn thừa quyền

 

Trời cho họ Mạc thiên nhan xem chầu.

 

Đất thiêng cấu khí đã lâu

 

Rồng vàng hùm chiếu bấy lâu lạ dường.

Nói đến linh địa Đồ Sơn thì cha con Trần Cao - Trần Thăng ở trang Dưỡng Chân (nay là Dưỡng Chính xã Chính Mỹ, huyện Thuỷ Nguyên, ngoại thành tin, nên năm Bính Tý (1516) mới dựng cờ khởi nghĩa chiếm cứ Thăng Long tự dựng làm vua. Thời Lê - Trịnh nhà phong thuỷ Tả Ao nổi tiếng vẫn còn mang la bàn đến Đồ Sơn để tróc long tầm huyệt (!). Chuyện Tả Ao đến Đồ Sơn tưởng bị bà già bán nước ở đầu huyện lỡm chỉ đường "qua cổ, qua họng, sang đầu". Nhưng khi theo đường bà già chỉ quả có đò Cổ, đò Họng mới đến được Đầu Sơn. ở vùng này gọi Đồ Sơn là Đầu Sơn. Các bản đồ người Pháp vẽ vào năm 1924 cũng ghi là núi Đầu).

Xét về vị trí địa lý - kinh tế, địa - quân sự, Cổ Trai giữ vai trò rất quan trọng. Từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp đắp đường Hải Phòng - Đồ Sơn, đường Phúc Hải - Núi Đối, đê Đồng Nẻo - Tiểu Bàng, Quần Mục, lấp sông Cổ Trai thông qua sông Cốc, sông Sàng... làm thay đổi hẳn địa hình, địa mạo vùng này. Chứ thời Minh Mạng (1820 - 1840), sông Cốc Liễn tên cũ Minh Liễn còn là căn cứ thuỷ quân lớn của triều đình. Các cửa sông Văn Úc, Đa Ngư, Đại Bàng, Ba Lộ (Lò) đều là cửa sông lớn tàu thuyền đi lại thuận tiện từ bể vào Thăng Long mà sách Lĩnh Ngoại Đại Đáp soạn đời Minh ghi rõ từng cung độ, cửa sông Cổ trai tên nôm là cửa Giai (Giai Môn) hay cửa Lan Nhai. Lan Nhai có nghĩa là ngăn cấm. Như vậy, đủ biết cửa Cổ Trai, vị trí làng Cổ Trai quan trọng thế nào. Thời thuộc Minh (1407- 1427), chính quyền đô hộ đã đặt Cổ Trai trường để thu mua muối, thuỷ hải sản. Một Diêm khoá ty (ty thuế muối) đã đặt ở địa bàn xã Cổ Trai. Những năm đầu thế kỷ 20, Pháp đặt 2 đồn canh ở tả hữu sông Đại Bàng, tục gọi là đồn Cồn (Quần Mục) đồn Bàng, nay thuộc xã Đại Hợp, Bàng La. Nhà Mạc đặt Dương Kinh không chỉ vì Cổ Trai - Nghi Dương là ấp thang mộc là nơi phát tích mà chính địa bàn này có vị trí kinh tế, quân sự, an ninh quan trọng. Để tránh tai mắt của thế lực thù địch, những việc nước, việc quân cơ mật thường bàn ở đây, chứ không phải ở Thăng Long. Sử sách nhà Minh nhiều lần nhắc đến Đô Trai (kinh đô Cổ Trai). Lê Quý Đôn cho rằng sau khi nhường ngôi cho con "Đăng Dung về Cổ Trai ở, là để trấn vững nơi căn bản và làm ngoại viện cho Đăng Doanh..." Hiện chưa tìm thấy sử liệu hay dấu tích rõ về quy hoạch kiến trúc ở trung tâm Dương Kinh, phần vì bị quân Lê - Trịnh triệt hạ năm 1592, trừ một số cơ sở tôn giáo. Một số địa danh cũ giúp ta suy đoán như Phủ Cao là phủ đệ của Mạc Đăng Dung khi được phong tước Quốc công được mở phủ riêng. Phủ Tín là phủ đệ của Tín Vương Mạc Quyết, phủ Từ là phủ đệ của Từ vương Mạc Đốc đều là em của Mạc Đăng Dung. Cả hai phủ này dựng sau khi Mạc Đăng Dung lên ngôi vua, phong vương tước cho em. Sử chép, khi được nước, nhà Mạc cho dựng điện Hưng Quốc và điện Phúc Huy ở phía Tây điện Hưng Quốc khi Mạc Đăng Doanh đã lên làm vua có "dựng điện nguy nga để Đăng Dung ở mỗi tháng vào ngày mồng 8 và ngày 22, Đăng Doanh dẫn quần thần đến điện triều yết". Các thân vương khác kể cả Khiêm Thái vương Kính Điển, Ứng vương Mạc Đôn Nhượng... đều có phủ đệ ở Cổ Trai nhưng không rõ quy mô, vị trí. Bia quán Chân Thánh ở Nghĩa Trai (N0 5802) có ghi tên phi tần của Khiêm vương, bia chùa Sùng Ân ở Thọ Lão (N0 17642) ghi tên chính phi Hoàng Thị Ngọc Châm, bia tạo tượng Tam giáo chùa Cao Dương (N0 4662) ghi tên cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hoa đều thuộc phủ Khiêm vương. Bia chùa Thiên Hựu (N0 12566) ghi phi tần của Ứng vương...

