NƠI THỜ CÚNG VÀ TAM GIÁO

CHƯƠNG V: NƠI THỜ CÚNG VÀ TAM GIÁO

Dưới thời Mạc, Phật giáo, Đạo giáo được hưng thịnh trở lại bên cạnh Nho giáo mà những nơi thờ cúng của họ là ngôi chùa, quán và văn miếu được khôi phục, tu bổ. Nho giáo do Nhà nước duy trì nên được người sáng lập ra triều đại này cùng những tín đồ Nho học tôn sùng. Tuy nhiên, mới chỉ có văn miếu dựng ở Kinh đô và rải rác ở một số địa phương bắt đầu có văn từ của Hội tư văn để thờ cúng Khổng Tử và các bậc tiên hiền, trong khi đó thì chùa Phật và quán Đạo lại được dựng lên ở mọi vùng đất nước. Chúng tôi giới thiệu ở đây những nét chính về các nơi thờ cúng này cũng như những đặc trưng của chúng liên quan đến tam giáo.

A.Chùa Phật

Chùa Phật ở Việt Nam vốn từng được xây dựng khá nhiều ở thời Lý và thời Trần, nhưng bị hủy hoại trong thời kỳ chiến tranh và chịu sự đô hộ của nhà Minh, cùng sự lãng quên khi nhà nước thời Lê sơ ở thế kỷ XV chủ trương Nho giáo là quốc giáo. Sang thời Mạc, chùa Phật được hồi sinh với hàng loạt công trình kiến trúc được tu bổ, làm mới và bổ sung mà tư liệu văn bia phản ánh khá cụ thể.

1.Ai là chủ hưng công?

Việc công đức vào chùa Phật được coi là việc làm phúc đức nên tham gia xây dựng, tu bổ chùa Phật là công việc của tất cả mọi người. Nhưng chùa gắn với làng nên trước hết được sự chăm lo của dân làng, nhất là những người xa quê hương xứ sở lại hiển danh và có điều kiện kinh tế.

Bà Thái chiêu nghi ở điện Quảng Đức là Nguyễn Ngọc Phương, người xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, cùng cha là Nguyễn Văn Mỗi, anh là Nguyễn Lộc và bà con thân thuộc đứng ra sửa tòa Thủy các chùa Phật Tích ở quê ( Quốc Oai, Hà Nội) năm 1538. Tham gia công việc này còn có Khang vương Mạc Nhân Phủ, Hoàng tử thứ 8 Mạc Nhân Quảng…Bùi Bạt Tụy chức Đô chỉ huy Thiêm sự vệ Thanh Tây tham gia tu sửa chùa Thanh Quang của làng mình, thôn Cự Ninh ( Trực Ninh, Nam Định) năm 1562 (Văn bia thời Mạc, tr.57, 116). Tư liệu văn bia cho biết các thành viên của Hoàng tộc nhà Mạc tham gia xây dựng và tu sửa hàng loạt ngôi chùa ở Dương Kinh, quê hương và đất phát tích của nhà Mạc. Theo tư liệu văn bia và khảo sát thực địa, có trên dưới 100 thành viên trong Hoàng tộc và các đại thần của triều đình tham gia xây dựng, tu bổ chùa Phật thời kỳ này.

Có thể dẫn ra một số ví dụ cụ thể hơn. Chẳng hạn, năm 1562 tham gia xây dựng chùa Thiên Phúc ( Kiến Thụy, Hải Phòng) có 33 thành viên trong Hoàng tộc, như “ Thái hoàng Thái hậu họ Vũ, Hoàng thái hậu họ Phan, Khiêm Thái vương họ Mạc, Thuận vương họ Mạc, Vị vương họ Mạc, Tĩnh Quốc Thái phu nhân họ Nguyễn, Quốc Thái phu nhân họ Vương, Thọ Phương thái trưởng công chúa họ Mạc, Phúc Thành thái trưởng công chúa họ Mạc, Bảo Gia thái trưởng công chúa họ Mạc, Tu Hòa thái trưởng công chúa họ Mạc, Khiêm Thái vương phi họ Mạc. Thụy Quốc công, Trường Quốc công, Sùng Quốc công, Văn Quốc công, Ninh Quốc công. Đoan Quận công, Lập Quận công, Phú Quận công, Hoa Quận công, Khang Quận công, Tuy Quận công, Triều Quận công, Ngạn Quận công, Trình Quận công, Lê Quận công. Phù Quốc hầu, Đông An hầu. Lương Xuyên bá, An Lộc bá. Đặng Thị Hiếu và vị chủ tế họ Nguyễn” (Văn bia thời Mạc, tr.93). Năm sau, chùa Bà Đanh ( trong huyện) cũng được các vị quý tộc này cúng tiền làm của Tam bảo, mỗi người cúng từ 1 đến 10 lượng bạc (Văn bia thời Mạc, Sdd.tr 114 - 115).

