Quản lý và tổ chức lễ hội: Lễ hội tổ chức lần đầu phải đăng ký
Lễ hội Chùa Hương đang dần đi vào nề nếp, văn minh |
VH- Như tin đã đưa, tại quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng), Bộ VHTTDL vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội với sự tham gia của đại diện Sở VHTTDL, Sở VH&TT các tỉnh, thành trong cả nước. Với nhiều nội dung mới, có tác động điều chỉnh các yếu tố nhạy cảm ở lĩnh vực luôn “nóng” này, dự thảo Nghị định đã nhận được nhiều sự đồng thuận.
Không nói tục, chửi thề
“Quản lý và tổ chức lễ hội luôn được xác định là một lĩnh vực nóng và có nhiều chuyển động trong công tác quản lý nhà nước. Diễn biến thực tế của hoạt động này trong nhiều năm qua đã đặt ra những thách thức phức tạp, đòi hỏi công tác quản lý ở các cấp cần luôn nhạy bén, linh hoạt. Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội được Chính phủ giao Bộ VHTTDL soạn thảo cũng nhằm mục đích xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, khoa học, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực hoạt động lễ hội nói chung và của từng vùng, miền nói riêng…”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Quản lý hoạt động lễ hội (Cục Văn hóa cơ sở) cho biết, Dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương 19 điều; áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam.
Dự thảo dành một phần quan trọng để thể hiện các nguyên tắc tổ chức lễ hội. Theo ông Nguyễn Quốc Huy, ngay từ khung nguyên tắc ở hành lang pháp lý này các quy định đã được nghiên cứu và đưa ra rất chặt chẽ. Theo đó, nghi lễ trong tổ chức lễ hội phải được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, lòng yêu nước, tự hào dân tộc; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội; không tuyên truyền mê tín dị đoan, làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức. Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội để thương mại hóa nhằm mục đích trục lợi cá nhân; không ép buộc doanh nghiệp tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Ngoài ra, các nguyên tắc được nhấn mạnh khác là bảo đảm trật tự, an ninh; trật tự an toàn giao thông; an toàn xã hội; an toàn tính mạng, phòng chống cháy nổ... Kinh phí tổ chức lễ hội được nhấn mạnh: “Theo hình thức xã hội hóa”.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Huy, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội vốn là một trong những vấn đề khiến dư luận xã hội quan tâm, là căn nguyên của nhiều biểu hiện nổi cộm, gây bức xúc trong thời gian qua. Do đó, dự thảo Nghị định đưa ra nhiều quy định nhằm chấn chỉnh, đưa vào nề nếp nội dung này. Đối với cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, đáng chú ý là những quy định như: Có phương án bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, bố trí hướng dẫn viên giới thiệu giá trị của di tích, danh thắng. Mỗi cơ sở thờ tự trong không gian tổ chức lễ hội không đặt quá 2 hòm công đức. Quy định về vị trí của các hoạt động vui chơi giải trí có âm thanh; đảm bảo âm thanh không gây ảnh hưởng đến không gian tổ chức lễ hội và thời gian hoạt động…
Người dân xếp hàng từ 5h sáng đợi được xin lộc ấn Đền Trần
Người tham gia hoạt động lễ hội phải thực hiện các quy định như: “Tuân thủ nội quy, quy định của BQL, BTC lễ hội; đặt tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; không ném, thả tiền xuống giếng, ao, hồ; cài tiền lên tay tượng và các hành vi phản cảm khác.
Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; giữ gìn vệ sinh môi trường”.
