Lễ hội truyền thống Văn Miếu Xuân La

Lễ hội truyền thống Văn Miếu Xuân La

 

Xuân Giáp Ngọ 2014

 

Trong 2 ngày 17 và 18 tháng Giêng năm 2014 xã Thanh Sơn tổ chức lễ hội truyền thống Văn Miếu Xuân La xuân Giáp Ngọ 2014, nhằm vinh danh truyền thống hiếu học, khoa bảng của địa phương.

 

Theo truyền thuyết, Thời Lê Trung hưng – vua vi hành về vùng Nghi Dương, phủ Kinh Môn thấy sông núi hữu tình nên dừng chân nghỉ lại. Đêm nhà vua mơ thấy thánh hiện, sáng ra cho quân sĩ tuần xét, quả nhiên thấy trên đỉnh núi Đối có 5 tòa thạch, dựng hình như thánh tọa, vua cho rằng, đây là vùng đất địa linh, nên cho phủ Kinh Môn xây văn miếu, tạc tượng Khổng Tử và các đệ tử để tôn thờ.

                                                         

 

Văn miếu Xuân La được xây dựng từ thế kỷ thứ 15, cách đây đã hơn 400 năm. Vào thế kỷ 16, nhà Mạc lấy Nghi Dương làm kinh đô thứ 2 (gọi là Dương Kinh), Văn miếu Xuân La được coi là một trường thi lớn của Dương Kinh, kinh đô ven biển. Hiện có một số địa danh quanh văn miếu như Tràng trong, Tràng ngoài, cửa vua, cửa phủ, quán đá…, cho thấy thời kỳ đó văn miếu này là một trường thi lớn”. Xưa kia Văn Miếu có quy mô rộng lớn, đồ sộ gồm : điện thánh hình chữ “ đinh”  cung thờ đức thánh Khổng tử được chạm khắc công phu theo chủ đề “ Long, ly, quy, phượng”. Tòa điện thánh 3 gian có xà, cột bằng đá. Tòa tiền tế 5 gian bằng gỗ lim có hoành phi, câu đối  và khán thờ sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Trước cửa văn miếu có vườn bia tiến sĩ – bia thờ 14 vị tiến sĩ nho học danh tiếng cả nước một thời và hồ bán nguyệt, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử Văn Miếu Xuân La đó bị mai một rất nhiều.

 

Năm 2000, UBND xã Thanh Sơn  quyết định quy hoạch 1.800 m2 đất có nền văn miếu cũ để làm lại văn miếu, đồng thời giao Chi hội Người cao tuổi thôn Xuân La vận động xây dựng lại văn miếu, với tổng kinh phí từ xã hội hóa lên tới gần 600 triệu đồng.
 

 

 

Đã thành thông lệ, hàng năm vào 2 ngày 17 và 18 tháng Giêng ( âm lịch), xã Thanh Sơn tổ chức lễ hội tại  Văn Miếu tế lễ và tổ chức các trò chơi dân gian. Ngày 18 là ngày hội chính, địa phương tổ chức các hoạt động dâng hương, tế lễ và khen thưởng, trao quà cho con em của địa phương thi đỗ vào các trường đại học trên cả nước. Kể từ khi Văn Miếu được phục dựng đến nay, xã Thanh Sơn đã khôi phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

 

                                                                                                                      Nguyễn Bình ( ĐPT)

 

Viết bình luận