Một số biện pháp của nhà Mạc trong việc xây dựng đất nước

Một số biện pháp của nhà Mạc trong việc xây dựng đất nước

Nhà Mạc sau khi thay thế nhà Lê, không có ý định làm một cái gì đó ghê gớm lắm, do đó cũng không thể và không làm được một sự thay đổi (hay biến đổi) sâu sắc trong toàn xã hội. Toàn thư chép rằng khi Mạc Đăng Dung lên ngôi vua vẫn giữ nguyên pháp độ của triều Lê không dám thay đổi điều gì. Điều này chứng tỏ rằng nhà Mạc thay thếnhà Lê hoàn toàn không giống nhà Hồ thay thế nhà Trần trước đó. Lịch sử khó lặp lại, cho dù có những trường hợp tưởng như khá trùng lặp. Tất nhiên khi lên ngôi họ Mạc vẫn tiến hành khá nhiều biện pháp nhằm củng cố thế lực dòng họ và để yên xã tắc.

Nhà Lê vào những thập kỷ đầu XVI tuy bước vào thời kỳ suy thoái, vua quan ăn chơi sa đọa, triều đình đổ nát, nhưng các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp sĩ phu và tầng lớp địa chủ vẫn còn rất ủng hộ. Những ấn tượng đẹp đẽ về chiến công đánh đuổi giặc Minh của nhà Lê vào thế kỷ trước không thể một sớm một chiều mà xóa bỏ đi được. Do vậy, nhà Mạc sau khi tiến hành cuộc đảo chính thay thế nhà Lê đã không dám và cũng không thể xóa bỏ mọi thứ của vương triều cũ. Nhưng muốn tồn tại, muốn duy trì cơ chế của chế độ mới, họ Mạc không thể không củng cố thế lực của dòng họ. Tuy nhiên, trong 65 năm trị vì của dòng họ Mạc, chỉ có hai triều đại đầu (Đăng Dung và Đăng Doanh) là tình hình đất nước còn tương đối ổn định và biện pháp cải cách của họ Mạc chủ yếu cũng được tiến hành vào thời kỳ này.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Đăng Dung sợ lòng người mến cũ, lâu lại sinh biến, nên phải tuân giữ pháp độ của triều Lê, không dám thay đổi, phủ dụ thần dân trấn áp lòng người, che bịt tai mắt”(1). Ở đây “giữ pháp độ cũ” tức là giữ nguyên thiết chế chính trị cũ của triều Lê. Nưng chỉ ngay sau đó, vào tháng 2 năm sau (1528), Đăng Dung đã thăng trật và phong tước cho 56 người ở trong triều, chắc chắn đây là những người ủng hộ và phụng sự trung thành của họ Mạc. Có thể nói đay là một cuộc: “cách mạng nhân sự” đầu tiên của triều Mạc. Thiết chế cũ nhưng nhân sự mới. Thế lực của dòng họ Mạc đã được củng cố thêm một bước.

Những biện pháp quan trọng đầu tiên của họ Mạc là tổ chức lại lực lượng quân sự, lấy đó làm mọt trong những cở sở tồn tại và là chỗ dựa chủ yếu vào bạo lực trấn áp các phe phái mà có được ngôi chính. Tất nhiên Mạc Đăng Dung không thể và không quên vai trò của quân đội, do đó luôn luôn có ý thức xây dựng một lực lượng quân sự vững mạnh.

Năm 1528, Mạc Đăng Dung sai phò mã Lâm quốc công Nguyễn Quốc Hiền và một số đại thần trong triều sửa đổi lại binh chế, diền chế và lộc chế(2). Họ Mạc tổ chức lại các vệ và ty. Trong toàn cõi được phân chia 4 vệ. Ngoài 2 vệ Cẩm y và Lim ngô vốn có từ trước nay lập thêm 2 vệ mới là Hưng quốc và Chiêu vũ. Bốn vệ này thống lĩnh toàn bộ quân đội thường trực ở kinh thành và các trấn: quân xứ Hải Dương thuộc vệ Hưng quốc, quân số Sơn Nam thuộc về Chiêu vu, quân số Sơn Tây thuộc về Cẩm y. Quân xứ Kinh Bắc thuộc vệ Kim ngô. Dưới vệ có ty-mỗi ty có một viên Chỉ huy sứ, một viên Chỉ huy dồng tri, một viên Chỉ huy thiêm sự, một viên Thư ký, 10 Trung hiệu và 1100 Trung sĩ. Toàn bộ quân đội nhà Mạc có từ 10 vạn -12 vạn quân.

