NGÔI ĐÌNH TRUNG TÂM LÀNG XÃ ( tiếp)

3. Kiến trúc đình Mạc

Ngày nay, phần lớn các ngôi đình đều có quần thể kiến trúc khép kín, gồm tòa Đại đình, Hậu cung, ngoài ra là tòa Tiền tế, dải vũ, tam quan…Tuy nhiên, kiến trúc ban đầu mà cụ thể là kiến trúc đình thời Mạc không hoàn toàn như vậy.

Cũng như chùa Phật, đình làng thường được chọn trên một thế đất đẹp, đất có long mạch. Tuy nhiên, nếu ngôi chùa cần nơi tĩnh mịch, sâu thẳm, thì ngôi đình ngược lại, cần có một cảnh quan thoáng đãng. Vì thế, phần lớn đình được dựng ở một khu đất cao, thoáng của làng. Thường là phía bên phải và phía sau là những gò đất kề nối, bên trái là ao, phía trước có dòng nước uốn lượn. Vì thế như vậy được gọi chung là thế “ tay ngai”, có “rồng chầu, hổ phục” (Đông Thanh long, Tây Bạch hổ, Nam Chu tước, Bắc Huyền vũ). Vì lẽ đó mà ngày nay, hầu như phía trước ngôi đình nào cũng có một chiếc ao không to thì nhỏ.

Kiến trúc ngôi đình mà ngày nay chúng ta biết được thường là một cụm kiến trúc khép kín, có cổng vào được làm theo dạng bình phong, tường vây, giải vũ, sân đình, nhà tiền đường và tòa đại đình hoặc tòa đại đình và hậu cung. Tuy vậy, kiến trúc ngôi đình thời Mạc thì hoàn toàn chỉ có một tòa đại đình. Trừ một số ngôi đình nhỏ bé chỉ có 3 gian như đình Thanh Lũng (Hà Nội), phần lớn số đình còn lại gồm một tòa nhà 3 gian 2 chái như đình Tây Đằng (Hà Nội), Lỗ Hạnh, Thổ Hà (Bắc Giang), An Trạch (Hà Nam). Chẳng hạn văn bia đình An Trạch dựng năm 1531 ghi rằng, “Một thửa đất dựng một ngôi đình 3 gian 2 dĩ…” (Văn bia thời Mạc, tr.54). Kích thước của mỗi ngôi đình cũng khác nhau. Cụ thể là đình Tây Đằng và đình Thanh Lũng có kích thước nhỏ nhất: 22m chiều dài, 11,5m chiều rộng; số còn lại đều có kích thước rất lớn như đình Lỗ Hạnh dài 23,5m, rộng 12,5m, đình Thổ Hà dài 27m, rộng 15,8m. Có lẽ do đình Lỗ Hạnh và Thổ Hà được làm lại vào thế kỷ sau, nên có kích thước lớn như vậy (Mỹ thuật thời Mạc, tr.43). Các ngôi đình trên hiện biết đều có mái thấp, chảy dốc.

Kết cấu kiến trúc với một tòa đại đình nằm ngang theo kiểu chữ “nhất” được sử dụng khá phổ biến ở thời Mạc. Đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Ba Vì) đều chỉ có một đại đình, nhất là đình Chu Quyến đến nay xung quanh không có bất cứ một công trình phụ trợ nào. Điện thờ được làm ngay ở phía trên gian giữa đình (Di tích Hà Tây, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, 1999, tr.49). Đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) được dựng năm 1576 cũng chỉ có một tòa nhà nằm ngang kiểu chữ “nhất” này song vào những lần tu sửa ở thế kỉ sau, được xây thêm một hậu cung, bằng cách xây thêm một tòa nhà nhỏ nối với gian giữa cuả tòa đại đình. Kết cấu kiến trúc này được gọi là kiểu chữ “đinh” (đảo ngược). Trường hợp khác, phía trước tòa đại đình được xây thêm mọt tòa nhà nữa gọi là nhà tiền tế, hay “đình ngoài” tạo thành kết cấu chữ “nhị” để làm nơi tế lễ trong các kì lễ hội. Chẳng hạn đình Phong Cốc (Yên Hưng, Quảng Ninh) dựng vào thế kỉ XVII, bao gồm một tòa đại đình và một tòa tiền tế, sau đó thêm một tòa hậu cung vào năm 1800 dưới thời Tây Sơn. Đình Phù Lão (Lạng Giang, Bắc Giang) cũng được dựng vào thế kỉ XVII với một tòa nhà 7 gian và một nhà hậu cung, sau đó được dựng thêm một tòa tiền tế ở trước.

