MỘT HÀNH TRÌNH “VẤN TỔ, TẦM TÔNG”

MỘT HÀNH TRÌNH “VẤN TỔ, TẦM TÔNG”

Ký sự của Hoàng Lê-Lưu Khuê

Sông Thương! Dòng trong dòng đục như nổi cảm hoài về sự đời long lở. Bên sông có một làng gọi là làng Thương. Sông Thương, làng Thương trong quan niệm của người xưa đó là một nơi xa xôi đối với châu thổ sông Hồng. Đây cũng là nơi diễn ra cảnh li biệt. Những sứ thần, những người lính thú nơi biên ải được gia đình, bạn bè tiễn chân thường chỉ đến đây rồi quay về. Sông Thương, làng Thương đẫm đầy nước mắt bao thế hệ chia lìa.

Vậy mà hơn bốn trăm năm trước lại có một người từ bỏ cảnh trù phú miền xuôi dấn thân đến sống với những triền đồi bạt ngàn lau lách. Đó là Mạc Đăng Gia, một trong những thân vương nhà Mạc. Thực ra việc ra đi cũng là bất đắc dĩ, bởi nếu không cũng chẳng thể sống nổi trong sự truy lùng ráo riết của những kẻ thắng thế. Sự truy lùng đâu phải ngày một ngày hai mà dài cả thế kỷ nên hậu duệ đời thứ tư Mạc Đăng Gia phải đổi ra họ Phạm. Và từ đó mới yên. Yên trong làm ăn nhưng không thể yên trong lòng. Đời nọ truyền cho đời kia đến cả 17 đời, đến cả bốn trăm năm và có thể là mãi mãi rằng “tổ tiên ta xưa kia là họ Mạc”.

Ông Phạm Văn Sênh hậu duệ rất xa của Mạc Đăng Gia suốt cả một thời trai trẻ, nào đi Vệ Quốc đoàn, nào công tác ở địa phương, vui nhiều mà buồn cũng lắm song điều day dứt nhất là lời dặn của người cha trước khi nhắm mắt chưa thực hiện được. Đó là liên hệ chắp nối với những người họ Mạc và gốc Mạc lưu tán khắp nơi trong nước. Không thể để việc này lại cho con cháu, ông rủ Phạm Văn Hiển là người trong họ khăn gói lên đường. Ba lô con cóc, tay nải quả mướp, mũ lá, dép cao su. Bởi đó là năm 1957. Gặp ô tô đi ô tô, gặp tàu hoả đi tàu hoả, không có tàu xe thì đi bộ vì đâu chỉ ông với mọi nhà xe đạp lúc đó còn là của hiếm. Lại mang theo cả gạo. Cứ phải phòng xa. Cẩn tắc vô áy náy. Cơm hàng cháo chợ, ăn nhờ ngủ đậu. Đi đến đâu hỏi thăm đến đấy. Nghe nói dưới xã Phù Khê, huyện Từ Sơn Bắc Ninh có chi họ Lê Đăng gốc Mạc.

Như những người bà con lâu ngày mới gặp, lại được nghe nói ý định tốt đẹp, những người họ Lê Đăng hết sức cảm kích trước việc làm của ông Sênh ông Hiển. Họ cho biết nghe nói, lại nghe nói (!), dưới xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm có họ Thạch Văn cũng là gốc Mạc. Phấn khởi trước thành công đầu tiên trong việc tìm họ, hai ông hành trình tiếp xuống Gia Lâm.

Tới Ninh Hiệp, dân làng chỉ cho hai ông nhà trưởng họ Thạch-cụ Thạch Văn Đĩnh. Cụ Đĩnh như trẻ lại khi được gặp hai người đồng tông xa xôi. Đôi mắt già rưng rưng, cụ tìm cuốn gia phả bằng chữ Hán, cụ vừa đọc vừa giải thích rành rọt và chỉ bảo nhiều điều bổ ích. Đêm ấy hai ông Phạm Văn Sênh, Phạm Văn Hiển ngủ lại nhà cụ Thạch Văn Đĩnh. Ba người chuyện trò đến tận khuya. Hôm sau, theo lời hướng dẫn của cụ Đĩnh, hai ông sang thôn bên gặp những người thuộc chi thứ hai họ Thạch. Cụ Thạch Văn Quỳ chi này lại kể nhiều chuyện nữa về dòng họ mình. Hoá ra hai chi họ Thạch, chi của cụ và chi của cụ Thạch Văn Đĩnh từ Hải Dương dời đến đây từ lâu nhưng mãi đến năm 1919 mới biết nhau cùng một gốc gác.

