Tìm thấy di tích thời nhà Mạc ở huyện Đồng Hỷ
VNTN – Vùng đất huyện Đồng Hỷ ven sông Cầu hiền hòa từ lâu vốn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng đã đi vào sử sách, thơ ca như: Chùa Hang, Động Linh Sơn, Hang Neo…Và vùng đất tươi đẹp này cũng là vùng đất cổ chứa đựng tiềm năng về di sản văn hóa.
Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với huyện Đồng Hỷ và xã Hóa Thượng khảo sát nền chùa cổ ở xóm Sơn Cầu, xã Hóa Thượng. Qua cuộc khảo sát, thu được rất nhiều hiện vật như: một số viên đá ong; gạch vồ thời nhà Mạc; gạch đá ong xây tường kích thước to; gạch mỏng thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX); 3 sân gạch dài khoảng 7m, rộng 5m được lát gạch Bát Tràng vuông, chân kê bằng đá xanh, ngói mũi hài loại to bản, bát hương sành đầu rồng, hoa văn họa tiết thời nhà Lê, chén sứ thời nhà Mạc…
Hiện trạng di tích cho thấy đây là nền của một ngôi chùa cổ. Qua khảo sát xác định ngôi chùa có hướng tây nam. Dấu tích ngôi chùa nằm trong diện tích của cả quả đồi rộng khoảng 2 ha, so độ cao với mặt bằng xung quanh khoảng từ 5 – 7m. Phía sau nền chùa có di tích Đình Hóa Thượng được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2015 và được phục dựng lại năm 2016.
Các công trình của ngôi chùa được bố trí theo kiểu tam cấp: thượng, trung, hạ. Diện tích chùa được xác định trong vùng có di tích rộng khoảng 500m2 ở trên đỉnh quả đồi nằm riêng biệt. Chùa có địa thế rất đẹp, phía trước có tiền án là Núi Voi, một thắng cảnh tự nhiên bao đời nay và gắn với thời nhà Mạc, điều này đã được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí, tập 4 (nhóm Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) do NXB KHXH Hà Nội xuất bản năm 1971, ở trang 158 mục Núi sông tỉnh Thái Nguyên chép: “Núi Voi ở cách huyện Đồng Hỷ 18 dặm về phía tây, gân đá lô nhô như hình voi phục, ở đấy có thành cũ của nhà Mạc”. Ở trang 164, mục Cổ tích chép thêm: “Thành cũ núi Voi ở địa phận huyện Đồng Hỷ, cuối đời Lê Quang Hưng, nhà Mạc đắp thành ở đây”. Sách Địa chí Thái Nguyên, Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản năm 2009 trang 1035 cũng ghi: “Núi Voi còn gọi là Thạch Tượng Sơn, là núi đá vôi ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ. Núi trông xa giống hình con voi. Xung quanh núi có nhiều hang động. Cuối thế kỷ XVI, nhà Mạc từng dựa vào núi này để chống nhau với nhà Lê”.
Sách Từ điển Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản 2016 ở trang 625 cũng chép: “Núi Voi: núi đá vôi, nằm trên địa bàn thị trấn Chùa Hang và một phần xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. Núi có hình dạng như một con voi khổng lồ. Ngày xưa, núi này được gọi là Thạch Tượng Sơn, có nhiều thú dữ. Trong lòng núi có nhiều hang động, có hang rất rộng, chứa được 3 – 4 ngàn người. Nhiều hang có suối ngầm và một số hang còn có mạch nước phun lên… Những năm 1593 – 1594, nhà Mạc đã dùng núi đá tự nhiên này làm phòng tuyến để chống lại nhà Lê. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1947, Núi Voi là căn cứ hậu cần của quân đội. Hang Dê là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược của Cục Quân giới; các hang đá trong núi là bệnh viện dã chiến của Cục Quân y. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Núi Voi là căn cứ hậu cần, là nơi đặt Sở Chỉ huy của Bộ đội phòng không, là nơi sơ tán của nhân dân phòng tránh máy bay B52 của giặc Mỹ…”.
Như vậy, tạo hóa đã ban cho vùng đất này một thắng cảnh là Núi Voi, con người đã xây dựng một khu đình, chùa đã tạo nên một quần thể di tích lịch sử và danh thắng trọn vẹn.
