Chi họ Ngô gốc Mạc ở thôn Hoa Phú, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chi họ Ngô gốc Mạc ở thôn Hoa Phú, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngô Quang Phung, Ngô Văn Hợp, Ngô Hữu Mai.

          Trước đây, do hoàn cảnh lịch sử, chỉ được truyền khẩu rằng: “ Lai lịch họ Ngô ta vốn từ họ Mạc, có cụ Tổ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên, cháu bảy đời của cụ là Mạc Đăng Dung lên thay nhà Lê, truyền được năm đời…Đến Mạc Mậu Hợp thì mất ngôi, các con của Mạc Mậu Hợp toán loạn mỗi người một phương, trong đó chạy về quê ta có một người, sau đó nhập về Hương Phú thôn, xây dựng với bà Nguyễn Thị Mang, thôn Phong Doanh và nhiều thê thiếp khắp nơi, đổi sang tên họ là Ngô Trọng Lâm…”

          Con cháu chi họ về sau, nghe lại câu được mất, chỉ láng máng là gốc của chi họ xa xưa là họ Mạc, sau đổi sang họ Ngô;…

          Năm 2010, chi họ tổ chức xây dựng lại từ đường thờ tự các Cụ đã khuất …Lúc làm hoành phi câu đối cứ trục trặc mãi, không xong, không ổn…

          “ May mắn và run rủi thế nào, ngày khánh thành Nhà thờ họ, tháng 12/2010, ông Ngô Văn Thông, hiện đang ở Thị trấn Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đưa về một bản gia phả cổ ( cụ giải thích rằng, các cụ giao cho cành nhà ông Thông giữ, đề phòng nhà thờ bị đốt,sẽ còn lưu lại được ở nơi xa, sau này sẽ tìm về”.

          Đó là cuốn gia phả do cụ Ngô Đình Xuyến kính soạn, thời “ Mạc triều Minh Mệnh thất niên thanh minh nguyệt nhật” – Ngày tốt tiết thanh minh năm thứ 7 đời Minh Mệnh – tháng 3 năm 1826, xin trích lại một đoạn đầu:

          “… Luật tuần hoàn thịnh bĩ có quy luật vậy. Lịch sử nước Nam xưa có Mạc Đĩnh Chi trong gia tộc ta tiếng thơm mãi về sau; quê quán Mạc Đĩnh Chi từ xưa xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương; Ông là nhân sỹ nhà Trần cử đi sứ vì rất tài giỏi nên phong là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên.

          Cháu bảy đời là Mạc Đăng Dung lên ngôi thay thế nhà Lê, truyền năm đời là Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp”

          “Mạc Mậu Hợp sinh 18 người con trai đều bị tiêu diệt, chỉ còn lại 3 người con là: Thao, Phổ, Thanh. Con trưởng là Thao theo cha vào tỉnh Cao Bình ở ẩn rồi cha chết; Thao đổi tên thay họ là Vạn, con thứ sáu là Thanh trốn vào tỉnh Thanh Hóa, thoát nạn rồi lại thay tên đổi họ, đây là hai chi phái đầu tiên, sau không biết nguồn ngạch ra sao nữa”

          “ Duy chỉ Chi ta con thứ ba là Phổ, di duệ buổi gặp thời đến phủ Tam Đái, xứ Sơn Tây ( sau này là phủ Vĩnh Tường); Con cháu chi cụ Phổ đến thôn Hương Phú, xã Lương Điền, tổng Lương Điền, huyện Bạch Hạch, phủ Vĩnh Tường, xứ Sơn Tây ở ẩn; đổi tên là Tự Tăng, cải họ Ngô có 3 chi; dù cải Vạn, hoặc cải Liễu hoặc cải Ngô vẫn từ cụ tổ họ Mạc cụ Trạng mà ra vậy. Thoắt ba bốn năm đầu nhận vào làng Y thôn, tương truyền được 5 đời; người trong họ xưng là Chi vượng Ngô Trọng Lâm”;

“Ngô Trọng Lâm đỗ cử nhân thời Hậu Lê có tài nhưng ít được trọng dụng cùng với hơn hai trăm người bị triệt hại; sau Y thôn lập đền thờ tự; Ngô Trọng Lâm sinh con trai là Ngô Đình Quần học vấn tinh thông, nối nghiệp cũ…”.

Chi họ vẫn duy trì việc giỗ họ vào ngày 15 tháng Chạp âm lịch, chi họ phát triển đến nay có 05 nhánh; 04 nhánh ở Hoa Phú, Bình Dương, Vĩnh Tường (nhánh ở Sơn Dương thuộc các nhánh Hoa Phú, Bình Dương lên công tác và định cư tại đó); còn có nhánh ở Sóc Đăng, Đoan Hùng, Phú Thọ…

Chi họ hiện nay có 65 hộ, với số nhân khẩu 215 người (trong đó có 125 đinh). Chi họ luôn gắn bó, đoàn kết cùng bà con, tích cực đóng góp xây dựng quê hương Vĩnh Phúc…

(Mạc Văn Trang trích lược)

 

Bình luận

Ngô Minh Tuấn

Ngô Minh Tuấn - 03/04/2019 20:35:57

Tôi cũng là một người con họ Ngô là hậu duệ của nhà Mạc. Hiện ngôi nhà thờ tổ họ Ngô nhà tôi ở thôn vân sa xã tản hông, Ba vì, Hà nội. Nhà thờ tổ được xây gần 100 năm rồi. Rất vui nếu được giao lưu với những người anh em cùng họ và cùng gốc gác.

Viết bình luận