Dự thảo cũng quy định nhiều nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động dịch vụ trong lễ hội; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động tổ chức lễ hội. Trong đó, nhiều quy định tập trung điều chỉnh những hiện tượng nhạy cảm, mặt trái của lễ hội như: niêm yết và bán hàng đúng giá; không chèo kéo và ép giá; không bày bán các đồ chơi có tính bạo lực, thịt động vật hoang dã; không đổi tiền hưởng chênh lệch giá; quản lý và sử dụng các nguồn thu đúng mục đích, công khai, minh bạch…
Yêu cầu đăng ký đối với lễ hội tổ chức lần đầu
Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu phải đăng ký với Bộ VHTTDL trước khi tổ chức. Lễ hội truyền thống được khôi phục sau thời gian gián đoạn; lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô cấp tỉnh được tổ chức lần đầu phải đăng ký với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội phải nêu rõ phương án đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, an toàn tính mạng cho người tham gia lễ hội, bảo vệ môi trường trong lễ hội… (Trích Chương II Dự thảo Nghị định Tổ chức lễ hội) |
Chương II về Tổ chức lễ hội là phần nội dung có nhiều điểm mới. Theo đó, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu phải đăng ký với Bộ VHTTDL trước khi tổ chức. Lễ hội truyền thống được khôi phục sau thời gian gián đoạn; lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô cấp tỉnh được tổ chức lần đầu phải đăng ký với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội phải nêu rõ phương án đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, an toàn tính mạng cho người tham gia lễ hội, bảo vệ môi trường trong lễ hội…
Đối với các lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô toàn quốc hoặc khu vực; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức định kỳ phải thực hiện thông báo với Bộ VHTTDL trước khi tổ chức. Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô cấp tỉnh được tổ chức định kỳ phải thông báo với UBND cấp tỉnh trước khi tổ chức.
Thủ tục đăng ký, thông báo đối với các lễ hội được tổ chức lần đầu hoặc định kỳ được đại biểu nhiều địa phương quan tâm. Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình cho rằng, nên thay thủ tục “đăng ký” thành “báo cáo” thì phù hợp hơn với công tác quản lý. Nhiều ý kiến nhận định, đây là những quy định cụ thể và có tác động sát sườn, rất cần thiết đối với công tác quản lý lễ hội ở các địa phương.
Người dân đi lễ có ý thức bỏ tiền công đức vào hòm do nhà đền và BTC đặt
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sơn la Trần Tân Phong cho rằng, trên thực tế vẫn phát sinh nhiều loại hình lễ hội mới mà các văn bản quản lý nhà nước thường không ôm đồm hết được. Do vậy, ngoài những quy định “cứng” thì cũng phải có tính mở, đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả khi Nghị định được đưa vào thực tiễn.
Trả lời đề nghị của Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình về những quy định mở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong công tác quản lý, đặc biệt trước bối cảnh tần suất các lễ hội ngày càng dầy đặc, nhiều địa phương có nhu cầu tổ chức các lễ hội chọi trâu, chọi dê…, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, Ban soạn thảo Nghị định với tinh thần cầu thị, lắng nghe sẽ cố gắng tiếp thu, điều chỉnh nhằm hài hòa các yếu tố liên quan. Riêng đối với lễ hội chọi trâu có yếu tố bạo lực, quan điểm nhất quán của Bộ VHTTDL từ nhiều năm nay là yêu cầu các địa phương không tổ chức nếu không phải là lễ hội truyền thống.
Một số ý kiến khác đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có nên quy định mỗi cơ sở thờ tự trong không gian tổ chức lễ hội không đặt quá 02 hòm công đức hay không? Đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng đây là quy định khó khả thi, nhất là với các lễ hội có quy mô lớn, thu hút đông người và đặc biệt trong các thời điểm chính hội. Cục Văn hóa cơ sở trả lời, sẽ cân nhắc, điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Trần Văn Khôi, Sở VHTT TP Đà Nẵng đề nghị, quy định “Kinh phí tổ chức lễ hội theo hình thức xã hội hóa” cần cụ thể hơn để các địa phương dễ vận dụng. Trên thực tế, một số nội dung như đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… đều phải sử dụng nguồn tiền ngân sách. Do đó, cần quy định rõ xã hội hóa ở mức độ như thế nào. Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh, hoạt động tổ chức lễ hội chắc chắn sẽ phải có những nội dung sử dụng tiền ngân sách nhà nước chứ không thể toàn bộ xã hội hóa.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, những ý kiến tại hội thảo sẽ được Ban soạn thảo, tổ biên tập tiếp thu, hoàn thiện. Dự kiến sang tuần sau, Cục Văn hóa cơ sở sẽ tiếp tục tổ chức một hội thảo xin ý kiến các chuyên gia để đóng góp cho dự thảo Nghị định này.
Phương Anh-ảnh Tr.Huấn
Nguồn: baovanhoa.com.vn
Viết bình luận