Như vậy là những ngôi đình có quy mô kiểu khép kín như hiện thấy phần lớn được bổ sunbg từng cụm kiến trúc khác nhau với chức năng khác nhau kể từ thế kỉ XVII trở đi. Trái lại ở thế kỉ XVI, ngôi đình chủ yếu chỉ là một tòa nhà nằm ngang có kích cỡ vừa phải. Cấu trúc hai loại đình trên có thể mô hình hóa theo sơ đồ sau:

Mô hình 4a: Mô hình cấu trúc đình Mạc

Đại đình

 

Giếng

Sân

            Cấu trúc này tương đối giản đơn, trong khi từ thế kỉ XVII trở đi, cấu trúc đình làng đồ sộ hơn nhiều. Có thể tham khảo mô hình đình Phú Mẫn (Bắc Ninh) thế kỉ XVII như sau:

Cung cấm

 

Tiền tế

Hậu cung

Giải vũ

Giải vũ

Mô hình 4b: Mô hình cấu trúc đình Phú Mẫn (theo Nguyễn Văn Khoan)

 Theo Nguyễn Văn Khoan, ở thế kỉ XVII, đình Yên Mẫn có một hậu cung, trong đó có một gian sâu nhất gọi là cung cấm mà ở đó, người ta đặt một ngai thờ cùng bài vị của Thần làng. Phía ngoài người ta đặt một bàn thờ trên có hương án sơn son thiếp vàng. Hai bên là 2 tượng rùa đội đèn, hoa, biểu tượng cho sự trường tồn vĩnh cửu. Còn ở nhà tiền tế, người ta để một gian giữa làm chỗ tế lễ, các gian hai bên bắc sàn gỗ để ngồi khi xem lễ hội và hội họp, ăn uống của các chức sắc, quan viên hương lão trong thôn. Phía nhà giải vũ hay hành lang được xây đối diện chắng ngang hai bên, làm thành cụm kiến trúc khép kín, đồng thời dùng làm nơi chuẩn bị mỗi khi tế lễ. Đây là mô hình một ngôi đình có nhiều cụm kiến trúc khép kín, với đầy đủ các chức năng của nó như chúng ta thường gặp trong các ngôi đình hiện nay.

So sánh với mô hình này thì càng rõ, ngôi đình thời Mạc giản đơn hơn nhiều. Hoàn toàn chưa có “cung cấm” cùng tòa hậu cung và đương nhiên là chưa có ngai thờ, nàh tiền tế và giải vũ…Thực tế cung thờ ở đình Tây Đằng hiện nay là do đời sau làm thêm, bằng cách đóng mới một sàn gỗ lên bốn góc cột ở gian giữa. Tuy nhiên đình thời Mạc cũng đã có hương án, tán, hiệu phục vụ cho phần lễ rước, như đoạn văn bia đình Đại Đoan đã ghi lại như sau: “Tán vàng loại nhất một chiếc, hương án tốt một chiếc, kiệu hạng ưu một chiếc”. Ngoài ra đình thế kỉ XVI cũng có sàn gỗ, các góc đao cong, mái ngói dày rộng. Cột lớn đỡ các vì kèo mà trên đó thường chạm lộng các bức điêu khắc với các đề tài về vật linh như rồng, phượng, ngựa, chim, và cảnh sinh hoạt dân gian sinh động.

Tóm lại mô hình kiến trúc ngôi đình thế kỉ XVI chủ yếu là một tòa nhà nằm ngang 3 gian hoặc 3 gian 2 chái chưa có hậu cung,. Mái chảy, cửa thấp, trên hệ thống xà cột chạm lộng nhiều đề án trang trí mang tính dân gian. Bên trong có sàn gỗ, hương án, tán lọng, kiệu.

4- Chức năng của đình làng

Nói đến chức năng đình làng Việt Nam, ngày nay người ta thường hay nhắc đến hai chức năng cơ bản là nơi thờ Thành hoàng làng và là nơi hội họp của làng xã.

Điều này đã từng được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ghi nhận mà người đầu tiên khái quát lên là ông M. Giran. Ông viết: “Đình là nơi thờ Thành hoàng làng và là một ngôi nhà chung cho sinh hoạt cộng đồng. Nơi đây thường diễn ra các cuộc hội họp của hương lão, chức sắc trong làng bàn về việc công, hoặc phân xử kiện tụng, đồng thời là nơi cúng lễ. Có thể nói nơi đây là nơi xảy ra hết thảy các hoạt động của cuộc sống xã hội người Việt ” (Dẫn theo Nguyễn Văn Khoan, tr. 124). Có thể có một cách lí giải khác là “đình có thể coi là một tòa thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hóa cộng lại của làng xã Việt Nam. Ngôi đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình của văn hóa làng Việt Nam” (Hà Văn Tấn, Đình Việt Nam, tr. 15). Trên cơ sở đó, một số nhà sử học Việt Nam đã phân định thành hai chức năng chính là chức năng tôn giáo và chức năng quyền lực làng xã. Vậy đình làng thời Mạc đã có đủ hai chức năng này chưa ?

