HAI TƯỢNG ĐÁ PHONG CÁCH MẠC CHÙA PHỔ CHIẾU
Đầu tháng 8 năm 2015, trong chuyến khảo sát điền dã tại chùa Phổ Chiếu (còn gọi chùa Văn Hòa) xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, đoàn cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phát hiện 2 pho tượng nhân vật bằng đá và dựa trên những đặc điểm tạo hình có thể đoán định đây là những di vật còn sót lại từ thời Mạc cùng với tấm bia đá gắn ở hiên phải tiền đường. Những pho tượng này hiện được đặt đối xứng hai bên tượng Đức Ông (bằng gỗ) ở gian trái tiền đường. Nhìn thoáng qua, người ta rất dễ nhầm lẫn đây là đôi tượng bằng gỗ được đặt hầu cận bên Đức Ông. Có lẽ chính bởi vị trí đặt tượng, kích thước nhỏ bé (76-77cm), tư thế đứng chầu và màu sắc tươi tắn được tô phủ kín mà cặp tượng này đã bị các nhà nghiên cứu “bỏ rơi” khi đến tìm hiểu dấu ấn vật chất của thời Mạc hiện còn ở chùa Phổ Chiếu. Trước đó, năm 1996 trong luận án Phó Tiến sĩ khoa học Lịch sử: “Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh” (Hải Phòng), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn không thấy nhắc tới cặp tượng này. Ông khẳng định: Vết tích thời Mạc có: tấm bia đá và một pho tượng bà Hoàng [4,tr47]. Thời điểm hoàn thành bản thảo cuốn Mỹ thuật thời Mạc (1985), và in sách năm 1993, các tác giả thuộc Viện Mỹ thuật chưa có khảo sát cũng như liệt kê di tích chùa Phổ Chiếu trong danh sách di tích thời Mạc.
Hai pho tượng tạc bằng đá xanh nguyên khối được sơn kín màu, dáng đứng thẳng nghiêm trang, hai tay chắp trước ngực, bàn tay được giấu dưới lớp khăn phủ, hai cánh tay áo rủ xuôi thẳng theo thân trùng quá gối. Nối ngay dưới mép dưới gấu tay áo là những nét chạm hết sức thoáng tay tạo ra những đường lượn phóng khoáng, gợi tả dải tế tất phần thân trước và các sóng áo chảy xuống từ hai bên hông. Nhìn chung trang phục của hai nhân vật không khác nhau nhiều: Bên ngoài mặc áo đoàn lĩnh – áo cổ kiềng thụng tay màu đỏ, bên trong mặc áo lót giao lĩnh – áo có cổ bắt chéo trước ngực; áo váy trùm kín thân, để lộ mũi giày đen, đầu mũi giày có điểm những chấm nhũ vàng. Phía sau lưng, hai vạt tay áo từ nách chạy chéo sang hai bên hông, riêng tượng nam có đai thắt lưng to bản. Hai nhân vật đều đứng trên một bục nhỏ, bục này chạm liền khối với tượng. Chạm khắc trên trang phục khá đơn giản, gần như không có trang trí hoa văn.