Thêm một người bạn đi đường nữa, đó là ông Thạch Văn Vĩnh cùng đi Hà Tây. Làng Nhị Khê là quê hương Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi nhưng cũng là quê một dòng họ gốc Mạc: Họ Lều. Họ Lều có chiến sĩ cách mạng Lều Thọ Nam nổi tiếng, hoạt động cùng thời với đồng chi Trường Chinh. Tiếp ba ông bây giờ là trưởng họ Lều Thọ Vực. Ông Vực nhà ở phố Khâm Thiên, Hà Nội với vợ con nhưng tuần nào cũng về quê. Hà Nội-Hà Đông chỉ cuốc xe đạp.

Cũng như những người họ Lê Đăng, họ Thạch, ông Lều Thọ Vực hết sức mừng rỡ khi được gặp những người cùng gốc họ Mạc. Sau khi dẫn những người bạn đồng tông ra thắp hương ở từ đường, ông Lều Thọ Vực cùng khách về nhà, đưa ra cuốn gia phả rất cổ được viết trên lụa. Hà Đông đất lụa. Thì ra cụ tổ họ Lều là Mạc Phúc Trì, cháu vua Mạc Mục Tông (Mạc Mậu Hợp) di dời về đây từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, tức là sau khi nhà Mạc thất bại, để tránh sự truy sát của Lê-Trịnh và để giấu tông tích, Mạc Phúc Trì đã đổi sang họ Lều. Họ Lều! Một cái họ nghe có vẻ xuất thân nghèo khó, chứ ai lại nghĩ là hậu duệ của cả một hoàng gia. Thực ra Mạc Phúc Trì làm theo lời dặn dò của các tiên đế, nếu sau này con cháu bất đắc dĩ có phải đổi họ để được an toàn, nhớ lấy câu “khử túc bất khử thủ” (bỏ chân không bỏ đầu), chữ Mạc trong Hán tự có bộ thảo đầu, con cháu khi đổi họ hãy chọn những chữ có bộ thảo đầu mà đổi, còn “chân” thì tuỳ để sau này biết mà tìm ra nhau. Còn họ Lều, cứ hiểu là cái lều cỏ đi thì chữ Nôm dĩ nhiên có bộ thảo đầu!

Ông Lều Thọ Vực kể và cười khoái trá, bảo:

- Đấy, các ông hãy xem, họ Lều, họ Phạm, họ Hoa, họ Hoàng, họ Thái, họ Cát, chữ nào mà chả có bộ thảo đầu! Còn như họ Lê Đăng ở Bắc Ninh, các ông nhớ cho điều nữa: Các tiên đế còn dặn có thể lấy chữ Đăng là tên đệm của đức Thái Tổ, Thái Tông làm tên đệm của họ mới. Thêm nữa, chữ Lê này, để tránh nhầm với họ Lê của thiên hạ, phải viết khác, thêm bộ thảo đầu ở trên, theo nghĩa đen là cây rau lê.

Ông Lều Thọ Vực bỗng trầm ngâm:

- Hai ông có tin vào Sấm Trạng không? Người ta cứ bảo là điều mê tín, cấm cả việc in sách Sấm ký của quan Trạng nữa. Nhưng tôi thì tôi tin. Lúc nãy ra nhà thờ tổ họ Lều, các ông có thấy đôi câu đối trong nhà không. Tương truyền đó là câu của Trạng Trình, Ngài tiên tri: “Tứ bách niên tiền, chung phục thuỷ. Thập tam thế hậu, dị nhi đồng”. Nghĩa là: Bốn trăm năm trước, cuối cùng trở lại như ban đầu. Mười ba đời sau, tuy khác mà lại giống nhau. Hôm nay chúng ta người họ Phạm, người họ Thạch, người họ Lều gặp nhau, chả đã cách các tiên đế bốn trăm năm và từ đó họ Lều chúng tôi đã trải qua mười ba đời. Giá biết trước ba ông về đây, tôi mời mấy cụ họ Cát trên Đường Lâm tới thì vui biết mấy. Họ Cát cũng gốc Mạc, chữ Cát cũng có bộ thảo đầu.

Họ uống rượu vui vẻ, bàn về nhân tình thế thái, nỗi thăng trầm, chút ít cảm hoài, miên man trong nỗi vui buồn.

Hôm sau ông Thạch Văn Vĩnh cáo biệt trở về. Ông không quên ghé qua đền thờ Nguyễn Trãi. Dẫu cùng trong cảnh bị truy diệt, họ Mạc của ông vẫn còn may mắn hơn Nguyễn Ức Trai bây giờ không hiểu con cháu có còn một ai không? Âu cũng là cái tài, sự sáng suốt, thức thời của các đấng tiên liệt nhà Mạc.