Theo mô hình kiến trúc đình làng thế kỉ XVI, như trình bầy ở trên thì các ngôi đình thời kì này chưa có tòa hậu cung, cũng chưa có tòa tiền tế để cúng Thành hoàng làng. Có nghĩa là ngôi đình lúc này chưa phải là nơi thờ cúng Thành hoàng, đồng thời cũng chưa hoàn toàn là nơi thực hiện quyền lực của làng xã. Vậy ngooii đình được dựng lên dùng để làm gì?

Bài văn bia đình Mão Điền (Bắc Ninh) khắc năm 1587, ghi rằng “đình giả dân sở an định dã”, nghĩa là “đình là nơi yên định của dân”, hay “là nơi mà nhờ đó dân được yên định”. Tại sao đình lại là nơi mà nhờ đó dân được yên định? Chính là “năm tháng cầu khẩn để dân vinh, vật thịnh”. Như  vậy là đình được dùng vào việc cúng lễ để cầu cho dân yên, vật thịnh. Nhưng sự cúng lễ ở đây mới chỉ là lễ cầu phúc hàng năm, như văn bia đình Nghênh Phúc khắc năm 1591 đã ghi: “ Vào năm Cảnh Lịch (1548 – 1553), dân thôn Đông Tây ấp Lam tạm mở tiệc xuân ở xứ Ngõ La, chưa ổn định. Nay có vị quan viên là Nguyễn Văn Cự có ruộng đổi và ruộng mới mua là 1 sào 10 thước cúng cho làng để dựng nền cầu đình Nghênh Phúc”. Đó là lễ cầu phúc vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, thường được gọi là lễ Kì yên để mong có một năm yên lành. Đình hương Đồng Ngoại huyện Quỳnh Phụ vào thời Mạc cũng có tên là đình Nghênh Phúc, lễ cầu phúc hàng năm được làm ở đây.

Tục lệ làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, Lê Đức Mao (1462-1529), đã sáng tác bài “thưởng đào giả văn” để “làm lễ xướng ca mở tiệc thờ Thần” trong lễ cầu phúc đầu xuân. Việc cầu lễ này tương tự với việc lễ tế trời đất hàng năm của vua, lễ ngoài trời như lập đàn tế, nên không có nhu cầu bắt buộc phải dựng đình tế lễ. Nó cũng tương tự như lễ “xuống đồng” của dân tộc ít người như người Mường, người H ̉Mông, lầm lễ ngay trên một bãi đất bên gò đồi. Trong dịp làm lễ cầu phúc của người dân đồng bằng, thường tổ chức rước lễ, đặc biệt là rước Thần vị của Thần làng từng được thờ ở miếu về tế lễ, như nghi thức lễ hội đình làng sau này và ngày nay chúng ta đều biết. Chảng thế mà ở đình Đại Đoan ngay sau khi khánh thành năm 1585 đã có người cung tiến một đôi tán vàng, 1 cỗ kiệu, 1 bộ hương án, những vật dụng dùng khi rước lễ. Tán, kiệu và hương án thì ngày nay ở đình nào cũng có, trong đó hương án luôn được đặt ở tiền đường hay ở tòa đại đình, chứ không phải để ở hậu cung cùng bài vị, ngai thờ Thành hoàng làng. Riêng đình Nghênh Phúc, hương Đồng Ngoại, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) vào thời Mạc đã có Thành hoàng “Ngày lễ cầu phúc và nhập tịch xin rước Tôn công cùng phu nhân về đình cùng tọa hưởng với Thành hoàng”. Thực tế ông bà được thờ ở am riêng, đến kỳ lễ đình mới rước về tọa hưởng. Đây là tư liệu mới nhất và cũng là duy nhất hiện biết về việc linh vị được tọa liệt với Thành hoàng ở đình. Cũng cần giải thích thêm rằng, có một số văn bia ở một số ngôi đình hiện nay vốn là bia miếu Thần, có nghĩa là ngôi đình được xây nhằm thay cho ngôi miếu để thờ Thần làng.

