Xung quanh đề xuất đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy”: Gần 6 năm trước họ đã nói gì?

Xung quanh đề xuất đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy”: Gần 6 năm trước họ đã nói gì?
 

 

VH- Những ngày qua thông tin công dân Tạ Hồng Quân đề xuất đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy” để đặt trong không gian Hồ Hoàn Kiếm gửi đến UBND thành phố Hà Nội đã được dư luận báo chí và cộng đồng mạng rất quan tâm, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí có phần gay gắt.

 

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, ý tưởng này đã được nhóm tác giả mà người đứng đầu là ông Tạ Hồng Quân nghiên cứu và viết thành dự án từ đầu năm 2011.

Trong phần Ý tưởng và kế hoạch thực hiện, nhóm tác giả viết: “Để Rùa Vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy” trở thành biểu tượng độc đáo của Việt Nam và duy nhất của thế giới tại Hà Nội - Việt Nam chúng ta cần phát huy yếu tố từ giá trị lịch sử, văn hoá truyền thuyết và tâm linh, từ lòng yêu mến vốn có của người Hà Nội và cả nước, từ sự chú ý quan tâm của thông tin báo chí truyền hình trong nước và quốc tế.

Để hình tượng Rùa Vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy” trở thành một giá trị văn hoá, tinh thần, tâm linh thành biểu tượng Hà Nội - Việt Nam cho hàng trăm năm, hàng nghìn năm sau hay muôn đời mãi mãi, trở thành nét đẹp trong đời sống người Hà Nội, người Việt Nam và trở thành tâm điểm văn hoá du lịch cho nhân dân cả nước và du khách nước ngoài. BTC rất mong nhận được những ý kiến ủng hộ, đóng góp của các nhà khoa học, nhà văn hoá, sử học và các tổ chức, cá nhân…

Kế hoạch đúc một tượng Rùa Vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy” chất liệu bằng đồng nguyên chất mạ vàng tại bờ Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội. Dự kiến Cụ Rùa có chiều dài khoảng 2,5 - 3,5m, chiều cao gồm cả bệ khoảng 2,5m có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng. Thời gian thực hiện dự án khoảng 2 năm. Về mẫu hình sau khi dự án chính thức được thực hiện sẽ tổ chức cuộc thi tạo biểu tượng Rùa Vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy”.

Được biết, để hoàn thiện ý tưởng đề xuất của mình, nhóm tác giả đã đến gặp và xin ý kiến của một số nhà nghiên cứu, khoa học trên một số lĩnh vực. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc và được sự đồng ý của ông Tạ Hồng Quân, Văn Hóa xin trích ý kiến của một số nhà khoa học: 

Dựng một tượng rùa hoành tráng ở gần Hồ Hoàn Kiếm

GS, Nhà văn hóa, AHLĐ Vũ Khiêu góp ý kiến về dự án “Thần Kim Quy” ngày 15.7.2011

 “Tôi tán thành ý tưởng đúc tượng Rùa Vàng Hồ Gươm. Trong các sinh vật sống trên đất nước Việt Nam, rùa gắn bó nhất với truyền thống dân tộc. Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, ba giá trị cao cả nhất của Việt Nam được nổi bật lên ở Thủ đô và được lãnh đạo thành phố tôn vinh là: “Văn hiến, Anh hùng và Hòa bình”.

Văn hiến là danh hiệu mà cả nước dành cho Hà Nội: Ngàn năm Văn hiến Thăng Long. Anh hùng là danh hiệu mà Đảng và Nhà nước phong tặng cho Hà Nội: Thủ đô Anh hùng. Hòa bình là danh hiệu mà Thế giới tặng cho Hà Nội: Thành phố vì hòa bình. Ba danh hiệu cao quý ấy của Thủ đô cũng là ba giá trị lâu đời của dân tộc thể hiện ở mỗi con người Việt Nam và đặc biệt nhất là ở Rùa vàng Việt Nam.

Rùa vàng Việt Nam được sử sách gọi là Thần Kim Quy vốn cách đây từ hơn hai ngàn năm đã thể hiện cả ba giá trị văn hiến, anh hùng và hòa bình. Nói tới văn hiến trước là nói về nhân và trí, nghĩa là nói đến tình yêu thương sâu sắc của mỗi người Việt đối với Tổ quốc, và nói đến sự mưu trí và sáng tạo trong dựng nước và giữ nước. Thần Kim Quy đã thể hiện cả nhân và trí ấy. Khi giúp Vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa và tạo ra vũ khí kỳ diệu là Nỏ thần để bảo vệ đất nước và đánh tan mọi kẻ thù.

