Mượt mà khúc hát lượn then mùa xuân

Mượt mà khúc hát lượn then mùa xuân

Mùa xuân Đinh Dậu 2017 về cùng muôn hoa, lộc biếc, quê hương như thay da, đổi thịt, khắp nơi đều bừng lên gương mặt xuân rạng ngời, căng tràn sức sống. Trong cảnh trí tươi đẹp của sự giao mùa luân hồi đang chuyển mình, chúng tôi bồi hồi nhớ đến những ngày du xuân xưa của các chàng trai, cô gái đằm thắm giao duyên cùng tiếng hát lượn Then mà nên nghĩa, nên tình.

 

 

Hát then - nghệ thuật văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày.

Đó là những năm 60 của thế kỷ trước, khi Tết đến, xuân về, bên cạnh ẩm thực, lễ hội là các hoạt động vui chơi tung còn, đánh yến, đánh quay...; hát lượn Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày trên khắp mọi miền quê non nước Cao Bằng. Lượn Then là loại hình dân ca của dân tộc Tày phổ biến nhất ở các huyện miền Đông: Trùng Khánh, Hạ lang, Quảng Uyên, Trà Lĩnh và lan rộng đến các bản làng trong tỉnh.

Thanh niên nam nữ Tày dùng lượn Then để giải trí, giao duyên, tỏ tình vào những dịp nông nhàn, chợ phiên, nhất là khi mùa xuân về trong không khí "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Tốp thanh niên làng này rủ nhau sang du xuân làng khác, theo đó xuất hiện những cuộc lượn hát đối đáp giữa bên chủ và bên khách kéo dài thâu đêm, suốt sáng. Lượn Then có cấu trúc thành hai thể: lượn và hát xen kẽ, hòa quyện nhau thật sinh động. Về lượn, chủ yếu là lời Tày ý nhị, ví von, sâu sắc, đầy tính nhân văn, theo thể thơ thất ngôn trường thiên. Có một số câu bằng tiếng Kinh khi vào phần lượn mời, hoặc là tích chuyện cổ. Về hát, phổ biến là tiếng Kinh theo thể thơ lục bát, trong ứng tác có thể thêm câu, thêm chữ nhưng vẫn đảm bảo vần điệu. Thông thường, một cuộc lượn diễn ra theo trình tự, nấc bước như sau:

Phần mở đầu là lượn mời, hát mời (tiếng Tày gọi là lượn nai, hát nai). Để mở đầu cho cuộc lượn, bên chủ (nam hoặc nữ) lên tiếng trước, nội dung hỏi thăm và bày tỏ vui mừng, cảm kích trước sự có mặt của khách đến với bản làng: Người đồn khách lạ vào làng/Anh đây xin bắc cầu vàng sang chơi/Cầu vàng anh bắc tới nơi/Để cùng em bước sóng đôi tâm tình. Sau đó là đặt vấn đề mời khách lượn hát đêm nay. Lượn, hát mời thật tình da diết, lời lẽ sắc sảo, tinh tế, ngọt ngào, ví von sâu xa, làm cho đối phương khó từ chối, thậm chí ai không biết hát lượn còn bức bối tâm can tự trách mình rằng, bấy lâu sao thờ ơ với lượn Then mà hoài phí xuân thì: Mùa xuân hoa nở đang tươi/Đừng cho nó héo nó rơi làm gì, hoặc: Em ơi hãy cất tiếng lên/Cho anh mời mãi càng thêm phiền lòng. Thường thì khách khiêm tốn, làm thinh trước sự vồn vã, nồng hậu của chủ, khách chưa lượn đáp ngay, mà đánh tiếng rằng: Đin nẩy mì chủa cải lượn then/Gọn tổng quá nả thiên rừ đảy/Cất tiếng chổi vằn nẩy bạn hiền. Dịch: Đất này có chúa lớn lượn then/Đánh trống qua mặt trời sao được/Giờ này cất tiếng chối bạn hiền.

Phần thứ hai, khi khách đã lên tiếng đáp lại thì cuộc lượn bước sang phần lượn Chồm (Chồm nghĩa là ngắm, mừng, chào, thưởng ngoạn). Đó là các bài lượn ngợi ca bạn hát, về cảnh đẹp quê hương, làng bản, mừng đồng ruộng tốt tươi, núi sông kỳ vĩ, thành hoàng làng, nhà cửa, cầu thang, vườn tược, gia súc, gia cầm... Phần này, khách lượn mừng điều gì thì chủ phải đối đáp lại với bằng cả tấm lòng của mình về điều đó. Chồm hênh (Mừng giọng), ca ngợi giọng hát của bạn hay và vui mừng cảm tạ khách, mong bạn hát trọn cuộc giao duyên này: Tiểng lượn răng khao van ánh ỏi/Van pền thương cáp ỏi lộn căn/Tiểng lượn như mèng đằn chang ngản/Khuyên tiếng mừa bạn cần pây kết. Dịch: Tiếng lượn sao ngọt lành lảnh lót/Ngọt như đường trộn mía với nhau/Tiếng lượn như ve ngân rừng thẳm/Khuyên bạn nàng hãy cùng lượn kết. Liền đó, sẽ là lượn Chồm tàng (Mừng đường), Chồm Bản (Mừng bản), Chồm Thổ công (chào Thổ công), Chồm rườn (Mừng nhà), Chồm cảnh (Mừng cảnh), Chồm bjoóc (Ngắm hoa)...: Xuân thiên tiết vặn mà chồm bjoóc/Mật mèng tom slí coóc vạ căn/Noọng chứ pỉ cừn vằn bấu khát/Vằn xuân đây đảy hát lượn Then/Pỉ ơi pỉ nhằng rèng rụ bấu/Pỉ nhằng chứ vằn cáu rộp căn?. Dịch: Tiết xuân về cùng nhau ngắm hoa/Ong bướm bốn phương về tụ hội/Em nhớ anh đêm ngày day dứt/Ngày xuân đẹp được hát lượn Then/Anh ơi có khỏe không anh hỡi/Còn nhớ về ngày trước gặp nhau?. Hoặc: Dò kha khỏi khảu thâng vưởn cảnh/Mủng hăn bại phong cảnh vưởn hoa/Vưởn cam thêm vưởn quả vưởn quýt/Mác tào thêm mác mị mì lai. Dịch: Cất bước tôi vào thăm vườn cảnh/Thấy vô vàn cảnh trí loài hoa/Nào quả, nào cam, nào là quýt/Lại còn nhiều đào, mít sai cây.
 

