Khơi gợi khí thiêng sông núi

Khơi gợi khí thiêng sông núi

Trong các ngày từ 20 đến 22-9 (tức ngày 20 đến 22-8 âm lịch), tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc (thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ) sẽ trang trọng diễn ra Lễ hội kỷ niệm 475 năm ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Đây là nơi lưu dấu sự nghiệp hiển hách và những công lao to lớn của triều đại nhà Mạc trong lịch sử, điểm du lịch văn hoá tâm linh tiêu biểu, giáo dục lòng yêu nước, khơi gợi khí thiêng sông núi, cho hôm nay và cho cả mai sau…

 

 

 

 

 Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn trao bằng công nhận Di tích lịch sử cấp thành phố Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.

Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn trao bằng công nhận Di tích lịch sử cấp thành phố Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.

 

Sử cũ chép, Thái Tổ Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão (1483), người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng. Từ nhỏ, Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, có sức khoẻ hơn người, lớn lên đỗ lực sỹ xuất thân, được sung vào quân túc vệ của nhà Hậu Lê, đời vua Lê Uy Mục. Bấy giờ nhà Lê suy yếu, các tướng chia bè kết phái đánh chiếm lẫn nhau, triều đình rối loạn, Mạc Đăng Dung phò vua Lê Cung Hoàng đem quân đi dẹp loạn.

 

Sau khi đã dẹp yên loạn lạc, không còn ai ngăn trở, năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập ra nhà Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức. 3 năm sau, năm 1529, theo gương nhà Trần, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh (tức vua Mạc Thái Tông) để lui về làm Thái Thượng Hoàng. Thái Tổ Mạc Đăng Dung mất ngày 22-8 âm lịch năm 1541, thọ 59 tuổi. Triều đại nhà Mạc tuy tồn tại không dài trong lịch sử (tổng cộng 150 năm, trong đó 65 năm tồn tại với tư cách là một triều đại thống nhất) nhưng nhà Mạc được ghi nhận là một triều đại có nhiều tiến bộ về kinh tế, nông nghiệp, quân sự và giáo dục trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Triều nhà Mạc cũng để lại nhiều bậc danh nhân, võ tướng lừng lẫy trong lịch sử, tiêu biểu như: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, bà Nguyễn Thị Duệ (người làng Kiệt Đặc, tỉnh Hải Dương) là nữ tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam, hay các nhà quân sự tài ba: Mạc Kính Điển, Mạc Ngọc Liễn…

 

Để lưu dấu sự nghiệp và những đóng góp to lớn của triều nhà Mạc trong lịch sử, năm 2010, thành phố Hải Phòng đã khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (đặt tại thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ). Đây là công trình trọng điểm của TP Hải Phòng chào mừng sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khu tưởng niệm sau khi giai đoạn 1 hoàn thành có diện tích 2,5/10,5ha, bao gồm các công trình lớn như: chính điện thờ, tượng các vua nhà Mạc, nhà giải vũ, nghi môn, hệ thống tượng đá, văn bia đồ sộ cùng nhiều công trình phụ trợ khác.

Trong chính điện có nhiều đồ thờ tự, tế khí có giá trị, đặc biệt phải kể đến thanh Long Đao nặng 26,5kg, tương truyền là vũ khí của Thái Tổ Mạc Đăng Dung, đã được con cháu dòng họ Phạm (gốc Mạc) ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cất giữ sau hơn 500 năm lưu lạc. Ngoài ra cũng phải kể đến bộ Văn Phòng Tứ Bảo bằng đá xanh, được ghi nhận lớn nhất Việt Nam năm 2014.

