Cái nhất trong các chuyến đi sứ phương Bắc của người Việt

Cái nhất trong các chuyến đi sứ phương Bắc của người Việt

(Kiến Thức) - Chuyến đi sứ dài nhất, bi tráng nhất, vị sứ thần già nhất... là những cái nhất thú vị về các sứ thần trong lịch sử Việt Nam.

Chuyến đi sứ dài nhất

Ngày xưa, do đường sá xa xôi, núi sông cách trở, nên mỗi chuyến đi của sứ thần Đại Việt đến Trung Quốc thường kéo dài 1 - 2 năm. Chuyến đi sứ dài kỷ lục trong được ghi nhận trong lịch sử nước ta là chuyến đi của sứ thần Lê Quang Bí vào năm 1548 thời nhà Mạc.

Lê Quang Bí sinh năm 1506, quê ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Năm 1527 ông 21 tuổi, thi đỗ Hoàng giáp rồi làm quan dưới triều nhà Mạc. Năm 42 tuổi (1548), ông được cử đi sứ nhà Minh.

 

Nhiệm vụ của sứ đoàn chỉ là nộp cống, thế nhưng nhà Minh nghi ngờ Lê Quang Bí là sứ thần giả mạo nên đã gây khó dễ, giam lỏng ông trong nhiều năm trời. Mãi đến năm 1566 – 18 năm sau khi bắt đầu chuyến đi - Lê Quang Bí mới được trở về nước. Khi đi, ông đang còn ở tuổi tứ thập, mái tóc còn xanh, khi trở về, ông đã trở thành một ông lão 60 đầu râu tóc bạc.

Chuyến đi sứ bi tráng nhất

Giang Văn Minh (1573 - 1638) là sứ thần duy nhất của Đại Việt bị triều đình phương Bắc giết hại khi đi thực hiện sứ mệnh ngoại giao của mình.

Theo sử tích, khi Giang Văn Minh đến triều kiến, vua Minh đã ngạo mạn ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”. Nghĩa là: Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc. Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).

Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng". Nghĩa là Bạch Đằng thủa trước máu còn loang. Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

Viết bình luận