Một số bia Mạc ở quanh khu trung tâm Dương Kinh, người soạn văn bia ghi chức vụ là Hiệu sinh phủ Khiêm vương. Những thông tin ít ỏi này gợi cho người đọc phủ đệ của Khiêm Thái vương, của Ứng vương khá lớn, có cung thất riêng cho vợ cả, vợ lẽ và có trường học nội phủ. Ở thôn Nhân Trai bên cạnh, các cụ già kể ngoài phủ của Ứng vương còn có phủ của chúa Tấn, chúa Tần, chúa Thao... nhưng nay chỉ còn ngôi chùa cổ có tượng đá tương truyền là tượng Mạc Đôn Nhượng, một tấm bia ghi công đức ông và bộ rồng đá khá nguyên vẹn trước chùa Nhân Trai. Thành quách hiện chưa thấy, chỉ còn những dấu tích đồn binh ở: Núi Voi, Thiểm Khê, Thư Cung, Xích Thổ, Cẩm Phả, Lạng Sơn... tức là cả một hệ thống đồn luỹ phòng vệ biên giới khá kiên cố ở những vị trí xung yếu.

Đặc biệt địa bàn Dương Kinh chiếm cả vùng châu thổ sông Hồng, tương đương với hai xứ: Hải Dương, Sơn Nam mà Mạc Đăng đã từng giữ chức trấn thủ dưới triều vua Chiêu Tông hiện còn rất nhiều dấu tích của vương triều này như: đê nhà Mạc, kênh nhà Mạc, cống nhà Mạc, cầu nhà Mạc, rừng nhà Mạc, bãi nhà Mạc... nhiều công trình phục vụ sản xuất, dân sinh của nhà Mạc đến nay vẫn còn sử dụng được. Liền kề với trung tâm Dương Kinh ở huyện Kiến Thụy nay có dinh của Thái uý Tĩnh Quốc công Vũ Hộ ở xã Minh Tân, Thái sư Hải Quốc công Phạm Gia Mô, Thái uý Trung Quốc công Nguyễn Như Quế. Ở An Lão có Hàn xuyên hầu Thượng thư Trần Tất Văn, Văn đẩu hầu Thượng thư Nguyễn Chuyên Mỹ, Thượng thư Nguyễn Đốc Tín, ở An Dương có Thái bảo Lâm Quốc công Bùi Đổ, Thái uý Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi...

