Thiết chế nhà nước thời Mạc

Thiết chế nhà nước thời Mạc

Tác giả Trần Thị Vinh

Nhà Mạc tồn tại với tư cách là một vương triều từ 1527 đến 1592, gồm 65 năm, trải qua các phổ hệ từ Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên đến Mạc Mậu Hợp từ khi Mạc Đăng Dung lên làm vua đến khi nhà Mạc bị nhà Trịnh đánh đổ (1592). Xét trong khoảng thời gian tồn tại của vương triều Mạc, chúng ta thấy trong lịch sử nổi lên nét đặc thù về mặt thiết chế. Đây là thời kỳ tồn tại song song hai hệ thống chính quyền: nhà Mạc (1527- 1592- Bắc triều), nhà Lê (1533- 1599- Nam triều) giành nhau suốt 65 năm,làm cho đất nước lâm vào tình trạng nội chiến hỗn loạn, cơ sở xã hội của thể chế chính trị không đảm bảo.

Trước Mạc, chế độ chính trị ở giai đoạn cuối thế kỷ XV đầu XVI trong vòng 30 năm, kể từ sau thời Hồng Đức (1497) đến trước khi hình thành vương triều Mạc (1527) vẫn thuộc phạm vi của chế độ quân chủ quan liêu thời Lê sơ được xác lập từ sau kháng chiến chống Minh thắng lợi (1427). Chế độ chính trị này thực tế là tiếp tục khuynh hướng qua liêu của chế độ chính trị cuối thế kỷ XIV (cuối Trần đầu Hồ). Trải qua một thời kỳ khủng hoảng, mâu thuẫn trong bộ máy nhà nước, đến thời Lê Thánh Tông, chế độ quân chủ quan liêu mới ổn định về mặt thiết chế và sau đó đã phát triển cao dưới thời Hồng Đức. Từ sau thời Hồng Đức, đặc biệt từ thời Lê Uy Mục trở đi chế độ dân chủ quan liêu bắt đầu mang những biểu hiện suy thoái về thiết chế. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ Mạc Đăng Dung, một nhân vật đại diện cho dòng họ Mạc bước lên vũ đài chính trị.

Như vậy khuynh hướng quan liêu trải qua một thời kỳ phát triển cao độ đã đi đến chỗ suy thoái- tức là chế độ quân chủ quan liêu đã phát triển đến mức độc đoán dưới thời Hồng Đức để rồi khủng hoảng vào đầu thế kỷ XVI. Vậy khuynh hướng của nó là gì? khuynh hướng mới chưa xuất hiện. Giữa lúc tình hình rối loạn, nội bộ cung đình lục đục, Mạc Đăng Dung tuy không đại diện cho khuynh hướng chính trị mới, cũng như giai cấp mới, nhưng vốn xuất thân bình dân, cuối cùng ông đã thắng. Mạc Đăng Dung phế bỏ triều Lê- một triều đại ông từng gửi gắm ba phần tư quãng đời, lập ra triều đại mới của dòng họ Mạc hợp với xu thế thời đại. Trong vòng 65 năm tồn tại, vương triều Mạc trên vài lĩnh vực: kinh tế văn hóa, giáo dục và nghệ thuật cũng đã có những đóng góp nhất định trong tiến trình lịch sử (1). Trong bài này, chúng tôi thử nêu lên một vài đặc điểm của chế độ quân chủ thời Mạc (1527- 1592) và thể chế chính trị đương thời.

1.     Nhà Mạc thực hiện chế độ truyền ngôi theo dòng đích.

Từ khi đất nước chuyển sang tay họ Mạc, Mạc Đăng Dung bắt đầu thực thi những thể lệ theo quy cách của một chính thể quân chủ. Ngoài những nghi thức thường có của mỗi vương triều khi mới xuất hiện như tế trời đất, dựng tôn miếu, truy tôn tiên tổ… Đăng Dung cho lập ngay con trai trưởng là Mạc Đăng Doanh làm thái tử theo đúng thể chế quân chủ và lần lượt phong tước vương cho các em trai, công chúa cho các em gái.