Để mua chuộc quân lính, bồi dưỡng, đào tạo họ thành một lực lượng vũ trang trung thành bảo vệ quyền lợi của dòng họ. Năm 1543 nhà Mạc định lệ cấp lộc điền cho quân sĩ. Với biện pháp này, chính sách “ngụ binh ư nông” tồn tại suốt 500 năm đã bị phá sản, lúc này quân đội đặc biệt được ưu đãi. Nà Mạc đã lấy phần ruộng dất công của làng xã ban cho quân sĩ. Như vậy ruộng công của làng xã trở thành một thứ lương bổng. Theo chế độ lộc điền thì xã nào có nhiều ruộng công điền phải cấp cho Trung hiệu hạng nhất mỗi người 2 phần rưỡi; Trung sĩ hạng nhất mỗi người 2 phần; xã nào ít ruộng thì cấp mõi người 1 phần. Phần ruộng đem cấp không quá 2 mẫu. Sau khi đã cấp lộc điền cho quân sĩ xong, số ruộng còn lại mới đem chia cấp cho đinh trong xã.

Như vậy, theo chính sách lộc điền này thì dưới triều Mạc, quân sĩ rất được coi trọng. Tuy nhien một điểm đáng lưu ý là, tuy binh lính được ưu đãi hơn trước song vẫn còn bị đóng khung trong khuôn khổ “khẩu phần” ruộng công từng làng và chịu sự chi phối của tính cất “khẩu phần” đó.

Với chính sách này Mạc Đăng Dung và những người nối nghiệp sau đó đã tạo nên được một đội ngũ binh lính khá trung thành để bảo vệ quyền lợi của họ Mạc.

Nhưng chính sách lộc điền không chỉ áp dụng cho riêng binh lính mà còn được thi hành cho cả tầng lớp quan lại. Để duy trì và củng cố sự ủng hộ của quan lại, đảm bảo sự trung thành của họ, nhà Mạc đã cố gắng duy trì các thiết chế cũ của nhà Lê, bổ sung nhiều chính sách phong thưởng khác nhau trong đó có việc phong cấp ruộng đất cho các quan lại. Hiện nay những tư liệu về chủ trương này không còn lại bao nhiêu. Để minh chứng cho chủ trương này của nhà Mạc xin đơn cử một số ví dụ sau.

– Theo gia phả của dòng họ, Nguyễn Bỉnh Khiêm khi mất được nhà Mạc cấp cho 100 mẫu ruộng thờ(3).

– Năm 1554, thiếu sư Trần Phỉ chết, Mạc Phúc Nguyên gửi tặng 20 quan tiền và 57 mẫu ruộng thế nghiệp. Về sự kiện này, sách Đại Việt thông sử chép như sau: “Tháng 6, Thiếu sư trí sĩ Trần Phỉ chết, thọ 76 tuổi. Vì lúc này Phúc Nguyên đang gặp nhiều biến cố cho nên không sắm lễ nghi đầy dủ, chỉ cấp tiền phúng điếu 20 quan và 57 mẫu ruộng thế nghiệp”(4).

– Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về trường hợp phong cấp ruộng đất cho Nguyễn Thám như sau: “Tháng 9 (1582), Vinh Kiều bá Hoàng Sĩ Khải và Lang trung Bùi Tòng cũ của họ Mạc bàn cấp cho Thái bảo trước là Gia quốc công Nguyễn Thám 50 mẫu ruộng thế nghiệp”(5).

– Trong cuốn Đường An Loan Phạm Gia thế phả có cho biết Thượng thư Nguyễn Thai, người xã Lai An, huyện Đan Phượng (Hà Nội) khi mất để lại cho dòng họ 10 mẫu ruộng đã ban cấp từ thời Mạc(6).

– Theo tấm bia Tô Quận công thần đạo bi minh dựng năm 1579 ở Mộ Trạch, Cẩm Bình, Hải Hưng, quan lại đại thần nhà Mạc là Lê Quang Bí đi sứ Trung Quốc, bị giữ lại ở Trung Quốc tới 18 năm mới được thả về nước. Nhân dịp này, vua Mạc đã ban cho ông 20 lạng bạc, 200 chuỗi tiền, cấp cho gia đình 50 mẫu ruộng. Sau khi ông mất, vua Mạc lại phong cho ông 80 mẫu ruộng tế, 11 mẫu ruộng miễn hoàn cùng 90 người cày cấy để phụng sự việc tế hàng năm.

