Miếu Đôi nơi thờ Phò Mã triều Mạc

Tiết Vu Lan, nhớ đến Tổ tiên
Cách văn phòng làm việc có hơn 100m nhưng hôm nay, con mới biết và đến thắp hương tại Miếu Đôi - một trong những nơi thờ Tiên tổ

Miếu Đôi nơi thờ Phò Mã triều Mạc - Uy Linh Đại Vương - Triều Quận Công - Vũ Cương Nghị (Tiên Tổ họ Vũ - Trung Hành)

Hạ Đoạn (chính âm là Hạ Đoàn) xưa là một xã thuộc tổng Hạ Đoạn, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Sau nhiều lần thay đổi cấp hành chính, nay Hạ Đoạn là một tổ dân phố thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng. Làng Hạ Đoạn xưa có hai ngôi miếu cổ nằm sát nhau nên được gọi Miếu Đôi. Hiện nay, Miếu Đôi thuộc khu dân cư Đông Hưng 1, tổ dân phố Hạ Đoạn. Do thăng trầm lịch sử, và những biến đổi của mặt bằng địa hình, nên ngày nay những thông tin về miếu và đặc biệt nhân vật lịch sử được thờ tại nơi đây đang bị mai một dần theo thời gian. Miếu Đôi trước kia xây dựng gần cửa sông Đào.
Theo truyền ngôn, sông Đào hình thành từ thời Mạc thế kỷ XVI và do chính các vị được thờ tại Miếu Đôi chỉ huy đào sông. Miếu Đôi thời đó nằm trên khu đất rộng trên ba sào Bắc Bộ, gần chân đê, khuôn viên miếu có cây đa lông quả sai như đắp. Trước Miếu Đôi là rừng ngậm mặn sú, vẹt um tùm. Năm 1961 khu vực trước miếu được dâng đất thành bãi của đơn vị Hải quân. Năm 1963-1964 nhân dân địa phương dỡ miếu lấy vật liệu để xây dựng lò ươm thóc giống của hợp tác xã nông nghiệp. Sau đó, khu vực Miếu Đôi nằm trong doanh trại đơn vị Hải quân. 
Tuy thờ tự ở hai miếu được khôi phục lại trên nền đất cũ nhưng tiệp diệp, đơn sơ, chỉ có một bát hương dưới cây đa cổ thụ. Năm 1987, nhân dân địa phương đã rước bát nhang thờ ở hai miếu ra khu vực đống Ông Nổi, địa điểm cách hai miếu cũ khoảng 100m và cùng nằm bên cạnh tuyến đê. Tại đây, nhân dân dựng ngôi miếu nhỏ để việc thờ tự thuận tiện, uy nghi hơn.
Qua các tư liệu lịch sử của địa phương, gia phả họ Vũ - Trung Hành và điền dã tìm hiểu. Miếu Đôi là hai miếu thờ hai anh em ruột họ Vũ làng Trung Hành, tổng Trung Hành, huyện An Dương (tổng Trung Hành là tổng gần cận với tổng Hạ Đoạn). Họ Vũ một dòng họ thế phiệt nổi tiếng trong vùng. 
Thân phụ của hai vị là Bản Quận Công - Vũ Vĩnh Thái (1536-1599), làm quan dưới triều vua Mạc Mậu Hợp và giữ chức “Phù Đông cao trật tự mục Hải Dương, Hành an bang sứ đô, Tổng binh sứ triều Đông, Trứ vệ sự” - tước vị đứng đầu hàng Tỉnh về Hành chính và Quân sự. 
Bản Quận Công - Vũ Vĩnh Thái sinh hạ được hai người con trai: Người anh là Vũ Cương Nghị, em là Vũ Khắc Phục, hai vị cùng thân phụ, có nhiều công lao lớn với vương triều Mạc.
Ngài Vũ Cương Nghị phục vụ triều Mạc được phong tước “Tây quân Đô đốc phủ, tả Đô đốc, hữu Thiếu bảo, Triều Quận Công”. Ngài Vũ Khắc Phục làm quan dưới triều Mạc và triều Lê được phong tước “Nam quân Đô đốc phủ, hữu Đô đốc, tả Thiếu bảo, Tài Quận Công”. Trong hai tấm bia đá ghi danh các bậc tiên hiền của tổng Trung Hành, dựng năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 5 (1824) và niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), tại văn từ Trung Hành ghi tên, chức tước và phẩm hàm của hai ngài.
Riêng ngài Vũ Cương Nghị do là bậc Thánh nên được ghi thêm phần thần hiệu: “Uy Linh Đại Vương”. Vũ Cương Nghị lấy công chúa Mạc Ngọc Hoa - con gái vua Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) và sinh được hai người con trai: Con trai cả là Vũ Cương Đoạn, tên thường gọi là Lũng Quận Công, làm quan dưới triều Lê được phong tước “Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Chỉ huy sứ vệ sự”. Con trai thứ hai là Vũ Kim Bôi, tên thường gọi là Phấn Quận Công, cũng làm quan dưới triều Lê được phong tước “Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ kỳ thứ, Đô chỉ huy sứ, Trụ quốc, Trung trật, Tham đốc Thần võ trí vệ quân sự vụ”.