Các vị trên đều là cựu thần nhà Lê, sau ra giúp nhà Mạc, nhiều người được xếp vào hạng công thần khai quốc của nhà Mạc. Như vậy, vào những năm thịnh đạt nhất của triều Mạc thì nhân vật chủ chốt của vương triều này đều là người ở trung tâm Dương Kinh những dinh thự, phủ đệ này đều bị tàn phá cùng với cung điện, đền đài, lăng tẩm ở Cổ Trai do nhà Lê - Trịnh trả thù. Một số nhà nghiên cứu nhắc đến công, thương nghiệp ở trung tâm Dương Kinh, qua tư liệu điền dã thấy các phố phường buôn bán đều ở sát bờ bể hay cửa sông lớn gần Cổ Trai mà thôi như phố Nhội (Phụ Lỗi) ở bãi biển Nam Đồ Sơn, phố Chấu, phố Khách Long Mã ở hữu ngạn cửa Bạch Đằng, phố Lồ, phố Minh Thị ở tả ngạn cửa Văn Úc, phố Hạ Hôm ở hữu ngạn cửa Thái Bình. Những phố phường buôn bán này thuận tiện nhưng đều nằm trong tầm kiểm soát của việc bảo vệ kinh đô.

Như vậy, tuy cũng là kinh đô thứ hai đặt ở nơi phát tích vương triều, nhưng khác với Đình Bảng của nhà Lý, Thiên Trường của nhà Trần, Lam Sơn của nhà Lê, Dương Kinh của nhà Mạc đất rộng hơn, dân đông hơn, quy mô to lớn hơn và vai trò không chỉ là nơi đặt lăng tẩm, điện thờ, cung thất mang tính chất hành cung để hoàng tộc sử dụng khi bái yết sơn lăng. Dương Kinh nhà Mạc thực sự là kinh đô thứ hai, giữ vai trò chính trị, quân sự, văn hoá, kinh tế.

Việc tôn tạo, phục dựng một số di tích tiêu biểu và phát huy di tích Dương Kinh là cần thiết như Hội thảo khoa học về Vương triều Mạc năm 1994 đã thống nhất kiến nghị.

 

 

Ghi chú: Những ký hiệu "N0..." là ký hiệu văn bia hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).

(GS Trần Quốc Vượng trả lời phỏng vấn nhà báo Hiền Thảo, đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 6-11-2004, tr. 2)

Phóng viên (PV): Thưa GS, sau khi lên ngôi vào năm 1527, Mạc Đăng Dung vẫn tiếp tục đóng đô ở Thăng Long. Vậy thành Dương Kinh được xây dựng có ý nghĩa ra sao?

GS Trần Quốc Vượng(TQV): Dương Kinh được nhà Mạc xây dựng sau năm 1527. Đây là quê hương của Mạc Đăng Dung. Theo thông lệ, mỗi vị vua lên ngôi đều đóng đô ở vùng đất “thế rồng bay”. Tuy nhiên ai cũng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mạc Đăng Dung không nằm ngoài qui luật tình cảm đó. Ngay sau khi lên ngôi, ông tiến hành ngay việc xây dựng Dương Kinh. Và thế là từ một làng đánh cá, khu vực này đã thành kinh đô thứ hai của nhà Mạc với mô hình giống như kinh đô Thăng Long. Dương Kinh được xây dựng rất đàng hoàng, có điện Hưng Quốc, điện Tướng Quang, điện Phúc Huy… Tất nhiên là không thể lớn và đồ sộ bằng Thăng Long được. Dương Kinh gần biển và được bao bọc giữa hai dòng sông Đa Độ (phía đông) và Văn Uc (phía tây Nam). Mỗi lần vua về Dương Kinh cũng có Bộ Lễ đi theo và các hoạt động cũng diễn ra như ở Thăng Long… Năm 1533, Mạc Đăng Dung nhường ngôi vua rồi làm thượng hoàng, rút về Dương Kinh.

