Những sự trùng hợp lạ kỳ trên đất thiêng nhà Mạc

Những sự trùng hợp lạ kỳ trên đất thiêng nhà Mạc
(Sóng trẻ) - Khu tưởng niệm các vị vua nhà Mạc ở Kiến Thụy, Hải Phòng là khu di tích lịch sử nổi tiếng mang tầm quốc gia. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi nhiều câu chuyện lạ kỳ như một chốn địa linh nhân kiệt mà người dân nơi đây vẫn thường nhắc đến.
 
Khu tưởng niệm được khởi công từ ngày 10/10/2009 trên diện tích 10,5 ha, xây dựng trên nền móng cổ của điện Tường Quang khi xưa, sau khi Thái tổ Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con trai là Thái Tông – Khâm triết văn Mạc Đăng Doanh và lui về quê cha đất tổ ở đây làm Thái thượng hoàng và cho phục dựng lại kinh đô thứ hai của nhà Mạc.
 
e7f5a5189_nha_mac.jpg
Khu tưởng niệm các vị vua nhà Mạc ở Kiến Thụy, Hải Phòng (nguồn vtc news)
 
Khu tưởng niệm với các hạng mục gồm các nhà điện, cổng chào, lầu bát giác, cầu đá, hồ sen và các công trình phụ trợ khác. Đây công trình được xây dựng để tưởng niệm các vị vua nhà Mạc trong đó có Thái tổ - Nhân minh cao hoàng đế Mạc Đăng Dung, Thái tông – Khâm triết văn hoàng đế Mạc Đăng Doanh, Hiến tông – Hiển hoàng đế Mạc Phúc Hải, Tuyên tông anh nghị hoàng đế Mạc Phúc Nguyên và Mục tông – Hồng Ninh hoàng đế Mạc Mậu Hợp. Nơi đây ngay từ đặt viên gạch đầu tiên xây dựng đã chứng kiến những sự trùng hợp lạ kỳ.
 
Đại hồng chung và sự trùng hợp khó lý giải
 
Khi bước chân vào khu tưởng niệm các vị vua nhà Mạc ở Dương Kinh mà trung tâm là Cổ Trai, điều ấn tượng đầu tiên là chiếc Đại hồng chung trên giá ngay trong chính điện với tầm vóc đồ sộ, uy nghi. Có lẽ tôi cần phải cảm ơn cô hướng dẫn viên đã cho tôi biết một sự trùng hợp ly kỳ khó lý giải đằng sau chiếc chuông ấy. Đúng là vật khí linh thiêng trên mảnh đất linh thiêng. Theo như chia sẻ của chị Hương, hướng dẫn viên tại khu di tích. Đại hồng chung được ban quản lý vào tận Thừa Thiên Huế mời cho được nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng Nguyễn Văn Sính ra để trực tiếp chế tác tại chỗ. Yêu cầu ban đầu của Hội đồng Mạc tộc là đúc chuông nặng một tấn rưỡi. Thế nhưng khi gọt dũa xong nghệ nhân Nguyễn Văn Sính đành phải xin lỗi vì không chế tạo được đúng như bản vẽ ban đầu. Sau đó Hội đồng Mạc tộc cho đem cân lại quả chuông. Thật vô tình lại dôi ra được hai mươi bảy cân. Tức là cân của quả chuông là 1527kg trùng khớp đúng với năm đức Thái tổ - Mạc Đăng Dung lên ngôi - năm 1527.
 
e7f5a5189_anh_chuong.jpg
Đại hồng chung được treo ở chính điện với cân nặng 1527 cân (Nguồn: VTC News)
 
Sự kiện này đã khiến nhiều người bất ngờ đặc biệt trong Hội đồng Mạc tộc về sự linh thiêng trong khu tưởng niệm các vị vua nhà Mạc.
 
Ly kỳ huyền tích Đại bảo đao 500 tuổi
 
Bên cạnh sự trùng hợp khó lý giải về cân nặng của chiếc Đại hồng chung thì tại khu tưởng niệm các vị vua triều Mạc còn lưu giữ thanh Đại bảo đao 500 tuổi của Mạc thái tổ Đăng Dung. Đây là bảo vật Quốc gia, là niềm tự hào không chỉ riêng người dân Hải Phòng mà của cả lịch sử dân tộc. Xung quanh Đại bảo đao cũng có những huyền tích ly kỳ.
 
