Tóm tắt hồ sơ 5 di tích được xếp hạng Cụm di tích quốc gia đặc biệt
Di tích Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc
Di tích Khu tưởng các Vua nhà Mạc là 1 trong 5 di tích thuộc cụm di tích liên quan tới nhà Mạc Dương Kinh, huyện Kiến Thuỵ còn nhiều dấu tích, hiện vật mang nhiều giá trị sắc, tiêu biểu:
Kể từ năm 1994, UBND thành phố Hải Phòng và đặc biệt là cán bộ và nhân dân huyện Kiến Thụy cùng các nhà nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực có liên quan đã thực sự bắt đầu công cuộc nghiên cứu một cách toàn diện về Vương triều Mạc nói chung và vùng đất Cổ Trai nói riêng mà công trình đầu tiên được triển khai, đó chính là Hội thảo khoa học cấp thành phố “Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc” được tổ chức tại huyện Kiến Thụy với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu của Trung ương và thành phố. Tại Hội thảo này, bên cạnh một số vấn đề lịch sử về Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc được làm rõ, việc phục dựng Dương Kinh nhà Mạc, hay nói cách khác, nhà Mạc với 65 năm tồn tại ở khu vực Thăng Long, Dương Kinh (Bao gồm Hải Dương, Hải Phòng) đã không thực sự còn một công trình kiến trúc đáng kể nào phản ánh lịch sử ra đời, quá trình tồn tại rồi suy vong của Vương triều này nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng một khu tưởng niệm về Vương triều Mạc đã được đặt ra ngay từ sau thành công của Hội thảo năm 1994. Sau 16 năm, quá trình chuẩn bị cho việc xây dựng đã được triển khai một cách đồng bộ, kết hợp nhiều ngành lĩnh vực như tiếp tục đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu về Vương triều Mạc, tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học nhằm làm rõ một số kiến trúc đã từng được sử sách ghi chép lại như điện Tường Quang, điện Phúc Huy, điện Hưng Quốc ở Cổ Trai, tăng cường công tác nghiên cứu lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp thành phố và cấp quốc gia các di tích lưu giữ dấu ấn văn hóa về thời Mạc trên địa bàn toàn thành phố nhằm bảo tồn những di sản văn hóa quý giá của nền nghệ thuật dân tộc mang phong cách thời Mạc ở thế kỷ 16.
Một trong những sự kiện quan trọng nhất đánh dấu mốc sự kiện việc xây dựng công trình Tưởng niệm Vương triều Mạc thực sự được triển khai là vào ngày 24/3/2008, UBND thành phố đã có công văn đồng ý về chủ trương đề nghị của UBND huyện Kiến Thụy về việc nghiên cứu địa điểm, lập quy hoạch, lập dự án xây dựng khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan. Đến ngày 29/09/2009, UBND thành phố đã có quyết định số 1940/QĐ UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại huyện Kiến Thụy.
Kèm theo đó là "Dự án đầu tư" cũng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vào ngày 10/10/2009, lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy đã được tổ chức trọng thể với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và đông đảo cán bộ, nhân dân, bà con trong dòng họ Mạc và gốc Mạc toàn quốc. Có thể nói đây là một sự kiện lịch sử trọng đại mang ý nghĩa lịch sử và giá trị nhân văn rất sâu sắc.
Đây là một công trình văn hóa ghi dấu ấn Vương triều phong kiến được hình thành và phát triển từ một vùng đất bên bờ biển Đông có quy mô đồ sộ nhằm hướng tới mục tiêu lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của Vương triều Mạc đáp ứng lòng mong mỏi của biết bao thế hệ người dân Kiến Thụy - quê hương của Vương triều Mạc nói riêng và của nhân dân Hải Phòng nói chung.
Di tích Từ đường họ Mạc
Di tích Từ đường họ Mạc là 1 trong 5 di tích thuộc cụm di tích liên quan tới nhà Mạc ở Dương Kinh, huyện Kiến Thuy có nhiều giá trị đặc sắc, tiêu biểu:
Vào thế kỷ 16, địa bàn làng Cố Trai thuộc huyện Nghi Dương phủ Kinh Môn, Trấn Hải Dương được sử sách nước ta cũng như những câu chuyện lưu truyền trong dân gian nhắc đến như một chốn địa linh vì đây là nơi phát tích của dòng họ Mạc mà người đầu tiên dựng nên đế nghiệp chính là Thái tổ Mạc Đăng Dung.
