TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Trong suốt 844 năm lịch sử chế độ giáo dục khoa cử Nho học (1075 – 1919), các triều đại phong kiến nước ta đã lấy tổng cộng 47 vị Trạng nguyên, trong đó lừng danh nhất, được người đời ca ngợi hơn cả là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585). Ông là nhà thơ kiệt xuât, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hoá lớn, nhưng trước hết trong nhận thức của quần chúng bao đời nay, ông là vị Trạng Trình gần gũi và có tài tiên tri bậc nhất.

1. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 22 (1491) tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Thân phụ là Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên tiên sinh, có văn tài, học hạnh. Thân mẫu là Nhữ Thị Thục, con gái út Thượng thư Nhữ Văn Lan, tương truyền là người thông minh, giỏi văn chương, am tường lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm thuở nhỏ có tên là Văn Đạt, thông minh, học giỏi, sớm được mẹ đem chính văn, kinh truyện và thơ quốc âm ra dạy. Lớn lên, ông vào tận xứ Thanh thụ nghiệp Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (1472 – ?) – vị thầy rất nổi tiếng trong giới sĩ phu đương thời, tuổi trẻ tài cao, từng giữ chức Thượng thư bộ Lại, kiêm Đông các đại học sĩ, tước Đôn Trung bá, nhưng sau khi đưa ra Kế sách trị bình nổi tiếng không được vua Lê chấp nhận, ông cáo quan (1509) về quê sống nghề dạy học. Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành học trò giỏi nhất, và được ông truyền cho bộ sách quý về Dịch học là Thái ất thần kinh.

Thời trẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm sống trong một xã hội đầy biến loạn nên chăm chỉ sách đèn, nuôi chí lớn. Các kỳ thi vào cuối thời Lê sơ và 2 khoa đầu triều Mạc, ông không tham dự. Maĩ đến năm Giáp Ngọ, niên hiệu Đại Chính thứ 5 (1534), đời vua Mạc Đăng Doanh (ở ngôi 1530-1540), đất nước hưng thịnh, theo lời khuyên của bạn bè, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới ra ứng thí và đậu Giải nguyên, năm sau (1535) thi Hội đậu Hội nguyên, vào thi Đình đậu Đệ nhất giáp Đệ nhất danh Tiến sĩ cập đệ, tức Trạng nguyên. Lúc đó, ông đã 44 tuổi. Ông làm quan cho triều Mạc, từng giữ các chức Tả thị lang bộ Lại, kiêm Đông các đại học sĩ, sau thăng đến chức Thượng thư bộ Lại, tước Trình Tuyền hầu rồi Trình quốc công, người đời tôn xưng là Trạng Trình. Vũ Khâm Lân (1702 – ?) trong Phả ký và Phan Huy Chú (1782-1840) trong bài viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm phần Nhân vật chí sách Lịch triều hiến chương loại chí đều chép ông chỉ làm quan cho nhà Mạc 8 năm, từng dâng sớ hạch tội 18 tên lộng thần nhưng không được chấp nhận. Đến năm 1542, ông cáo bệnh từ quan về quê trí sĩ (1). Dựa theo thơ văn của ông và một số tư liệu mới phát hiện, các học giả hiện nay đều cho rằng đến khoảng trên 70 tuổi, ông mới nghỉ hưu, dựng am Bạch Vân bên bờ sông Tuyết Hàn và mở trường dạy học. Người đời tôn xưng ông là Tuyết Giang phu tử. Ông có đông học trò, trong đó có các tên tuổi nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện, Nguyễn Dữ, Đinh Thì Trung…(2).

2. Nguyễn Bỉnh Khiêm sống trong một thời đại đầy biến động. Triều Lê sơ sau đỉnh cao rực rỡ dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497) dần dần tụt dốc, mục nát. Triều Mạc thành lập (1527-1592), tiếp đó là cuộc nội chiến Lê – Mạc. Những biến cố này đã làm đảo lộn đời sống xã hội đương thời. Tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm nảy nở trong bối cảnh văn hóa đó. Trong đội ngũ Nho gia nước ta, trước ông có Chu Văn An (1292-1370), sau ông có Nguyễn Thiếp (1723-1804), là những người chuyên tâm nghiên cứu tương đối có hệ thống về triết lý Nho giáo. Nhà bác học Phan Huy Chú trong tài liệu đã dẫn trên viết về ông: “…học rộng khắp các sách, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch; mưa nắng họa phúc, việc gì cũng biết trước” và dẫn lời sứ thần đầu đời Thanh là Chu Xán khen Nguyễn Bỉnh Khiêm là: “An Nam lý học hữu Trình Tuyền (Lý học ở An Nam có Trình Tuyền). Đương thời, Trạng nguyên Giáp Hải (1507-1586), đậu sau ông một khóa (1538) cũng ca ngợi ông: “Chu Liêm Khê hậu hựu Y Xuyên/ Lý học vu kim hữu chính truyền” (Sau Liêm Khê (Chu Đôn Di) lại có Y Xuyên (Trình Di)/ Lý học ngày nay bậc chính truyền).