Pho tượng nam (77x24x16cm) có khuôn mặt vuông vức, đôi mắt nhỏ, cánh mũi dày, sống mũi thẳng, môi tươi đầy đặn. Đôi tai to, dài, dái tai dày; chiếc cổ lớn được nhấn mạnh những đường vạch ước lệ tạo ra 3 ngấn; vai xuôi, thân tròn lẳn khỏe mạnh. Nhân vật đội mũ hình trụ màu đen, đỉnh bằng, diềm chân mũ sơn nhũ màu vàng đất chạm nhẹ một tua băng những hạt tròn; mặt trước mũ chạm nổi chữ vương. Tuy nhiên, do tượng bị sơn phủ nhiều lần nên phần chữ vương này khối bị tịt, rất khó phát hiện. Pho tượng nữ (76x22x19cm) có gương mặt đầy đặn, cằm dày, cổ khá to, thô được vạch rõ ba ngấn. Phần môi son tô thu nhỏ trong lòng môi gần như chúm chím nhưng lại phá vỡ khối môi đầy đặn vốn có; tóc phía trước búi cao trên đỉnh, phần tóc còn lại để xõa sau lưng. Mái tóc xõa ngang lưng ở nhân vật nữ chùa Phổ Chiếu cũng có thể thấy được ở cách để tóc xõa ngang lưng trên các pho Diệu Thiện chùa Đại Trà, các pho bà Hoàng Thái Hậu chùa Trà Phương, đền Hòa Liễu, chùa Minh Phúc, chùa Phổ Minh… Nét quý phái, trang nghiêm của nhân vật còn được thể hiện ở những mảng trang sức được chạm nổi khối hình lá đề, hình tròn gắn từ hai thái dương băng qua trán và trên búi tóc (việc tô vẽ nhôm nhoam hiện tại thực sự khiến người xem rất khó hình dung). Tượng đeo hoa tai sơn nhũ vàng có ba ngấn thuôn đều tựa nụ hoa khá duyên dáng chảy dài xuống cổ. Dựa theo đặc điểm trang phục, có thể nhận thấy hai nhân vật đều mặc những lễ phục cao quý.
Tượng Kim Đồng chùa Phổ Chiếu. Đá phủ sơn. 77x24x16cm (phải)
Tượng Ngọc Nữ chùa Phổ Chiếu. Đá phủ sơn. 76x22x19cm (trái)
Xét về tạo hình, có thể nhận thấy những tương đồng lớn của cặp tượng chùa Phổ Chiếu với chân dung các pho tượng Phật, tượng hậu bằng đá thời Mạc ở Hải Phòng như tượng Ngọc Hoàng chùa Nhân Trai, chùa Bạch Đa, chùa Trung Hành; tượng Ngọc Hoàng, tượng Diệu Thiện chùa Đại Trà, chùa Hòa Liễu… Đặc điểm chung của những pho tượng này là phần đầu chiếm tỷ lệ lớn so với toàn thân. Khuôn mặt bầu thon đều nhưng phần cằm hơi ngang tạo cảm giác vuông vức khỏe mạnh. Chiều ngang mặt (tính từ hai bên thái dương) bằng 2/3 chiều dài đầu (tính từ đỉnh sọ tới cằm). Tỷ lệ ngũ quan trên khuôn mặt khá hài hòa, duy có phần tai thường được kéo dài như dấu hiệu của quý tướng. Những chi tiết rất đặc trưng ở chân dung các pho tượng đá thời Mạc là: Đôi mắt nhỏ; đầu mũi to, cánh mũi dày; đôi môi đầy đặn cân đối, vành môi tỏa đều, phần đầu môi trên và đáy môi dưới thường được nhấn rõ. Các pho tượng nhân vật bằng đá thời Mạc luôn ở tư thế nhìn thẳng. Dù ở tư thế ngồi tọa thiền, ngồi trên ngai, chân co chân duỗi hay tư thế đứng thẳng thì những pho tượng này luôn gợi nên một cảm giác tĩnh tại, vững chãi. Sự bình thản trong nét mặt cùng với nét tĩnh lặng gợi ra từ khối hình đã tạo nên một trạng thái tinh thần hoàn toàn tĩnh tại, bỏ lốt “phàm tâm” thể hiện “thiên tâm”. Bên cạnh pho tượng Ngọc Hoàng, phù điêu chân dung bà Hoàng, bà Chúa được phủ đầy hoa văn trang trí, lối thể hiện ”kiệm lời”, ít trang trí hoa văn trên trang phục như ở cặp tượng chùa Phổ Chiếu là khá phổ biến trong điêu khắc tượng tròn và phù điêu nhân vật thời Mạc.
