Nghi Dương – Kiến Thụy mảnh đất của những tư tưởng tiến bộ, đổi mới.
Nghi Dương – nơi hội tụ khí thiêng muôn thuở
Ai từng đặt chân đến mảnh đất Nghi Dương ( xưa) – Kiến Thụy ngày nay “ nơi hội tụ khí thiêng muôn thuở này”, trong một buổi chiều, nhìn trời xanh biếc và biển cả mênh mang trước mặt, thì sẽ luôn có những cảm nghĩ về mảnh đất và con người nơi đây.
Tôi cũng đã về đây trong một buổi chiều, thả hồn theo mây xanh, nước biếc và chợt nhớ đến mấy câu tuyệt diệu của nhà thơ trẻ tuổi và tài năng thơ Đường là Vương Bột, người sử dụng đầu tiên thành ngữ địa linh nhân kiệt: Lạc hà dữ cô vụ tề phi/Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc nghĩa là Trên bầu trời mênh mông một áng mây chiều cùng bay với con cò lẻ. Nước mùa thu hòa lẫn với bầu trời cùng một sắc).Phải chăng câu thơ tuyệt tác này lại phù hợp với màu trời và sắc nước hôm nay của mảnh đất Nghi Dương này.
…Đã vừa đúng 100 năm, từ ngày Nghi Dương mang tên Kiến Thụy. Truyền thống Nghi Dương tiếp tục được phát huy sức mạnh làm cho Kiến Thụy ngày một tráng lệ và con người ngày thêm thông minh tài giỏi. Tôi nghĩ rằng những giá trị tinh thần của Nghi Dương vẫn tồn tại trên đất Kiến Thụy và Kiến Thụy vẫn tiếp tục phát triển và nâng cao giá trị của Nghi Dương trên tầm cao mới.
Nghi Dương vốn là một mảnh đất thiêng liêng kể từ khi người Việt cổ đặt chân đến mảnh đất này. Cho đến nay đã có biết bao bài thơ bản nhạc ca ngợi về Nghi Dương và Kiến Thụy. Cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu, tìm hiểu quá trình biến đổi và phát triển của Nghi Dương và Kiến Thụy qua các thời kỳ lịch sử. Tôi nghĩ rằng, Nghi Dương, Dương Kinh và triều Mạc là những dấu son quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đó là một niềm tự hào chính đáng của những con người trên mảnh đất này.
Cách đây gần 30 năm, tôi đã có vinh dự thay mặt Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với thành phố Hải Phòng, chủ trì một cuộc hội thảo về Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà triết học nổi tiếng Việt Nam, đồng thời là một danh sĩ lớn nhất đi theo nhà Mạc đến phút cuối cùng. Hội thảo lúc ấy là dịp để khẳng định tính chính thống của nhà Mạc, coi như một triều đại đã mở ra một định hướng mới cho sự phát triển của dân tộc.
Tư đó, các nhà lãnh đạo thành phố Hải Phòng và huyện Kiến Thụy tiếp tục q uan tâm đến các địa điểm lịch sử và danh nhân kiệt tại Nghi Dương, coi đó là những bài học và những tấm gương mà quá khứ để lại. Từ đường nhà Mạc được sửa sang. Ngày giỗ Mạc Thái tổ được tổ chức long trọng. Khu tưởng niệm Nguyễn Bỉnh Khiêm được trùng tu, xây dựng thêm, ngày một khang trang hơn, có sức lôi cuốn khách du lịch trong và ngoài nước.
Hôm nay, khi bàn về mối quan hệ giữa địa linh và nhân kiệt trên đất Nghi Dương, tôi chỉ muốn nói về khía cạnh Thái tổ Mạc Đăng Dung và mảnh đất này với tư cách là những con người và mảnh đất đặc trưng cho những đổi mới và cải cách.
Thái tổ Mạc Đăng Dung chính là sản phẩm của mảnh đất địa linh và đồng thời cũng là nhân kiệt lớn nhất của quê hương Nghi Dương. Thái tổ Mạc Đăng Dung ra đời trong sự trì trệ của xã hội đã kéo dài suốt bao thế kỷ trong lịch sử Việt Nam. Xã hội thời ấy là một xã hội xây dựng trên cơ sở phương thức sản xuất còn mang nặng tính chất công xã nông thôn. Nhà nước là người sở hữu lớn nhất thông qua bộ máy làng xã, giao khoán ruộng đất cho nông dân và thu lợi từ thành quả lao động của họ. Chế độ quan liêu phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội này có nhiệm vụ thực hiện sự giao nộp từ bên dưới và cấp phát từ bên trên. Trong khuôn khổ gò bó này, nông nghiệp lạc hậu không có điều kiện phát triển hạn chế cả công nghiệp và thương nghiệp.
Trong tình hình này, Thái tổ Mạc Đăng Dung cố gắng giúp vua Lê xây dựng một trật tự cần thiết cho sự thay đổi của xã hội. Ông trấn áp những thế lực bảo thủ, phản động và ủng hộ tích cực cho sự phát triển của công nghiệp và thương nghiệp. Tiếc rằng, ông không thể làm gì hơn trong một triều đại không thể tiêu vong. Lịch sử ghi lại nhiều bằng chứng nói lên công lao của Thái tổ Mạc Đăng Dung cả trước và sau khi ông lên ngôi vua.
Từ khi ông lên ngôi vua, triều đại ban hành nhiều chính sách giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, đem lại đời sống ấm lo cho nhân dân. Thủ công nghiệp được phát triển, nhất là đồ gốm, đồ dệt. Trật tự an ninh được bảo đảm. Không có người cầm giáo mác và binh khí đi ngoài đường, không còn trộm cướp ban đêm, người đi lại buôn bán được an toàn. Trâu bò thả chăn không được mang về. Chính Đại Việt sử ký toàn thư luôn lên án cũng phải thừa nhận những thành công của Thái tổ Mạc Đăng Dung: “ Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên” ( Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục quyển 15).
Ngoài việc phát triển công thương nghiệp, nhà Mạc quan tâm việc sử dụng và ưu đãi trí thức. Nhiều trí thức triều Lê theo nhà Mạc. Nhà Mạc liên tục mở các khoa thi, tuyển lựa nhiều trí thức từ tiến sĩ đến trạng nguyên. Lịch sử còn nghi nhớ những tên tuổi của nhiều trạng nguyên thời Mạc: Nguyễn Thiến ( Trạng nguyên 1532), Nguyễn Bỉnh Khiêm ( trạng nguyên năm 1535), Giáp Hải ( Trạng nguyên năm 1538).
Ở đây cần nói thêm và hiểu thêm Thái tổ Mạc Đăng Dung về việc ông xây dựng kinh đô thứ hai tại chính quê hương của mình trên đất Nghi Dương gọi là Dương Kinh. Không chỉ nhìn việc này ở những tình cảm sâu sắc, ở những tấm lòng luôn luôn gắn bó với quê hương, phải nói rằng đây chính là tầm nhìn xa trông rộng của ông. Ông muốn xây dựng một hải cảng, mở ra một con đường giao lưu với thế giới bên ngoài, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển công nghiệp và thương nghiệp, không bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mở rộng ra thế giới.
Nhìn lại những tư tưởng và việc làm của Thái tổ Mạc Đăng Dung, ta thấy ông xuất hiện như một bông hoa xuyên tuyết, chọc thủng lớp dày băng giá của mùa đông để chào đón mùa xuân của đất nước…
Tác giả: Giáo sư Vũ Khiêu
Nguồn: Báo Hải Phòng cuối tuần số 37
Viết bình luận