Lý học là phép học đời Tống, Minh, gồm tượng số học, lý học, tâm học với các tên tuổi lừng lẫy như Chu Đôn Di (1017-1073), tự Mậu Thúc, nhà sách của ông có tên là Liêm Khê, nên người đời tôn xưng là Liêm Khê tiên sinh; Trình Hạo (1032-1085), tự Bá Thuần; Trình Di (1033-1107), em ruột Trình Hạo, tự Chính Thúc, học giả xưng là Y Xuyên tiên sinh; Chu Hy (1130-1200), tự Nguyên Hối, lại tự Trọng Hối, biệt hiệu Hối Am; Lục Cửu Uyên (1139-1193), tự Tử Tĩnh, học giả tôn xưng là Tượng Sơn tiên sinh; Vương Dương Minh (1472-1528), vốn tên là Vương Thủ Nhân… Đặc điểm của Nho học thời này là sự nghiên cứu lý khí và tâm tính. Lý khí là vấn đề thực tại, bản thể. Tâm tính là vấn đề tâm lý và luân lý, đạo đức. Học thuyết lý khí chủ yếu bắt nguồn từ Hệ từ của Kinh Dịch và tư tưởng Lão Trang. Lý luận về tâm tính thì bắt nguồn từ tư tưởng Thiền Tông và học thuyết Mạnh Tử (3).

Tuy bắt nguồn từ học thuyết Tống Nho, Minh Nho nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn có vóc dáng đặc trưng của một nhà tư tưởng Đại Việt thời đại ông. Ông học Kinh Dịch nhưng không lệ thuộc vào nó. Ông chorằng trời, đất, người đều từ khí sinh ra. Đây là một quan điểm duy vật về triết học. Lại nữa, ông đã đạt đến tư duy biện chứng khi cho rằng mọi sự vật, sự việc đều lưu động, biến đổi, sinh ra, mất đi rồi lại bắt đầu: “Sinh sinh dục thức thiên cơ diệu/ Nhận thủ hàn mai nghiệm nhất dương” (Muốn biết cơ trời thần diệu, muôn sự muôn vật cứ kế tiếp nhau sinh sản ra mãi/ Hãy xem hoa mai đang nở trong tháng rét kia, sẽ thấy rằng một khí dương lại sinh ra, mùa xuân sắp trở lại vậy) (Trung Tân ngụ hứng, bài 1)(4). Đặc sắc nhất là ông đã sáng tạo một đạo lý làm người tuy bắt nguồn từ tam cương, ngũ thường Nho giáo, nhưng có nét riêng. Ông không phải là nhà Nho cố chấp. Lòng trung của ông có nét khác biệt là giữ vẹn điều thiện và lấy tình thực mà ứng xử. Quan niệm đạo đức của ông có chỗ độc đáo, nói lên được đạo đức làm người, mong ước làm người của nhân dân lao động, thể hiện trong nhiều câu thơ và được kết tinh ở trong Bài bia ở quán Trung Tân: “…Có người hỏi ta rằng: “Quán ấy đặt tên là Trung Tân có nghĩa là gì?”. Ta trả lời rằng: “Trung nghĩa là đứng giữa không chênh lệch, giữ vẹn được điều thiện là trung, không giữ được điều thiện thì không phải là trung vậy; tân có nghĩa là cái bến, biết chỗ đáng đậu là bến chính, không biết chỗ đáng đậu là bến mê vậy. Đó, cái quán ta đặt tên là Trung Tân chính là nghĩa ấy. Như trung với vua, hiếu với cha mẹ, thuận giữa anh em, hòa giữa vợ chồng, tín giữa bạn bè, đó là trung vậy. Thấy của phi nghĩa đừng có tham, vui làm điều thiện, lại có độ lượng bao dung người khác, suy lòng chí thành để đối đãi với mọi người đó cũng là trung vậy. Trung ở chỗ nào tức là điều chí thiện ở chỗ ấy” (Bản dịch của Ngô Lập Chi)(5). Ở đây, ông đã đưa những quan niệm đạo đức của nhân dân vào hệ thống các quan hệ của con người trong xã hội như “thuận giữa anh em, hòa giữa vợ chồng… Thấy của phi nghĩa đừng có tham, vui làm điều thiện, lại có độ lượng bao dung người khác. Do sống gần dân, hòa tâm tư tình cảm của mình với dân, ông đã biến thái độ tích cực của mình với dân thành những nguyên tắc sống đẹp bao giờ cũng có lợi cho sự rèn luyện nhân cách.

3. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, người được Hoàng đế Quang Trung tôn làm thầy, lúc về trấn Hải Dương mong tìm lại dấu tích gắn với cuộc đời Tuyết Giang phu tử đã ngậm ngùi viết bài thơ Quá Trình Tuyền Mục tự (Qua chùa Mục ở quê Trình Tuyền) có mấy câu hết lời ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Áo cơ tham tạo hóa/ Nhàn khí mạo công vương/ Phiến ngữ toàntam tính… (Mưu cơ sâu kín dự vào việc của tạo hóa/ Dáng vẻ nhàn nhã như bậc công vương/ Một lời nói chu toàn cho cả ba họ).(6) “Một lời nói chu toàn cho cả ba họ” là nhắc đến những câu trả lời của Trạng Trình khuyên họ Mạc lên giữ Cao Bằng (Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế), mách họ Nguyễn vào trấn giữ Thuận Hóa (Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân), gợi ý cho họ Trịnh mượn danh nghĩa nhà Lê mà nắm lấy thực quyền, chứ đừng cướp ngôi (giữ chùa thờ Phật thì ăn oản)…

Bài thơ Cự ngao đới sơn nằm trong tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập được Nguyễn Bỉnh Khiêm viết cách đây gần 500 năm, nhưng mãi gần đây khi biển Đông dậy sóng, chủ quyền biển đảo của ta bị bọn bành trướng phương Bắc uy hiếp nghiêm trọng, nó mới được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Đáng chú ý là bài viết “Bài thơ Cự Ngao Đới Sơn – một dự báo chiến lược thiên tài của Nguyễn Bỉnh Khiêm” (2013) của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thuộc Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt Nam và bài Tầm nhìn chiến lược về biển đảo của Trạng Trình từ 500 năm trước: Nhân đọc bài thơ Cự ngao đới sơn trong Bạch Vân am thi tập của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (2014) của nhà thơ Nguyễn Đình Minh. Hai tác giả đã có những phân tích về tầm nhìn đi trước hằng bao thế kỷ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của một quốc gia (cụ thể ở đây là phải chắc chắn xác lập được chủ quyền của Đại Việt đối với biển Đông hay còn gọi là biển Nam Trung Hoa) ở vào giai đoạn trung đại khi mà không mấy ai thực sự quan tâm đến nó, ngay cả với những nhà hoạch định chiến lược vốn nổi tiếng nhìn xa trông rộng của các triều đại phong kiến Trung Hoa trước đây. Cả hai tác giả đều chú ý đến 4 câu sau: Vạn lý đông tân quy bả ác/ Ức niên nam cực diện long bình/ Ngã kim phục triển phù diên thủ/ Vãn đắc quan hà cựu đế thành (Muôn dặm bể Đông nằm ở trong tay/ Ức năm nam cực thái bình yên lặng/ Ta đây muốn thi thố thủ đoạn nâng đỡ vận nước lúc ngả nghiêng/ Kéo lại giang sơn, đế kinh được vững vàngnhư cũ). Nguyễn Khắc Mai cho rằng: “Bài thơ có tuổi đã khoảng 500 năm mà bây giờ càng đọc càng thấy rất kim nhật kim thì, rất thời sự. Ta những tưởng như cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay … Câu thơ cuối bài của cụ… chính là nói về chúng ta trong những nhiệm vụ làm chủ biển Đông hôm nay vậy”(7).

