Trong số 14 tiến sĩ được ghi danh trên bia đá ở Văn miếu Xuân La, có tới 7 tiến sĩ ở làng Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng.
Văn miếu Xuân La ở làng Xuân La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy là văn miếu duy nhất ở Tp.Hải Phòng. Văn miếu ghi danh 14 vị tiến sĩ thời phong kiến có xuất thân ở huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng). Trong số này, có tới 7 vị ở làng Lê Xá, xã Tú Sơn (cùng huyện Kiến Thụy) và 2 vị ở làng Xuân La.
Theo bia ký của Văn miếu Xuân La, vào thời Hậu Lê, nhà vua vi hành qua huyện Nghi Dương thấy sông núi hữu tình nên dừng chân nghỉ. Thấy đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhà vua cho xây Văn miếu, tạc tượng Khổng tử cùng các vị Nho gia nổi tiếng, như: Nhan Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử và Tử Tư để thờ. Văn miếu được xây dựng trên đất của làng Xuân La nên được gọi là Văn miếu Xuân La.
Năm 1469, người đỗ tiến sĩ khai khoa cho huyện Nghi Dương là cụ Nguyễn Nhân Khiêm. Sau đó, đến thế kỷ 16, nhà Mạc lấy huyện Nghi Dương làm kinh đô thứ hai sau kinh đô Thăng Long, nên nơi đây còn được gọi Dương Kinh. Văn miếu Xuân La trở thành trường thi lớn của kinh đô ven biển Dương Kinh.
Từ khi có Văn miếu Xuân La, sự học ở đất Dương Kinh ngày càng thăng hoa. Sau khi cụ Nguyễn Nhân Khiêm khai khoa, chỉ trong vòng 120 năm (1469 - 1592), huyện Nghi Dương có tới 12 người đỗ tiến sĩ. So sánh với suốt 600 dưới thời phong kiến, cả Hải Phòng có 102 người đỗ đại khoa, trong đó có 3 vị trạng nguyên: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), Lê Ích Mộc (huyện Thủy Nguyên), Trần Tất Văn (huyện An Lão).
Theo tài liệu, sử sách và những câu chuyện còn lưu truyền trong vùng, xưa Văn miếu Xuân La có quy mô rất lớn, gồm: Tòa điện thánh cột xà bằng đá, có tượng thánh Khổng Tử và Tứ Phối (Nhan Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử và Tư Tử) bằng đá cẩm thạch cao to như người thật; Tòa tiền tế 5 gian gỗ lim chạm khắc cầu kỳ, có hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng. Bên tả có nhà bia tiến sĩ đặt lên lưng rùa. Còn bên hữu là nhà hội tư văn. Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, Văn miếu Xuân La không còn, các hiện vật cũng bị thất lạc.
Đến năm 1997, trong khi đào ao, một người dân làng Xuân La tìm thấy cây cột đá có 4 mặt ghi chữ nho và một phần bức tượng bằng đá xanh liên quan đến Văn miếu Xuân La xưa. Sau đó, người dân trong làng góp công, góp của dựng một miếu nhỏ để hương khói các bậc tiền nhân. Đến năm 2000, địa phương quy hoạch 1.800 m2 đất trên nền Văn miếu Xuân La cũ và vận động nguồn xã hội hóa để dựng lại Văn miếu. Đến năm 2010, Văn miếu Xuân La được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố.
Hiện Văn miếu Xuân La trở thành điểm thăm quan lịch sử - văn hóa - giáo dục nổi tiếng của huyện Kiến Thụy, điểm đến hàng đầu của các học sinh trong và ngoài huyện mỗi dịp đầu Xuân hay trước mỗi kỳ thi, khai giảng năm học mới. Đây cũng là nơi huyện Kiến Thụy tổ chức Lễ rước bút trong khuôn khổ Lễ hội Khai bút đầu Xuân.
Một số hình ảnh Văn miếu Xuân La tại làng Xuân La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng:
Viết bình luận