Vai trò Vương triều nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam

Hội thảo khoa học quốc gia "Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam" với hơn 60 bài tham luận là những luận cứ khoa học, sử liệu tin cậy nhìn nhận khách quan, công bằng đối với sự đóng góp của Vương triều nhà Mạc trong lịch sử nước ta.

Thêm những nhìn nhận khách quan về Vương triều Mạc

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: Vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm hai giai đoạn: 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527-1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592-1677).

Vai trò lịch sử của Vương triều nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam  - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học quốc gia "Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam" mang lại những đánh giá tích cực, khách quan về vai trò của Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Suốt thời kỳ đó, đặc biệt là giai đoạn cầm quyền ở Thăng Long, vương triều Mạc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Tuy nhiên, do những hạn chế mang tính cố hữu, chủ yếu xuất phát bởi quan điểm chính trị từ thời Lê - Nguyễn, đã dẫn tới những nhận thức sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về Nhà Mạc.

Trong khoảng bốn thập niên trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam, dựa trên quan điểm đổi mới sử học và những thành tựu khoa học - công nghệ, nhận thức chung không chỉ giới nghiên cứu lịch sử, mà còn của cả xã hội đã từng bước thay đổi.

Vai trò lịch sử của Vương triều nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam  - Ảnh 2.

Ông Vũ Minh Giang phát biểu tại hội thảo.

Nhận thức về Vương triều Mạc và thời đại nhà Mạc từng bước được nâng lên. Mọi khía cạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Mạc được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học và toàn diện hơn, từ đó đi tới những đánh giá gần với thực tế hơn về công lao, đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã đề cập đến nhiều khía cạnh về thời Mạc và Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam với nhiều dữ liệu chứng minh về bối cảnh ra đời, tâm thế chính trị, những cải cách về thiết chế chính trị, tư tưởng, luật pháp, hành chính, quân đội… dưới thời Mạc; Công cuộc canh tân đất nước thời Mạc và những di sản, kinh nghiệm cho ngày nay.

Qua đó, có nhiều phát hiện và kiến giải mới góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.

Hải Phòng nỗ lực giữ gìn, tôn vinh sự đóng góp và những di sản của Vương triều Mạc 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là nơi phát tích của Vương triều Mạc, với thời gian trị vì tại kinh thành Thăng Long không nhiều nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà. 

Vai trò lịch sử của Vương triều nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam  - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tại hội thảo.

Ông Tùng nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo là việc làm có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 540 năm ngày sinh của Vua Thái Tổ Mạc Đăng Dung (22/12/1483). Kết quả của hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học, những sử liệu tin cậy, góp phần cho việc nhìn nhận khách quan, công bằng đối với sự đóng góp của vương triều này và được thể hiện xứng tầm trong bộ quốc sử nước nhà.

Trong những năm qua, TP Hải Phòng,chính quyền, nhiều đơn vị cùng với Hội đồng Mạc tộc đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể, nhằm tôn vinh sự đóng góp và những di sản của vương triều này để lại.

Tiêu biểu là các cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Ninh Vương Mạc Phúc Tư, Phật giáo thời Mạc, chợ thời Mạc hoặc dành một chương biên soạn về nhà Mạc trong bộ lịch sử Hải Phòng 4 tập, xuất bản đầu năm 2021, đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương (môn Lịch sử) và nhiều nhà khoa học đã xuất bản những ấn phẩm về Vương triều Mạc.

Nhiều di sản nhà Mạc để lại đã được tôn vinh, như xây dựng Khu tưởng niệm trên địa bàn cố đô Dương Kinh xưa, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố, công nhận Bảo vật Quốc gia, duy trì Lễ hội Minh Thệ (Di sản văn hóa phi vật thể), đặt tên những danh nhân thời Mạc cho đường, phố và công trình công cộng.

Những dấu ấn của Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam 

Theo Toàn thư và Đại Việt thông sử, Mạc Đăng Dung (1483-1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. 

Sinh ra ở vùng biển, thuở thiếu thời, Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người. Trong cuộc thi tuyển dũng sĩ đời vua Lê Uy Mục tại Giảng võ đường Thăng Long, ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ. 

Trong giai đoạn này, triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn, uy hiếp. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công...

Vai trò lịch sử của Vương triều nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam  - Ảnh 4.

Khu tưởng niệm Vương triều Mạc được xây dựng tại Hải Phòng.

Năm 1527, ông được triều Lê phong làm thái sư An Hưng Vương. Tháng 6/1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Học theo nhà Trần, trị vì được 2 năm, đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng thành nhà Mạc tại vùng đất Hải Phòng ngày nay.

Dưới triều Mạc, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam có nhiều thành tựu được lịch sử ghi nhận. Đó là thời thịnh trị của chợ búa, cảng thị sầm uất, văn hóa dân gian nở rộ. An ninh trật tự, kỷ cương nghiêm minh. 

Về kinh tế, nhà Mạc đã có chính sách khuyến nông, ưu tiên cấp ruộng đất cho binh lính, chú trọng khẩn hoang, lập làng, đắp đê. Nhà Mạc không theo chính sách "trọng nông, ức thương" như thời Lê sơ, mà có chính sách rất cởi mở với nội thương và ngoại thương, phát triển sản xuất hàng hóa, thông thương thị trường nội địa với nước ngoài. 

Sản phẩm gốm hoa lam của nhà Mạc ở Bát Tràng, ở Nam Sách độc đáo, tinh xảo, xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Một số nghề thủ công mỹ nghệ như tạc tượng, đúc chuông được khuyến khích phát triển.

Vai trò lịch sử của Vương triều nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam  - Ảnh 5.

Tượng vua Mạc Thái Tổ - Mạc Đăng Dung được thờ tại chùa Trà Phương, huyện Kiến Thụy được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Về văn hóa, nhà Mạc luôn chú trọng chính sách thi cử, đào tạo nhân tài cho đất nước (kể cả đối với phụ nữ). Cứ ba năm mở một kỳ thi Hội. Tổng cộng tổ chức được 22 khoa thi, lấy đậu 477 tiến sĩ, 11 trạng nguyên, 12 bảng nhãn, 19 thám hoa (chỉ đứng sau thời vua Lê Thánh Tông). Tiêu biểu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, "ngôi sao Khuê" của thế kỷ XVI. 

Thời đó, Mạc Đăng Dung cho xây dựng Dương Kinh ở Cổ Trai, quê hương ông một hệ thống cung điện, lầu các, trường học như: Các Dương tự; điện Tường Quang, Phúc Huy; phủ Quốc Hưng; mả Lăng, đồn binh, kho lương… với quy mô đồ sộ. Để Dương Kinh trở thành "đô thị ven bến xứ Đông", nhà Mạc cho xây dựng một số thương cảng trên bến dưới thuyền làm nơi giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước như: Lỗ Minh Thị, An Quý, Do Nha… gắn với việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, nhất là chùa chiền ở Cổ Trai và vùng lân cận.

Vương triều Mạc tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị lực lượng phong kiến nhà Trịnh với danh nghĩa phù Lê đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592. Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592).

Nguồn: báo giao thông.vn

 

 

Viết bình luận