Nguyên bản thanh Đại bảo đao được trưng bày tại Khu tưởng niệm nặng 32 cân, dài gần 2,5m, phần lưỡi đao dài 0,95m, phần cán đao dài 1,6m được làm bằng sắt rỗng. Có rất nhiều nhà nghiên cứu nhận xét rằng không có cơ sở khoa học nào để chứng minh thanh Đại bảo đao này đã được 500 tuổi và là bảo bối của đức Thái tổ Mạc Đăng Dung ngoài những câu chuyện truyền miệng. Tuy nhiên có một điều đặc biệt có thể lý giải cho nghi vấn ấy chính là con cá chốt – vòng tròn thứ hai được làm bằng đồng thau và trên có in hình đầu rồng nhà Mạc. Đây có thể coi là một minh chứng khẳng định Đại bảo đao là của Mạc Thái tổ Đăng Dung. 
 
e7f5a5189_ten_copy.jpg
Lưỡi và thân đao của đức Thái tổ Mạc Đăng Dung được trưng bày tại khu tưởng niệm các vị vua triều Mạc.
 
Như ta đã biết, sau biến cố năm 1592, khi nhà Mạc thất thế. Nhà Trịnh với danh nghĩa là phù Lê diệt Mạc, thanh Đại bảo đao đã được thân vương Mạc Đăng Thận – cháu bốn đời của đức Thái tổ Mạc Đăng Dung cùng hơn 500 quân lính lên thuyền đi lánh nạn và sau đó theo đường biển dạt vào Nam Định. Khi vào Nam Định để sinh sống, mọi người đã phải thay tên đổi họ, đổi từ họ Mạc sang họ Phạm. Trong quá trình sinh sống bắt đầu có sự phân chi, chi thứ hai là chi lưu giữ thanh Đại bảo đao. Cho đến năm 1821, Phan Bá Vành có cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình và ngỏ ý muốn mượn thanh đao để làm vũ khí ra mặt trận. Bởi vậy, thanh Đại bảo đao được con cháu cất sâu vào trong lòng đất. Tuy nhiên, ở gò đất phía đông nam từ đường họ Phạm ở làng Ngọc tỉnh bỗng nhiên phát hỏa. Lửa bỗng nhiên bốc cháy và bỗng nhiên vụt tắt, các cụ gọi đó là đồi con Hỏa. Đến năm 1938, khi mà con cháu có điều kiện tu sửa từ đường và đào hồ Bán Nguyệt trước từ đường. Trong quá trình đào hồ Bán Nguyệt con cháu đã tìm lại được thanh Đại bảo đao. Kỳ lạ thay, kể từ khi tìm lại được thanh bảo đao thì ở gò con Hỏa không còn xảy ra hiện tượng lửa tự bốc cháy và tự vụt tắt nữa. Sau này, nhà sử học Lê Xuân Quang là người nghiên cứu và gõ hết phần han rỉ ở đó ra như ngày nay bảo đao chỉ còn lại 25,6 cân. 
 
Ngũ long hồi triều
 
9da694b8e_9.jpg 
                    Bức ảnh Ngũ long hồi triều được chụp lại ngày 25/8/2010 được trưng bày tại khu tưởng niệm
 
Bức ảnh có tên “Ngũ long hồi triều” được chụp vào ngày 25/8/2010 sau ngày lễ an vị tượng (rước pho tượng vào bên trong điện để an vị). Chiều ngày hôm đó, trong khi các nhà sư đang tụng kinh ở bên trong chính điện thì bên ngoài bầu trời có hiện tượng kỳ lạ xảy ra. Đó là những áng mây màu vàng uốn mình thành hình năm con rồng chầu về chính điện (trong chính điện thờ năm vị vua triều Mạc) và con cháu dòng tộc hậu duệ đời thứ mười bảy đã chụp lại được khoảng khắc này sau đó phóng to ra. Đây là một bức ảnh mang tính tâm linh rất cao và rất có ý nghĩa. Mọi người cho rằng đó là khoảnh khắc mà các vua nhà Mạc “hiển linh” về nhập điện.
 
Ngô Văn Cường
Báo mạng điện tử K32
 

Viết bình luận