 Trải qua một thời kì lịch sử dài suốt 5 thế kỷ, từ khi giành độc lập (thế kỷ X-XV) đất nước ta lại thuộc về tay dòng họ bình dân không hề có nguồn gốc quý tộc. Trong suốt thời gian tồn tại của vương triều Mạc, nhà Mạc đã đảm được một nguyên tắc của chính thể quân chủ là truyền ngôi thêo chế độ trưởng nam và theo dòng đích.

Mạc Đăng Dung rút lui truyền ngôi cho con trai trưởng là Mạc Đăng Doanh. Mạc Đăng Doanh chết thượng hoàng Mạc Đăng Dung chọn cháu nội là Mạc Phúc Hải (con trưởng của Mạc Đăng Doanh) lên thay. Mạc Phúc Hải chết, con trai trưởng là Mạc Phúc Nguyên lên tthay. Mặc dù Mạc Phúc Nguyên lúc ấy mới 2 tuổi, một tướng của triều đình bàn lập con thứ của Mạc Đăng Doanh là Hoành Vương Chính Trung lên thay, nhưng các vương tôn nhà Mạc và ông chú là Mạc Kính Điển không theo, vẫn lập Mạc Phúc Nguyên lên thay. Khi Mạc Phúc Nguyên chết, con trai đích của Mạc Phúc Nguyên là Mạc Mậu Hợp lên thay.

 Vì đảm bảo được nguyên tắc này, triều dình nhà Mạc không xảy ra những khủng hoảng về mặt thiết chế, không có sự tranh giành đế vị trong suốt 65 năm trị vì, mặc dù tình hình chính trị trong nước lúc ấy rất rối ren, nội chiến diễn ra không ngớt.

Nếu đem so sánh với thời gian trước vương triều Mạc (trước 1527), thiết chế chính trị của nhà Lê có biểu hiện khủng hoảng một phần do nguyên tắc quyền quyền quân chủ này bị xâm phạm. Tình trạng bỏ con trưởng lập con thứ, tranh giành ngôi vị diễn ra dưới triều Lê sau Lê Thánh Tông không xảy ra dưới triều Mạc. Vì vậy, đứng về góc độ này mà nói khi thiết chế chính trị triều Mạc tương đối ổn định, chế độ quân chủ tập trung được xác lập vững vàng.

Khoảng hai mươi năm đầu triều Mạc, chính sự còn khoan hòa, phép tắc kỷ cương còn đảm bảo, trong nước yên ổn, nhưng từ năm 1533, cựu thần nhà Lê tìm được con cháu nhà Lê lập nên triều Lê Trung hưng, trong nước tồn tại song song hai nhà vua và hai chính quyền nhà nước: Nam triều và Bắc triều. Từ đây hai bên hiềm khích, đánh nhau liên tục, do đó tình hình chính trị trong nước nói chung, thể chế chính trị nhà Mạc nói riêng, trở nên phức tạp.

2.     Cơ cấu gia cấp trong bộ máy nhà nước thời Mạc.

Khi nhà Mạc nắm binh quyền, một việc làm hết sức cấp bách ngay từ buổi ban đầu là kiện toàn hệ thống quan chức trong bộ máy nhà nước mới.

Nhà Mạc mới lên, tầng lớp quý tộc thuộc dòng dõi nhà Mạc lúc đầu chưa đóng vai trò gì trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Lớp sĩ phu nhà Lê bị phân hóa, chỉ còn một phần nhỏ tham gia triều chính, còn đại bộ phận bỏ trốn lánh nạn hoặc ở ẩn. Trong khi đó con cháu quý tộc cũ của triều Lê thì ra sức chống lại. Vì vậy việc làm đầu tiên, hết sức quan trọng của nhà Mạc là đào tạo lớp sĩ phu mới bổ sung vào bộ máy quản lý nhà nước. Ngoài số 56 người được triều đình phong tước và thăng trật, nhà Mạc đã chú ý ngay tới việc mở mang thi cử đào tạo nhân tài.

Trong suốt thời kỳ trị vì, nhà Mạc đã tổ chức thi cử rất đều đặn, ba năm một lần, kể cả những lúc chiến sự bận rộn.

Chỉ sau hai năm nắm quyền (1529) nhà Mạc đã cho mở khoa thi Hội đầu tiên lấy ba người đỗ Tiến sỹ cập đệ, 16 người đỗ Tiến sỹ xuất thân, 36 người đỗ đồng tiến sỹ xuất thân (2). Đây là lớp sỹ phu được tuyển chọn đầu tiên cung cấp cho bộ máy quan chức trong triều đình mới.