Còn nhiều câu nói, lời thơ khác ra đời ở thế kỷ XVI và cả ở những thế kỷ về sau được tập hợp trong các tập sấm ký Trình quốc công sấm ký Trình tiên sinh quốc ngữ gọi chung là sấm Trạng Trình. Trước hết, cần chú ý rằng thế kỷ XVI là thế kỷ loạn lạc, người thế kỷ ấy tin vào sấm ký, cũng như cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI cũng là thời loạn lạc và người thời ấy cũng tin vào sấm ký. Đầu thế kỷ XI, thiền sư Vạn Hạnh (?- 1018) nổi tiếng về sấm ký. Thế kỷ XVI, nhà nho Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nổi danh về sấm ký. Mẫn cảm với thời cuộc, nắm bắt mọi diễn biến phức tạp của tình hình, hết sức nhạy bén, từ đó phân tích và lý giải mọi vấn đề một cách sâu sắc, Trạng Trình đã có những dự báo thật chuẩn xác cho kết cục của bàn cờ thế sự đương thời. Những lời ông nói ra đều được các tầng lớp xã hội coi là có giá trị như những câu sấm truyền, thật dễ chinh phục lòng người! Mức độ tin cậy và ý nghĩa của chúng ra sao? Có thể tham khảo nhận định của GS Bùi Duy Tân: “Những lời mách bảo có tính chất tiên tri nhưng lại có thể cắt nghĩa được một cách lôgic biện chứng từ trong học vấn của Trạng, trong hoàn cảnh xã hội và tâm lý con người thời đại. Triết học Trạng Trình chính là phản ánh tâm lý, khát vọng của con người muốn có sự biến động, sự đổi đời, sự xuất hiện những sự kiện có ý nghĩa lớn, chờ đợi  mộtthời thế xoay vần, để đỡ khổ, để có một cuộc sống thái bình, thịnh trị. SấmTrạng, sấm ngữ… chỉ là biểu hiện đặc biệt của tinh thần thời đại, gạt đi phần mê tín, hoang đường, chúng cũng góp phần phản ánh sự quan tâm của nhân dân đối với thời vận đất nước, trong hoàn cảnh một xã hội đầy bạo lực, loạn ly, biến động”(8).

4. Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện nay ngoài sấm ký còn có Bạch Vân quốc ngữ thi; Bạch Vân Am thi tập và nhiều bài văn bia, trong đó một số đã mất hoặc không còn đọc được, một số mới được phát hiện…

Bạch Vân Am thi tập có lời tựa của tác giả: “Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là để nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chỉ thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong nghề thơ. Tuy nhiên cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa khỏi được, mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa cúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả nghìn bài, biên tập thành sách…”. Hiện nay, trên các văn bản chữ Hán (các bản in triều Nguyễn, các bản chép tay) thì còn lại khoảng sáu, bảy trăm bài (9).

Bạch Vân quốc ngữ thi là tập thơ Nôm, đương thời chưa được khắc ván in. Các bản sao chép về sau có bản gần 200 bài, có bản chỉ khoảng 100 bài. Theo GS Bùi Duy Tân thì hiện nay còn khoảng 180 bài, trong đó có lẫn vài chục bài của các tác giả khác(10).

Nhận xét về tập thơ này, GS Đặng Vũ Khiêu viết: “Thơ văn ông vừa mang những nét mộc mạc và rắn chắc của thơ Nguyễn Trãi, vừa tiếp thu truyền thống trau chuốt và nhuần nhuyễn của thơ Lê Thánh Tông và nhóm Tao Đàn. Thơ ông chính là sự chuẩn bị cần thiết cho sự phát triển rực rỡ của thơ Nôm thế kỷ XVIII. Có lẽ đầy lòng tự hào vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân mà ông gần gũi và yêu quý… mà ông đã đưa vào trànngập trong thơ ông những lời đẹp nhất của ca dao, tục ngữ… đi vào lòng người với những nét rất thân thương của những đồ đạc, những rau cỏ, những chim muông gặp gỡ hàng ngày… đi vào niềm vui và nỗi lo của từng người và từ đó đưa vào thơ một tính nhân dân sâu sắc”(11).

Học giả xưa nay đã nói nhiều về giá trị nội dung và nghệ thuật thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chỉ xin nhấn mạnh: thơ ông (cộng cả thơ chữ Hán và thơ Nôm) xét về số lượng thì cho đến thời ông chưa ai theo kịp, còn chất lượng cũng thật đặc sắc. Tiến sĩ Vũ Khâm Lân ca ngợi thơ ông: “không cần gọt dũa mà tự nhiên, giản dị mà lưu loát, thanh đạm mà có nhiều ý vị… như gió mát, trăng thanh, nghìn năm sau còn tưởng thấy”(12).