Đồng thời nơi đây còn được biết đến với tư cách là kinh đô thứ hai vào thế kỷ 16 khi đế nghiệp của dòng họ Mạc đang thời thịnh trị.
Cũng như các triều vua trước, mỗi khi lập nghiệp thường hướng về quê hương, nơi mình sinh ra rồi được phát tích; nơi có từ đường của dòng họ, lăng mộ của tổ tiên như nhà Lý đối với Đình Bảng (Bắc Ninh), nhà Trần đối với Tức Mặc - Long Hưng ( Nam Định - Thái Bình ), hay nhà Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa). Nhà Mạc cũng đã hướng về Cổ Trai quê hương ngay khi lên ngôi trị vì đất nước bằng việc biến nơi đây thành một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa , xây dựng cung điện, chùa chiền và đặt tên là Dương Kinh. Sử thần Lê Quí Đôn trong bộ sách "Đại Việt thông sử" đã có ghi chép: "Tháng này (tức tháng 6/1527), Đăng Dung vào kinh thành, ngự nơi chính điện, tế trời ở đàn Nam Giao, dựng tôn miếu, lấy Hải Dương làm Dương Kinh"
Như vậy, từ trong bối cảnh này cùng với việc xây dựng các cung điện làm nơi ở, nơi làm việc bàn chính sự, Từ đường của dòng họ Mạc cũng đã được xây dựng tại thôn Kiều, xóm Đượng trên nền cũ nơi ở của thân sinh Thái tổ Mạc Đăng Dung. Năm 1541, Thái tổ Mạc Đăng Dung qua đời và được an táng tại Mả Lăng (thuộc Trung lăng xứ), nơi để mồ mả của nhà Mạc. Các triều vua Mạc tiếp theo đều tiếp tục củng cố Dương Kinh và Từ đường của dòng họ mình. Đến năm 1592, khi vua Mạc Mậu Hợp bị thất thủ ở Thăng Long, tập đoàn quân Lê Trịnh đã tràn xuống Dương Kinh và chỉ trong một thời gian ngắn, nhà cửa, cung điện, mồ mả, Từ đường của nhà Mạc đã bị san phẳng và thiêu hủy gần hết. Sau một thời gian dài phiêu tán, lưu lạc, thay tên đổi họ để tránh sự tàn sát trả thù của nhà Lê, đến thời Nguyễn, đời vua Duy Tân những hậu duệ của dòng họ Mạc đã trở lại cố hương, dựng lại ngôi Từ đường của dòng họ để làm nơi thờ cúng các bậc tiền nhân của dòng họ mình. Đồng thời, tiếp tục quy tụ cháu con trong họ trên khắp mọi miền đất nước trở về chốn xưa, nơi cách đây trên 400 năm đã dựng nên nghiệp đế vương mà đến nay sử sách còn ghi rõ.
Từ đường họ Mạc, nơi phụng thờ tiên tổ họ Mạc do các bậc tiền nhân và Chi họ Mạc Cổ Trai xây dựng, hưng công vào năm 1905, cuối thời vua Thành Thái
(1889 - 1907), vị vua thứ 10 của triều Nguyễn, qua thời vua Duy Tân (1907 - 1916) và hoàn thiện vào năm đầu thời vua Khải Định (1916 - 1925). Bốn cột lim ở tiền đường (Đông sang Tây), thứ tự từ 1 đến 4, do các ngành: Ngành 5 (Đệ nhất Cao Thượng tổ là cụ Mạc Đình Nuôi), Ngành 3 (Đệ nhất Cao Thượng tổ là cụ Mạc Đình Quyền), Ngành 2 (Đệ nhất Cao Thượng tổ là cụ Mạc Đình Cư) và Ngành 4 (Đệ nhất Cao Thượng tổ là cụ Mạc Đình Lang) thuộc Chi Cổ Trai, dâng tiến. Tháng 10/1930, chi họ tiếp tục dâng tiến bức đại tự: Thiên Hoàng phái diễn), niên biểu: Canh Ngọ niên 1930 - Hoàng triều Bảo Đại.