 

Kể từ khi được khánh thành đến nay, đều đặn hàng năm, Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc tổ chức 2 mùa lễ hội chính: Lễ hội khai bút đầu xuân (khai hội ngày 6 tháng Giêng âm lịch) và Lễ hội tưởng niệm ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung (khai hội trung tuần tháng Tám âm lịch). Nếu như lễ hội khai bút là ngày hội của các sỹ tử về sân Trình cửa Khổng, khai triển văn chương chữ nghĩa, đề cao tấm lòng hiếu học thì lễ hội tháng Tám lại có âm hưởng võ đạo, thể hiện sự can trường, dũng mãnh của cha ông xưa trong việc chống kẻ thù xâm lăng, bảo vệ bờ cõi. Có năm, lễ hội này còn tổ chức Đại hội võ lâm, thu hút hàng chục CLB võ thuật, các võ đường nổi tiếng miền Bắc đến thi thố tài năng, trong đó độc đáo và hấp dẫn nhất là màn biểu diễn võ thuật với phiên bản của thanh Đại Long Đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung khi xưa.

 

Biểu diễn lân sư rồng tại lễ hội
Biểu diễn lân sư rồng tại lễ hội

 

Ông Ngô Minh Khiêm, Trưởng BQL Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (huyện Kiến Thuỵ) cho biết: Nét mới của lễ hội năm nay là khu Vườn Thư Pháp đang được khẩn trương hoàn thành để kịp phục vụ lễ hội. Vườn Thư Pháp tại Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc được xây dựng bề thế trên diện tích khoảng 6.000m2, trong khuôn viên khu tưởng niệm. Đây là khu vườn thư pháp đầu tiên có quy mô lớn tại Hải Phòng. Trong vườn có hàng chục cụm, tấm đá xanh nguyên khối được cất công tìm chọn từ những vùng núi đá nổi tiếng trong nước như: Ninh Bình, Thanh Hoá, Đà Nẵng…, do con cháu họ Mạc khắp cả nước cung tiến. Trên đá khắc các câu danh ngôn của tiền nhân, các bài tán, bài thơ theo niêm luật cổ ca ngợi công đức vua tôi nhà Mạc, ca ngợi vùng đất Kiến Thuỵ địa linh nhân kiệt.

 

Điển hình là bài thơ của cụ Đặng Nam, nguyên Bí thư Huyện ủy Kiến Thuỵ; khối đá quý của ông Phạm Tiến Dũng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP… Nổi bật trong khu Vườn Thư Pháp là khối đá hình ngọn bút lông, trên khắc chữ TRÍ của thầy và trò Trường THPT năng khiếu Trần Phú - cái nôi đào tạo nhân tài của thành phố Cảng trong suốt mấy chục năm qua. Điểm xuyết trong vườn thư pháp là những lối nhỏ rải đá, cỏ bám xung quanh và muôn loài hoa, bốn mùa khoe sắc, trong đó phải kể đến nhiều loài hoa quý như: hoa trạng nguyên, hoa hướng dương, cúc bách nhật, cúc Indonesia, dạ yến thảo, các loại hồng nhung, hồng leo, cánh bướm, các loài sen cạn, hoa súng…

 

Ông Ngô Minh Khiêm cũng cho biết thêm, để phục vụ lễ hội tưởng niệm 475 năm ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung, ngay từ đầu năm, UBND huyện Kiến Thuỵ đã chỉ đạo các ban ngành chức năng của huyện và 18 xã, thị trấn trên địa bàn tập trung triển khai công tác chuẩn bị lễ hội thật chu đáo. Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức với phần lễ bằng những nghi thức cổ truyền như: tế lễ cáo yết các vua Mạc, đọc Chúc văn, lễ tiến vua với các sản vật đặc trưng của vùng quê Kiến Thuỵ như: gạo nếp thơm Hữu Bằng, rượu men nếp Đoàn Xá, bánh đa Đông Phương, canh cá chép Ngũ Đoan…

 

Đặc biệt phần hội có nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc do Đoàn Chèo Hải Phòng và các đội văn nghệ xung kích địa phương đảm nhiệm. Năm nay, BTC lễ hội tổ chức Triển lãm với chủ đề: Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử, pháp lý, qua đó nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc với đông đảo nhân dân, nhất là các thế hệ thanh, thiếu niên. Lễ hội có những trò chơi dân gian cổ truyền như: thi đấu cờ tướng, giải kéo co - đẩy gậy toàn huyện Kiến Thuỵ…

 

Viết bình luận