HOẠT ĐỘNG BANG GIAO THỜI MẠC (1527-1592)
Đinh Khắc Thuân
Hoạt động bang giao thời Mạc được đề cập ở đây trước hết là quan hệ với nhà Minh thời kỳ này, nhất là thời kỳ đầu ngay sau khi nhà Mạc lên ngôi vô cùng phức tạp. Bài viết này nhằm phác thảo đôi nét về hoạt động bang giao nhằm giải quyết xung đột với nhà Minh, cũng như việc duy trì các quan hệ bang giao thông thường với phương Bắc và phương Tây.
- Hoạt động bang giao giữa nhà Mạc với nhà Minh
1.1. Hoạt động ngoại giao giải quyết xung đột
Nguy cơ xung đột trong quan hệ nhà Mạc với nhà Minh chủ yếu diễn ra ở giai đoạn đầu, ngay sau khi nhà Mạc thay thế nhà Lê nắm quyền thống trị đất nước (năm 1527). Sự kiện lên ngôi của Mạc Đăng Dung dù sao cũng tạo ra một cái cớ để nhà Minh áp đặt thế lực của mình. Nếu không phải là một cuộc viễn chinh trừng phạt thì cũng áp đặt thể chế ràng buộc chặt chẽ với triều đình phương Bắc như chỉ cấp phong cho người đứng đầu vương triều là chức Thống sứ, tương đương viên quan quận huyện của triều đình phương Bắc, và thực tế, Mạc Đăng Dung chỉ được ấn phong là An Nam đô thống sứ.
Vì thế, nhà Minh định ra một kế hoạch khá cụ thể cho toan tính này, như một vài sự kiện được dẫn ra sau đây:
Năm 1534, nhà Minh sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan và Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn dẫn quân đến biên giới, tuyên bố là đến đánh họ Mạc... (Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, tr. 154).
Năm Gia Tĩnh 16 (1537), tháng giêng Phó đô ngự sử Mao Bá Ôn nhận lệnh của Hoàng đế nhà Minh để lo việc chinh phạt nhà Mạc (Đại Việt thông sử, tr. 141).
Tháng 4 (năm này), Thượng thư bộ Lễ và Thượng thư bộ Binh nhà Minh bàn định để chuẩn bị cuộc viễn chinh trừng phạt nhà Mạc, cùng định tội Mạc Đăng Dung 10 tội, đó là:
- Truy bức Lê Huệ, chiếm cứ kinh thành, tội 1,
- Bức lấy quốc mẫu, tội 2,
- Mưu giết Lê Huệ, nguỵ lập thái tử, tội 3,
- Bức Lê Ninh phải lánh nạn phương xa, tội 4,
- Tiếm xưng Thái Thượng hoàng đế, tội 5,
- Cải nguyên Minh Đức, Đại Chính, tội 6,
- Đóng binh ở quan ải, cản trở chiếu sứ, tội 7,
- Bạo ngược vô độ, chà đạp sinh linh, tội 8,
- Cản trở đường cống nạp, tội 9,
- Nguỵ đặt thuộc quan, tội 10 (Minh thực lục loại toản, tr. 793).
Đầu năm Gia Tĩnh thứ 18 (1539), hoàng đế nhà Minh, Thế Tông ban sắc cho Mao Bá Ôn, rằng: “... Cha con Đăng Dung nghe tin thiên triều định hỏi tội, rất sợ hãi và đã hối tỉnh, dâng biểu xin hàng, tình nguyện dâng tất cả sổ sách đất đai và nhân dân nước ấy để thuộc quyền thiên triều thẩm định. Lời cầu xin cũng đáng thương, nhưng Di tình khó lường. Bởi thế, nay lệnh cho ngươi hãy cùng Hàm Ninh hầu Cừu Loan đến Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam hội đồng với các Đề đốc và các quan ở ba ty, điều động quân lính người Hán, người Thổ trong ba hạt đó đi hỏi tội Đăng Dung. Các kế sách, chiến lược đều do các ngươi định đoạt. Nếu cha con tặc thần quả đã hối tội thì ngươi xem xét kĩ lưỡng rồi tâu gấp về triều đình, còn như vẫn ngoan cố không đổi lỗi thì phải giết không tha” (Đại Việt thông sử, tr. 156).
Tháng 7 năm Gia Tĩnh thứ 19 (1540), Hàm Ninh hầu Cừu Loan và Thượng thư bộ Binh Mao Bá Ôn đến Lưỡng Quảng và Vân Nam để kiểm tra việc chuẩn bị hậu cần, cùng đội ngũ quân lính dự định cho cuộc chinh phạt phương Nam. Cừu Loan đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến như sau: “... Chia chính binh làm ba đội tiễu binh, từ Quảng Tây đi các xứ Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh... Kể cả chính binh và lẫn kì binh, tổng cộng là 22 vạn người” (Cương mục, t. 2, tr. 114). Cừu Loan và Mao Bá Ôn nhận được một chỉ dụ về việc quyết định cuộc viễn chinh trừng phạt này. Nhưng sau đó, họ đã truyền lệnh cho cha con Mạc Đăng Dung phải ra đầu hàng ở biên giới (Minh thực lục loại toản, tr. 798).