Theo lời chỉ dẫn của ông Lều Thọ Vực, hai ông Phạm Văn Sênh, Phạm Văn Hiển tiếp tục sang làng Quất Động, huyện Thường Tín. Ở đấy có họ Bùi cũng gốc Mạc. Ông tổ của họ là Mạc Phúc Đăng, để tránh sự truy lùng của nhà Lê-Trịnh, đã đổi sang họ Bùi của mẹ là Quý phi Bùi Thị Ban.

Sau một hàn trình vất vả nhưng mỹ mãn, hai ông Phạm Văn Sênh, Phạm Văn Hiển trở về quê. Vẫn dòng sông Thương ấy, vẫn đôi dòng trong dòng đục nhưng hai ông vợi đi bao nỗi đau lòng. Kể chuyện cho bà con trong họ, ai nghe cũng nức lòng. Thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, ông Sênh rưng rưng xúc động thưa đã phần nào thực hiện được ý nguyện vấn tổ tầm tông của cha ông. Ông hứa sẽ lại đi nữa để chắp nối những người họ Mạc…

Và năm sau hai ông lại khăn gói lên đường. Ghé qua nhà thờ họ Thạch, từ đường họ Lều dâng hương rồi hành trình đi Xuân Trường, Giao Thuỷ tỉnh Nam Định. Hai ông vốn biết ở đây có ba chi họ Phạm. Cụ thuỷ tổ là Mạc Đăng Thận được giao việc coi giữ các lăng tẩm tiên đế ở Cổ Trai. Nhà Mạc thất thế, cụ đành phải đau lòng bái biệt các vua cùng gia nhân cải trang thành lái buôn từ Đồ Sơn dong thuyền ra khơi, mang theo thanh đại đao của đức Thái Tổ Mạc Đăng Dung cùng hài cốt một số bậc tiên liệt. Lênh đênh trên biển nhiều ngày, đoàn thuyền vào vùng cửa sông Ba Lạt, lên bờ, cụ Mạc Đăng Thận cải tên là Phạm Đình Trú, có nghĩa là dừng lại để ở! Cụ và con cháu đổ mồ hôi và nước mắt khai hoang, lập ấp dựng từ đường, truyền đời con cháu đến nay đã 18 đời.

Cuối cùng không thể không là Cổ Trai. Từ Nam Định, ông Phạm Văn Sênh, Phạm Văn Hiển qua phà Tân Đệ sang Thái Bình rồi đi Hải Phòng, về Cổ Trai. Sau này biết ra nghĩ mơi tiếc, ở Thái Bình cũng có mấy chi gốc họ Mạc, giá mà tạt qua để chăp nối. Ở Cổ Trai, chính nơi quê hương nhà Mạc, con cháu lại giữ được họ Mạc mà không phải đổi sang họ nào. Đó là điều vô cùng kỳ diệu! Ông trưởng họ Mạc ở đây đưa hai ông Sênh, ông Hiển tới gặp cụ Mạc Như Ngôn, người cao tuổi nhất của dòng họ. Vừa được nghe giới thiệu, cụ Mạc Như Ngôn đã ôm chầm lấy ông Sênh nghẹn ngào:

- Ông năm nay đã 83 tuổi, đã gần đất xa trời. Không ngờ đến tuổi này mới được con cháu ở tận Bắc Giang tìm về! Có lẽ ông trời cho ông sống đến tuổi này để được trông thấy con cháu chăng?

Cụ lật đật đưa ông Sênh, ông Hiển tới từ dường thắp hương dâng Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Biết bao mệt mỏi sau một hành trình dài dường như tan biến, chỉ còn một niềm xúc động, thành kính vô bờ trước tiên tổ, những người đã dựng lên cả một triều đại sáu chục năm lịch sử. Cụ Ngôn bảo ông trưởng họ gọi tất cả con cháu trong làng về họp mặt. Lần đầu tiên Cổ Trai như sống lại không khí ngày nào cùng đức Thái Tổ khởi nghiệp dựng cơ đồ.

 Năm ngày ở Cỏ Trai trôi đi trong không khí hội hè, họp mặt. Nên ông Sênh, ông Hiển không có cả thời gian thăm thú các nơi trong vùng, không tới được núi Đối, không đi được Đồ Sơn.

Lúc chia tay, cụ Ngôn bảo phải sang Thuỷ Nguyên bên kia sông Cấm, họ Mạc ở Hợp Thành là hậu duệ của Ninh vương Mạc Phúc Tư; lại bảo không thể không lên Cao Bằng, đến xóm Nà Rạt, xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên, thế nào cũng được gặp những người họ hàng. Họ Ma ở đấy là con cháu Đôn Hậu vương Mạc Kính Cung. Còn họ Mạc ở Cao Bằng thì nhiều lắm, nghe đâu những gần chục chi, ở rải rác khắp tỉnh. Thành nhà Mạc thì vẫn sừng sững thi gan cùng tuế nguyệt…

Ông Sênh hứa với cụ Ngôn sẽ đi Cao Bằng. Từ Yên Dũng, Bắc giang tới đấy ba trăm cây số, kể cũng xa nhưng khó khăn nhất là cả tháng trời mới có…một hai chuyến xe! Lại nghe nói đeo Mây cao ngất trời, đèo Gió dốc hun hút. Thế nên mãi đến năm 1960 chuyến đi Cao Bằng mới được bắt đầu.