Trong lịch sử làng Đình Vũ gần Trung Hành có ghi: Vũ Cương Nghị đã có công đắp đê ngăn nước mặn cho dân sản xuất. Triều Mạc suy vi hai ngài cầm quân đánh nhau liên miên với nhà Lê - Trịnh. Nhân việc Trịnh Tùng gửi thư trân trọng mời hai ngài quay về với nhà Lê. Hai anh em ngài bàn nhau, để bảo toàn gia tộc dòng họ, Tài Quận Công nhận nuôi dưỡng con trai của Triều Quận Công, sau đó cùng gia thất đi theo nhà Lê. Các con của Tài Quận Công lập nhiều công lớn, nên gia đình và dòng họ Vũ sau này vẫn phát đạt, vinh hoa phú quý, có nhiều vị làm quan to, tước lớn trong triều Lê - Trịnh. Trong đó, có con trai cả là Vũ Trung Năng, tên thường gọi là Dĩnh Quận Công, làm quan dưới triều Lê được phong tước “Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ trứ sự vệ”; và con trai thứ hai là Vũ Tuệ Chiếu, tên thường gọi là Khuông Quận Công, làm quan dưới triều Lê được phong tước “Phụ quốc Thượng tướng quân, Tham đốc Thần võ tứ vệ quân vụ sự, Đô đốc”.
Những ngày tháng cuối cùng của triều Mạc, Phò Mã Triều Quận Công chỉ huy cánh quân ở vùng biển khu vực phía Đông, thuộc Hải Phòng hiện nay. Thế cùng lực kiệt, giữ khí tiết trung quân, ngài đã tự tận. Sau khi mất, nhân dân những nơi ngài đồn trú đóng quân xưa ở vùng cửa biển phía Đông như: Hạ Đoạn, Đình Vũ, Thượng Đoạn, Vạn Mỹ…tôn vinh ngài làm Thành hoàng. Các làng trên đều có sắc phong của vua triều Nguyễn phong ngài làm Thành hoàng. 
Tại Hạ Đoạn bảo lưu hai sắc phong của vua Thành Thái nguyên niên (1889), phong cho ngài: “…Tả Đô đốc, Thiếu bảo Quận Công, Vũ Tướng công…”; vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong: “…Tả Đô đốc, Thiếu bảo Triều Quận Công, Vũ Tướng công tôn thần…Gia tặng Quang ý Trung đẳng thần”. Họ Vũ - Trung Hành bảo lưu 2 sắc phong của triều Nguyễn phong duệ hiệu, mỹ tự, phẩm trật thần cho ngài gồm: vua Duy Tân năm thứ 5 (1911) truy phong “Thủy Phủ Vũ Bảo Trung Hưng chi thần”; vua Khải Định năm thứ nhất (1916) truy phong “Quang Từ Trung đẳng thần”.
Trước kia, hàng năm vào ngày 6 tháng giêng, họ Vũ ở Trung Hành tổ chức thành đoàn, có phẩm lễ ra Miếu Đôi lễ bái. Làng Hạ Đoạn xưa có lệ, người đóng đám của làng có trách nhiệm hàng tháng, tiết tuần, rằm ra Miếu Đôi dâng phẩm lễ, thờ phụng. Ngày hội làng, nhân dân tổ chức rước Thánh từ Miếu Đôi về Đình làng dâng hương, tế lễ.
Triều Quận Công tuy là tướng, Phò Mã triều Mạc, triều đại bị nhà nước phong kiến đời sau xếp vào loại ngụy triều (triều nghịch tặc), nhưng ngài vẫn được vua triều Nguyễn sắc phong Thành hoàng và phẩm trật thần cao cho ngài, chứng tỏ ngài có nhiều công lao rất to lớn với dân, với nước.
Miếu Đôi là công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương xây dựng từ rất xa xưa, để thờ phụng những người có công với dân, với nước. Đặc biệt, trong đó có ngài Triều Quận Công (Vũ Cương Nghị), Phò Mã triều Mạc, Thành hoàng của nhiều làng, xã. Miếu Đôi là di tích có nhiều giá trị để chúng ta nghiên cứu về một thời kỳ lịch sử và những ảnh hưởng của nhân vật lịch sử tới nhân dân của nhiều vùng địa phương. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cùng các cơ quan có chức năng, cần quan tâm quy hoạch, trùng tu tôn tạo khu vực Miếu Đôi hiện nay cho ngang tầm với những giá trị lịch sử và công lao của vị Thành hoàng - Quận Công họ Vũ.

 

Bình luận

Phan Đăng Thuận

Phan Đăng Thuận - 09/06/2019 10:42:02

Đọc bài viết này, tôi không tin những thông tin do tác giả đưa ra.

Viết bình luận