Trên đây là một số ví dụ về chính sách lộc điền của nhà Mạc. Chính sách này đã có một tác dụng nhất định trong việc củng cố thế lực và duy trì vương triều của nhà Mạc, tuy nhiên vì không giải quyết được triệt để những mâu thuẫn mà xã hội lúc đó đã đặt ra nên nhà Mạc đã không tạo ra được một sự vững chắc lâu dài và ổn định để cuối cùng đi đến thất bại.

Một biện pháp quan trọng khác của nhà Mạc là cố gắng xây dựng một tầng lớp sĩ phu quan liêu mới làm cơ sở xã hội cho triều Mạc. Mạc Đăng Dung và những người kế nghiệp hiểu rất rõ rằng tầng lớp sĩ phu cũ của nhà Lê không mấy ủng hộ nhà Mạc, do xuất phát từ cái nhìn của quan điểm chính thống Nho giáo phong kiến. Họ Mạc cũng hiểu rằng cơ sở nền tảng của xã hội và do đó sẽ là cơ sở của bộ máy cai trị chính quyền Mạc vẫn sẽ là tầng lớp sĩ phu-quan liêu. Như vậy họ Mạc sẽ phải dùng Nho giáo, dựa vào Nho giáo. Bên cạnh đó, tập đoàn Lê Trịnh đang nổi lên ở phía Nam. Một vấn đè quan trọng phải đặt ra là tìm mọi cách tranh giành sĩ phu với Nam triều. Do đó, hàng năm nhà Mạc đã tiến hành tổ chức các kỳ thi tuyển chọn sĩ tử.

Trong suốt thời kỳ thống trị của nhà Mạc không năm nào nhà Mạc không tổ chức thi cử. Ngay trong những năm có nhiều biến loạn, những năm nhà Mạc bị thất bại liên tiếp, triều đình vẫn tổ chức các kỳ thi. Năm 1592, quân Mạc thua lớn, quân Trịnh Tùng kéo vào tàn phá Kinh thành, nhưng sau khi Trịnh Tùng rút quân thì mùa hạ năm ấy, Mạc Mậu Hợp lại mở khoa thi cử nhân.

Nhà Mạc thường xuyên mở nhiều khoa thi, trước hết là nhằm xây dựng, đào tạo một tầng lớp sĩ phu quan liêu mới để cung cấp cho bộ máy thống trị, khi nhà Mạc mới lên ngôi thì các sĩ phu quan liêu cũ của nhà Lê một phần bị nhà Mạc tàn sát, còn phần lớn thì bỏ trốn hay âm mưu chống đối. Trong điều kiện ấy nhà Mạc cần phải tiến hành đào tạo một tầng lớp quan liêu mới. Như trên đã nói, việc tổ chức thi cử của nhà Mạc còn nhằm mục đích tranh giành sĩ phu với Nam triều, lấy khoa cử và quan tước để ràng buộc các trí thức phong kiến. Trên tinh thần ấy, nhà Mạc ngay sau khi lên ngôi vua đã cho tổ chức kỳ thi Hội đầu tên vào năm 1529, Toàn thư chép về kỳ thi này như sau:

“Kỷ Sửu (1529) Mạc, Minh Đức năm thứ 3, họ Mạc mở khoa thi hội cho bọn Đỗ Tổng (người xã Lại Cốc, huyện Văn Giang) Nguyễn Hãng, Nguyễn Văn Huy, 3 người đỗ Cập đệ. Bọn Nguyễn Văn Quang 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân. Bọn Nguyễn Hữu Hoán 16 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân(7). Từ đó cứ 3 năm một lần đều đặn, nhà Mạc đều cho tổ chức các khoa thi tuyển chọn sĩ tử, trước sau tổng cộng 21 khoa, số người đậu tiến sĩ là 484 người, trong số ấy có 11 trạng nguyên(8).

Với số lượng khoa thi và số người đỗ Tiến sĩ như trên ta thấy nhà Mạc không hề thua kém bất kỳ một triều đại phong kién nào của Việt Nam về việc tổ chức khoa cử và đào tạo nhân tài. Những trí thức phong kiến lớn, nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Giáp Hải…đều đỗ trong các kỳ thi do nhà Mạc tổ chức.