Trước nhà Minh, nhà Mạc gắng sức tìm các giải pháp thương lượng, nhưng vẫn lo lực lượng quân sự để phòng vệ khi bị tấn công. Thực tế, việc chuẩn bị quân sự của nhà Mạc từng được Lê Quý Đôn viết: “Biết tin Mao Bá Ôn được lệnh dẫn quân đến biên giới nước ta vào năm Nguyễn Hoà 2 (1534), tuyên bố là đến đánh họ Mạc, Đăng Doanh rất lo, liền cho tu sửa trại sách, luyện tập thuỷ quân, trưng cầu hết thảy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước...” (Đại Việt thông sử, tr. 154). Chúng ta đã biết trong 10 tội mà nhà Minh quy kết cho Mạc Đăng Dung, có tội “thiết binh quan ải” (cho đóng quân ở cửa ải) như vừa nêu ở trên. Còn nữa, ở một số bản đồ quân sự vùng biên giới được làm để phòng bị cho việc chinh phạt của nhà Minh đối với nhà Mạc, có chú thích rất nhiều đồn luỹ của quân đội nhà Mạc dưới tên gọi la “tặc doanh”(1).
Về phía nhà Mạc, ngày nay chúng ta cũng tìm thấy một số quả ấn của các quan lại và đơn vị quân đội ở vùng biên ải như “Thanh tái tả sở chi ấn”(2). Thực tế, nhà Mạc không chỉ chuẩn bị lực lượng quân sự đề phòng nhà Minh tấn công, mà còn luôn cho người dò la, bám sát các hoạt động quân sự của nhà Minh ở biên giới, như trường hợp Tri châu Nguyễn Cảnh năm 1537, được nhà Mạc bí mật phái sang đất nhà Minh để thu thập tin tức, từng bị thổ quan của Vân Nam giữ lại(3). Nhà Mạc đã theo sát mọi sự vận động của quân đội phương Bắc và chỉ quyết định đầu hàng khi thấy quân Minh ồ ạt kéo đến sát biên giới trong tư thế sẵn sàng tấn công. Lực lượng võ trang được điều động đến đây khá lớn, cho nên lực lượng phục vụ cho đội quân này cũng đã phải huy động đến dân của cả ba tỉnh biên giới là Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Điều không lấy gì làm lạ là Hoàng đế Thế Tông đã phải ban lệnh khoan sức dân cho ba tỉnh này, ngay sau khi quân đội rút về: “Các xứ Lưỡng Quảng và Vân Nam, cùng các vùng phụ cận, do điều động sức dân mệt nhọc cho cuộc chinh phạt phương Nam, nên nay các tuần phủ quản hạt lưu ý khoan thả sức dân”(4).
Nhà Mạc đã từng muốn xây dựng quan hệ bang giao với nhà Minh ngay sau khi thay thế nhà Lê. Nhưng những quan hệ này ngày càng trở nên phức tạp, khó khăn bởi các mâu thuẫn xung đột trong và ngoài nước như vậy. Để bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, nhà Mạc chỉ chấp nhận sự thần phục có tính nghi thức, mà không bao giờ muốn để nước ngoài kéo quân vào, như lời di chúc của một lão tướng đại thần của nhà Mạc, Mạc Ngọc Liễn(5) trước lúc nhắm mắt: “Nay họ Mạc khí vận đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là vô tội, mà để cho mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế? Bọn ta nên tránh ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thì, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ đánh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Lại chớ nên mời người nước Minh vào trong nước để đến nỗi dân ta phải chịu lầm than. Đó cũng là tội không gì nặng bằng”(6). Lời trăng trối cuối cùng này của Mạc Ngọc Liễn cũng chính là ý nguyện của nhà Mạc nhằm tránh một cuộc chiến tranh ngoại bang, nên cuối cùng đã lánh nạn lên Cao Bằng, kéo dài vài thập niên nữa.