Đến năm 1939, ngành 1 (Đệ nhất Cao Thượng tổ là cụ Mạc Đình Thanh, hậu duệ đời thứ 12 - Đức Mạc Thái Tổ) dâng tiến bộ cửa võng, niên biêu: Bảo Đại - Kỷ Mão niên 1939.
Lúc khởi dựng, ngôi từ đường là công trình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, có quy mô kiến trúc ba gian, được dựng bằng gỗ lim. Tường xây gạch chỉ, hai đầu hồi xây kiếu bít đốc, nền lát đá đỏ, đá ong vận chuyển từ núi Đồ Sơn, núi Đối. Mái từ đường lợp ngói vẩy, cửa làm theo lối cửa bức bàn. Toàn bộ ngôi từ đường có diện tích khoảng 30m2. Lúc này, các đồ thờ tự trong từ đường khá đơn sơ, mới chỉ có ngai thờ, bài vị, chưa đặt tượng thờ.
Trải qua thời gian, do ảnh hưởng của thời tiết, từ đường đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu cuối trước Cách mạng tháng 8/1945 là vào năm 1938. Ngày 16/2/2004, Từ đường họ Mạc được Nhà nước trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia (Quyết định số: 24/2002/BVHTT, ngày 17/9/2002 của Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do Bộ trưởng Phạm Quang Nghị ký). Sau đó, cùng trong năm 2004, cụ trưởng tộc Mạc Như Thiết (hậu duệ đời thứ 17 - Đức Mạc Thái Tổ) mới cho đắp câu đối (đã được lưu giữ từ lâu) trên 2 cây đèn trước từ đường họ: Long Động văn chương quang nhật nguyệt - Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà.
Di tích chùa Nhân Trai
Di tích chùa Nhân Trai là 1 trong 5 di tích thuộc cụm di tích liên quan tới nhà Mạc ở Dương Kinh, huyện Kiến Thuy có nhiều giá trị đặc sắc, tiêu biểu:
Chùa Nhân Trai đổi tên từ Nhân Thọ Cung sang Phúc Linh tự dưới thời Ứng vương Mạc Đôn Nhượng, năm 1553, Ngài cho dựng lại chùa. Ban đầu, chùa chỉ là một công trình nhỏ bé, đơn sơ, lợp gianh tre, nứa lá, sau mở rộng thêm diện tích.
Trước đây, chùa Nhân Trai có diện tích rất rộng lớn, ước khoảng 6 sào Bắc Bộ đất nội tự và 1 sào Bắc Bộ đất ngoại tự dùng vào việc sắm sửa nhang đăng.
Theo sử sách ghi chép lại: "Công chúa Lý Nam Khang, con vua Lý Nhân Tông trong khi đi kinh lý qua vùng này đã dừng chân nghỉ ngơi, nhận thấy dải đất có hình thể đẹp, bà đã cho dựng một am nhỏ lợp bằng cói lác quay về hướng Tây Bắc. Sau đó Thái tử Sam lên ngôi, hiệu là Lý Cao Tông đã xây dựng ngôi am này thành một ngôi chùa nhỏ thờ Phật cho dân ven biển đến lễ bái cầu an, cho gió yên biển lặng".
Vào cuối năm Tân Sửu 1541 niên hiệu Quảng Hòa, vua Mạc Phúc Hải đã cho trùng tu ngôi chùa này to đẹp hơn, chùa quay hướng Đông Nam nhìn ra biển, đồng thời dựng tượng vua Mạc Thái Tổ cùng 4 tượng đứng chầu vua: Bên hữu đứng đầu là Mạc Đăng Doanh rồi đến Mạc Ngọc Di sắc phong Tú Hoa công chúa, hàng bên tả đứng đầu là Mạc Ngọc sắc phong là Trạng Hoa công chúa, thứ đến là Mạc Huệ sắc phong là Khánh Diêm công chúa.
