Đất ẩn náu của bậc đế vương

Đất ẩn náu của bậc đế vương
 
 Nhà Mạc tồn tại ở Thăng Long từ năm 1527 đến 1592 thì sụp đổ . Trước khi sụp đổ, vua Mạc thứ năm là Mạc Mậu Hợp sai người đem lễ vật đến thăm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin hỏi về thế cuộc. Trạng Trình chỉ đáp một câu ngắn gọn: “Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể” – nghĩa là đất Cao Bằng tuy chật hẹp nhưng có thể giữ được về sau… Quả đúng như lời Trạng Trình nói, sau này khi nhà Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long và bị truy đuổi tứ tán, thì con cháu nhà Mạc chạy về cố thủ ở đất Cao Bằng và tồn tại thêm 96 năm nữa mới bị thôn tính, mất hẳn. Theo các nhà phong thủy, Cao Bằng là đất dung thân, ẩn náu của bậc đế vương. Vì thế, từ thời Đường Ý Tông (Trung Quốc) khi Cao Biền xâm lăng nước ta đã xây thành Đại La (ở Thăng Long – Hà Nội) và thành Nà Lữ (ở Cao Bằng). Về sau thành Nà Lữ được người Việt trấn giữ, trừ bùa yểm của Cao Biền. Đến nay di tích thành Nà Lữ vẫn còn ở làng Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, có hình chữ nhật dài 800m, rộng 600m, xây bằng gạch và bằng đá tảng với 4 gò đất nổi mang tên: Long, Ly, Quy, Phượng. Gò Phượng nằm ở trung tâm. Khi nhà Mạc chạy về Cao Bằng đã chiếm Nà Lữ và xây thành đá trên núi để phòng ngự.
Đến thời hiện đại, Cao Bằng vẫn là mảnh đất “huyền thoại” về hai phương diện lịch sử và địa lý phong thủy. Vì Cao Bằng có hang Pắc Bó là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ lãnh đạo cách mạng Việt Nam thời kỳ 1941 – 1945, có rừng Trần Hưng Đạo, là nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22.12.1944 - là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Xem thế từ Cao Biền, đến thời Lê - Mạc, cho tới nay đất Cao Bằng vẫn là nơi “tụ khí tàng phong” hết sức cát tường theo cách nhìn phong thủy.
Nguồn: kienthuc.net

Viết bình luận