Nhằm đề cao khoa cử, năm 1529 Mạc Đăng Dung cũng theo thẻ lệ cũ của nhà Lê, cho dựng bia đá ghi tên những người trúng tuyển. Nhưng về sau, do chiến tranh liên miên, việc dựng bia đá không được tiến hành thường xuyên. Suốt 65 năm trị vì của nhà Mạc, nhà Mạc chỉ tổ chức dựng bia có 2 lần. Cụ thể như sau:

  1. Lần dựng bia năm Minh Đức thứ 3 (1529) hiện còn một bia của khoa thi Kỷ Sửu năm Minh Đức 3.
  2. Lần dưng năm Đại Chính thứ 7 (1536) hiện còn 2 bia của các khoa thi:
  • Nhâm Tuất năm Cảnh Thống thứ 5 (1502)
  • Mậu Dần năm Quang Thiệu thứ 3 (1518)

Điều đáng lưu ý là lần dựng năm Đại Chính thứ 7 (1536) thuộc về khoa thi của triều Lê cũ. Nhưng không vì thế mà nhà Mạc không tổ chức dựng bai. Điều đó muốn nói lên nhà Mạc hết sức đề cao khoa cử, tôn trọng  khoa cử, từ đó tôn trọng luôn những người xuất thân từ khoa cử. Cũng trong năm này, Mạc Đăng Doanh còn cho sử chữa lại nhà Quốc Tử Giám. Toàn thư chép rằng: “Họ Mạc sai Đông quân đô đốc phủ Tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Định Khoa sửa lại nhà Quốc Tử Giám”(9). Năm sau, để tỏ sự quan tâm đến việc học, đề cao Nho giáo và khoa cử, Mạc Đăng Doanh đã thân đến thăm nhà Thái học. Toàn thư chép: “Đinh Dậu năm thứ 5 (1537), Mạc Đại Chính thứ 8, mùa xuân tháng giêng, họ Mạc đến thăm nhà Thái học”(10).

Tuy nhiên việc học và thi cử của nhà Mạc hay nói một cách khác, ý thức đào tạo một tầng lớp sĩ phu quan liêu mới, chỉ được thực hiện tốt vào những triều đại đầu của nhà Mạc. Càng về sau, dù nhà Mạc có nhiều cố gắng nhưng cũng không đem lại kết quả bao nhiêu. Mặc dù nhà Mạc vẫn tổ chức đều đặn việc thi cử, cất nhắc và tuyển chọn những người đỗ đạt ra làm quan, nhưng việc thi cử đó chỉ là hình thức. Thi cử lập bai đá của nhà Mạc không còn là biểu hiện của sự thịnh trị của chế độ phong kiến như thời Lê Thánh Tông trước đó, mà chỉ còn là chính sách lôi kéo sĩ phu, một chính sách đào tạo quan liêu làm cơ sở cho chính quyền của nhà Mạc.

Nhà Mạc không thiếu nhân tài, cũng không thiếu những người tâm huyết với xã tắc nhà Mạc. Nhưng các vua cuối của nhà Mạc không sử dụng được. Chỉ xin lấy một ví dụ: Nhà Mạc rất có ý thức trong việc đào tạo tầng lớp sĩ phu, hết sức đề cao khoa cử, nhưng khi việc dựng bia đá bê trễ, quan đại thần Trần Thì Thầm dâng sớ đề nghị tiếp tục dựng bia đá để tỏ rõ việc đề cao khoa cử thì lại không thực hiện được. Lời văn trong bài sớ thật là hết lòng. Xin chép một đoạn ra đây:

“Quốc gia lấy nhân tài làm trọng mà cần nhân tài lấy khoa mục làm vinh. Nước Việt ta, từ khi dựng nước tới nay, thường yêu chuộng nhân tài và long trọng khoa mục, các triều đại trước đây, mỗi khi mở khoa thi xong, đều đem tên các vị trúng tuyển khắc vào bia đá dựng ở nhà Quốc học, lại ghi chép vào Quế lục (sách chép tên người thi đỗ) để lưu truyền tên tuổi lâu dài về sau. Đó là một phép tốt của quốc gia vậy. Đến bản triều ta, cũng theo điều cũ, phô diễn phép hay, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529), sau khoa thi tuyển, khắc tên các vị trúng tuyển vào bia đá dựng ở cửa nhà Thái học. Phép hay chỉ thấy có một lần này thôi, mà cũng chưa có chép tên vào Quế lục.

Từ năm Đại Chính (1530-1540), Quảng Hoà (1541-1546) cho tới Vĩnh Định (1547), Cảnh Lịch (1548-1553) tuy là thời kỳ lắm việc mà vẫn thường thường mở khoa thi tuyển nhân tài. Nhưng hai thịnh điển kể trên cũng đều chưa tính tới.

