Di tích lịch sử chùa Mét, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo: Đậm dấu ấn lịch sử

Di tích lịch sử chùa Mét, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo: Đậm dấu ấn lịch sử

  Chùa Mét được khởi công xây dựng vào cuối triều Trần (1226 – 1400). Tương truyền sau khi thất bại trong cuộc giao chiến với bọn giặc Minh xâm lược, vị tướng nhà Trần là Trần Khắc Trang đã đem gia đình vào khu rừng Mét mai danh ẩn tích. Trong thời gian ẩn cư, ông đã xây dựng ngôi chùa trên nền đất gia đình và có tên gọi chùa Mét. Đây là nét văn hóa - kiến trúc cổ của người Cổ Am nói riêng và TP.Hải Phòng nói chung.

 
Quang cảnh chùa Mét

Chùa Mét tên chữ là Thiên Hương tự. Tên chữ của chùa do chính ông Trần Khắc Trang thủy tổ của họ Trần ở Cổ Am đặt. Mảnh đất Cổ Am có bề dày lịch sử và văn hóa. Vào Triều Lý (khoảng năm 1162) quan Đô úy tướng quân Tô Hiến Thành đã tới vùng đất này giúp dân đắp đê lấn biển, giữ yên bờ cõi. Ông được dân làng suy tôn làm Hoàng thôn Thượng. Cứ như vậy tiếp nối từ đời này qua đời khác, đời nào Cổ Am cũng có người học hành đỗ đạt cao, đủ các học vị, học hàm từ nghè cống ngày xưa đến giáo sư tiến sĩ bây giờ.

Chùa Mét là một công trình văn hóa - nghệ thuật cổ được xây dựng trên vùng đất Cổ Am giàu truyền thống yêu nước. Lịch sử chùa gắn liền với những bước phát triển thăng trầm của con người làng Cổ Am. Đến nay ngôi chùa này còn giữ được một tấm bia đá khá lớn dựng năm Tự Đức nhị niên (1849). Trong khu tháp tổ của chùa có một ngôi tháp chôn xá lị sư Trần Khắc Trang.

Sau này thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) xã hội phần nào phát triển khá mạnh về kinh tế. Sử sách còn nói tới nhiều năm liền người dân được mùa, những quy định khắt khe của triều đình thời Lê sơ đối với phật giáo được cởi bỏ… Trong bối cảnh lịch sử ấy, chùa Mét được phục hưng trở lại. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vận động các bô lão trong làng, các phật tử thập phương công đức tiền của trùng tu chùa Mét. Dựng cầu “ Tràng Xuân” bằng đá trước cửa chùa. Cây cầu này đi vào lịch sử văn học dân tộc là nguồn cảm hứng thi ca của nhiều thế hệ danh tài. Hiện cây cầu này chỉ còn lại một nhịp cầu bằng đá khắc ghi ba chữ “ Tràng Xuân Kiều” đang trưng bày tại đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chùa Mét từng là trung tâm phật giáo của cả vùng và hàng năm, vào tháng 3 các vị tăng ni trong vùng tập trung về đây. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là cơ sở đóng quân và là nơi mở lớp tập huấn, luyện quân chính thức trước khi Nam tiến của đội vệ Quốc Đoàn thuộc chiến khu Đông Triều.

Về giá trị lịch sử, chùa Mét gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật nổi danh thời Trần - vị tướng Trần Khắc Trang cùng với lịch sử hình thành và phát triển của làng Cổ Am. Chùa Mét còn là di tích lưu niệm về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời là di tích gắn bó nhiều với sự kiện cách mạng của đảng bộ và nhân dân Cổ Am. Đặc biệt, ngôi chùa này đang bảo lưu nhiều văn tự có giá trị sử liệu cao.

Về giá trị văn hóa, chùa Mét bảo tồn được một hệ thống tượng Pháp, đồ thờ có giá trị nghệ thuật như tượng Tam Thế, Thích Ca niệm hoa, Quan Âm chuẩn Đề… xứng đáng là một bảo tàng mỹ thuật Phật giáo của đất nước. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ - nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống ở làng quê Cổ Am ngàn năm văn hiến. Vì vậy, việc bảo vệ chùa Mét phải được gắn liền với việc bảo tồn làng văn hóa Cổ Am để góp phần thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc.

 

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Viết bình luận