Kiến Thụy một tầm nhìn mới

KIẾN THỤY MỘT TẦM NHÌN MỚI

NGUYỄN DUY BÌNH
Phó Bí thư huyện ủy
Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy

            Thực hiện Nghị định 145/NĐ- CP của Chính phủ, huyện Kiến Thuỵ còn lại 18 đơn vị hành chính, với diện tích 10.753 ha, dân số gần 13 vạn người; là một huyện ven đô, giáp quận Kiến An, Dương Kinh và Đồ Sơn. Một tầm nhìn mới phải trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước”, Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và huyện đến năm 2020, những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn trong quá trình xây dựng huyện. Vì vậy, Kiến Thụy muốn phát triển nhanh, bền vững phải đặt mình trong tổng thể chung, trong mối quan hệ với các địa phương khác và cần có sự quan tâm đặc biệt của thành phố để huyện có bước bứt phá đi lên.

Trong một tương lai không xa, trên địa bàn huyện sẽ có thêm một số tuyến đường giao thông quan trọng như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường 10 mới ven biển. Kiến Thụy được ảnh hưởng trực tiiếp từ tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp của vùng Đông Nam thành phố như sân bay, cảng biển, cảng quân sự nam Đồ Sơn, khu kinh tế biển cửa sông Văn Úc, khu du lịch Đồ Sơn và các cụm công nghiệp trong vùng. Kiến Thụy là địa phương có truyền thống văn hoá, truyền thống cách mạng lâu đời, nơi phát tích Vương triều Mạc, có tiềm năng văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, môi trường sinh thái tốt, thuận tiện kết nối với các địa phương khác, là địa chỉ hấp dẫn phát triển du lịch, văn hoá, lịch sử, sinh thái và nghỉ dưỡng cuối tuần.

Do đặc điểm địa hình bị chia cắt bởi sông Văn Úc, hạn chế giao lưu với bên ngoài, sông Đa Độ phân chia huyện thành 2 khu vực, không có tuyến tỉnh lộ, đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi qua địa bàn không có nút liên thông, các yếu tố về phát triển sản xuất đã có sự thay đổi cơ bản. Khu vực ven sông Văn Úc trước là vùng trọng điểm nuôi trồng thuỷ sản, nay đang được quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp tập trung. Từ đặc điểm đó, cần hoạch định mạng lưới giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội không chỉ cho Kiến Thuỵ mà còn đáp ứng yêu cầu chung của thành phố và cả khu vực. Trên cơ sở quy định về phân cấp, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị định 168/NĐ-CP của Chính phủ và thiết kế kỹ thuật nút liên thông giữa đuờng ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường 353; huyện sẽ tập trung xây dựng ít nhất 3 tuyến đường giao thông tỉnh lộ trên địa bàn, đó là: tuyến đường 401, 402 và 403; xây dựng cầu Dương Áo- nút giao thông quan trọng khu vực phía Nam thành phố Hải Phòng với các tỉnh lân cận. Với hoạch định 3 tuyến đường trên có tổng chiều dài 50km, hầu hết các đơn vị hành chính của huyện đều có đường tỉnh lộ đi qua.

 Quá trình đô thị hoá ở huyện Kiến Thụy ngày càng có điều kiện xúc tiến nhanh, khi trên địa bàn huyện có mật độ tỉnh lộ 0,46km/km2, 0,39km/người và 3 thị trấn. Theo đó, thị trấn Núi Đối được mở rộng bao gồm cả xã Thanh Sơn trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Hải Phòng; trên địa bàn xã Tú Sơn và Tân Trào có nhiều nút giao thông quan trọng của huyện, trở thành trung tâm của các tiểu vùng, đồng thời sẽ là thị trấn mới. Hiện nay, huyện đang xúc tiến quy hoạch các dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ ở các xã ven sông Văn Úc, với diện tích trên 1.000 ha; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi và đã thu hút được trên 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào đây. Sau năm 2015 khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động, cơ cấu kinh tế của huyện sẽ có thay đổi cơ bản. Sản xuất công nghiệp mở ra sẽ kéo theo các ngành thương mại, dịch vụ, xây dựng phát triển. Các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản có cơ hội tiêu thụ tại chỗ sẽ kích thích phát triển kinh tế trang trại, phát triển vùng sản xuất các loại rau, củ, quả tập trung có thương hiệu trên thị trường, đây là những yếu tố rất quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tiềm năng lợi thế sẽ được quan tâm khai thác để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng nông nghiệp, thuỷ sản giảm còn dưới 30%; công nghiệp xây dựng, thương mại và dịch vụ trên 70%. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Kiến Thụy sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Kiến Thụy một tầm nhìn mới, nỗ lực mới, hứa hẹn giành nhiều thắng lợi mới.

Viết bình luận