Hiện nay chính là thời kỳ đáng nên khôi phục thịnh điển ấy và sửa sang cho tốt đẹp thêm. Vậy xin bệ hạ ra lệnh cho các vị triều thần bàn định, bắt đầu từ năm nay trở đi, mỗi khi mở khoa thi xong, liền sai bộ Công tạo bia đá, khắc tên các vị trúng tuyển, các vị văn thần thì soạn bài ký ca tụng khắc luôn vào bia đó. Lại chiếu xét những khoa thi trước, khoa nào chưa có bia thì lập bia, hoặc còn thiếu sót thì điền bổ sung cho đầy đủ. Lại sai văn thần biên chép tất cả tên những người thi đỗ vào Quế tịch. Như vậy, không những là mỹ quan một thời, mà còn để đời sau xem xét. Những tên các vị khoa mục, sẽ lưu thơm tới ức nghìn vạn năm. Không phải chỉ là thịnh sự của các vị tấn thân, mà thực là một sự vinh hiển của quốc gia vậy. Văn thịnh vượng, thế đạo thịnh vượng, thiên hạ thịnh vượng. Hạ thần rất hân hạnh được đích thân trông thấy”(Lê triều thông sử).

Mạc Mậu Hợp rất đồng ý với lời văn trong bài sớ nhưng vẫn không thực hiện theo. Việc làm không triệt để của nhà Mạc đã dẫn đến tình trạng tầng lớp quan liêu mới không đủ làm cơ sở vững chắc cho nhà Mạc. Một số sĩ phu có danh vọng tuy xuất thân từ khoa cử của nhà Mạc, lại bỏ vào theo nhà Lê như Lương Hữu Khánh, hay có người từ quan về sống cuộc đời ẩn dật như Nguyễn Bỉnh Khiêm…Một số sĩ phu, quan lại theo nhà Mạc thì dần dần trở nên sa đoạ suy đồi. Đó là kết quả của những biện pháp cải cách không triệt để, nửa vời của nhà Mạc.

Nhưng có lẽ một số biện pháp cải cách có hiệu qa hơn cả của nhà Mạc là trong lĩnh vực kinh tế, công thương nghiệp. Chính sách “trọng nông ức thương” của nhà Lê sơ đã phần nào hạn chế sự phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp: Sang thời Mạc, nền kinh tế nông nghiệp vẫn phát triển, nhưng rõ ràng kinh tế công thương nghiệp không còn bị hạn chế như trước kia nữa. Phải chăng họ Mạc xuất thân từ dân chài miền biển, quen với lối sống trao đổi, quen với chợ búa mà có cái nhìn rộng mở hơn đối với đại diện quân chủ Nho giáo của nhà Lê khi trước. Thời Mạc tiền đúc nhiều, chợ búa phát triển, các đô thị được hình thành vào thời Mạc khá nhiều. Rõ ràng thương nghiệp thời Mạc rất phát triển. Điều này không thể không có sự tác động trực tiếp của triều đình trung ương Mạc. Trước hết là về tiền tệ.

Xuất thân từ một tầng lớp luôn luôn phải trao đổi, ngày này phải mua gạo bán cá đổi chác những vật gia dụng khác. Họ Mạc coi đồng tiền là vật trao đổi thuận tiện nhất. Đương nhiên, họ Mạc đúc tiền còn có những mục đích khác ví dụ như dùng để phát lương, chi dùng cho quân đội(11). Dù mục đích thế nào, thì cũng nổi lên một điều: Ở thời Mạc đồng tiền là rất cần thiết. Chính vì vậy mà Mạc Đăng Dung lên ngôi năm trước, năm sau đã cho tổ chức đúc tiền. Đúc một lần chưa được, lại cho đúc tiếp đến khi thành công mới thôi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Năm Mậu Tý (1528)Mùa xuân, tháng giêng, bấy giờ Đăng Dung muốn đổi làm chính lệnh mới, bèn sai đúc tiền thông bảo theo kiểu tiền niên hiệu cũ, phần nhiều không thành.

Sau lại đúc thứ tiền pha kẽm và sắt, ban hành các xứ trong nước để thông dụng”.

Trong thời Mạc Đăng Dung đã đúc tiền nhiều lần và đúc nhiều loại tiền. Nhưng kết quả thu được qua khảo cứu về khảo cổ học cho thấy thời Mạc Đăng Dung có đúc những loại tiền như sau:

  • Tiền Minh Đức thông bảo bằng đồng
  • Tiền Minh Đức thông bảo bằng kẽm
  • Tiền Minh Đức nguyên bảo bằng sắt.