Bên cạnh đó còn có tượng bà Vũ Thị Ngọc Toàn là vợ của vua Mạc Đăng Dung. Trước kia tượng Bà được đặt sau hậu chùa nhìn về hướng Tây Bắc nơi sinh ra bà ở làng Trà Phương.
Theo tấm bia chữ Hán "Sáng lập minh bi" còn lưu giữ tại chùa cho thấy:
Nhất hậu chủ Mạc Đôn Nhượng, tự là Huyền Đức đã đứng ra hưng công tu tạo ngôi chùa Nhân Trai vào năm Kỷ Mão (1579).
Chùa Nhân Trai tiếp tục được sửa chữa lại vào đời vua Gia Long 1809, ghi ở xà cửa nhà Tam Bảo. Đến năm 1841, chùa được tu sửa lại mang tên Phúc Linh tự. Năm Thiệu Trị lục niên (1846), chùa tu sửa ghi ở đầu bia, năm Thành Thái thứ năm
(1893) ghi ở rường đầu, năm Duy Tân thứ tư (1910) ghi ở nóc chùa. Năm Bảo Đại thứ 10 (1934), chùa trùng tu thêm lần nữa.
Những năm 1996 - 1998, do bị xuống cấp nặng nề, nhân dân đã quyên góp
tiền bạc, sức người vào tu bổ lại chùa. Thời Ứng vương Mạc Đôn Nhượng, có cho đúc chuông chùa năm 1555. Sau này, chuông bị hủy trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1950, chùa mua chuông, sau bị mất. Năm 1993, chùa đúc chuông mới
nặng 50kg, còn đến hiện nay.
Trải qua bao cuộc thăng trầm biến thiên của lịch sử dân tộc, sự tàn phá nắng mưa theo thời gian, cũng như sự tàn phá của chiến tranh, các hạng mục công trình của chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ, phục dựng lại nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tâm linh của đồng bào Phật tử và nhân dân địa phương.
Được sự cho phép của các câp chính quyền và các cấp Giáo hội, ngày 6/5/2019 (tức mùng 2 tháng 4 năm Kỷ Hợi), Đại đức Thích Tục Nhân (nay là Thượng tọa) đã cùng cùng bà con Phật tử cung thỉnh Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo thành phố Hải Phòng, làm ngôi phương trượng chùa Phúc Linh. Đồng thời cùng chính quyền, các cấp Giáo hội, Phật tử và nhân dân địa phương tổ chức lễ khởi công động thổ xây dựng ngôi Đại hùng bảo điện chùa Phúc Linh có diện tích hơn 200m', trên tổng diện tích khuôn viên chùa 700m.
Di tích Đền - Chùa Hòa Liễu
Di tích Đền - Chùa Hòa Liễu là 1 trong 5 di tích thuộc cụm di tích liên quan tới nhà Mạc ở Dương Kinh, huyện Kiến Thuy có nhiều giá trị đặc sắc, tiêu biểu:
Cùng với quá trình hình thành vùng đất và con người, nhân dân làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên đã xây dựng lên những công trình văn hóa cổ truyền đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo đạo Phật và tín ngưỡng tôn thờ Thành hoàng làng. Đó là đền và chùa Hòa Liễu ngày nay. Cả hai di tích cùng tọa lạc trên một khuôn viên đất đai tạo thành một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh.
Đền Hòa Liễu là nơi tôn thờ bà Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, một nhân vật lịch sử thời Mạc, người có công với làng trong việc mở mang, xây dựng làng xã, làm việc thiện giúp dân, giúp đời. Theo thế phả họ Mạc, bà Thái Hoàng Thái hậu họ Vũ là vợ vua Mạc Đăng Dung. Tên tuổi của bà đã xuyên suốt cả 3 đời vua Mạc thịnh trị. Đền Hòa Liễu có bố cục kiến trúc kiểu chữ nhị. Tòa tiền đường 3 gian, hậu cung một gian hai trái với mái đao cong làm bằng gỗ lim. Không gian hậu cung đền có các đồ thờ tự lộng lẫy vàng son, rất cổ kính linh thiêng.
Chùa Hòa Liễu, tên chữ là Thiên Phúc tự, gồm 3 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Hậu cung xây kiểu chồng diêm hai tầng mái, mái lợp ngói mũi hài. Không gian kiến trúc bên trong là nơi bài trí các pho tượng Phật.