1.2. Hoạt động bang giao thông thường
Một hoạt động bang giao khá hiệu quả khác là hoạt động của các sứ thần, trong đó có việc đi sứ kéo dài trong 18 năm của sứ thần Lê Quang Bí. Nhiều sứ thần thời Mạc với tài năng trời phú của mình đã lấy lại thanh danh và vị thế quốc gia, quốc thể. Giáp Hải với bài thơ họa lại bài thơ xướng về bèo của Mao Bá Ôn, từng làm sứ thần phương Bắc phải vị nể và trở thành bài thơ đối đáp lưu danh thiên cổ. Bài thơ của Giáp Hải có nội dung như sau:
Bèo kết lại với nhau dầy đặc như vảy gấm
Dù cái kim chui qua cũng không lọt
Cành rễ liền nhau, mọc chằng chịt ăn rất sâu
Thường cùng đám mây trắng tranh vẻ đẹp trên mặt nước
Và làm cho vầng hồng kia cũng không sao chiếu xuống được đáy nước
Ngọn sóng dù lớn đến đâu cũng không phá nổi
Gió bão dù lớn tới đâu cũng không làm chìm nổi bèo
Dưới đó có nhiều cá rồng ẩn núp
Dù tài câu thả của Lã Vọng cũng khó thả câu bắt được.
Ngụ ý bài thơ nói rằng dân ta sống đông đúc như vảy gấm dệt đoàn kết chặt chẽ, có thế độc lập của mình, không sợ ngoại xâm như bèo không sợ mây trời gió bão. Nhân tài, tài nguyên ta nhiều như cá rồng, dù cho kẻ địch có tướng giỏi như Khương Tử Nha (Lã Vọng) nhà Chu cũng không làm gì nổi.
Cũng chính do quan hệ bang giao thông lệ được tái lập, nên chủ quyền đất nước, nhất là những tranh chấp biên giới được tôn trọng. Đại Việt thông sử ghi: “(Năm 1582), triều nhà Minh đưa tờ công văn tới, nói về ranh giới nước ta và Trung Hoa tại địa phận xứ Lạng Sơn. Mạc Mậu Hợp sai Đô ngự sử Đặng Võ Cạnh tới đó hội khám định đoạt. Ngày 26, Mậu Hợp sai sứ tới nhà Giáp Trưng, triệu Giáp Trưng đi phúc định lại ranh giới. Giáp Trưng trước đây đã hết sức xin từ chức để về hưu, mà chưa được y cho. Nay lại dâng sớ xưng bệnh, cố từ không đi” (Toàn thư, Bản dịch, tr.276).
Nhà Mạc đã cố gắng duy trì quan hệ bang giao theo thông lệ, được triều đình phương Bắc tôn trọng nền độc lập, tự chủ. Dù rằng chưa làm được nhiều điều mong ước, song về thực chất, nhà Mạc đã dần lấy lại vị thế của mình trong quan hệ bang giao theo thông lệ với nhà Minh. Đó cũng là thành công trong hoạt động ngoại giao thông thường của nhà Mạc với nhà Minh vào nửa sau thế kỷ XVI.
- Quan hệ ngoại giao giữa nhà Mạc với các nước
Đối với các nước phương Tây, đương nhiên nhà Mạc chưa thể có quan hệ gì, song đã không đóng cửa hoàn toàn. Vì thế, chính từ năm 1533, đã có giáo sĩ phương Tây vào truyền giáo ở vùng đất nhà Mạc cai quản. Đó là giáo sĩ Inêkhu (Ignatio) đã truyền đạo ở xã Ninh Cường (Nam Trực, Nam Định) và xã Trà Lũ (Thái Bình), xã Quần Anh (Hải Hậu, Nam Định). Về sự kiện này, các tài liệu lịch sử đều quy vào niên hiệu Nguyên Hòa nguyên niên (1533) thời Lê. Thực ra, năm này, nhà Lê vừa được cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim tìm con cháu nhà Lê lập lại niên hiệu vua Lê tại vùng đất phía Tây tỉnh Thanh Hóa ngày nay, giáp giới với biên giới Lào. Thực tế, vùng đất thuộc Nam Định, Thái Bình nêu trên, nơi các giáo sĩ phương Tây đặt chân đến thuộc đất trấn Sơn Nam thời Mạc. Ngoài ra là các thuyền buôn cũng đã vào đất nhà Mạc cai quản. Đã có không ít gốm thời Mạc có mặt ở nước ngoài, điều đó không loại trừ khả năng hoạt động ngoại thương đã xuất hiện dưới triều Mạc. Tuy nhiên, nếu có các hoạt động đó thì chủ yếu được chủ động từ phía bên ngoài, còn triều đình nhà Mạc có thể còn lo bảo vệ chính quyền, đồng thời chưa có khả năng mở rộng quan hệ quốc tế như ở các thế kỷ sau, song một điều chắc chắn là nhà Mạc không ngăn cấm các hoạt động với bên ngoài. Tài liệu thư tịch cho biết chính một công chúa nhà Mạc đã trở thành tín đồ Thiên chúa giáo.