Rõ ràng là ngôi đình thế kỉ XVI được dựng lên đã bắt đầu có chức năng thờ Thần Thành Hoàng, nhưng chưa phải phổ biến, mà chủ yếu được thờ ở miếu Thần. Điều đó hoàn toàn phù hợp với kiến trúc của ngôi đình như trình bầy ở trên là chưa có tòa hậu cung. Thực tế ngôi đình ở thời kì mới xuất hiện (Thế kỉ XV, XVI) được dựng lên để làm lễ cầu phúc hàng năm và để tổ chức lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa ngày càng sôi động, cũng như xu thế phát triển của làng xã.

Một khía cạnh nữa là sau mỗi kì lễ hội, thường tổ chức thụ lộc và đương nhiên rút kinh nghiệm việc tổ chức lễ hội, cũng như phân bổ công việc cho kì tế lễ sau. Việc thụ lộc, hội họp được diễn ra ở đình. Trường hợp Vũ Kì cúng cho làng 30 quan tiền để sửa đinh, được dân làng Đại Đoan tôn kính “mời ngồi ở chiếu đình” là minh chứng cho việc thụ lộc và hội họp đã xuất hiện ở đình làng thế kỉ XVI. Quy ước của làng Đại Đoan này còn ghi rõ hơn: “hàng năm vào lễ cầu phúc, mời Vũ Kì ngồi cùng bàn với các vị thượng lão ở sàn phía tây đình. Sau ngày ông trăm tuổi sẽ rước bài vị với chức tước, họ tên đặt ở chỗ đó ” (B.135) . Điều này hoàn toàn phù hợp với kiến trúc ngôi đình đương thời là luôn có sàn gỗ ở hai bên. Việc hội họp này hiển nhiên là giành cho các vị quan viên, hương lão, chức sắc trong thôn lo về các công việc liên quan đến lễ hội, thờ cúng của làng, chứ chưa hoàn toàn là trụ sở sinh hoạt của làng xã như xử kiện, phạt vạ, đốc thúc sưu thuế… thường diễn ra trong các thời kì sau này.

Tuy nhiên kể từ thế kỉ XV, chính quyền trung ương tập quyền can thiệp ngày càng sâu đến làng xã, khiến cho việc phụng thờ trong dân gian cũng dần dần theo quỹ đạo quản lí của Nhà nước. Đặc biệt là các lễ nghi thờ cúng đều dựa theo quy định trong Gia lễ của Chu Hi, đại biểu của Tống Nho, một học thuyết du nhập và áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ thời Lê Sơ. Trong khi Nhà nước phải đảm nhận hàng loạt kì tế lễ chung của quốc gia, thì dân làng cũng phải tiến hành những tiết tế lễ chính thức ở địa phương. Vì vậy dân làng không chỉ tổ chức lễ hội truyền thống, mà còn thực hiện các kì tế lễ chung khác như lễ “khai ấn”, “xuân tế”, “thu tế”, “đoan ngọ”, “trung thu”. Những nghi thức tế lễ này vốn thường diễn ra ở các miếu Thành hoàng Trung Quốc, nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì lại được tổ chức ở đình làng. Và ngôi đình dần dần thành nơi thờ cúng thành hoàng và là nơi được dùng để hội họp bàn định về thờ cúng, cũng dần dần trở nên có quyền lực trong mọi công việc và sinh hoạt chung của làng xã.

Có thể nói rằng, ở ngôi đình thời Mạc đã xuất hiện chức năng thờ cúng Thành hoàng làng, nhưng chưa phải phổ biến; đồng thời cũng chưa hoàn toàn là nơi thực hiện chức năng quyền lực của làng xã như thường gặp ở các ngôi đình trong thời kì sau đó mà nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã bàn luận. tuy nhiên ngôi đình xuất hiện là do nhu cầu và mở rộng hoạt động tín ngưỡng, nên thoạt kì thủy nó cũng là nơi thực hành tế lễ, để cầu mong sự an khang, yên lành. Vì thế đình làng thường mang tên gọi gắn liền với sự cầu mong này, như đình Nghênh Phúc, Đại Đoan, Văn Thịnh, Hòa Lạc, Hòa Mục, Thọ Khang, Nhân Thọ, Tăng Phúc… (Mĩ thuật thời Mạc, tr.39), đình Thưởng Xuân. Song, việc thờ Thành hoàng ở đình như thường gặp trong các thời kì sau thì chưa có. Việc hội họp ở đình cũng vậy, tuy đã có nhưng mới chỉ với mục đích là lo liệu công việc tế lễ, còn để thực thi quyền lực làng xã thì chỉ hình thành từ khi xuất hiện ngày càng nhiều tệ nạn cường hào ở địa phương.

Còn tiếp....

Viết bình luận