Trong số những người đỗ đạt tại các kỳ thi tuyển chọn nhân tài của nhà Mạc đã có nhiều nhân sỹ nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quang Bí, Giáp Hải, Bùi Vịnh…

Như vậy xét về cơ cấu giai cấp trong bộ máy lãnh đạo nhà nước thời Mạc bao gồm phần lớn là nho sỹ quan liêu, quý tộc dòng họ chỉ chiếm số rất ít, còn lại một số nhỏ và không có vai trò gì nhiều lắm, đó là tầng lớp trí thức cũ nhà Lê.

Về mặt ý thức hệ, so với thời Lê, Nho giáo thời Mạc không còn thịnh trị, nhưng vẫn còn đóng vai trò không nhỏ trong hệ tư tưởng. Lớp sỹ phu mới bổ sung cho cơ cấu quản lý nhà nước thời Mạc phần lớn đều xuất thân từ khoa cử.

Tuy nhiên, cần lưu ý về mặt trọng dụng nhân sỹ của nhà Mạc cùng việc chọn đường của các nho sỹ đương thời.

Nhà Mạc lúc đầu để lấy lòng nhà Minh và để trấn an các sỹ phu cũ triều Lê, có dùng và thậm chí cho thi tuyển những người trong phe cánh thuộc dòng dõi nhà Lê vào việc làm trong chính quyền mới. Nhưng sự trọng dụng của nhà Mạc còn dè dặt, phần lớn đều lấy những người bạn, thân tình với Đăng Dung và từng phụng sự tôn thờ Mạc Đăng Dung. Đó là một số tướng lĩnh cũ của vua Chiêu Tông sau được đổi ra họ Mạc như Mạc Ninh Nghệ, Mạc Như Quế, Mạc Ninh Bang… Mạc Ninh Bang (tức Nguyễn Bính Đức) đỗ khoa Giáp Tuất đời Hồng Thuận, khi thiếu thời chơi rất thân với Đăng Dung. Hoặc như Lê Bá Ly đã từng làm quan dưới thời Lê Chiêu Tông lại là bạn cũ của Đăng Dung. Khi Đăng Dung nắm quyền, ông cho Bá Ly giữ vệ Kim Ngô, tiến phong tước hầu, lại gả em gái là Lương Thượng công chúa cho Bá Ly (3). Tuy vậy, nhà Mạc vẫn có ý thức muốn dùng những nhân sỹ dòng họ Mạc và những sỹ phu đã từng được thi cử tuyển chọn dưới triều Mạc, còn những nhân sỹ cũ càng về sau nhà Mạc càng có ý thức loại dần. Mặt khác, do tình hình chính sự, nhà Mạc sau một thời gian ổn định, bắt đầu có biểu hiện suy yếu thì những nhân sỹ của triều Lê đang phục vụ cho triều Mạc, nhưng lòng vẫn nhớ về vua cũ. Gặp lúc triều Lê hưng khởi họ có cơ hội trở về với chủ cũ. Việc theo nhà Mạc của họ cũng chỉ là bất đắc dĩ như lời của Lê Bá Ly sau khi không được Mạc Phúc Nguyên chấp thuận: “Ta có chút tài mọn, nguyên thờ Quang Thiệu Hoàng đế, vì bất đắc dĩ bèn làm bầy tôi họ Mạc” (4).

Trong số trí thức có tài được đào tạo dưới thời Mạc chắc chắn có nhiều chí hướng phục vụ cho một chính thể quân chủ, nhưng họ đứng trước sự lựa chọn. Có người đã đi tìm gặp nhà Lê, phò Lê và được nhận một sự đón tiếp khá nồng nhiệt của vua Lê như trường hợp Lương Hữu Khánh được lĩnh chức thị lang tham cơ mưu chẳng hạn (5).