Cụ Nguyễn Văn Bảo (80 tuổi) dân tộc Kinh, xóm La Đành, xã Hóa Trung và ông Diệp Minh Tài (72 tuổi), dân tộc Sán Dìu, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng là những nhân chứng đã từng biết về ngôi chùa Hóa Thượng. Cụ Bảo lúc khoảng 14, 15 tuổi đã từng được theo cha lên khu chùa cổ, lúc đấy khoảng năm 1950 – 1951, cụ còn thấy chùa được xây trên đồi cao có mấy ngôi nhà, có hai cây thông to cổ thụ. Ngôi chùa xây gạch lợp ngói trong chùa có nhiều tượng Phật oai nghiêm, có tượng ông Bụt ốc, tượng Hộ pháp to lớn cầm kiếm canh gác chùa.
Ngày mồng 8 tháng 4 là ngày lễ tắm Phật của chùa có lệ vị chủ lễ may một vuông vải điều khoác lên ông Phật Thích Ca, lễ xong đem vuông vải ấy chia cho mọi người, cụ Bảo cũng được cho một vuông vải đem về may áo lấy may. Ngày 24/4/1953, giặc Pháp đã ném bom trúng vào khu chùa, phá hoại hết công trình. Đằng trước chùa có một ngôi nghè thờ thần. Nghè cùng với đình thờ thần Cao Sơn Quý Minh, lễ hội vào ngày 12 tháng giêng. Ngôi đình còn tồn tại đến năm 1956, khi đó nhà nước chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, không được quan tâm nên sau đó đình bị xuống cấp theo thời gian.
Cán bộ ngành Văn hóa và địa phương khảo sát dấu tích nền chùa Hóa Thượng
Qua các vật chứng và nhân chứng ở địa phương cho thấy, đây là nền dấu tích của một ngôi chùa cổ có niên đại thời Mạc thế kỷ XVI của xã Hóa Thượng. Đặc biệt, tại đây phát hiện ra những đoạn đá ong là hiện vật độc đáo được đẽo gọt rất công phu tỷ mỉ, trên địa bàn tỉnh chưa nơi nào tìm thấy loại cột đá ong như ở chùa này. Đây thực sự là một phát hiện mới về khảo cổ học năm 2017 về dấu vết một ngôi chùa cổ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có giá trị lịch sử văn hóa giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về các công trình tín ngưỡng thuộc thời nhà Mạc trên địa bàn.
Trước kháng chiến chống thực dân Pháp ngôi chùa vẫn còn, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, ngôi chùa truyền thống một thời vang bóng với tượng Phật hào quang, nơi thu hút bao người mộ đạo. Hiện tại, nhân dân địa phương và chính quyền mong muốn khôi phục, tái thiết lại ngôi chùa. Từ việc tìm thấy dấu tích nền của một ngôi cổ tự xưa ở xã Hóa Thượng, qua khảo sát, nghiên cứu những người văn hóa chúng tôi thấy: Đây là nguyện vọng chính đáng về tự do tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Bao năm bom đạn vùi lấp một công trình văn hóa tín ngưỡng của Đồng Hỷ đã thành phế tích, nay đất nước thanh bình, văn minh, tiến bộ thì chính quyền và nhân dân địa phương có nguyện vọng phục hồi, tái thiết lại ngôi chùa làm nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, âu cũng là việc nên làm.
Sắp tới theo Quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận số 94-KL/TU ngày 20/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện quy trình điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng Thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ sẽ có 3 đơn vị gồm thị trấn Chùa Hang và 2 xã Linh Sơn, Huống Thượng được sáp nhập về thành phố Thái Nguyên; thị trấn Chùa Hang được nâng cấp thành phường thuộc thành phố; địa bàn xã Hóa Thượng được quy hoạch là Khu đô thị hành chính mới của huyện Đồng Hỷ, hy vọng Khu tâm linh chùa Hóa Thượng thuộc xóm Sơn Cầu sẽ được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng.
Nguyễn Đình Hưng
Nguồn: vannghethainguyen.vn
Viết bình luận