Rõ ràng chỉ riêng thời Mạc Đăng Dung đã đúc khá nhiều loại tiền. Sau thời gian Đăng Dung, các triều vua Mạc đều có đúc tiền. Dưới đây là một số loại tiền đã lưu hành dưới triều Mạc mà khảo cổ học đã tìm thấy.

  • Mạc Đăng Doanh: Sử không ghi chép về việc đúc tiền, song tiền mang niên hiệu Đại Chính (của Đăng Doanh) có tìm thấy, đúc bằng đồng.
  • Mạc Phúc Hải: Sử cũng không ghi chép về việc đúc tiền song cũng tìm thấy tiền thời Phúc Hải, đó là tiền Quảng Hoà thông bảo.
  • Mạc Phúc Nguyên có 2 loại tiền: Vĩnh Định thông bảo và Vĩnh Định chí bảo
  • Mạc Kính Cung: Có đúc 1 loại tiền là Càn Thống nguyên bảo.

Ngoài ra họ Mạc còn đúc một số loại tiền khác nữa. Sách Phủ Biên tạp lục chép: “Họ Mạc đúc tiền gián nhỏ, có mấy chữ Thái Bình”, “An Pháp” (gọi là tiền gián), cũng vì thuyền chở mà chạy vào Thuận Hoá”.

Có 3 loại tiền gián:

  • Thái Bình thánh bảo
  • Thái Bình thông bảo
  • An Pháp nguyên bảo.

Số lượng tiền đúc vào thời Mạc không phải lá ít. Tièn Mạc tìm thấy ở khá nhiều nơi với số liệu lớn. Rõ ràng là phải có tác động của kinh tế và vì mục đích kinh tế nhất là kinh tế công thương nghiệp. Nhiều tài iệu chứng tỏ rằng tiền Mạc được sử dụng làm phương tiện trao đổi. Nhièu việc mua bán đổi chác đều dùng đồng tiền. Bia Sùng Khánh tự bi cho biết tu sửa lại một chiếc bia cũ hết 10 quan tiền(12). Mua một mẫu ruộng hết 30 quan tiền(13). Thời Mạc việc mua bán ruộng đất và các mặt hàng thủ công gia dụng rất phát triển. Chắc chắn đồng tiền cũng được sử dụng vào việc mua bán đó. Chẳng hạn bà Phúc Tuy thái trưởng công chúa có ruộng thế nghiệp là 5 mẫu 5 sào ở xã Đốc Hành (Tiên Lãng-Hải Phòng) đã bán lại cho dân trong xã lấy 120 lạng. Tiền Quốc công Mạc Kính Điển có 55 tại xã Thiên Bài (Hà Nam Ninh) vì không tiện cày cấy đã bán lại cho dân địa phương sử dụng, bà Lê Thị Quỳnh đã được phân ruộng là 10 mẫu lại mua 5 mẫu nữa…

Kinh tế hàng hoá phát triển trên cơ sở các ngành nghề thủ công đặc biệt phát triển, nhất là nghề gốm. Buổi đầu nhà Mạc đặc biệt chú ý đến tình hình phát triển kinh tế và an ninh xã hội. Nhiều biện pháp của nhà Mạc ban hành có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đại Việt sử ký toàn thư có chép một đoạn về tình hình xã hội Mạc vào năm Đại Chính đời Mạc Đăng Doanh như sau:

“Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng kiểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ, cũng không biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”(12).

Ngay vào giai đoạn cuối, dưới triều Mạc Mậu Hợp, nhà Mạc đã suy yếu lắm, nhưng tình hình kinh tế công thương nghiệp vẫn rất phát triển. Có thể nói thế kỷ 16 (tức thế kỷ nhà Mạc) là thế kỷ phát triển kinh tế hàng hoá-công thương nghiệp. Các nghề thủ công nghiệp thuộc quyền cai quản của nhà nước như nghề đúc tiền, đóng thuyền, chế tạo súng, xây dựng được phát triển mở rộng. Trong dân gian các nghề thủ công cổ truyền cũng tiếp tục phát triển và phổ biến rộng khắp. Hầu như làng nào cũng có các lò rèn, phường mộc, phường xây dựng, nghề làm đá…