Nói tới anh hùng là nói lên khí phách của dân tộc mà Thần rùa đã cổ vũ dân tộc ta suốt từ thời Văn Lang - Âu Lạc qua ngàn năm Thăng Long và đến chúng ta ngày nay. Nói tới hòa bình là nói tới tâm hồn cao cả của dân tộc mà Thần Kim Quy đã thể hiện trong hành động khi có giặc thì đem gươm dâng cho Anh hùng, khi không còn giặc thì đòi Anh hùng đem gươm trả lại cho Rùa. Chiến tranh là bất đắc dĩ, hòa bình mới là mục tiêu lâu dài. Đối với Thần Kim Quy cũng như đối với dân tộc Việt Nam thì lòng yêu nước không chỉ dừng lại ở dân tộc mình mà còn bao trùm lên cả nhân loại, và xuống tận mỗi con người. Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng Rùa không chỉ là biểu tượng của Hồ Gươm mà còn là biểu tượng của cả dân tộc ta. Chính vì thế mà tôi tán thành dựng một tượng rùa hoành tráng ở gần Hồ Hoàn Kiếm...”. (GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu)

GS Phan Huy Lê xem dự án

Ý rất hay, rất nên làm

Tôi rất ủng hộ ý tưởng này. Đây là ý rất hay, rất nên làm và lựa chọn vị trí đặt tại bờ Hồ Gươm. Cần tạo ra được mẫu sao cho đẹp về hình tượng, về mỹ thuật và tạo hình. Qua đó trở thành biểu tượng của Hà Nội và cũng là của Việt Nam, có tính chất lịch sử hàng trăm hàng nghìn năm sau, trở thành giá trị văn hóa tinh thần, có ý nghĩa trong và ngoài nước. Việc làm này sẽ được rất nhiều người ủng hộ kể cả về tinh thần và vật chất. (GS Phan Huy Lê)

 Một số mô hình trong dự án

Tôi tâm đắc với Dự án

“Dự án “Rùa Vàng Hồ Gươm” sẽ tạo ra một biểu tượng văn hóa cao quý của thủ đô Hà Nội vì: Thứ nhất: Nó gắn với nhiều truyền thuyết và câu chuyện lịch sử đẹp và hấp dẫn liên quan tới quá trình hình thành và phát triển của thủ đô yêu quý của chúng ta qua các giai đoạn lịch sử.

Thứ hai: Khu vực Hồ Gươm từ lâu đã trở thành một không gian văn hóa - tâm linh, nét thiêng liêng đối với nhân dân thủ đô cũng như đồng bào cả nước. Tùy theo nhận thức của từng cá nhân, Hồ Gươm có thể coi là “điểm nhớ”, “điểm hẹn”, “điểm đến” cho mọi người trong sinh hoạt hằng ngày cũng như các dịp lễ tết, nơi diễn ra các sự kiện văn hóa điển hình của người Hà Nội.

Thứ ba: Khu vực Hồ Gươm tự thân nó đã có nhiều biểu tượng văn hóa hấp dẫn đối với mọi người như: Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Trấn Ba Đình, Tháp Bút, và Đài Sen, nếu được bổ sung thêm biểu tượng Rùa vàng nữa thìchất văn hiến, anh hùng, khát vọng hòa bình của thủ đô càng thêm rõ nét.

Thứ tư: Theo quan niệm phong thủy phương Đông, Hồ Gươm chính là một trong những “huyệt đạo” quan trọng tập hợp nên sự ổn định về mặt tâm linh cho thành phố trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Rùa vàng là biểu tượng cho sự cao quý(là vật tứ linh), đồng thời cũng là tượng trưng cho sự trường tồn, bền vững của Kinh đô/Thủ đô và cả Quốc gia. Vì vậy rất cần bổ sung hình tượng Rùa vàng để khu vực Hồ Gươm trở lên thiêng liêng hơn, có sức hấp dẫn ở các mặt thẩm mỹ đô thị, văn hóa tâm linh. Tôi tâm đắc với dự án “Rùa Vàng Hồ Gươm” vìnó góp phần tập hợp một không gian công cộng trong đô thị vừa độc đáo, vừa hấp dẫn và sang trọng cho Hà Nội thân yêu của chúng ta”. (PGS.TS Đặng Văn Bài)

 Ý kiến của PGS. TS Hà Đình Đức

Ý tưởng đáng trân trọng

“Đây là ý tưởng hay đáng được trân trọng! Thần Kim Quy đã hai lần xuất hiện liên quan đến linh khí là thanh Bảo kiếm giúp Vua Âu Lạc và giúp Vua Đại Việt diệt kẻ ác và ngoại xâm để giữ yên bờ cõi. Phải chăng đây là cơ duyên giữa nhà văn hóa và doanh nhân cùng chung một dòng suy nghĩ “Hướng về nguồn cội” nhắc nhở con cháu về công lao của tổ tiên”. (PGS.TS Hà Đình Đức)

Tượng rùa vàng không phải là biểu tượng của Hà Nội

Trao đổi với báo chí, ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bày tỏ, Sở trân trọng các ý tưởng đóng góp của các cá nhân tổ chức. Tuy nhiên, Sở vẫn chưa nhận được đề án này.Ông Tiến cho hay, nếu thành phố giao xem xét đề án này, Sở sẽ nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến các nhà khoa học, người dân.“Hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, không gian di sản văn hóa của Thủ đô, bất kỳ ý tưởng xây dựng, đặt thêm công trình nào cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng”, ông Tiến nói.

Trước ý kiến về việc có thể lấy hình ảnh rùa vàng là biểu tượng Thủ đô, ông Tiến cho rằng tượng rùa vàng không phải là biểu tượng của Hà Nội. “Hà Nội đã có biểu tượng nhận diện là Khuê Văn Các, không thể nói rằng Hà Nội thiếu biểu tượng nhận diện”, ông Tiến nói.

Nhóm P.V

Nguồn: Báo Văn Hóa

  

Viết bình luận