Trong khu di tích đền và chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên hiện còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật của nhiều thời kỳ lịch sử.
Đặc biệt là các di vật thời Mạc tạc bằng chất liệu đá gồm 3 pho Tam thế, hai pho tượng Phật Quan thế âm và Đại thế chí, đôi sấu đá trước cửa chùa. Còn ở đền có các di vật mang phong cách nghệ thuật thời Mạc rất tiêu biểu như tấm bia đá Thiên Phúc tự dựng vào đời vua Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quang Bảo năm 1561, tượng bà Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cột đá "thạch trụ"
Qua nghiên cứu các di vật, bia ký, đã cung cấp nguồn tư liệu quí giá về bối cảnh kinh tế xã hội thời Mạc hồi thế kỷ 16. Vào thời gian này, các ông hoàng bà chúa, các vị quận công chức sắc đã công đức khá nhiều tiền của vào việc dựng chùa, tạc tượng, đúc chuông, nhất là ở địa bàn huyện Kiến Thụy, quê hương của vương triều Mạc. Làng Hòa Liễu từ lâu đã nổi tiếng là một địa phương còn gìn giữ được nhiều thuần phong mỹ tục. Ngày lễ của làng, sau lễ cúng thần còn có hội minh thề. Ngoài ra, ở đây còn có phong tục ứng xử cao đẹp với người già. Nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian tại địa phương như tế lễ, giao hiếu, bơi trải, hát đúm vẫn còn được bảo lưu, gìn giữ đến ngày nay.
Năm 1993, di tích đền, chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên đã được xếp hạng là
Di tích cấp Quốc gia.
Chùa Thiên Phúc (còn gọi là chùa Hòa Liễu) thuộc thôn Hòa Liễu, xã Thuận
Thiên, huyện Kiến Thụy.
Chùa cũng được sửa chữa nhiều lần. Kiến trúc gỗ, tường xây hiện nay được dân làng làm cách nay khoảng 60 - 70 năm trước. Ngay cạnh chùa là ngôi đền thờ bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ thời Mạc. Đền cũng được xây mới hoàn toàn. Không rõ dưới thời Mạc đã có ngôi đền này hay chưa, chỉ biết rằng các vết tích Mạc hiện còn cho thấy dường như ngôi đền bây giờ cũng nằm cùng khuôn viên của chùa vì ngay trước sân đền có một tâm bia đá của chùa.
Theo lời kể của các bậc cao niên, đền chùa Hòa Liễu được tạc bằng đá xanh lấy ở Núi Voi, Thanh Hóa đưa về. Đền chùa dỡ để tiêu thổ kháng chiến vào những năm chống Pháp. Bộ đội về đây đóng quân, luyện tập từ những năm 1946 - 1947, các chiến sĩ đào hầm trú ẩn ngay dưới tượng Đức Ông tại chùa, rồi cho đất vào bị cói đem ra đổ xuống ao. Do chùa và đền nằm gần nhau nên cán bộ kháng chiến thường trèo lên mái nhà và cây nhãn cổ thụ cạnh đó để cất giấu tài liệu.
Kháng chiến chống Pháp nổ ra, nhân dân dỡ đi 9 gian thông nhau chỉ giữ lại hậu cung.
Sau năm 2017, khu vực Đền - Chùa Hòa Liễu được tu bổ.
Di tích chùa Trà Phương
Di tích chùa Trà Phương là 1 trong 5 di tích thuộc cụm di tích liên quan tới nhà Mạc ở Dương Kinh, huyện Kiến Thuỵ có nhiều giá trị đặc sắc, tiêu biểu:
Chùa có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Theo nhiều tài liệu, văn bia, cùng truyền sử địa phương, chùa còn có tên nôm là chùa Bà Đanh, vốn có từ lâu đời. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - mỹ thuật đoán định, ngôi chùa làng Trà Phương lúc ban đầu mang tên Bà Đanh có thể được khởi dựng vào thời Lý (1010 - 1225), qua dấu tích một số di vật đá còn sót lại trong khuôn viên hiện nay của chùa, đặc biệt có ba chiếc chân tảng bằng đá xanh, chạm hình cánh sen chưa bị huỷ hoại.