Các lớp sơn dày đặc được tô phủ nhiều lần, lớp sau chồng lên lớp trước đã gây ảnh hưởng ít nhiều tới việc nhận diện hai pho tượng đá chùa Phổ Chiếu. Những hoa văn trang trí hiếm hoi trên mũ, trên tóc nhân vật bị các lớp sơn làm cho nhòe nhoẹt, tịt khối. Những lớp sơn loang lổ, bề mặt sơn dày mỏng không đều; điểm nhãn, tô môi không tinh tế; những họa tiết trang sức trên mũ, trên khăn bị tô vẽ nhôm nhoam làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hình khối. Phần khăn phủ tay cũng như các nếp tay áo bị tô vẽ lộn xộn do người thời sau không nắm rõ kết cấu trang phục: khăn phủ bị tô tràn đến tận khuỷu tay! Những nét chấm bi màu vàng nhũ trên nền khăn đen được vẽ hết sức đại khái. Viền cổ tay áo, vạt áo phía trước bị tô màu tùy tiện, ước đoán. Khảo sát hầu khắp các pho tượng đá thời Mạc ở Hải Phòng, Thái Bình, những dấu vết màu sắc còn sót lại khiến ta có thể tin vào truyền thống tô màu những pho tượng đá. Đôi khi những hình vẽ trang trí cầu kì được thay thế cho hoa văn chạm khắc. Tuy nhiên, việc tô vẽ lại tượng nhiều lần, đặc biệt là khi những người thợ sơn ở các giai đoạn sau này bị đứt đoạn với văn hóa và trang phục truyền thống hẳn đã tạo ra những sai khác rất lớn so với tác phẩm nguyên gốc ban đầu.
Ảnh bà Hoàng chùa Phổ Chiếu. Đá phủ sơn. 60x30x50cm
Không giống những pho tượng Ngọc Hoàng ngự trên ngai trong tư thế ngồi thiết triều ở các chùa Đại Trà, Bạch Đa, Trung Hành, Nhân Trai…, pho tượng nhân vật nam chùa Phổ Chiếu mặc dù trên mũ có khắc chữ vương nhưng lại có tư thế đứng chầu. Xét về trang phục, thế dáng nhân vật này hoàn toàn tương ứng với nhân vật nữ đối xứng tạo thành một cặp Kim Đồng, Ngọc Nữ trên Phật điện. Trong số 6 pho tượng đá thời Mạc mới phát hiện tại chùa Hỗ Đông, An Dương, Hải Phòng ta cũng nhận thấy một cặp tượng tương tự đứng chầu hai bên tượng Ngọc Hoàng. Nhiều khả năng, hai pho tượng phát hiện tại chùa Phổ Chiếu là cặp Kim Đồng Ngọc Nữ ở Phật điện thời Mạc còn sót lại. Rất khó để vẽ ra được một sơ đồ phật điện hoàn chỉnh thời Mạc, tuy vậy qua văn bia và những di vật tượng đá thời Mạc còn sót lại ở một số ngôi chùa xứ Đông, phần nào ta có thể hình dung được. Cụ thể như: chùa Đào Xá (Quỳnh Phụ, Thái Bình) có 10 pho tượng gồm: Tam thế, Tam thanh, Ngọc Hoàng, Mạc Đăng Dung theo truyền ngôn dân gian – nhân vật đội mũ miện có chạm nổi hình chim hạc (?) phía trước (nhiều khả năng có đóng vai trò nào đó trong điện thờ Tam giáo), Diệu Thiện, sư tổ; chùa Chiêu Tường (An Dương, Hải Phòng) có 7 pho tượng gồm: Tam thế, Ngọc Hoàng, Diệu Thiện, tượng sư tổ; cụm đền/chùa Hòa Liễu với 7 pho tượng, 1 phù điêu gồm: Tam thế, Ngọc Hoàng, Diệu Thiện, Mạc Đăng Dung theo truyền ngôn – nhân vật đội mũ miện có chạm nổi hình chim phía trước, sư tổ, chân dung bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ (phù điêu); chùa Hỗ Đông (An Dương, Hải Phòng) có 6 tượng pho gồm: Tam thế, Ngọc Hoàng, Kim Đồng, Ngọc Nữ… Văn bia: Đại Từ tự bi (niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592) ghi nhận hệ thống tượng thờ chùa Đại Từ (Thanh Hà, Hải Dương) gồm: Kim Cương (8 pho), Bồ Tát (4 pho), Nam Tào, Bắc Đẩu (2 pho), La Hán (18 pho), Kim Đồng, Ngọc Nữ (2 pho), cô hồn (3 pho), Long thần (2 pho), 7 pho tượng gỗ Trưởng giả, tô 9 pho tượng Phật… cũng trong dịp này còn thuê vẽ Phật cưỡi xe trần [5,tr339].