 Còn một số trí thức có tài khác đã từng được đào tạo dưới thời Mạc và đã từng phục vụ vương triều Mạc, nhưng hình như họ vẫn thấy bế tắc và đòi xin về trí sỹ như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Phỉ và sau này dưới thời Mạc Mậu Hợp có hàng loạt nhân sỹ đòi xin từ quan như: Trần Văn Nghi, Giáp Trưng, Vũ Đẳng, Nguyễn Nghi Lộc, Vũ Tính, Nguyễn Triệt, Trần Thì Thầm…

Tất cả mọi sự lựa chọn, dù thành hay bại, không nằm trong ý muốn của những nhân sỹ đương thời mà điều đó phản ánh phần nào sự bế tắc của thời đại bấy giờ. Bế tắc không chỉ của vương triều Mạc, mà của cả triều Lê và cả xã hội Việt Nam lúc đó.

              3.     Quá trình kiện toàn bộ máy nhà nước.

Trong buổi ban đầu chính quyền còn trong trứng nước, vì sợ lòng người mến vua cũ, dễ sinh biến loạn, nên sách lược của nhà Mạc là vẫn tuân theo những pháp độ của nhà Lê trước đó. Nhưng chỉ vài tháng sau (tháng giêng 1528) Mạc Đăng Dung muốn đổi làm chính lệnh mới, đã cho đúc tiền, ban hành cho các xứ để thông dụng (6). Đồng thời nhà Mạc có thay đổi, ban hành một số chế độ về binh lính, ruộng đất, bổng lộc. Hình thành trong điều kiện phức tạp, đất nước luôn xảy ra chiến sự giữa các phe phái đối lập và chỉ quản lý một nửa đất nước từ Thanh Hóa trở ra nên nhà Mạc trước hết phải chú ý tới lực lượng quân đội và sau đó là việc thay đổi ít nhiều về khu vực hành chính thuộc quyền quản lý của mình. Do hoàn cảnh lịch sử lúc này, nhà Mạc chưa có điều kiện thay đổi được toàn bộ, đặc biệt là sự thay đổi về cơ chế quan chức trong bộ máy nhà nước. Nhà Mạc đã tiếp thu một cơ đồ từ hai bàn tay trắng, chưa tạo nên một cơ chế mới, vững chức, hay nói cách khác, nhà Mạc không hề có một hậu thuẫn ở những người giúp việc trung thành của dòng họ Mạc.

Buổi ban đầu (như ở phần trên đã nói) nhà Mạc phải trông mong vào những quần thần cũ của triều Lê và những người đã từng có chút: “tinh thần” với Mạc Đăng Dung trước đó. Sau này nhà Mạc có ý thức mở rộng khoa cử đào tạo nhiều nho sỹ bổ sung cho triều đình, nhưng lại bận nhiều việc chiến sự nên nhà Mạc cũng không hề có điều kiện kiện toàn cơ chế quan chức theo lối mới.

Thậm chí ngay cả việc thi cử tuyển chọn nhân tài bổ sung quan chức cho bộ máy nhà nước, nhà Mạc cũng phải làm theo những thể lệ cũ của nhà Lê. Về điều này, nhà sử học Phan Huy Chú đã ghi lại rằng: “Mạc Đăng Dung cướp ngôi, năm Minh Đức thứ 3 (1529) mở khoa thi Hội, Đăng Doanh tiến ngôi, năm Đại Chính thứ 3 (1532), lại mở khoa thi Hội. Thể lệ thi cử đều theo nhà Lê. Sau Đăng Doanh thì Phúc Nguyên, Phúc Hải, Mậu Hợp đều theo lệ cũ ấy mà thi” (7).

Ở triều Mạc, cơ chế quan chức cũng gồm có đủ các ban văn võ như triều Lê, tên các quan, các ty hiệu vẫn dùng như cũ. Cụ thể như thế nào chưa rõ vì sử sách không ghi lại, nhưng theo danh sách thăng trật và ban tước vào tháng 2 năm 1528 thì cơ cấu quan chức ở triều Mạc cũng có những chức: Thái sư, Thái bảo, Thiếu bảo là các quan chức trong tam Thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) và tam Thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo), tương đương với các hàm nhất phẩm, chánh nhị phẩm của triều Lê. Người giữ những chức quan này đại bộ phận đều là quần thần cũ của triều Lê, như Nguyễn Quốc Hiến làm Phò mã Thái bảo Lâm quốc công, Mạc Quốc Trinh làm Thái sư Lân quốc công, Mạc Bang Hộ (tức Vũ Hộ) làm Thái bảo Tĩnh quốc công, Nguyễn Thì Ung làm Thiếu bảo Thông quốc công… (8).