5. Viết chân dung nhà khoa học Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau vì tài năng và nhân cách của ông thật đa dạng. Ông vừa hàm súc với Bạch Vân Am thi tập và các bài văn bia, vừa giản dị với Bạch Vân quốc ngữ thi, vừa sâu sắc với những lời sấm truyền, lại vừa mộc mạc dân dã với các giai thoại lưu truyền trong dân gian. Có thể hình dung ông là một nhà lý học xuất thân nơi cửa Khổng sân Trình, một thời hết lòng trung quân ái dân: “Quân vương như hữu quang minh chúc/ Ủng chiếu cùng lư bộ ốc dân” (Nếu nhà vua có bó đuốc sáng/ thì nên soi đến nơi nhà nát xóm nghèo

- Cảm ứng); lại từng ghé thăm căn nhà Lão Trang và dừng bước chốn Thiền môn ít lâu rồi trở về sống giữa làng mạc đồng quê với những người dân hiền lành tốt bụng, học lời ăn tiếng nói của họ và trở thành người thầy, người bạn gần gũi của họ(13).

Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm sống mãi với thời gian, tài năng và nhân cách cao đẹp để lại bài học lớn cho hậu thế, đúng như nhận định của Tiến sĩ Vũ Khâm Lân: “Bởi tiên sinh chẳng những chỉ tinh thông môn lý học, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai, mà sự thực thì trăm đời sau cũng chưa dễ ai hơn được vậy. Ôi! Ở trong thiên hạ, các bậc quân vương, các vị hiềngiả, hỏi có thiếu chi, nhưng chỉ có lúc sống thì được phú quý vinh hoa, còn sau khi mất thì những cái đó lại cũng mai một đi với thời gian, hỏi còn ai nhắc đến nữa? Còn như tiên sinh, nói về thế hệ đã truyền đến 7, 8 đời, gần thì sĩ phu dân thứ ngưỡng vọng như bóng sao Đẩu trên trời, dẫu cách ngàn năm cũng còn tưởng như một buổi sớm, xa thì sứ giả Thanh triều tên Chu Xán nói đến nhân vật Lĩnh Nam cũng đã có câu: “An Nam lý học hữu Trình Tuyềntức là công nhận môn lý học ở nước ta chỉ có Trình Tuyền là số một, rồi chép vào sách truyền lại bên Tàu. Như thế đủ thấy tiên sinh quả là một người rất mực của nước ta về thời trước vậy”(14)./.

Chú thích:

(1), (12), (14) Vũ Khâm Lân: Nguyễn công Văn Đạt phả ký trong sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề. Theo bản dịch ở quyển Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Quân. Sống mới Sài Gòn xuất bản năm 1974; Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí Nxb Giáo Dục, H. 2007, T.1, tr.447-451.

(2) Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường: Từ điển văn học Việt Nam, Nxb Giáo Dục, H. 1995, T.1, Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (CB): Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo Dục, H. 2005.

(3) Xem: Chu Học Cần (CB): Trung Hoa văn minh sử, Thượng Hải Từ thư xuất bản xã (2006), (Quyển 3, chương 6: Nho học và sự phát triển mới về tôn giáo, Tiết 1: Sự phục hưng Nho học và cống hiến lý luận của lý học Tống Minh), tr. 514-521 (Trung văn).

(4), (5) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Nxb Văn học, 1976, T.1, tr. 657,658; 652,653.

(6) Thơ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Sĩ Cẩn biên soạn. Nxb Nghệ An, 1998, tr.158-160.

(7) Xem thêm: Wikipedia mục từ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

(8) Bùi Duy Tân, Mấy vấn đề suy tưởng ngang qua sự nghiệp Trạng Trình trong cuốn: Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, H.1999, T1, tr.333-334.

(9) Xem: Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Hồ Như Sơn, Nxb Văn học, H.1983.

(10) Bùi Duy Tân, Thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm trong cuốn: Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Sách đã dẫn, tr.30, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, T.1, Bạch Vân quốc ngữ thi, Bùi Văn Nguyên phiên âm, chú thích, giới thiệu, Nxb Giáo dục. H.1981.

(11) Đặng Vũ Khiêu, Kỷ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Những vấn đề khoa học trong nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm trong cuốn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hội đồng lịch sử Hải Phòng, Viện Văn học, Hải Phòng, 1991.

(13) Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm tiêu biểu cho tư tưởng chung của giới Nho sĩ thời Mạc. Lúc này, Nho giáo tuy vẫn độc tôn nhưng cởi mở hơn, không còn cứng nhắc như thời Lê sơ. Phật giáo, Đạo giáo trỗi dậy khá mạnh tuy thời toàn thịnh tam giáo thịnh hành đã không còn nữa. Cũng cần nói thêm: Lý học Tống, Minh mà ông tiếp thu bấy giờ đã gồm cả tinh hoa Phật giáo Thiền tông và Đạo giáo chứ không thuần Nho nữa như đã nói trên!

Hồ Sỹ Huỳ

Nguồn: homacvietnam.vn

Viết bình luận