Cặp tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ chùa Phổ Chiếu về mặt hình thức cũng rất gần gũi với cặp tượng gỗ hiện đang xếp ở hàng thứ 3 trên Phật điện gian thờ bên trái thượng điện chùa Keo, Thái Bình. Ta cũng nhận thấy nhiều nét tương đồng về mặt tạo hình giữa cặp tượng chùa Phổ Chiếu với những cặp tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ ở Am Vô tự (Thái Bình), chùa Cổ Tung (Nam Định), chùa Ngo (Hà Tây cũ, hiện chỉ còn pho Ngọc Nữ), Linh Tiên quán (Hà Tây cũ). Tất cả những di tích vừa nêu ít nhiều đều có dấu vết của loại hình di tích thờ Tam giáo. Chùa tam giáo, làm tượng tam giáo, sự tồn tại đan xen hài hòa giữa Phật giáo và Đạo giáo được nhắc nhiều trong các văn bia thời Mạc. Trong các quán Đạo, cặp tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ được cho tương ứng với Đông Nhạc Đại Đế và Hậu Thổ Hoàng Địa Kỳ. Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị cai quản Thiên đình tức triều đình nhà Trời, do đó giúp việc cho Ngọc Hoàng Thượng Đế có 4 vị Thiên đế được gọi là Tứ Ngự, gồm: Nam Đẩu tức Nam Tào trông coi việc nhân gian, tức Dương Phủ. Bắc Đẩu cai quản cả vùng trời vùng đất, nhưng người ta thường cho việc chính của Bắc Đẩu là coi việc tử. Hậu Thổ Hoàng Kỳ là nữ thần vạn vật núi sông, thường được gọi là Địa phủ. Đông Nhạc Đại Đế là thần núi Thái Sơn, thường được gọi là Nhạc Phủ, quản các linh hồn người chết. Như vậy, chữ vương trên mũ nhân vật nam cũng như trang phục cao quý ở hai nhân vật có lẽ phần nào giải thích được.
