Lễ hội Chùa Sùng Phúc linh thiêng

Lễ hội Chùa Sùng Phúc linh thiêng

Đến hẹn lại lên, giữa tiết trời xuân, người dân địa phương và các vùng lân cận lại nô nức trẩy hội Chùa Sùng Phúc để đắm mình vào không khí với những nét đặc sắc của lễ hội lớn và lâu đời nhất huyện Hạ Lang.

 

Múa rồng tại Lễ hội Chùa Sùng Phúc.

Vào ngày khai hội 11/2/2017 (15 tháng Giêng âm lịch), thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) náo nhiệt, nườm nượp từng đoàn người dân địa phương và du khách thập phương tấp nập về chùa Sùng Phúc vui xuân, trẩy hội. Chị Hoàng Thị Lê, phường Hợp Giang (Thành phố) hồ hởi cho biết: Chùa Sùng Phúc là ngôi chùa rất linh thiêng, có lịch sử lâu đời nên năm nào tôi cũng cùng gia đình đến thắp hương, dự lễ hội để cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, mọi điều tốt lành.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí và sách Dư địa chí Việt Nam, chùa Sùng Phúc có tên chữ là Sùng Phúc Tự, thuộc tổng Lệnh Cấm, nay là thị trấn Thanh Nhật. Chùa được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293). Thời Trần, Đạo Phật hưng thịnh và được coi như Quốc giáo. Vua Trần Nhân Tông cho xây chùa ở nơi biên ải để thờ Phật và một số nhân vật có công trấn ải vùng biên; đồng thời để khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Lúc đầu, chùa Sùng Phúc có tên là Sùng Khánh, được làm bằng gỗ, xây dựng trên núi Pò Kén, sau làng Nà Ến vào thời Cảnh Hưng năm thứ 40. Sau đó, để tiện đi lại và cúng lễ, nhân dân chuyển chùa xuống cánh đồng bản Huyền Ru ngày nay. Năm Cảnh Hưng thứ 43, chùa được đổi tên thành Sùng Phúc Tự, có nghĩa sùng ái, yêu quý cái phúc, đức. Chùa thờ Quan Âm Bồ Tát ở hậu cung, bên trái thờ Thành Hoàng Nguyễn Thành Vương, tức Nguyễn Đình Bá (quê huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), năm 1678, ông được phong là Tri châu Tư Lang, sau làm Đốc Đồng ở Cao Bằng, có công chiêu dân khẩn hoang lập bản làng, được nhân dân mến phục. 

Một nhân vật nữa cũng được thờ trong chùa Sùng Phúc, đó là bà Chúa sao sa Nguyễn Thị Duệ hay còn có tên khác là Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền (1574 - 1654), quê ở xã Kiệt Đặc (nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), theo cha lên Cao Bằng thời vua Mạc Kính Cung. Năm 20 tuổi, bà cải trang làm nam giới để đi thi và đỗ tiến sỹ đầu bảng Trường Quốc học Bản Thảnh ở Cao Bằng. Bà được mời về ly cung Đống Lân để dạy học cho hoàng tử, công chúa. Vua Mạc Kính Cung lấy bà làm vợ và đặt tên là Tinh Phi (tức sao sa). Năm 1625, quân Lê - Trịnh lên đánh Cao Bằng, Nguyễn Thị Duệ ẩn náu ở Hạ Lang, đi tu ở chùa Sùng Phúc. Bà tài cao học rộng, mở lớp dạy học, giảng về giáo lý nhà Phật, được nhân dân gọi là Vi Đồ. Sau đó, bà bị quân lính bắt được đưa về Thăng Long, mến tài, vua Lê và chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ. Do nhiều công lao, bà được thăng chức "Chiêu Nghi", hiệu là "Nghi Ái Quan". Năm 70 tuổi, Nguyễn Thị Duệ xin về nghỉ nơi quê nhà, mất năm 1654. Tưởng nhớ bà Nguyễn Thị Duệ, người dân Hạ Lang đã đưa bài vị bà vào chùa để thờ. 