Ôi đâu phải một chi họ Ma. Sau 14 đời nay đã thành các chi họ Ma Thế, Ma Vĩnh, Ma Công, Ma Khánh, Ma Phúc… Và thấy cái họ Ma gợi điều tăm tối, một số chi đổi thành họ Mai. Ông Ma Kiên Lường mời 11 gia đình trong chi họ tới nhà tiếp người anh em dưới Bắc Giang lên. Rượu hoẵng nước đục lờ đờ nhưng thơm. Ông Lường nói tiếng Kinh giọng Tày lơ lớ sau khi nghe ông Sênh kể về các chi họ gốc Mạc:

- Họ ta nhiều vậy à? Thế mà bây giờ mới biết đấy. Cứ tưởng dưới xuôi họ ta không còn một ai mà! Chúa Trịnh nó sống lại phải tức nổ ruột! Thế định ở đây bao lâu? Cả tháng có được không. Rồi phải dẫn chúng tôi về xuôi thăm các anh em dưới đấy chứ. Ta sẽ về Cổ Trai. Sẽ về thắp hương tạ cụ Trạng Trình, nhờ cụ với câu “Cao Bằng tuy tiểu khả dung sổ thế” mà con cháu đức Thái Tổ ta mới được thế này. Hãy xem, chúng tôi bây giờ là đồng bào dân tộc nhưng vẫn giữ nhiều phong tục của người Kinh. Mình phải giữ cái gốc của mình chứ.

Nhưng ông Sênh không ở được lâu vì phải đi Lạng Sơn, ở đấy có mấy chi họ Mạc. Con đường số 4 thực là khủng khiếp, một bên núi cao, một bên vực thẳm, mặt đường lủng củng đất đá với những ổ voi ổ gà dày như tổ ong. Nà Sầm, Nà Sản, Đông Khê, Thất Khê…những địa danh đã đi vào lịch sử. Gặp được ông Mạc Văn Sần trưởng họ, gặp được bao nhiêu người bà con. Tới thị xã Lạng Sơn, ông theo Quốc lộ 1 qua Lạng Giang, Bắc Giang về quê.

Ông Sênh lại nhớ hồi năm 1955 trên đường tìm họ ở Tân Quang bị dân quân hỏi giấy tờ, giấy tờ không có, chỉ có cuốn gia phả chữ Hán, họ bảo là sách thầy cúng và lập tức “kết tội” ông là thầy phù thuỷ! Ông bị giam trong một cái bốt cũ của Tây ba ngày mới được thả.

Sau một hành trình vất vả tới 600 cây số đường núi, ông Sênh về tới nhà. Trông ông rộc hẳn đi, chỉ có đôi mắt là ánh lên niềm vui khôn tả. Thế là ông chẳng những đã thực hiện được ý nguyện của cha mà còn làm được lời cụ Mạc Như Ngôn ở Cổ Trai căn dặn.

Những năm sau, ông Sênh lại một lần nữa lên đường, có chuyến dài hàng tuần, có chuyến vẻn vẹn chỉ hai ngày. Ông gặp thêm được những người họ Hoàng, họ Nguyễn gốc Mạc.

… Năm 2003, những người họ Mạc và gốc Mạc lại gặp nhau ở Cổ Trai trong dịp giỗ tổ. Người còn người đã mất. Có một ông già tuổi 86, tóc bạc trắng, lưng hơi còng nhưng đôi mắt vẫn còn tinh tường và tác phong nhanh nhẹn. Đó là ông Phạm Văn Sênh. Nhiều người tỏ lòng biết ơn ông đã có công vấn tổ tầm tông, góp phần chắp nối liên hệ các con cháu họ Mạc. Ông bảo: “Đâu chỉ có mình tôi làm! Trước và sau tôi nhiều người đã làm, chỉ có điều ta không biết đó thôi. Tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả. Tôi cũng chỉ mong con cháu chúng ta uống nước phải nhớ nguồn!”

Ông Phạm Văn Sênh nói đúng, ông Bùi Trần Chuyên, Tiến sĩ Hoàng Lê, đại tá Hoàng Cao Quý, các ông Thạch Văn Quế, Thạch Văn Thụ, giáo sư tiến sĩ Phan Đăng Nhật…cũng đã làm như ông. Họ đi theo con đường khác trên hành trình chung “vấn tổ tầm tông” trở lại cội nguồn họ Mạc.

Viết bình luận