Sớm kết luận khu vực núi Thành Dền có phải di tích ?

Sớm kết luận khu vực núi Thành Dền có phải di tích ?

Báo Hải Phòng nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Đo và một số người dân ở làng Thiểm Khê, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) kiến nghị lãnh đạo xã Liên Khê cố tình làm ngơ, bao che và tiếp tay cho việc xâm hại quần thể di tích Thành Dền-Đấu Đong trên địa bàn xã.

 

Theo đơn trình bày của ông Đo và một số người dân: núi Thành Dền nằm trong vùng lõi của quần thể di tích lịch sử-văn hóa ở xã Liên Khê đã được các nhà khảo cổ học khẳng định. Hiện nay, Công ty CP xi măng Tân Phú Xuân khai thác đá tại khu vực này nhưng địa phương chưa kiến nghị với cấp trên để có phương án quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ khu di tích. Mặt khác, trong quần thể di tích này có ngôi mộ cổ của dòng họ Mạc trên một gò đất của núi Thành Dền. Vị trí đặt ngôi mộ cổ này nằm giữa đường đất vào nghĩa trang của làng Thiểm Khê và đường dốc núi Thành Dền. Mặc dù đã có đường vào nghĩa trang làng Thiểm Khê, song vào tháng 1-2016, UBND xã Liên Khê làm thêm 1 con đường khác ra nghĩa trang, chồng lên đường đất-di tích thành cổ và gây nguy cơ sạt lở ngôi mộ cổ của dòng họ Mạc. Bên cạnh đó, cách đây hơn 1 năm, UBND xã cho hạ dốc núi Thành Dền, ngay cạnh ngôi mộ cổ, gây nguy cơ sạt lở ngôi mộ và chi phí san lấp đoạn đường này không được minh mạch.

“Ngôi mộ cổ nhà Mạc” đang được đặt trên gò đất của núi Thành Dền.
“Ngôi mộ cổ nhà Mạc” đang được đặt trên gò đất của núi Thành Dền.

Phó chủ tịch UBND xã Liên Khê Nguyễn Đình Giáp cho biết: hiện có nhiều công ty khai thác đá trên địa bàn xã Liên Khê và đều được cấp phép. Năm 2010, trong quá trình khai thác khoáng sản tại khu vực núi Thành Dền, Công ty CP cung ứng vật tư Tiến Thành tìm thấy một ngôi mộ tại đây. Công ty tiến hành cất bốc và chuyển mộ ra vị trí tạm thời tại nghĩa trang của làng văn hóa Thiểm Khê ở khu vực núi Thành Dền. Vài năm sau, Hội đồng Mạc tộc ở huyện Thủy Nguyên tự nhận đây là “mộ của nhà vua Mạc Đăng Dung”? Hội đồng Mạc tộc đề nghị xã và thường trực làng văn hóa Thiểm Khê được xây tạm nhà làm lễ khi về viếng thăm mộ và thỏa thuận miệng khi nào di chuyển ngôi mộ ra vị trí khác sẽ để lại nhà này cho làng Thiểm Khê làm nhà quản trang. Tuy nhiên đến nay, chưa cơ quan chức năng nào khẳng định đó là mộ cổ và khu vực núi Thành Dền cũng chưa được công nhận là di tích nên địa phương rất khó quản lý. Việc Công ty CP Tân Phú Xuân đang khai thác đá tại khu vực phía Nam núi Bụt Mọc đã được UBND thành phố cấp phép. Vị trí khai thác của Công ty CP Tân Phú Xuân cách xa khu vực núi Thành Dền bởi còn cách khu vực mỏ của trại giam Xuân Nguyên nằm ở giữa 2 núi Thành Dền và Bụt Mọc.

 

Về việc làm đường vào nghĩa trang làng Thiểm Khê, đầu năm 2016, thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường, làng văn hóa Thiểm Khê tổ chức thực hiện bê tông hóa 140 m đường vào nghĩa trang của làng trên nền đường đất cũ theo nguyện vọng của người dân trong làng. Trước đây, làng có con đường khác vào nghĩa trang, nhưng đó là đường phục vụ sản xuất, vòng vèo qua núi nên người dân ít đi. Con đường bê tông mới rút ngắn khoảng cách đi lại cho người dân. Đồng thời, đường này nằm cách xa ngôi mộ mà người dân đề cập hơn 10 m nên không thể gây việc sạt lở ngôi mộ.

 

Giải đáp ý kiến của người dân về việc hạ độ dốc núi Thành Dền, lãnh đạo xã cho biết: năm 2011, Công ty CP thương mại Thủy Nguyên đóng cửa mỏ sau một thời gian khai thác. Tuy nhiên, khi đóng cửa mỏ, doanh nghiệp không thực hiện hoàn trả mặt bằng, khiến mặt đường lồi lõm, mất an toàn giao thông. Trước tình hình đó, UBND xã xin ý kiến UBND huyện và được UBND huyện đồng ý cho hạ độ dốc của núi Thành Dền và di chuyển đường điện ra vị trí thấp hơn để bảo đảm an toàn. Kinh phí hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Việc này không ảnh hưởng nhiều đến độ cao của núi Thành Dền mà chủ yếu là san gạt mặt đường và di chuyển hệ thống đường điện cao thế ra vị trí thấp hơn gần đó.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2015, một số nhà khảo cổ học và Bảo tàng thành phố khảo sát và phát hiện một số  đồ gốm, đồ đá (tượng voi), đồ đồng (rìu, ang, mũi tên, tiền), gạch cổ, mộ cổ tại khu vực núi Thành Dền. Tuy nhiên, tại khu vực này đang là địa bàn “nóng” về khai thác khoáng sản nên nếu có các di vật cổ có thể bị hư hại. UBND xã Liên Khê đề nghị cơ quan chức năng sớm thẩm định và có kết luận khu vực núi Thành Dền có phải là khu di tích hay không. Nếu được công nhận di tích, thành phố và huyện cần có quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và xây dựng vùng văn hóa tâm linh phục vụ việc tham quan du lịch, đồng thời hỗ trợ địa phương quản lý di tích được tốt hơn. Trong thời gian chờ kết luận chính thức của các cấp, ngành, chính quyền xã Liên Khê tăng cường công tác quản lý khai thác tài nguyên, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về khai thác tài nguyên trên địa bàn.

Mạnh Nam

Nguồn: bao hai phong

 

Viết bình luận