Theo các cụ cao niên, trước đây trong chùa có đầy đủ các loại tượng thờ: Quan Âm, Thành Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu… Trải qua nhiều biến cố lịch sử, chùa đã nhiều lần trùng tu, không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc như khi mới xây dựng. Trong chùa chỉ còn lưu giữ được pho tượng Phật Quan Âm Bồ Tát, 2 tấm bia bằng đá (một tấm thuộc thời Cảnh Hưng năm thứ 43, một tấm thuộc thời Thành Thái năm 1905). Chùa còn có 3 sắc phong của 3 đời vua triều Nguyễn: Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định. Ngoài ra, một số pho tượng Phật mới trong chùa hiện nay do các phật tử tiến cúng vào chùa. Ngày 29/1/1993, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng Lễ hội Chùa Sùng Phúc vẫn được tổ chức hằng năm với những nghi lễ truyền thống. Từ 7 giờ 30 phút sáng, đoàn nam thanh nữ tú với bộ trang phục dân tộc Tày truyền thống bắt đầu rước kiệu Phật Bà Quan Âm và Thành Hoàng, theo sau là các mâm lễ vật. Đội múa rồng, đội kỳ lân có nhiệm vụ dẫn đường từ UBND thị trấn Thanh Nhật về chùa Sùng Phúc. Đúng 9 giờ, nghi lễ chính diễn ra. Chủ tế là ông Lục Minh Kim, một người cao niên am hiểu phong tục tập quán và là người có uy tín cùng đoàn thực hiện dâng hương và tế lễ. Chủ tế giới thiệu cho mọi người nhớ lại lịch sử hình thành của ngôi chùa, đọc văn tế, báo cáo với trời đất, tổ tiên và các vị thờ trong chùa về tình hình kinh tế - xã hội một năm qua của huyện, cầu mong năm mới người dân dồi dào sức khỏe, gia đình bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Thủ tục dâng hương kết thúc cũng là lúc tiếng trống khai hội vang lên. Đội múa rồng, đội kỳ lân trình diễn những màn múa uyển chuyển, đẹp mắt trong tiếng hò reo tán thưởng của hàng nghìn người.

Ông Hoàng Văn Sắm, 76 tuổi, ở thị trấn Thanh Nhật, dẫn đầu đội múa rồng, cho biết: Từ năm 16 tuổi, tôi đã học, biết múa rồng và năm 1959 từng tham gia hội diễn múa rồng 6 tỉnh miền Đông. Dù tuổi đã cao nhưng tôi rất phấn khởi khi năm nào cũng được tham gia vào đội múa rồng cùng các thanh niên địa phương. 

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc, các làn điệu dân ca truyền thống làm cho không khí lễ hội càng thêm náo nhiệt. Bà Nông Thị Mào, Chi hội trưởng Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc huyện Hạ Lang cho biết: Các xã đều chọn ra những nghệ nhân, những hạt nhân văn nghệ xuất sắc để đến góp vui tại ngày hội. Cùng với các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian cũng thu hút đông đảo người dân chú ý và tham gia... Đến lễ hội, du khách còn được hòa mình với những trò chơi dân gian đặc sắc, như: tung còn, kéo co, đánh cờ, đánh yến, nhảy bao, chọi chim… Theo bà Nông Thị Lan, xã An Lạc (Hạ Lang), những năm gần đây, Lễ hội Chùa Sùng Phúc được tổ chức quy củ, nhiều chương trình hay, hấp dẫn. Đây là dịp để du khách thập phương tìm hiểu thêm về miền đất, con người Hạ Lang. 

Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Nhật Hoàng Thế Anh, Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch để thu hút khách thập phương đến du xuân, trẩy hội. Công tác an ninh, trật tự và an toàn giao thông được tăng cường, dù lượng người đông nhưng lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy hội đầu xuân của du khách thập phương.

Mỗi lễ hội đều có lịch sử, truyền thống lâu đời và mang bản sắc riêng của từng vùng miền, nhưng Lễ hội Chùa Sùng Phúc luôn có những nét độc đáo, gắn với ngôi chùa Sùng Phúc linh thiêng làm cuốn hút du khách thập phương, để cứ đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm mọi người lại đến du xuân, trẩy hội.

Trúc Linh

Viết bình luận