Phần đầu tượng Kim Đồng chùa Phổ Chiếu
Về pho tượng bà Hoàng bằng đá mà nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn nhắc tới năm 1996 hiện không rõ đặt ở đâu. Theo như khảo tả của Nguyễn Văn Sơn, tượng chân dung bằng đá cao 60cm, ngang vai rộng 30cm, ngang gối rộng 50cm. Như vậy pho tượng này có tỷ lệ khá tương xứng với cặp tượng được Kim Đồng cao 77cm, Ngọc Nữ cao 76cm. Theo phán đoán của ông Nguyễn Văn Sơn, đây có lẽ là chân dung bà Hoàng đã mua ruộng cúng tiến vào chùa được nhắc đến trong văn bia, nhưng không nói rõ tên họ và có thể được tạc vào thời gian dựng bia [4,tr47]. Bia hiện được gắn giữa tường bên hiên phải nhà tiền đường ghi lại việc bà Thái Hoàng Thái Hậu mua ruộng cúng tiến vào chùa làm ruộng tam bảo vào năm 1579. Chùa Phổ Chiếu thuộc xã Văn Hòa xưa (nay là xã Hữu Bằng) vào thế kỷ 16 là địa bàn phụ cận với trung tâm Dương Kinh, có vị trí giáp ranh với 2 xã Thụy Hương và Thuận Thiên. Thụy Hương là quê hương của bà Thái Hoàng Thái Hậu Ngọc Toàn – vợ Thái Tổ Mạc Đăng Dung có ngôi chùa Thiên Phúc nổi tiếng còn gọi là chùa Trà Phương (1551); xã Thuận Thiên cũng có ngôi chùa mang tên Thiên Phúc còn gọi là chùa Hòa Liễu (1562). Hai ngôi chùa này đều gắn với những đợt công đức xây dựng lớn của bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ và đều còn lưu giữ được các phù điêu chân dung bà Hoàng Thái Hậu bằng đá quý giá. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn khi nhận định về pho tượng bà Hoàng tại chùa Phổ Chiếu trong tương quan với các phù điêu chân dung bà Thái Hoàng Thái Hậu ở các chùa Trà Phương, Hòa Liễu, Minh Phúc đã cho rằng tượng có khác đôi chút: khuôn mặt dài hơn, tóc chải nhiều nếp, áo choàng rộng, cổ chéo hình chữ V, tay trái vẫn đặt trên gối, tay phải đưa lên trước bụng [4,tr47]. Dựa trên ảnh chụp và những khảo tả của Nguyễn Văn Sơn, ngoài những chi tiết khác biệt vừa nêu thì ta vẫn có thể nhận thấy những nét tạo hình đặc trưng của điêu khắc nhân vật bằng đá thời Mạc: hình thức mô tả tóc chải nhiều nếp là hình thức phổ biến ở khắp các tượng hậu, tượng Phật ở cả nam và nữ. Những nếp tóc, những nét xước thẳng mô phỏng sợi tóc khi thì tinh và mau mắn khi lại thô phác gợi tả có thể nhận thấy ở hầu khắp các tượng Ngọc Hoàng chùa Phúc Linh (Nhân Trai), chùa Hưng Khánh (Trung Hành), chùa Bạch Đa, chùa Hòa Liễu (nếp tóc lượn sóng ngang)…; các tượng Diệu Thiện chùa Hòa Liễu, chùa Đại Linh (Đại Trà) và đặc biệt là các phù điêu bà Hoàng bà Chúa thời Mạc: chùa Minh Phúc, chùa Phổ Minh… Chiều cao 60cm của pho tượng bà Hoàng, thấp hơn hai pho Kim Đồng, Ngọc Nữ (77-76cm) xét một cách chủ quan cũng loại trừ khả năng vị trí của cặp tượng Kim Đồng Ngọc Nữ là đứng hai bên hầu cận bà Hoàng.
Như vậy, dựa trên khảo cứu tư liệu và thực tế điền dã, những di vật điêu khắc đá thời Mạc ở chùa Phổ Chiếu gồm tấm bia đá niên đại 1579, pho tượng bà Hoàng nhà Mạc và hai pho tượng đá nhiều khả năng là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ trên Phật điện thời Mạc còn sót lại.
Vũ Thu Hiền
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân (1993), Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật.
- Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế giới.
- Nguyễn Thế Hùng (2003), Quán Đạo giáo ở Hà Tây, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Khảo cổ học.
- Nguyễn Văn Sơn (1996), Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng), Luận án Phó tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Viện Khảo cổ học.
- Đinh Khắc Thuân (1996), Văn bia thời Mạc, Nxb Khoa học xã hội.
- Đinh Khắc Thuân (2012), Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
Nguồn: http://www.vietnamfineart.com.vn
Viết bình luận