Việc công đức cho chùa không chỉ có các vị quý tộc và quan lại trong triều như vừa trên mà còn có cả đương kim Hoàng thượng. Đó là Mạc Phúc Nguyên năm 1557, đã ban “ cấm tiền” cho chùa Linh Cảm ( Từ Sơn, Bắc Ninh ), Mạc Mậu Hợp năm 1582 cũng cúng 20 lượng bạc vào chùa Hoa Tân (Hải Phòng). Như vậy là triều đình Mạc không những không hạn chế Phật giáo như thời Lê Sơ mà còn khuyến khích xây dựng, tu bổ chùa Phật.

Trong số những qúy tộc nhà Mạc công đức cho chùa Phật có bà Thái hoàng Thái hậu họ Vũ là người công đức cho nhiều chùa nhất với số tiền, bạc và ruộng đất cung tiến lớn nhất. Bà đã cũng cả thảy trên dưới 30 mẫu ruộng và 6.000 lá vàng, cùng không biết bao nhiêu bạc, tiền cho trên chục ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và vùng phụ cận. Số liệu này được văn bia ghi lại chưa hoàn toàn phản ánh đầy đủ, song bà quả là một người đã dốc toàn tâm toàn ý cho công cuộc trung hưng chùa Phật thời kì này. Bà từng được dân gian tôn xưng là: “mẫu nghi thiên hạ, là vị Phật sống trên trần gian”. Như Thái hậu Nhân Linh, vợ của Hoàng đế Lý Thánh Tông (1054-1072), bà Thái hoàng Thái hậu họ Vũ xem như một biểu tượng của người phúc thiện, đáng được muôn đời ghi nhớ. Vì lẽ đó mà bà được dân làng nhiều nơi tạc tượng thờ mà hiện nay còn thấy ở chùa Minh Phúc (Tiên Lãng) và chùa Thiên Phúc (Kiến Thụy, Hải Phòng). Tên bà Thái hoàng Thái hậu xuất hiện từ năm Quang Bảo thứ 9 (1562) đời vua Mạc Phúc Nguyên, cho đến năm 1589 đời vua Mạc Mậu Hợp. Có lẽ đây là tên gọi do Mạc Phúc Nguyên khi lên ngôi đã phong tặng cho cụ nội làm Thái hoàng Thái hậu. Bà là Vũ Thị Ngọc Toàn (Toản), vợ của Mạc Đăng Dung (1527-1529), bà của Mạc Phúc Hải (1541-1546), cụ của Mạc Phúc Nguyên (1547-1562), người làng Trà Phương, mà nơi đây còn lưu truyền câu ca: “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa”.

Bên cạnh bà Thái hoàng Thái hậu họ Vũ, còn có bà Hoàng Thái hậu họ Bùi, Khiêm vương Mạc Kính Điển, Ứng vương Mạc Đôn Nhượng, đặc biệt là vợ chồng Thái bảo Đà Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành Thái trưởng công chúa, tham gia xây dựng hàng chục ngôi chùa và thậm chí trở thành tín đồ của đạo Phật với tên hiệu là Đức Quảng (Mạc Ngọc Liễn) và Từ Đức (Phúc Thành Thái trưởng công chúa).

Văn bia cho biết 168 ngôi chùa được xây dựng và tu bổ dưới thời Mạc, trong đó có khoảng 80 ngôi được sự tham gia công đức của các thành viên trong hoàng tộc và quan lại trong triều đình nhà Mạc. Các ngôi chùa trên phân bố trên một địa bàn khá rộng vùng đồng bằng Bắc bộ tương đương với các địa phương thuộc Hải Phòng (17/23), Hải Dương (16/30), Hưng Yên (10/16), Thái Bình (4/12), Nam Định (4/10), Hà Nam (2/6), Ninh Bình (3/10), Hà Nội (3/5), Hà Tây cũ (10/29), Vĩnh Phúc (3/7), Phú Thọ (1/2), Bắc Ninh (4/10), Quảng Ninh (2/5), Tuyên Quang (1/1), Bắc Giang (0/1) và Lạng Sơn (0/1). Trong số các quan lại công đức các ngôi chùa này, có cả các quan lại địa phương , từng đứng ra xây dựng hoặc tu bổ một số ngôi chùa ở các địa phương, nhất là một số ngôi chùa ở những nơi xa kinh kì như Ninh Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Phú Thọ, đây là nơi nhậm chức và sinh sống, hoặc là quê quán của họ. Chẳng hạn, chùa Hương Nham (Tuyên Quang) do 2 vị Hiến sát sứ Ngô Nghiêm Khê và Phó sứ Vũ Trạch Xuyên đạo Tuyên Quang cùng toàn thể quan văn, quan võ ở nha môn này đứng ra xây dựng năm 1537 (Văn bia thời Mạc tr.52). Qua tư liệu này, chúng ta có thể vẽ được một bản đồ về chùa Phật được xây dựng ở thời kì này với sự tham gia công đức của các vị trong Hoàng tộc, quan lại trong triều và ngoài địa phương. Trong đó, mật độ đậm đặc nhất tập trung ở Dương Kinh và vùng châu thổ sông Hồng, hậu cứ và là đất hưng thịnh ở thời Mạc.

