Trở lại pho tượng đá có hình chim trên mũ
Trong một số năm gần đây, người ta phát hiện được khá nhiều tượng có hình chim trên mũ, vùng trán, trong đó có hai tượng đá thời Mạc được cho là tượng của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Đó là tượng chùa xã An Đồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình và tượng chùa Trà Phương, Kiến Thụy, Hải Phòng. Tuy nhiên, tư liệu về hai pho tượng này rất hiếm hoi, nhất là tư liệu thư tịch và bi kí. Vì thế, không khỏi nảy sinh những sự suy đoán khác nhau. Do vậy, chúng tôi xin trở trở lại hai pho tượng này.
Tượng chùa An Đồng, Quỳnh Phụ được bài trí chung trên điện thờ gồm cả thảy 10 pho tượng đá. Trong đó có 3 pho tượng Phật Tam thế và 7 pho tượng người khác. Trong số 7 pho tượng người, thì 1 pho ở tư thế ngồi, hai pho đứng hai bên, tiếp đó là bốn pho tượng khác ở tư thế ngồi bài trí đối xứng hai bên.
Rõ ràng là trong số 7 pho tượng người đó, duy có một pho ngồi, lại có tượng đứng hầu hai bên, chứng tỏ tượng đó của một người có địa vị tối cao. Xem xét kỹ pho tượng này, thấy đây cũng là pho tượng đá duy nhất trên trán có hình chim bay chúc đầu xuống tương tự tượng có hình chim ở chùa Trà Phương, Kiến Thụy, Hải Phòng.
Tượng đá có hình chim này ở chùa An Đồng "tạc một người đàn ông ngồi trong thế xếp bằng, hai tay đặt trong lòng đùi luồn tay dưới tế tất, dải áo buông chùng dưới cân đai. Trang phục của tượng gồm 2 lớp áo. Lớp áo trong là áo Giao Lĩnh, chỉ hở ra chiếc cổ. Chiếc áo Đoàn Lĩnh cổ tròn mặc phía ngoài màu đỏ tươi, chính giữa ngực có bổ tử trang trí rồng trong ô tròn. Hình rồng trong bổ tử của áo do bị sơn thếp lại nên không còn sắc nét. Viền cổ áo có những cụm mây hình lá đề ba vòng xoáy với những tua rua ngắn đều đặn rủ xuống vai phía trước ngực và phía sau lưng. Bụng có lớp khăn quấn được thắt bằng một chiếc cân đai vòng sang cả phía sau với những trang trí theo ô cầu kỳ. Các nếp áo được mô tả khá kỹ và phủ trùm lên bệ ngồi của pho tượng.
Chân dung của pho tượng khá dung dị, mũi lớn, hai tai có thùy dài rủ xuống hai bên. Đầu tượng đội chiếc mũ thông thiên hình trụ, kết ba tầng cườm. Chính giữa trán của chiếc mũ, có hình một con chim đang dang cánh sang hai bên và chúc đầu xuống"1.
Tượng không có văn tự, nên không rõ được khắc vào thời nào. Tuy nhiên, qua một số hoa văn trang trí tiêu biểu, nhất là hình rồng trong hình bổ tử được chạm nổi, thân dài uốn lượn được gọi là rồng yên ngựa, tương tự nhiều hình rồng trang trí khác thường gặp trên bia thời Mạc. Các tượng đá Tam thế cũng cùng phong cách tượng Tam thế đá quý hiếm khác là kiệt tác ở thời Mạc. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật và khảo cổ học đều xác nhận niên đại của 10 pho tượng người bằng đá ở chùa An Đồng, Quỳnh Phụ này là tượng thời Mạc thế kỷ XVI.
Trên tượng cũng không có văn tự cho biết đây là tượng của nhân vật nào thời Mạc. Song với hình trang trí áo bào có bổ tử hình rồng, lại ở tư thế ngồi oai vệ là biểu trưng của Hoàng đế. So với các tượng thân vương nhà Mạc, thì tượng này cũng có nét đặc thù riêng. Trong khi tượng ở chùa An Đồng và chùa Trà Phương đều ở tư thế ngồi, hai tay để trên đùi, trán có hình chim bay chúc xuống thì tượng thân vương nhà Mạc (như ở chùa Nhân Trai) lại ở tư thế đứng, hai tay chắp lại ở phía trước, trán mũ được khắc chữ Vương. Nếu nhóm tượng có chữ Vương trên mũ là tượng thân vương nhà Mạc, thì tượng có hình chim chạm trên đầu ở chùa An Đồng và chùa Trà Phương là tượng của Hoàng đế nhà Mạc, mà cụ thể là tượng của Hoàng đế Mạc Thái tổ. Bởi tượng có phong thái một võ tướng phản ánh đầy đủ hình dáng, tính cách mạnh mẽ của con người Mạc Đăng Dung như ghi chép trong sử sách. Cũng vì thế, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền kết luận rằng: "...đây là pho tượng vua Mạc và rất có thể tượng này là tượng vua Mạc Đăng Dung" (Trang Thanh Hiền, Sđd).