Học sinh Trường Năng khiếu Nghệ thuật và thể thao tỉnh biểu diễn hát then đàn tính.

Tiếp theo là lượn "Khuyên kết và hát Kết", "kết" theo nghĩa tiếng Tày là gắn kết, gắn bó chứ không phải là kết thúc mà là nội dung trọng tâm của lượn hát giao duyên, tỏ tình. Hai bên lượn, hỏi thăm về gia đình, anh em, bè bạn, muốn được gặp nhau kết duyên đôi lứa, nguyện thương yêu nhau, thủy chung son sắt, chia sẻ ngọt bùi, xây dựng hạnh phúc lứa đôi… Họ say sưa dùng những áng thơ hay, ý nhị, sâu lắng, hình ảnh ví von phong phú sinh động chứa chan tình yêu, cuộc sống, gửi lời nhắn nhủ đợi chờ, chớ bội ước lời nguyền của nhau: Lừa nọng pây nặm slâư bấu túng/Tá lừa pỉ sle búng nặm vằm/Lừa noọng pây thâng cằn đoạn dá/Tá lừa pỉ cháng há tợ tàng. Dịch: Thuyền em đi nước trong không cản/Bỏ thuyền anh ở vũng nước ngầu/Thuyền em đi đến bến bờ rồi/Bỏ thuyền anh giữa dòng dang dở. Hoặc: Lừa lồng hát nhằng tẻo bâu nò/Mạy tắc nhằng tứn có thêm bâu/Nà đây pỉ đăm khẩu tan thua/Tả nà lẹng mất mùa qua rí. Dịch: Thuyền xuống thác liệu còn quay lại/Cây gẫy còn mọc ngọn được chăng/Ruộng màu anh cấy lúa hái ngay/Bỏ ruộng khô mất mùa quá vụ.

Kế theo là lượn hát đố và hát đáp do bên chủ hỏi: Chúa nào coi mùa xuân vận chuyển/Chúa nào coi mùa hạ nắng, mưa/Chúa nào coi mùa thu mát dịu/Chúa nào coi lạnh lẽo mùa đông. Đáp: Đông Hoàng quản mùa xuân chuyển hóa/Đông Quân coi mùa hạ nắng, mưa/Thục tổ coi mùa thu mát mẻ/Huyền Minh quản lạnh lẽo mùa đông. Tiếp đó là lượn Pây sech, là lối lượn mà đôi bên đi theo bài, theo sách, các tích truyện cổ trong truyền thuyết dã sử, lịch sử, lượn tứ quý hồng nhan… Lúc này, chủ nhà được quyền ưu tiên chọn lựa đề tài, cốt truyện, đôi bên đối đáp, cứ thế cuộc lượn kéo dài rất lâu. Đòi hỏi các chàng trai, cô gái phải học thuộc lòng và nhớ các tích truyện.

Phần ba là lượn hát chia tay, giã bạn, kết thúc cuộc lượn. Lượn, hát pjạc (chia tay) có nơi còn gọi là lượn hát slắng (slắng là dặn dò, tạm biệt). Đây là phần lượn, hát chia tay, giã bạn để rồi kết thúc cuộc lượn tình nghĩa lâm li kéo dài. Khi ấy, đôi bên nước mắt lưng tròng, quyến luyến không muốn rời xa: Giờ nấy nặm slắng pia tẻ pjạc/Pia slắng nặm tha lác lìa vằng. Dịch: Giờ đây nước dặn cá chia tay/Nước mắt cá khóc xa vực nước; hoặc: Pjạc noọng mừa kin khấu bâu ngòn/Kin khẩu bặng kin phon lồng pác/Pjạc căn nặm tha lác bặng phân. Dịch: Xa em về ăn cơm không ngon/Bữa ăn như nuốt vôi xuống miệng/Chia tay nhau nước mắt tuôn mưa. Thực sự họ đã say nhau bởi thanh sắc và lời lẽ tỏ tình ứng tác rung động tâm can hoặc khi hát những câu có sẵn nhưng đặt đúng nơi, đúng chỗ nên tình cảm của họ lại càng hòa quyện, nhân lên. Đôi bên đều say sưa bày tỏ sự thương yêu, hẹn ước, mong muốn sẽ còn gặp lại nhau để được lượn hát giao duyên và hướng tới hạnh phúc cuộc sống lứa đôi.

 Lượn Then thể hiện ước nguyện tỏ tình, giao duyên của các nam thanh, nữ tú. Ai đã có dịp được đắm mình trong cuộc lượn Then ngày xuân, khó mà quên lời lượn, hát tinh tế, ví von giàu hình ảnh, cảm xúc cùng giai điệu mượt mà, da diết làm say đắm lòng người.

 
Lê Chí Thanh
Nguồn: baocaobang.com.vn

Viết bình luận