Quan lại ở các ty về hàng võ có Đô chỉ huy sứ, Đô chỉ huy đồng tri và Đô chỉ huy thiêm sự, tương đương với các hàm tòng tam phẩm, chánh tứ phẩm, chánh ngũ phẩm thời Lê. Ngoài 4 vệ binh để cho quân đội lệ thuộc vào đó như binh lính xứ Hải Dương cho thuộc về vệ Hưng Quốc, binh lính xứ Sơn Tây thuộc về vệ Cẩm Y, binh lính xứ Kinh Bắc thuộc về vệ Kim Ngô, nhà Mạc còn cho chia bổ các Ty, mỗi Ty đặt một viên chỉ huy sứ, một viên chỉ huy đồng tri, một viên chỉ huy thiên sự, 10 viên trung hiệu, 1100 trung sĩ, chia làm 22 phiên túc trực (9).

Phải nói rằng về mặt quân sự, nhà Mạc rất chú trọng và cho kiện toàn ngay từ đầu song song với việc thi cử tuyển chọn nhân tài.

Lực lượng quân đội nhà Mạc tương đối đông có khoảng hơn 10 vạn. Do hoàn cảnh đặc biệt ở thế kỷ XVI, nhà Mạc mới lên phải đối phó với mọi tình huống nên vai trò quân sự của nhà nước thời Mạc rất lớn.

Tuy có nhiều thiên hướng về quân sự, nhưng không vì thế mà nhà Mạc bỏ bễ những công việc phát triển kinh tế và văn hóa trong lúc đất nước loạn ly (10).

4.     Cơ sở xã hội và tính chất nhà nước thời Mạc.

Vấn đề đặt ra là: chế độ quân chủ thời Mạc hình thành và tồn tại được 65 năm trong hoàn cảnh chính trị không ổn định ở thế kỷ XVI dựa trên cơ sở xã hội nào? và nhà nước đó là nhà nước gì?

Trả lời được thấu đáo câu hỏi này, cần phải dựa thêm vào kết quả nghiên cứu cũng như những nguồn thông tin mới trong tương lai.

Nhưng như trên đã nói, triều Mạc được thiết lập và tồn tại trong một khung cảnh đặc biệt- chiến tranh loạn lạc triền miên, không có một cơ sở xã hội thật vững vàng cho sự tồn tại nhà nước quân chủ.

Trong triều đình nhà Mạc cũng bao gồm đầy đủ cơ chế của chính thể quân chủ. Bộ máy quan liêu trong triều đình nhà Mạc như đã thấy, bao gồm phần lớn là những nho sĩ do nhà Mạc đào tạo, còn lại một số ít trong quần thần cũ nhà Lê và con cháu nhà Mạc. Lớp viên chức này chắc chắn cũng được hưởng phần lớn bổng lộc do triều đình cấp (hoặc là ruộng đất hoặc là ăn thuế theo hộ), nhưng cụ thể là bao nhiêu chúng ta chưa biết được. Sách Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử có ghi lại việc cấp lộc điền cho hai trường hợp: Thiếu sư Trần Phỉ được cấp 57 mẫu ruộng thế nghiệp (cấp vĩnh viễn) sau khi chết vào năm 1554 (11) và Gia quốc công Nguyễn Thám được cấp 50 mẫu ruộng thế nghiệp vào năm 1587 (12).

Dưới thời Lê sơ, quan lại được hưởng lộc điền rất hậu và những quan chức cao cấp được hưởng phần ruộng thế nghiệp tương đối lớn. Vì vậy nhà nước thời Lê sơ, cụ thể thời Hồng Đức có một cơ sở xã hội vững vàng là cộng đồng địa chủ quan liêu. Còn dưới thời Mạc, chắc chắn tầng lớp này không lớn mạnh như thời Lê do đặc thù của triều Mạc.