Cùng thờ với tượng đá có hình chim trên trán ở chùa Trà Phương (Hải Phòng), còn có tượng một phụ nữ khác. Đó là tượng bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ, mà tượng Thái hoàng Thái hậu họ Vũ thì khá phổ biến, được thờ ở nhiều nơi, có văn bia ghi lại. Bà được xác định là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, người làng Trà Phương, là chính phi của Mạc Thái Tổ mà dân gian còn truyền ngôn rằng "Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa". Tượng đá có hình chim khắc trên trán được bài trí ngang hàng với tượng bà Thái hoàng Thái hậu. Điều đó hoàn toàn phù hợp với truyền ngôn của địa phương rằng: "Đây là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Thái hoàng thái hậu họ Vũ". Điều đó đã được hai nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Lâm Biền và Nguyễn Tiến Cảnh viết như sau:
"Cùng một dạng với tượng Ngọc Hoàng, ở chùa Trà Phương (Hải Phòng) còn có tượng Mạc Đăng Dung. Đây là một pho tượng bằng đá vôi, cao tất cả 74 cm, mặt cao cả mũ 28cm, ngồi trong thế kiết già, lòng đùi mở rộng 57cm, trong khi đó vai rộng xấp xỉ 35 cm. Về bố cục, tượng không được cân xứng như tượng Ngọc Hoàng chùa Ngo, mà rõ ràng sự tùy tiện mộc mạc có phần thô thiển lại được nổi bật. Đầu tượng cũng đội mũ bình thiên, có thành mũ hình trụ đứng, một con chim nhỏ chạm nổi ở phía trước, không khác với tượng Ngọc Hoàng. Viền vai áo là văn xoắn dấu hỏi, cổ áo cố vân lá sòi bao lấy nửa bông cúc mãn khai, những chi tiết này đơn giản nhưng chạm khá lớn so với tượng. Đó là vài biểu tượng chính của lực lượng tự nhiên gắn với hạnh phúc nông nghiệp. Các hình tượng này được đưa vào tượng thần linh như để nhấn thêm về sức mạnh và một số chức năng mà thần linh cần có cho đời. Tất nhiên, ý nghĩa kể trên không loại trừ đối với tượng Mạc Dăng Dung. Tượng để tay trên lòng đùi và kết ấn Tam Muội, chân khoanh, lòng bàn chân phải được lộ ra ở giữa vị trí hai gối (dưới bàn tay) chứ không lệch sang đùi trái. Đó là một hình thức tạo tác như thiếu tính chuyên nghiệp, mà chỉ cốt phơi bày một ý nghĩa nào đó để nói về một khía cạnh thuộc cuộc đời Mạc Đăng Dung.
Bằng hình thức ngồi kiết già và kết ấn, Mạc Đăng Dung đã là một phật tử. Tuy nhiên, là một phật tử nhà vua nên tượng vẫn đeo đai ngọc và giữa ngực áo vẫn có bố tử chạm rồng. Con rồng này khá thống nhất về một ý thức tạo hình so với tượng, có nghĩa là nó tùy tiện, mộc mạc, nhiều nét đột ngột. Hình thức rồng với các chi tiết như được vũ trụ hóa bộ mặt từ một con trâu. Mặt rồng ở chính giữa, như tư cách của một mặt hổ phù, đôi sừng đơn lởn vởn cong mạnh sang hai bên, cùng mắt, mũi, tai, mặt đều theo kiểu trâu. Chỉ có bộ tóc chải ngắn hất ngược lên và thân mang vẩy rồng đơn để khẳng định đó là một con vật vũ trụ2.
Có lẽ vì ý nghĩa này mà người ta đã dùng biểu tượng hình chim đính trên mũ bình thiên vua Lí Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông khi đúc mới các pho tượng này đặt tại nhà Thái học, Văn miếu Hà Nội vào năm 2003.
