Rộn ràng khai hội đền Mõ

Rộn ràng khai hội đền Mõ

 

Đến hẹn lại lên, cứ 12-2 Âm lịch hằng năm, người dân xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) lại rộn ràng mở hội đền Mõ. Năm nay, lễ hội kéo dài trong 3 ngày, từ 31-3 đến hết 2-4 (từ 12 đến 14-2 Âm lịch). Ước tính, có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài thành phố nô nức kéo nhau về trong ngày khai hội.

 


Người dân trong và ngoài huyện nô nức tới dự Hội

 

Điểm nhấn độc đáo trong những ngày diễn ra lễ hội truyền thống đền Mõ là việc người dân địa phương khênh long đình bát biểu và bài vị của vị phúc thần được thờ trong đền ra trường đảo (đàn cầu mưa) mà dầm mưa dãi nắng. Mục đích chính là để các ngài thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân mà ban mưa thuận gió hòa. Thật lạ, năm nào cũng vậy, nhanh thì vài giờ, chậm thì dăm ba hôm kể từ khi cầu đảo, thể nào trời cũng mưa.

 

Tương truyền, vị phúc thần được thờ trong đền Mõ là công chúa Quỳnh Trân dưới thời nhà Trần. Do chán cảnh cung cấm, công chúa xin với vua cha cho lập am tu hành tại làng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy) và lập điền trang, thái ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho kẻ nghèo đói, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Để điều hành công việc, công chúa nghĩ ra cách dùng tiếng mõ. Nếu trong ngày, hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn cơm, tiếng mõ ở quán thì có công việc…, mọi người cứ theo tiếng mõ mà làm. Bắt nguồn từ đó, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ… ra đời và truyền đến ngày nay. Công chúa Quỳnh Trân được mọi người trong vùng gọi với tên trìu mến “Bà chúa Mõ”.

 

          Trước cửa đền Mõ có cây gạo cổ thụ mà theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, do chính tay “Bà chúa Mõ” trồng 1 năm sau ngày về đây lập am tu hành (năm 1284). Hơn 700 năm trôi qua, cây gạo vẫn bốn mùa xanh tốt với chiều cao hơn 30 mét, đường kính gốc trên 2 mét. Năm 2011, cây gạo đền Mõ được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam (xếp thứ 65 trong 70 cây được tổ chức này vinh danh và là cây gạo duy nhất trong danh sách). Năm 2012, cây gạo này tiếp tục được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam. Còn khu di tích lịch sử Đền Mõ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1992.

 

Một số hình ảnh trong ngày khai hội đền Mõ:

 

Màn “vật cầu đảo” (cầu mưa) do các em thanh thiếu niên trong xã biểu diễn.

 

 

 

 

 

 

 

Mỗi dịp khai hội, cây gạo cổ thụ lại trổ bông đỏ rực một góc trời.

 

 

 

Lễ hội đền Mõ không thể thiếu được màn thi đấu cờ tướng…

 

 

 

… hay chọi gà truyền thống.

 

 

 

Nguồn: Báo HP

 

Viết bình luận