Nhận thức về Vương triều Mạc

Nhận thức về Vương triều Mạc

Giáo sư. Viện sĩ thông tấn Phan Huy Lê

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

 

Như chúng ta đã biết, trong khoảng gần 3 thập kỉ trở lại đây. Nhận thức của chúng ta về Vương triều Mạc và liên quan đến dòng họ Mạc, hậu duệ của nhà Mạc đã có sự thay đổi rất lớn. Vừa rồi PGS. Trần Thị Vinh đã trình bày cụ thể quá trình nhận thức lại nhà Mạc như thế nào?. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh mấy mốc cự kỳ quan trong như sau.

Mở đầu, chưa phải là cuộc hội thảo về nhà Mạc mà là cuộc hội thảo về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân vật rất tiêu biểu của nhà Mạc mà cũng là một trong nhà tư tưởng văn hóa lớn nhất trong lịch sử Việt Nam tổ chức vào năm 1985, tôi nhấn mạnh là thời kỳ trước đổi mới. Trong cuộc hội thảo Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng, rồi sau đó ở T.p Hồ Chí Minh, giới khoa học hoặc đặt lại vấn đề nhận thức nhà Mạc, không thể đối xử với nhà Mạc một cách bất công như trước đây, tức là theo triết lý Nho giáo và tư tưởng trung quân đẩy nhà Mạc vào dòng ngụy triều hay nhuận triều. Trên cơ sở đó, cũng đặt ra một vấn đề mới là đóng góp tích cực của nhà Mạc, trong bối cảnh đó xuất hiện nhà văn hóa tư tưởng lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có thể coi đấy là phần mở đầu cho quá trình nhận thức lại nhà Mạc.

Sau đó, có mấy cuộc hội thảo tập trung vào nhà Mạc rất quan trong: năm 1994 là cuộc hội thảo về nhà Mạc tổ chức tại Hải Phòng, rồi năm 2010 là một cuộc hội thảo quy mô lớn có tầm cỡ quốc gia tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đây là 2 cuộc hội thảo tập trung vào nghiên cứu đánh giá lại một cách khá toàn diện về Vương triều Mạc. Có thể nói, đến năm 2010, tức là cuộc hội thảo lần thứ hai chuyên về nhà Mạc, thì nhận thức về nhà Mạc đã được thay đổi về căn bản và đạt được không chỉ trong giới hạn khoa học mà cả trong công luận nói chung một thái độ mới, một nhận thức mới về nhà Mạc. Đây là điều rất đáng mừng.

Như tất cả các vị đại biểu đã biết, chính trên cơ sở nhận thức này, vương triều Mạc đã được đối xử một cách công bằng như các vương triều khác, đã được nghiên cứu một cách khách quan, trung thực hơn. Từ đó có các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, rất nhiều ấn phẩm đã được xuất bản. Cho đến hôm nay theo tôi cảm nhận thì gần như trên quy mô cả nước, nhận thức về nhà Mạc đã có thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên cũng xuất hiện đây đó một vài bài báo, kể cả một vài thông tin trên kênh truyền hình đưa tin về nhà Mạc chưa cập nhật được những kết quả nghiên cứu mới về nhà Mạc.

Điều mà tôi buồn nhất là trong sách giáo khoa phổ thông cho đến nay cũng chưa có chương mục nào viết về vương triều Mạc. Trong hội nghị quốc gia về giảng dạy lịch sử ở bậc phổ thông do Bộ giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ở Đà Nẵng ngày 19/8 trong phần nhận xét, tôi có nêu nên nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt chú ý đây là một thiếu sót rất đáng chú ý và chắc chắn phải khắc phục. Sách giáo khoa lịch sử là loại sách chuẩn mực quốc gia, cung cấp cho thế hệ trẻ những kiến thức cần thiết về lịch sử mà chưa cập nhật về vương triều Mạc thì thật khó biện giải.

Tôi nói riêng thời kì Thăng Long, chưa nói tới thời kỳ Cao Bằng, thời kỳ hậu Cao Bằng. Về thời kỳ Cao Bằng, năm 2011 có cuộc Hội thảo khoa học Vương triều Mạc và họ Mạc ở Cao Bằng. Hội thảo này nghiên cứu giai đoạn thứ 2 tức là giai đoạn từ sau năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long rút lên Cao Bằng. Trong hội nghị đó có chúng ta lại có một thành tựu mới: nhìn nhận nhà Mạc sau năm 1592 như thế nào, có những hoạt động gì sau khi rút lên Cao Bằng. Nếu căn cứ vào chính sử của Vương triều Lê – Trịnh, thì năm 1677 thế lực Mạc ở Cao Bằng đã kết thúc. Nhưng hội thảo ở Cao Bằng, bằng các sử liệu trong thư tịch kết hợp với tư liệu địa phương thì có thể xác nhận trong giai đoạn Cao Bằng, họ Mạc bên cạnh cuộc đấu tranh với Lê – Trịnh đã có một số thành tựu trong việc góp phần khai phá, nhất là phát triển văn hóa trên vùng biên cương xa xôi này: vẫn phát triển kinh tế, vẫn mở mang văn hóa, tổ chức các kỳ thi. Công cuộc giao lưu kinh tế, văn hóa giữ các dân tộc Việt ( dân tộc Kinh) với cộng đồng các dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Như vậy là đến năm 2011, nhận thức về nhà Mạc được tiếp nối , đến giai đoạn Cao Bằng. Và đến hội thảo năm 2012 này, chúng ta lại đi vào giai đoạn thứ 3 mà có người đã đưa ra một khái niệm mới về hậu Cao Bằng, tức là giai đoạn sau Cao Bằng, bắt đầu bằng địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc. Dĩ nhiên, hậu Cao Bằng không chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc mà còn có thể mở rộng thêm trên địa bàn rộng lớn hơn của đất nước mà sau hội thảo này cần tiếp tục nghiên cứu.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học ở Vĩnh Phúc

Viết bình luận