Hình tượng chim gắn trên đầu tượng, ngoài trên tượng Mạc Đăng Dung này ra, có thể là sớm nhất hiện biết, còn gặp trên một số pho tượng khác, thuộc thế kỷ XVII, XVIII, trong đó tiêu biểu là chim hai đầu trên tượng gỗ Tam Thế chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Thực ra, đây là hình tượng Thần điểu - chim Thần, có tiếng hót trong trẻo giảng về Pháp vi diệu, ai nghe thấy có thể tức thời mà lĩnh hội Phật pháp. Tương truyền rằng loài chim này là linh vật của ngài Bắc Phương Bất không thành tựu Phật. Đương thời Phật Thích ca Mâu ni giảng kinh Diệu pháp liên hoa cho hàng Bồ tát, từng đàn chim này đến đậu trên cây báu Chiên đàn để nghe và lĩnh hội được ý thâm mật của Phật. Sau đó, đàn chim bay đến các tầng trời để chuyển kinh bằng tiếng hót thuyết pháp của mình. Chúng tượng trưng cho sự lĩnh hội Phật pháp của loài hữu tình và là phương tiện chuyển Pháp đến với chúng sinh. Chim Thần cũng có thể hiểu là hình ảnh thuyết pháp của chư Phật, được người Việt sử dụng trong trang trí điêu khắc nhằm tạo cho tác phẩm có yếu tố siêu thực, làm mọi người liên tưởng đến tiếng hót vi diệu của loài chim thuyết pháp. Về mặt tạo hình, chim đều nằm ở đỉnh cao nhất của tượng trong tư thế bay hướng đầu xuống dưới, tạo thành hai chiều chuyển động: Phật là chúng sinh vươn lên chân lý, còn chim đại diện cho chân lý của Phật pháp sẵn sàng hòa xuống cùng chúng sinh. Cách tạo hình này biểu trưng quan niệm của Phật giáo: Phật pháp bất ly thế gian pháp3. Hình chim tạc trên tượng đá chùa An Đồng và Trà Phương thời Mạc, cũng không ngoài sử dụng điển Thần điểu trong Phật pháp trên4.
Trang trí hình chim trên mũ tượng Mạc Đăng Dung, có thể cho biết Mạc Đăng Dung sau khi mất, muốn quy Phật; cũng có thể là cái cớ nhằm che mắt thế lực thù địch để tránh bị hủy hoại.
Ngoài pho tượng đá còn có một số tượng khác cũng có hình chim trên trán tượng. Những tượng này chủ yếu được làm bằng gỗ, có niên đại muộn hơn. Rất có thể những pho tượng này được làm vào nửa sau thế kỷ XVII trở đi, khi nhà Mạc phải bỏ chạy khỏi Cao Bằng, li tán khắp nơi, trong đó một số trở về vùng Dương Kinh xưa. Những tượng này được tạo tác trên cơ sở mô phỏng hình tượng đá hình chim, nên không hẳn đã là tượng của vua Mạc như tượng chùa Chiêu Tường, Hải Phòng. Những pho tượng này tuy cũng có hình chim và cùng nằm trong môi trường phụng thờ của họ Mạc, nhưng không phải tượng vua Mạc.
Thay lời kết, tượng đá khắc hình chim trên trán duy nhất có hai pho một là ở An Đồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình và hai là ở chùa Trà Phương, Kiến Thụy, Hải Phòng là tượng thời Mạc gắn với nhân vật được Hoàng tộc nhà Mạc hết mực tôn sùng: Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Trong đó, tượng ở An Đồng có thể được tạo tác sớm hơn, gần với lúc sinh thời của Mạc Đăng Dung hơn; còn tượng chùa Trà Phương có phần nhấn mạnh hơn vẻ uy phong của một võ tướng được đời sau sùng bái. Bên cạnh tượng vua Mạc này, còn có các tượng khác của thân vương nhà Mạc mà phần lớn trên mũ đều có hình chữ Vương, như tượng Vương chùa Trung Hành, Nhân Trai, Phúc Linh, Hoà Niểu (Hải Phòng). Cách thức tạo tác các pho tượng này mang tính đặc thù chỉ gặp ở thời Mạc. Tuy nhiên, không phải cứ tượng nào có hình chim trên đầu cũng là tượng vua Mạc, hoặc tượng của vua; và không phải cứ tượng nào có hình chữ Vương cũng là tượng của thân vương nhà Mạc hoặc của Hoàng tộc. Nhưng hai pho tượng đá thời Mạc ở chùa Trà Phương và chùa An Đồng có hình chim trên mũ bình thiên thì không thể là ai khác, ngoài Thái tổ Mạc Đăng Dung.
PGS.TS.Đinh Khắc Thuân
Viết bình luận