PV: Dương Kinh đã tồn tại được bao lâu? Phải chăng, sau khi đánh bại nhà Mạc, nhà Lê-Trịnh đã san phẳng khu thành quách này?

TQV: năm 1592, khi Trịnh Tùng đuổi được Mạc Mậu Hợp ra khỏi Thăng Long, liền dẫn quân thẳng tới Dương Kinh. Và ngay sau đó, toàn bộ thành quách, kiến trúc của Dương Kinh bị san phẳng. Đó cũng là mặt hạn chế của các triều đại phong kiến Việt Nam. Triều đại sau luôn tàn phá những gì triều đại trước dựng lên. Tuy nhiên, công việc khai quật khảo cổ đã chứng minh sự tồn tại của Dương Kinh. Đó là dấu tích của các khu cung điện, tường thành rất rõ ràng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những công trình hoặc hiện vật giá trị nhất của Dương Kinh chính là hệ thống tượng, bia đá của hoàng tộc nhà Mạc được lưu giữ tại những ngôi chùa, đền miếu trong vùng.

PV: Qui mô lớn, gần sát và hướng ra biển là một hiện tượng lạ so với những kiến trúc truyền thống của người Việt. Giáo sư có thể lý giải vấn đề này của Dương Kinh như thế nào?

TQV: Theo sử sách vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI dưới thời cai trị của Lê sơ, chính quyền mục nát, nhân dân cơ cực và đòi hỏi cần phải có người thay thế ổn định tình thế đất nước. Trong tình thế đất nước rối ren như vậy, Mạc Đăng Dung “cướp ngôi”, thiết lập triều Mạc. Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã chấm dứt thời kỳ “ức thương”, mở rộng giao thương với nước ngoài. Ông đề cao hoạt động thương mại, và thực sự đã có nhiều chính sách mới mẻ. Minh chứng cụ thể là đồ gốm sứ trở thành mặt hàng được nhiều nước mua: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…và con tàu đắm ở Cù lao Chàm mới được tìm thấy có nhiều đồ gốm sứ thời này. Điều đáng nói là các sản phẩm gốm sứ thời mạc đều có khắc tên người làm, địa chỉ xưởng sản xuất và nơi cung tiến.

Tôi cho rằng, nếu nhà Mạc tiếp tục tồn tại và phát triển, Việt Nam đã có một cuộc cải cách giống như thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản, nhưng từ rất sớm! Dương Kinh chính là sự thể hiện tư tưởng “hướng ngoại” của nhà Mạc.

PV: Những bí mật về Dương Kinh vẫn đang nằm sâu dưới lòng đất.Với con mắt của nhà nghiên cứu, giáo sư có thể cho biết những giá trị đã tìm thấy trong đợt khai quật vừa rồi?

TQV: Có thể nói, nghiên cứu kiến trúc của Dương Kinh là một khó khăn đầy thách thức với các nhà nghiên cứu. Nguyên nhân là khi nhà Trịnh lên thống trị thì những giá trị vật thể của nhà Mạc hầu như bị phá bỏ. Song vẫn còn nhiều kỳ vọng để chúng ta có một kết luận đầy đủ về giai đoạn lịch sử này. Ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, giới khảo cổ và mỹ thuật đã nhìn nhận khách quan về nhà Mạc. Công việc khảo cổ, khai quật được tiến hành vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhìn chung, nền và quy mô các cung điện, thành luỹ đã được các nhà khảo cổ xác định. Hiện nay, công tác nghiên cứu khu vực này vẫn đang được triển khai. Đến Dương Kinh hôm nay, chúng ta vẫn thấy nguyên vẹ tượng chân dung Mạc Đăng Dung và Hoàng Hậu, các chân cột đá có khắc hình cánh sen đặc trưng hoa văn thời Mạc….

 

Viết bình luận