Nơi giữ gìn văn hóa thờ cúng thần Nông ở Trà Lĩnh

Nơi giữ gìn văn hóa thờ cúng thần Nông ở Trà Lĩnh

Tại xã Cao Chương (Trà Lĩnh), người dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy tập tục cúng thần Nông gắn liền với miếu Nà An - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007, trở thành một nét văn hóa hướng đến ước vọng an lành, mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

 

     

    Nghi lễ Tịch điền trong Lễ hội Lồng tồng xã Cao Chương (Trà Lĩnh). Ảnh: Bế Gia

    Miếu Nà An  - nơi thờ bà Nông Thị Vưu, người có công khai thông úng ngập vùng Trà Lĩnh, đem lại cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt, được nhân dân suy tôn là thần Nông.

    Tương truyền, vùng Trà Lĩnh xưa (gồm 2 xã: Cao Chương, Quốc Toản và thị trấn Hùng Quốc ngày nay) thường xuyên phải chịu nạn úng lụt khi mùa mưa tới do hang Rù Dặp là nơi chứa nước từ sông Trà Lĩnh đổ về, sau đó chảy ngầm ra hồ Thang Hen. Hằng năm, mùa mưa lũ, nước khắp nơi đổ về hang nhưng không thoát nước kịp nên gây ra cảnh ngập úng mấy tháng. Khi nước dâng cao, người dân phải trèo lên núi tránh lũ, nhà cửa và hoa màu đều ngập trong nước, đời sống sản xuất, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
    Trước tình cảnh đó, bà Nông Thị Vưu, quê ở làng Pò Khao, thị trấn Hùng Quốc về làm dâu ở làng Đoỏng Có, xã Cao Chương, đã tìm tòi, nghiên cứu, về tận miền xuôi thuê 12 thợ lặn có kinh nghiệm về khai thông hang Rù Dặp, tìm cách thoát úng. Nhờ đó, nạn ngập úng không còn xảy ra, nhân dân trong vùng yên tâm sinh sống, mùa màng ngày càng bội thu, cuộc sống no đủ, yên bình. Sau khi bà mất, nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ tại cánh đồng Nà An (nên được gọi miếu Nà An) để tưởng nhớ và suy tôn bà là thần Nông của vùng. 


    Tuy không xác định được bà Nông Thị Vưu sống vào giai đoạn lịch sử nào, nhưng truyền thuyết về bà đã đi sâu vào tiềm thức của người dân địa phương. Hiện, miếu Nà An nằm trên gò đất cao, quay về hướng bắc, có cấu trúc 1 gian cấp 4, diện tích 13,4 m2. Trong miếu có 3 bát hương và 3 hàng chữ Hán được viết trên tường: “Phong vũ phiêu reo tự bất phòng. Thần Nà An vị tọa. Đồng tâm hiệp lực tại cao đường”. Phía bên trái trước cửa miếu có tấm bia đá khắc chữ Hán: Trùng Kiến Nà An Miếu (tạm dịch: Trùng tu, kiến tạo miếu Nà An), giữa bia đá khắc danh sách 51 hộ góp công của để xây miếu.
    Chủ tịch UBND xã Cao Chương Nông Văn Hợp cho biết: Miếu Nà An gắn với lễ tế thần Nông, cầu mùa của nhân dân Trà Lĩnh (lễ lồng tồng). Trước đây, lễ hội được tổ chức ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch hằng năm. Trong ngày lễ, người dân mang lễ vật và nấu cháo tại miếu để mọi người cùng ăn lấy lộc. Nhưng đến năm 1945, do chiến tranh loạn lạc, lễ hội bị thất truyền. Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét văn hóa thờ cúng thần gắn với di tích lịch sử văn hóa miếu Nà An, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Cao Chương đã khôi phục lễ hội lồng tồng gồm 2 phần chính: Phần lễ, trưởng tộc thay mặt nhân dân đọc văn tế cảm tạ trời đất, cầu chúc cho nhân dân ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi, trong đó, bài tế nói về công lao bà Nông Thị Vưu và 12 thợ lặn vẫn được lưu giữ. Sau đó, tiến hành lễ tịch điền tại mảnh ruộng cạnh miếu Nà An. Phần hội với các trò chơi dân gian như: tung còn, đi cà kheo, đẩy gậy và hát giao duyên… 

     

    Miếu Nà An, xóm Nà Ý, xã Cao Chương (Trà Lĩnh) thờ thần Nông Nông Thị Vưu.

    Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp Giấy phép số 02/GP-SVHTTDL ngày 18/1/2017 về việc cho phép tổ chức Lễ hội Lồng tồng xã Cao Chương vào ngày 29, 30 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội được khôi phục, duy trì đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động sản xuất cho nhân dân. Việc giữ gìn Di tích lịch sử văn hóa miếu Nà An và Lễ hội Lồng tồng xã Cao Chương được bảo tồn và phát huy là việc làm ý nghĩa, cũng chính là giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa cội nguồn của người Cao Bằng, mang tính nhân văn sâu sắc, đề cao lao động, sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.

     
    Khánh Hà

     

    Viết bình luận