Là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, những năm qua, huyện Kiến Thụy có nhiều hoạt động thiết thực nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa những lễ hội đặc sắc trên địa bàn, tạo cơ hội để người dân tìm hiểu, tiếp thu tinh hoa văn hoá tâm linh. Đến thời điểm này, các lễ hội đầu xuân của các địa phương vẫn giữ được nét đẹp vốn có.
Lễ hội vật cầu Kim Sơn ở xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy) thu hút đông đảo nhân dân và du khách về dự. Ảnh: Duy Lân |
Độc đáo sắc màu lễ hội
Với gần 50 lễ hội lớn nhỏ tổ chức định kỳ hằng năm, trong đó, gần chục lễ hội đặc sắc diễn ra vào dịp đầu xuân mới, Kiến Thụy là một trong những miền quê có nhiều lễ hội độc đáo bậc nhất của thành phố. Lễ hội ở Kiến Thụy đa dạng, đặc sắc về thể loại, bao gồm các lễ hội dân gian, lịch sử, văn hóa, thể thao, tôn giáo, mang đến cho người dân sự trải nghiệm, khám phá mới mẻ. Hầu hết lễ hội đều gắn liền với các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử danh thắng, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát huy nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống.
Tiêu biểu như lễ hội Minh Thề ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên được mở vào 14-16 tháng Giêng hằng năm. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, lễ hội bị gián đoạn thời gian khá dài, được phục dựng vào năm 2002, song lễ hội vẫn lưu giữ hầu hết cái hay và tinh tuý. Ban tổ chức duy trì lễ dâng hương, chủ tế thực hiện nghi lễ “chỉ trời vạch đất” và đọc lời thề chí công, vô tư. Lễ hội trở thành cầu nối những giá trị đạo đức của quá khứ với hiện tại, ngày càng mang tính giáo dục, nhân văn cao. Từ mồng 6 đến hết rằm tháng Giêng, du khách còn được tham dự lễ khai bút đầu xuân tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc với các nghi lễ rước bút, khai hội bút, nghe diễn xướng, hát chèo, hát văn; màn trình diễn viết chữ học, bình chữ của nhà thư pháp và được sáng tác thơ xuân, câu đối, bình thư pháp để gửi gắm mong ước, cầu chúc năm mới an lành, hạnh phúc. Hay như lễ hội vật Cầu Kim Sơn, xã Tân Trào. Chiều mồng 5 tết âm lịch, Ban tổ chức lễ hội và nhân dân tham gia tế Thành hoàng và tế quả cầu. Sáng mồng 6 tết, từ 7 giờ, các già làng làm lễ rước cầu từ trong đình ra ngoài sân đình, ban lộc cho các giai vật cầu. Đúng giờ Thìn (10 giờ sáng) người ta rước kiệu ra đình gồm: kiệu rước ảnh Bác Hồ, đoàn cờ hội, bát âm, bát biểu, quả cầu biểu tượng, quả cầu vật, đoàn tế nam, tế nữ, tổ múa cờ, múa rồng, tổ trọng tài, sau đó mới là đoàn giai vật cầu. Phó chủ tịch UBND xã Tân Trào Vũ Văn Phúccho biết: Văn hoá vật thể và phi vật thể của xã rất phong phú mang đậm bản sắc riêng của làng quê miền ven biển với nhiều lễ hội truyền thống và trò chơi dân gian như: cúng cá Mối của ngư dân Ngọc Tỉnh; rước lợn ông Bồ, chạy đá, hát đúm ở Kỳ Sơn; vật cầu, múa Cờ, múa Tứ linh ở Kim Sơn. Hiện, các lễ hội được phục dựng và tổ chức luân phiên 3 năm 1 lần vào dịp đầu xuân mới với nghi thức trang trọng. Nhờ vậy, công tác chuẩn bị lễ hội được chu đáo hơn, tạo sự háo hức cho đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Cùng với đó, huyện Kiến Thụy có nhiều lễ hội truyền thống vừa mang tính tín ngưỡng vừa là trò chơi dân gian mang tính thể thao, rèn luyện sức khoẻ như lễ hội đua thuyền rồng thôn Nam Hải (xã Đoàn Xá), lễ hội đua thuyền rồng trên sông Đa Độ..., tạo nét đẹp văn hóa dân gian đặc trưng trong sắc màu lễ hội.
Cách làm bài bản
Với kho tàng quý về giá trị văn hóa, lịch sử, cùng mật độ lễ hội dày đặc, bên cạnh việc phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, huyện Kiến Thụy dần đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp. Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Kiến Thụy Chử Ngọc Minh cho biết: Những năm qua, huyện ban hành các nghị quyết cụ thể về việc bảo tồn và phát huy giá trị các văn hoá lễ hội gắn với phát triển du lịch như Nghị quyết số 14 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy; Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Huyện cũng xây dựng Đề án phát triển du lịch từ 2015 đến 2020, định hướng đến 2025, trong đó hướng ưu tiên phát triển văn hóa tâm linh, từng bước phục dựng các lễ hội theo đúng nguyên mẫu. Đồng thời khuyến khích người dân đóng góp những hiểu biết của mình để từng bước chuẩn hoá lễ hội. Đến nay, các lễ hội trên địa bàn huyện được gìn giữ theo đúng nguyên bản. Huyện cũng thành lập 18 câu lạc bộ di sản văn hóa ở tất cả xã, thị trấn, quy tụ các nghệ nhân, những người tâm huyết với văn hoá dân tộc và lãnh đạo xã tham gia. Hằng năm, huyện phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, các câu lạc bộ duy trì và hoạt động hiệu quả trong các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ thôn, xã, các lễ hội truyền thống và tham gia một số chương trình của huyện, thành phố tổ chức. Từ năm 2007 đến nay, Kiến Thụy còn phối hợp Sở Văn hóa, thông tin, Bảo tàng thành phố tổ chức sưu tầm tư liệu và phục dựng thành công một số lễ hội như lễ hội vật cầu ở làng Kim Sơn; lễ hội chạy đá, hát đúm, rước lợn Ông Bồ ở làng Kỳ Sơn; lễ hội rước cá Sủ ở làng Ngọc Tỉnh; lễ hội Minh Thề ở làng Hòa Liễu; lễ hội đua thuyền ở Nam Hải, Quần Mục; vật cầu quân ở đền Mõ (Ngũ Phúc); lễ hội đua thuyền rồng ở Đoàn Xá; lễ hội khai bút đầu xuân, lễ tiến Vua ở khu tưởng niệm các vua nhà Mạc…
Các lễ hội này ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, sôi nổi, trong đó hai lễ hội của huyện là lễ hội Minh Thề và lễ hội tưởng niệm Vương Triều Mạc vừa được quy hoạch là lễ hội cấp thành phố, khẳng định những nỗ lực trong việc bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống của huyện Kiến Thụy, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hoá địa phương, từng bước hình thành các điểm đến tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Vân Nga
Viết bình luận