Như vậy, là phần lớn chùa được xây dựng, tu bổ thời kì này có sự tham gia công đức của các thành viên trong Hoàng tộc và quan lại trong triều. Tuy vậy đây vẫn là chùa làng, do dân làng trông nom hương khói và lo liệu tu bổ, xây dựng. Ngay cả những ngôi chùa được xây dựng với sự tham gia công đức của các thành viên trong Hoàng tộc và quan lại trong triều như vừa nêu trên, thì vẫn có số đông dân làng và thiện sãi ở địa phương lo liệu. Chảng hạn, trong số những người công đức xây dựng chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) năm 1529, có trên 200 vị thiện sãi và hơn 100 dân làng. Nhân dịp sửa chùa Dương Nham (Chí Linh, Hải Dương) năm 1532, có 10 thiện sãi, 12 thiện vãi và 105 dân làng già trẻ trên dưới tham gia hưng công (Văn bia thời Mạc tr. 31, 32). Đây hoàn toàn là những ngôi chùa thuộc sở hữu của làng xã, trong khi ở thời Lí, Trần có không ít ngôi chùa là sở hữu riêng của một số quý tộc. Chùa Diên Phúc (Mỹ Hào, Hưng Yên) dựng năm 1157, niên hiệu Đại Định 11 thời Lí Anh Tông do Việt Quốc công Đỗ Anh Vũ (1114-1159) dựng để mẹ đẻ thờ phật (Phan Văn Các và Claudile Salmon tr. 175-195). Văn bia chùa Phúc Lâm (Hà Nội) khắc năm 1578 cho biết: “Vào thời Trần, Thái sư cấp 25 người thay nhau lo liệu đèn nhang…”. Văn bia chùa Linh Vệ (Ninh Bình) khắc năm 1582 chép rằng: “chùa này vốn do công chúa Trần Tôn Linh thời Trần xuất gia tu hành ở đây, sau thành nơi thờ cúng Phật và công chúa ”. Văn bia chùa A Nậu (Gia Viễn, Ninh Bình) khắc năm Mậu Ngọ cho biết, chùa này do vua Trần Thái Tông (1226-1258) nhà Trần khai sáng và cấp 910 mẫu 3 sào ruộng để phụng thờ Phật. Còn văn bia chùa Thánh Ân (Bắc Ninh) dựng năm 1587 ghi rằng: “Trần Nhân Tông điều ngự hoàng đế triều trước cấp cho chùa ruộng Tam bảo 70 mẫu va 7 gia nô và Phạm Túc, Phạm Dự, Phạm Đội, Phạm Sa, Phạm Cai, Phạm Hào  và Phạm Hi để cày cấy phụng thờ”.

Rõ ràng là dưới thời Lý- Trần, các ngôi chùa trên do vua hoặc quý tộc xây dựng và cho các nô tì của họ đến định cư, cày cấy ruộng Tam bảo để trông nom đèn nhang. Trường hợp văn bia chùa Sùng Khánh ở xã Ngu Nhuế huyện Lý Nhân (Hà Nam) khắc năm 1583, thì cho biết: “chùa này có từ trước, vốn do các chủ hộ trong thôn trông nom, nhưng vì con cháu trong các chủ hộ thưa ít, khó bề chu tất thờ phụng. Cung Phật hư hỏng, không thê lưu giữ được về sau, chẳng bằng giao cho thôn lưu giữ muôn đời…” (Văn bia thời Mạc, tr. 219).

Như vậy những ngôi chùa sở hữu có tính chất tư nhân thuộc về các quý tộc này ở thời Lý- Trần (chủ yếu do quý tộc và nhà nước bỏ tiền xây dựng) dần trở thành sở hữu công cộng và đến thời Mạc thì đã hoàn toàn trở thành sở hữu chung của cộng đồng làng xã. Nó gắn với làng và không ngừng mở rộng đồng thời với sự phát triển của làng xã, với các hoạt động tín ngưỡng nơi làng xã. Có nghĩa là sự quản lý chùa Phật đã chuyển dần từ nhà nước sang cho dân làng. Chính vì vậy mà Phật giáo ngày càng được dân gian hóa kể từ thế kỉ XV, XVI.

Còn tiếp...

Viết bình luận