Kể từ khi đất nước giành được độc lập khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc (từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI), nhà nước quân chủ Việt Nam bắt đầu được xác lập và kiện toàn qua các triều đại, trong đó có ba thời kỳ nhà nước quân chủ tồn tại tương đối dài và có được một cơ sở xã hội vững chắc. Đó là nhà nước quân chủ tập trung thời Lý (thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XII), nhà nước quý tộc quân chủ thời Trần (nửa đầu thế kỷ XIII- đầu thế kỷ XIV) và nhà nước quân chủ quan liêu thời Lê sơ (nửa sau thế kỷ XV). Xen vào các thời kỳ kể trên có triều Hồ (tồn tại rất ngắn) và sau dó là triều Mạc tồn tại dài hơn triều Hồ nhiều, nhưng hai vương triều này, bộ sử sách không công nhận là vương triều chính thức, bị coi là ngụy triều, vì vậy rất khó cho những nhà nghiên cứu trong việc đánh giá các triều đại này với tư cách như một vương triều độc lập.

Việc đánh giá nhà nước thời Mạc ra sao? Đánh giá vương triều Mạc thế nào cho xác đáng, quả là một việc hết sức nan giải, đòi hỏi có sự gia công, khám phá của nhiều người nghiên cứu.

Để kết thúc luận văn này, qua tìm hiểu thiết chế nhà nước thời Mạc, bước đầu đưa ra một số kết luận sau đây:

a/ Vương triều Mạc chính thức tồn tại với một chính thể quân chủ, bao gồm đủ cơ cấu, đủ thành phần giai cáp trong bộ máy lãnh đạo nhà nước.

b/ Nhà nước quân chủ thời Mạc tuy bận rộn nhiều về chiến sự, nhưng đã chú ý tới các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như: kinh tế, văn hóa, giáo dục và nghệ thuật. Phải chăng việc làm đó đã tạo cơ sở cho vương triều Mạc tồn tại trong tình hình chính trị bất ổn định ở thế kỷ XVI.

c/ Vì không được thừa nhận là một vương triều nên có lúc nhà Mạc bị coi là tập đoàn phong kiến quân phiệt. Đã đến lúc vương triều Mạc cần phải được thừa nhận cũng như chế độ quân chủ tập trung mà nhà Mạc đã góp phần xây dựng. Tất nhiên chế độ quân chủ tập trung của nhà Mạc không thể so sánh được với chế độ quân chủ thời Lê sơ, nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử thế kỷ XVI- thế kỷ mà người ta thường gọi là loạn phong kiến thì chế độ quân chủ của nhà Mạc về mặt nào đó mang tính tích cực hơn so với chính quyền Lê-Trịnh.

d/ Đã có một thời kỳ dài, trong giới nghiên cứu sử học, nhiều người cho rằng thế kỷ XVI là bắt đầu thời kỳ đi xuống của chế độ phong kiến Việt Nam thì đến gần đây quan điểm đó đã được xem xét lại (13). Xéy về toàn bộ hình thái kinh tế xã hội thế kỷ XVI, chúng tôi cũng cho rằng không thể quan niệm đây là thời kỳ suy thoái của chế độ phong kiến ở nước ta. Còn chế độ phong kiến ở thời kỳ này đạt tới trình độ nào lại là việc khác, không thuộc phạm vi của bài viết này.

CHÚ THÍCH

(1)                           Xem các luận văn đề cập đến những mặt hoạt động cụ thể của nhà Mạc trong số tạp chí này.

(2)                           Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch, Nxb KHXH, 1968, tập IV, tr 42.

(3)                           Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử. Bản dịch, Nxb KHXH, Hà Nội-1978, tr 279.

(4)                           Lê Quý Đôn, sđd, tr 291.

(5)                           Công dư tiệp ký, theo Trần Lê Sáng trong “Phùng Khắc Khoan, cuộc đời và thơ văn”, Hà Nội, 1985, tr 292.

(6)                           Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 120.

(7)                           Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Bản dịch, Nxb Sử học- Hà Nội 1960, tập III, tr 16.

(8), (9),      Lê Quý Đôn, sđd, tr 268.

(10)         Xem các luận văn đề cập đến những mặt hoạt động cụ thể của nhà Mạc trong số tạp chí này.

(11)          Lê Quý Đôn, sđd, tr 301

(12)          Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 137.

(13)          Xem: Phan Huy Lê “Nguyễn Bỉnh Khiêm và thời đại”, Báo       cáo đọc tại Hội nghị kỷ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1985 tại Hải Phòng.

Viết bình luận