- Bài học kinh nghiệm
Trên mặt trận bang giao, nhà Mạc đã phát huy tiềm năng tối đa của tri thức đương thời trong các hoạt động bang giao với các sứ thần và triều đình phương Bắc. Họ vừa là tri thức, vừa là nhà ngoại giao đồng thời còn như một chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao cam go với phương Bắc. Đó là Giáp Hải, Lê Quang Bí, Đào Nghiễm, Vũ Cận, Giáp Trưng... Với tài bang giao của mình, họ đã góp phần lớn trong việc giành lại vị thế quốc gia, quốc thể trước thái độ bang giao áp đặt nước lớn. Tuy còn nhiều điều chưa làm được, hoặc chưa thành công như các triều đại khác, song trong bối cảnh chính trị phức tạp, đất nước bị phân cắt, thì việc nối lại quan hệ bang giao tránh xung đột và bang giao thông thường theo thông lệ với nhà Minh là những cố gắng đáng kể của triều Mạc. Đặc biệt trong đó là hoạt động để tránh cuộc xung đột vũ trang.
Bài học được rút ra từ các hoạt động bang giao thành công đó là: Hòa hiếu, mềm dẻo để đảm bảo nền độc lập dân tộc. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc giữ vững chủ quyền quốc gia, quốc thổ, luôn sẵn sàng ứng chiến để giữ vững vùng biên cương.
Chú thích
(1). Đặc biệt là các bản đồ trong “Vãng Giao Chỉ đồ”, in trong An Nam đồ chí. Xem Deng Zhong, Annam tu zhi, tr. 24-27.
(2). Quả ấn này có niên đại vào năm thứ 2 niên hiệu Cảnh Lịch (1549) đời vua Mạc Phúc Nguyên, đang được bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam, số kí hiệu Nsb 2531. Ngoài ra, cũng ở Bảo tàng này còn có một quả ấn khác của nhà Mạc là “Hoành hải hậu sở chi ấn” (số Nsb 2528), với niên đại là năm Đại Chính 5 (1534). Xem thêm, Mạc thị thế phả hợp biên, tài liệu dòng họ, Hà Nội, 1988, tr. 126-127.
(3). Sau đó nhà Mạc liên tiếp cử các phái bộ sang xin nối lại các quan hệ với triều đình phương Bắc, thăm dò tin tức và dâng biểu đầu hàng. Cương mục, bản dịch, t. 2, tr. 110, 112.
(4). Chiếu lệnh của Minh Thế Tông ban vào tháng 8 năm Gia Tĩnh 20 (1541). Xem Huang Ming zhaoling (Hoàng Minh chiếu lệnh), tr. 1959.
(5). Mạc Ngọc Liễn, nguyên gốc họ Nguyễn người huyện Thạch Thất, làm quan nhà Mạc đến chức Tả Đô đốc, tước Quận công. Ông cùng vợ là Phúc Thành công chúa từng công đức rất nhiều cho việc xây dựng, tu sửa các công trình tôn giáo như chùa, quán ở vùng đồng bằng sông Hồng vào thế kỉ XVI. Xem thêm Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, tr. 240, 252, 260, 301, 305 và 307.
(6). Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch 1968, t. 4, tr. 205.
Tài liệu tham khảo
- 1. Đại Việt thông sử do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1774; Bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Sài Gòn, Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên, 1973.
- 2. Annan tuzhi, do Deng Zhong, soạn, bản khắc in năm 1608, được Guoli Beiping tu shuguan in lại.
- 3. Ming shilu (Thực lục thời Minh) do Zhongyang yanjiuyuan, Lishi yuyanyuan yanjiu giới thiệu, Taipei, 1962, 50 tập, “Shizong shilu” 196.
- 4. Ming shilu leizuan “Shewai shiliao”, do Li Guoxiang biên tập, Nxb. Wuhan, Wuhan chubanshe, 1991.
- Đinh Khắc Thuân, Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội, 2002.
- Nguyễn Khắc Xương, “Biên giới Việt Trung với Vương triều Mạc”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 212, (IX-X) 1983, tr. 12-23.
- Nguyễn Minh Tường, “Quan hệ ngoại giao giữa nhà Mạc và nhà Minh thế kỉ XVI”, Nghiên cứu Lịch sử, 6-1991, tr. 33-38.
- Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Hội đồng Lịch sử thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Sở Văn hoá và Thông tin Hải Phòng, 1996.
- Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỉ XV-đầu thế kỉ XVI, Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội, 1996.
- Nguyen The Anh, “La frontière sino-vietnamienne du XIe siècle au XVIIIe siècle”, in Les frontières du Vietnam, Paris, l’Harmattan, 1989, pp. 65 - 76.
- Yoshiharu Tsuboi, L’Empire Vietnamien face à la France et à la Chine (1847-1885), Paris, Editions L’Harmattan, 1987.
Viết bình luận