Dưới đây xin trình bày thêm về nghề gốm thời Mạc, một nghề thủ công cổ truyền của ta. Gốm Mạc có một vai trò lớn trong đời sống xã hội của nhân dân. Bên cạnh nhiều đồ gốm gia dụng, thời Mạc còn sản xuất được nhiều đồ gốm quý giá nổi tiếng như các loại chân đèn, lư hương, những sản phẩm dùng vào việc thờ cúng ở các đền chùa. Khác với đồ gốm của các thời trước, gốm thời Mạc thường có khắc tên người sản xuất, nơi sản xuất, sản xuất cho ai và để làm gì. Điều này chứng tỏ vai trò cá nhân thời này được tôn trọng. Người thợ tự do sản xuất và buôn bán không có quy chế và cấm đoán nào cả. Cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hoá, đồ gốm thời này được sản xuất rộng rãi, trong nhiều vùng, đặc biệt ở vùng Hải Dương, Nam Sách, Vĩnh Bảo… Quê hương của nhà Mạc là nơi có nhiều lò gốm nổi tiếng. Gốm Mạc trở thành một thứ hàng hoá buôn bán rộng rãi khắp mọi nơi, nhiều đồ gốm quý, thời kỳ này được xuất khẩu sang các nước như Philippin, Inđônêxia, Nhật Bản…

Sự phát triển của kinh tế hàng hoá-công thương nghiệp đã dẫn đến sự hình thành các trung tâm buôn bán, chợ búa và cao hơn cả là các đô thị ra đời. Việc mở rộng buôn bán, một phần do nhu cầu của xã hội, một phần khác do sự khuyến khích của triều đình. Chẳng hạn việc mở cầu, dựng chợ ở khu vực bến Nguyễn thuộc xã Phúc Hải, huyện Ngự Thiện (Hưng Hà-Thái Bình) vào năm Đại Chính thứ 2 (1531danh định do vua Mạc Đăng Doanh ban sắc chỉ xây dựng)(15). Tấm bia Khê cốc kiều bi ở Thanh Hà (Hưng Yên) có ghi lại việc đi lại buôn bán khá nhộn nhịp vào thời Mạc: “Cảnh vật bốn mùa tươi tốt, vó ngựa dồn dập trên đường, từ việc nông tang đến khách buôn đi lại rất thuận lợi”.

Buôn bán và trao đổi phát triển dẫn đến sự hình thành các trung tâm đô thị sầm uất, ngoài Thăng Long đến giai đoạn Mạc đã trở thành Kẻ Chợ, còn thấy có nhiều đô thị khá sầm uất như Phố Hiến, Hưng Hoá, Lạng Sơn, Kỳ Lừa… đếu hình thành và phát triển vào thời Mạc.

Như đã biết, vào cuối nhà Mạc (nửa cuối) triều đình trung ương Mạc rất suy yếu, thế nhưng kinh tế hàng hoá-thương nghiệp vẫn rất phát triển, thậm chí còn rực rỡ hơn các giai đoạn trước rất nhiều. Giải thích vấn đề này thế nào?

Ta thấy rõ nhà Mạc khi thay thế nhà Lê, vẫn giữ nguyên bộ máy cai trị trung ương tập quyền của nhà Lê. Đối với những vùng xa xôi, nhà Mạc đều cử những người tin cậy đến cai quản. Ví như cử Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1523) Nguyễn Khắc Cần làm Giám sát ngự sử đạo Thanh Hoa, hoặc cử Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1532) Nguyễn Đồng Diễn làm Giám sát ngự sử đạo Quảng Nam. Tuy nhiên, trong thực tế nhà Mạc chỉ kiểm soát được các địa phương từ Ninh Bình trở ra. Ngay sau này trong các vùng đất đai nhà Mạc kiểm soát, cũng chỉ nắm ở những trung tâm đông dân còn các vùng dân cư thưa thớt hoặc các địa phương xa xôi, sự kiểm soát thật là lỏng lẻo.