Nhưng có một ý kiến khác đánh giá, chân tảng kê cột này gần gũi với chân tảng thời Mạc ở chùa Lạng (Hải Dương). Riêng về một số phiến đá xanh bậc thềm đá nhám xây tường với nhiều kích cỡ khác nhau đặc biệt có viên đá chạm nổi hình rồng chầu mặt nguyệt, rồng mang phong cách nghệ thuật Mạc trùng với niên hiệu tu tạo ngôi chùa Trà Phương.
Chùa Trà Phương thật sự nổi tiếng ở vùng Duyên Hải từ khi Mạc Đăng Dung xuất thân từ dân chài xứ Đông (Hải Dương cũ), từng bước làm quan to trong triều, rồi lên ngôi Vua, năm Đinh Hợi (1527).
Theo tư liệu địa điền dã, thì trước đây ngôi chùa vốn chỉ là một công trình nhỏ bé, ở vào địa thế hẻo lánh, gần rừng cây rậm rạp, ít người biết đến. Do mối quan hệ thân tình giữa bà Vũ Thị Ngọc Toàn với Mạc Đăng Dung, hai người kết duyên từ thuở còn bần hàn, giúp chồng lo liệu việc nhà. Khi Mạc Đăng Dung lên chức quan to trong Triều Lê, đã mở phủ đệ riêng gần quê vợ (Gò phủ cao, còn lưu danh đến ngày nay) .
Năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung lên ngôi Vua, bà Vũ Thị Ngọc Toàn được phong Hoàng Hậu .
Văn bia chùa Bảo Lâm, xã Trâu Bộ, huyện Giáp Sơn, nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ghi: Vũ Thái Hậu là bậc thánh mẫu của Thánh triều. Bà sùng đạo Phật, đã đứng làm hội chủ hưng công tu sửa nhiều chùa. Số tiền ruộng bà cúng cho các bản chùa không nhiều, nhưng nhờ có bà nên các ông hoàng, bà chúa, quan lại chức sắc đương thời hưởng ứng đông đảo như văn bia các chùa: Đồng Quan (Vĩnh Bảo), Minh Phúc (Tiên Lãng), Du Lễ (Kiến Thụy) đã ghi nhận.
Tại chùa Trà Phương, quê hương bà, đã ghi công bà đứng đầu danh sách hưng công tu tạo, cúng vào chùa 1 mẫu, 9 sào ruộng làm của Tam Bảo. Vua Thái Tổ nhà Mạc còn ra lệnh cho viên Thái giám tên gọi Chúc Hiện theo hầu Bà Hoàng Thái Hậu, chuyên lo công việc tu sửa lại ngôi chùa Bà Đanh (Thiên Phúc Tự) tại vị trí hiện nay, với qui mô rộng lớn hơn ngôi chùa cũ. Khi lên ngôi Vua, Mạc Thái Tổ đã cho di chuyển ngôi chùa Bà Đanh cũ về địa điểm hiện nay, ven đầm Cổng Phủ cũ.
Chùa Thiên Phúc, sau khi được tu tạo, đã trở thành một chốn Phật đường nổi tiếng. Bản chùa đã nhiều lần được vị Quốc Sư Hoà Thượng họ Đào về giảng kinh thuyết pháp cho sư sãi, Phật tử tại chùa. Bước sang thời Lê Trung Hưng, chùa Trà Phương bước sang thời kỳ suy tàn, đổ nát, phần lớn kiến trúc, di vật văn hoá Mạc trong thế kỷ 16 đã bị huỷ hoại. Dấu vết kiến trúc cũ chỉ còn lại một số thềm bậc đá, chân tảng đá, và một số bệ tượng, pho tượng đơn lẻ. Phong cách nghệ thuật kiến trúc hiện nay của ngôi chùa mang tiếng nói nghệ thuật thời Nguyễn, nửa đầu thế kỷ 20.
Hiện chùa đang lưu thờ hai bảo vật quốc gia thời Mạc: Pho tượng đá Mạc Thái tổ và bức phù điêu đá Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn
Nguồn: Di tích
Viết bình luận