Đất quê

BÙI THỊ THU HẰNG

Đất quê

                                                                      

Cứ rười rượi cứ chứa chan
Dẫu qua dâu bể muôn vàn đắng cay

Những ai còn mải mê say
Long đong phận cỏ vơi đầy thiệt hơn

Đa đoan trên quãng đường trơn
Cho dù trượt ngã ngàn cơn vẫn cười

Rưng rưng chắt giọt mật đời
Lắng trong xa thẳm những lời ầu ơ

Vắt mình dâng nỗi niềm thơ
Nâng niu tròn trịa giấc mơ tháng ngày

Đất thương cây dưỡng lá gầy
Mẹ dành câu hát để xây phần hồn

Từ nơi cội rễ ngọn nguồn
Tình quê ru cạn nỗi buồn thời gian.

Lời bình

của Hồ Tĩnh Tâm

 

“Đất lề quê thói”. Từ thưở còn đánh đu sách đèn thời phổ thông, tôi đã nghe câu ấy. Lớn lên, tôi lại đánh đu đời mình vào đất quê, để đi miết trên con đường vạn dặm. Còn bây giờ, tôi đọc “Đất quê” của Bùi Thị Thu Hằng, để thương hơn đất quê của mình, để cảm hơn đất quê trên mọi miền Tổ quốc. Và… tự nhiên… tôi thấy… rưng rưng như đang sống trong lời ru ầu ơ của mẹ, qua những vần lục bát xốn xang về đất quê của Thu Hằng.

Bài thơ ngắn. Ngắn là bởi chỉ có bảy khổ, với mười bốn câu lục bát. Nhưng tình thơ? Nhưng tình thơ thì không hề ngắn chút nào, bởi dàn trải trong thơ, là biết bao nỗi niềm đau đau đáu, là biết bao nhớ nhớ thương thương, là biết bao tình tình nghĩa nghĩa, là biết bao xao xuyến đến chạnh lòng.

Cứ rười rượi cứ chứa chan
Dẫu qua dâu bể muôn vàn đắng cay

Những ai còn mải mê say
Long đong phận cỏ vơi đầy thiệt hơn

Mở đầu bài thơ như thế, là mở đầu bằng suối nguồn tuôn chảy, tự nhiên như đất như nước, làm nên đất nước này, làm nên quê hương này; làm nên “rười rượi”, làm nên “chứa chan”, của “dâu bể muôn vàn đắng cay” trên hình hài Tổ quốc, trên làng mạc đất quê, mà ta hằng thương yêu biết mấy. Thu Hằng có dụng ý gì chăng, khi không hề chọn thể thơ nào khác, mà vận ngay thể thơ truyền thống ngàn đời của dân tộc, mượn cái dịu dàng để nói cái khắc khoải, mượn cái nhịp nhàng để nói cái trắc trở, mượn cái quen thuộc để bày tỏ nỗi niềm, để bộc bạch cùng ai, “long đong phận cỏ”, mà còn “mải mê” tính toán “vơi đầy thiệt hơn”.

Đa đoan trên quãng đường trơn
Cho dù trượt ngã ngàn cơn vẫn cười

Rưng rưng chắt giọt mật đời
Lắng trong xa thẳm những lời ầu ơ

Vẫn dịu dàng. Vẫn dịu dàng như suối nguồn tuôn chảy, từ cung bậc này, thơ Thu Hằng dịu dàng chuyển sang cung bậc khác, không ra ngoài mạch nguồn thơ lục bát, nhưng đã lắng hơn, sâu hơn, đau đáu và da diết hơn, khi giãi bày những gì thuộc về mình, thuộc về Thu Hằng đến tận cùng sâu lắng. Rằng trong sự đa đoan của mình, trên những “quãng đường trơn”, dẫu đã “trượt ngã ngàn cơn”, Thu Hằng vẫn chỉ nhoẻn cười, bởi Thu Hằng(hay nói đúng hơn là nhân vật trữ tình thơ), luôn ý thức, dẫu mình có trượt ngã, thì cũng chỉ ngã vào lòng đất quê, chứ không thể ngã ra ngoài nghĩa tình của bà con chòm xóm. Trượt ngã ấy, là trượt ngã vào yêu thương, là trượt ngã thường tình trên nẻo đường vạn dặm. Thương lắm. Rưng rưng lắm. Vậy nên Thu Hằng biết vịn vào đất quê mà đứng dậy, chắt từng “giọt mật đời”, tự lắng lòng mình sâu hơn, “trong xa thẳm những lời ầu ơ” của mẹ.

Vắt mình dâng nỗi niềm thơ
Nâng niu tròn trịa giấc mơ tháng ngày

Đất thương cây dưỡng lá gầy
Mẹ dành câu hát để xây phần hồn

Dòng chảy của thơ vẫn dịu dàng. Dịu dàng như ru. Dịu dàng như hát. Tôi không nghĩ là Thu Hằng không biết phá thể, chẻ câu thơ lục bát ra làm ba làm bảy, phá cách thơ lục bát, theo kiểu những người làm thơ hậu hiện đại, bất chợt tìm về với cội nguồn thơ dân tộc. Dường như thơ Thu Hằng là thơ của vầng trăng mùa thu, của một tâm hồn khắc khoải và đau đáu trong sự dịu lắng, nên thơ lục bát của Thu Hằng cứ mềm như gió như nước, mà chứa chất trong đó tầng tầng ngữ nghĩa; càng đọc càng hay, càng đọc càng cảm, càng đọc càng bất ngờ, bởi một Thu Hằng sâu lắng, bão giông, mà dịu dàng đến thế. Thu Hằng vắt kiệt mình, để “dâng nỗi niềm thơ” cho đất quê, cho đời, để “nâng niu tròn trịa” giấc mơ về những ngày thường đang sống. Và… thiêng liêng hơn tất cả, khi Thu Hằng cảm đến nghẹn ngào, những giá trị sống đích thực, mà đất quê thương khó, đã gieo trồng, đã ươm ủ, nuôi bật lên khúc hát rất tình đời.

Đất thương cây dưỡng lá gầy
Mẹ dành câu hát để xây phần hồn

Dòng chảy thơ đã ra tới biển cả mênh mông tình mẹ, mà “con của mẹ”, từ lời ru vào đời của mẹ, đã biết rằng, đất quê không chỉ ươm dậy mầm xanh cây lá, ươm lớn những con người, mà… ngàn lần “con” biết ơn, từ đất quê, mẹ đã “dành câu hát” đẹp nhất về đất quê, để xây cho con “phần hồn”, biết yêu đất quê đến tận cùng sướng vui và đau khổ.

Từ nơi cội rễ ngọn nguồn
Tình quê ru cạn nỗi buồn thời gian.

Dòng chảy thơ “Đất quê” của Bùi Thị Thu Hằng, đã về đến nơi hợp lưu của muôn vàn dòng chảy, nó hòa vào với muôn vàn dòng chảy thơ mênh mang, góp phần làm nên tình yêu Tổ quốc, từ tình yêu một vùng đất quê thân thuộc của mình. Dòng chảy thơ ấy vẫn dịu dàng, vẫn dịu dàng, mà “ru cạn nỗi buồn thời gian”, đưa ta về với cội nguồn dân tộc, nơi ta tự hào được sinh ra, được lớn lên để làm người. “Đất quê”!

 

 

 

 

 

Viết bình luận