Ảnh hưởng của nhà Mạc đậm nhất là vùng Thăng Long và xứ Hải Dương. Các vùng khác rất ít tiếp xúc với chính quyền trung ương. Một ví dụ để chứng minh cho điều này: một số bia đá được dựng ở Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình khi dùng niên hiệu vua Mạc, không biết niên hiệu đó đã được thay đổi bằng một niên hiệu mới. Ví dụ niên hiệu Quảng Hoà có 8 năm (1554-1561), từ năm 1562 trở đi thuộc niên hiệu Thuần Phúc. Thế nhưng trên bia Hậu thần từ vũ bi ký ở huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội lại ghi năm Quang Bảng thứ 9 (1562)(16), hoặc bia trùng tu Thanh Quang tự ở huyện Trực Ninh (Hà Nam Ninh) lại ghi năm Quang Bảo thứ 10 (1563)(17). Niên hiệu Hưng Trị có 3 năm (1588-1590), trong khi đó bia tân tạo Ngọc hoàng chư Phật ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phú) lại ghi năm Hưng Trị thứ 4 (1591)(18). Việc nhà vua đã ban hành niên hiệu mới, mà một số trường hợp vẫn ghi niên hiệu cũ ở trên bia là rất ít thấy. Trừ những trường hợp đặc biệt(19) còn thì chưa thấy ở các triều đại khác. Rõ ràng những trường hợp ở thời Mạc không phải là không chấp nhận niên hiệu mới, hoặc có biết nhưng quen dùng niên hiệu cũ mà không sợ vào điều huý kỵ. Nó chứng tỏ sự ràng buộc giữa địa phương và triều đình trung ương khônng chặt chẽ, người dân không chịu sự ép buộc quá khắt khe của triều đình. Nhưng hình trang trí trên bia còn chứng tỏ nhà Mạc không chủ trương độc tôn uy thế vương quyền. Thời Mạc, các vua Mạc không áp đặt quyền thế mà lại để tự do đi lại, tự do buôn bán, tự do sản xuất.

Đây là một chủ trương của nhà Mạc hay là sự bất lực của nhà Mạc? Vấn đề này có thể còn phải bàn thêm, nhất là còn phải có thêm nhiều tư liệu mới. Nhưng rõ ràng nó dẫn đến một điều: Chính quyền Trung ương không nắm được các địa phương trên mọi mặt (trừ quân sự) sẽ bị mất nền tảng cơ sở xã hội và khi người nắm quyền bính bất tài, ăn chơi xa xỉ thì triều đình sẽ suy yếu ngay. Mặt khác, các tầng lớp xã hội được tự do đã thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển lên nhanh chóng về mọi mặt. Đó chính là Nhà nước Mạc thì suy yếu mà nền kinh tế đất nước lại vẫn phát triển. Nó chứng tỏ rằng nhà Mạc có ý định cải cách và có áp dụng một số biện pháp cải cách nhưng không thu được kết quả.

Chú thích

  1. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản dịch) H:, Nxb Khoa học xã hội, 1972, tập 4, tr 120.
  2. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr122
  3. Theo tài liệu của Trương Hữu Quýnh
  4. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr173
  5. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr173
  6. Theo tài liệu của Trương Hữu Quýnh
  7. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr123
  8. Phan Huy Chú: Lược thảo khoa cử Việt Nam, tr115.
  9. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr130
  10. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr130.
  11. Có người nói rằng thời Mạc kinh tế hàng hoá chưa phát triển cho nên đồng tiền chưa có vai trò vật ngang giá nhất thiết phải có trong lúc trao đổi hàng hoá. Nhà Mạc đúc tiền cả để phát lương, chi cho quân đội, không vì mục đích kinh tế.
  12. Đại Việt sử ký toàn thư,Bản dịch, Tập II; sđd, tr126
  13. Bia Sùng Khánh tự bi dựng năm Diên Thành 6 (1583) ở Lý Nhân (Hà Nam Ninh).
  14. Theo bản rập bia ký hiệu số 9861 tại kho bia Viện Hán Nôm.
  15. Bia Nguyễn Kiều thị bi, Hưng Hà, Thái Bình.
  16. Xem bản rập bia tại kho tư liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu số 1662.
  17. Xem bản rập, ký hiệu số 5431.
  18. Xem bản rập, ký hiệu số 4945.
  19. Như trường hợp một số bia Thời Tây Sơn dùng niên hiệu nhà Lê như bai ký hiệu số 8425 dựng năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) trên bia lại ghi năm Cảnh Hưng thứ 18 (1797). Bia ký hiệu số 8429 dựng năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1797) thì lại ghi năm Cảnh Hưng thứ 19 (1798). Điều này biểu thị tư tưởng hoài Lê, không chấp nhận triều Tây Sơn của một số ít người đứng ra dựng bia đó.

Đặng Kim Ngọc

Nguồn: homacvietnam.vn

 

Bình luận

nalfreese

nalfreese - 06/03/2022 02:04:05

Levitra And Cialis Xddhli https://newfasttadalafil.com/ - buy cialis online usa Ogxiza Cialis https://newfasttadalafil.com/ - Cialis Precio Comprar Propecia Finasteride Generico

Nguyễn Quốc Đại

Nguyễn Quốc Đại - 05/09/2020 09:29:00

Nói dòng do . Nên đi thẳng vào vẫn đề chính mà cái tựa đề chính mà các bạn đã dặt ra

Viết bình luận