Lưu giữ truyền thuyết về hoàng hậu đẹp người, đẹp nết

Làng cổ Trà Phương

Lưu giữ truyền thuyết về hoàng hậu đẹp người, đẹp nết

Hải Phòng là vùng đất nổi tiếng về hoa hậu với rất nhiều người đẹp đăng quang tại các cuộc thi. Ngược dòng lịch sử về trước, mảnh đất đầy nắng và gió này cũng là nơi sinh ra nhiều mỹ nữ nức tiếng. Một trong những địa danh nổi tiếng trong lịch sử là làng Trà Phương, xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) ngày nay với truyền thuyết về một hoàng hậu đẹp người, đẹp nết.

 

Ở xã Thụy Hương, cách trung tâm huyên Kiến Thụy chỉ vài cây số, làng Trà Phương là một vùng đất cổ giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Theo sử sách, tên gọi trước đây của làng là Trà Hương, thuộc huyện Nghi Dương (xứ Hải Dương). Năm 1813, triều đình nhà Nguyễn vì kiêng tên húy đã cho đổi tên làng thành Trà Phương. Làng có ngọn núi Trà Phương (còn gọi là núi Chè) phong cảnh hữu tình. Theo những bậc cao niên trong làng kể lại, xưa trên núi có nhiều bụi cây chè, mùi vị đặc biệt thơm, ngon, là đặc sản của địa phương. Từ trên cao nhìn xuống, núi có hình rồng quay về phía Bắc, đuôi ẩn xuống đất quẫy về phương Nam, lưng dựa vào làng Trà Phương. Tục truyền chân núi trước đây có đền Linh Quy, trong đền có khối đá thiêng và giếng ngọc quanh năm nước mát, cây cối tốt tươi. Ở lưng chừng núi về phía Nam có dấu tích của hang bà chúa Thao, bà chúa Phấn, là những nhân vật huyền thoại gắn liền với vương triều nhà Mạc.

 

Đứng trên núi Chè nhìn xuống, làng Trà Phương có hình một chiếc gương tròn, mảnh lược ngà và con dao nhỏ cùng một vạt bờ xôi ruộng mật hình dải yếm, còn gọi là dải yếm Bà Chúa. Dân gian đồn rằng, đó là nguyên khí của trời phú cho đất Trà Phương sản sinh thiên hương, quốc sắc. Do đó, con gái Trà Phương nổi tiếng là đẹp. Dẫn chứng rõ nhất là tên tuổi, nhan sắc và đức hạnh của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vị hoàng hậu đầu triều Mạc, là con gái đất Trà Phương.

 

Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn sinh khoảng giữa thế kỷ 16, ngay từ tấm bé đã nổi danh khắp vùng với vẻ đẹp chim sa cá lặn, mặt hoa da phấn, tiếng nói nhẹ như chim hót, đôi mắt sắc như dao cau, đôi má ửng hồng như cánh sen mới nở. Đến tuổi cập kê, được vua Mạc Đăng Dung kén vào cung, phong ngôi Hoàng hậu. Không chỉ có nhan sắc trời cho, Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn còn nổi tiếng thông minh, cầm kỳ thi họa. Ở ngôi mẫu nghi thiên hạ, Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn vẫn luôn nghĩ về quê hương bản quán. Dưới triều vua Mạc, nhiều quan quân, dân chúng về đất Trà Phương sinh cơ lập nghiệp. Trong quá trình mở mang ấy, nhiều bóng hồng sinh ra từ đây được sử sách ghi lại, được dân gian truyền tụng về nhan sắc và phẩm hạnh như: Bảo Gia thái trưởng công chúa, Phúc Nghi thái trưởng công chúa, Phúc Thành thái trưởng công chúa, Thọ Phương thái trưởng công chúa, Vinh quốc thái phu nhân, Tĩnh quốc thái phu nhân…

 

Ngày nay, nhiều hiện vật cổ liên quan đến Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn còn lưu giữ trong chùa Trà Phương (Thiên Phúc tự). Chùa Trà Phương được xây dựng từ thời nhà Lý, ban đầu mang tên là chùa Bà Đanh. Đến thời Mạc, thế kỷ 16, chùa trải qua một đợt trùng tu lớn. Truyền ngôn kể rằng, thuở hàn vi Mạc Đăng Dung trong một lần bị kẻ thù truy sát, nhờ ẩn nấp trong chùa Bà Đanh mà thoát nạn. Khi dựng lên đế nghiệp, nhớ ơn cứu mạng che chở của chùa, vua ban chiếu cho trùng tu, mở rộng chùa và đổi tên thành Thiên Phúc tự. Qua tư liệu ghi chép trên tấm bia đá “Tu tạo Bà Đanh tự” khắc vào năm Thuần Phúc sơ niên (1562)  đời vua Mạc Mậu Hợp cho biết, người đứng chủ hưng công lại chùa Bà Đanh là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, người làng Trà Phương đã cùng 25 thân vương, công chúa, quận công nhà Mạc đóng góp công của xây dựng lại chùa tại vị trí hiện nay. Qua nhiều thế kỷ chiến tranh, loạn lạc, chùa được trùng tu lớn vào thời nhà Nguyễn và mang đậm phong cách triều đại này. Tuy nhiên, trong chùa hiện còn gìn giữ được nhiều di vật quý mang phong cách nghệ thuật thờì Mạc thế kỉ 16 như tượng vua Mạc Đăng Dung, tượng Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, đôi sấu đá, các bia ký…

 

Chùa Trà Phương được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2007, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm nay. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những di vật quý mang màu sắc nghệ thuật rất riêng, giàu sức sáng tạo của những nghệ nhân dân gian thế kỷ 16 mà còn biết thêm những giai thoại về ngôi làng từng có những nhan sắc nổi tiếng trong lịch sử. Sau này, những người con gái sinh ra, lớn lên từ ngôi làng này vẫn mang ít nhiều nét duyên dáng, sang trọng, kiêu sa của những bóng hồng thủa trước như câu ca dao: “Sen hồng ngào ngạt thơm hương/Không bằng con gái Trà Phương ghé nhìn” được truyền ngôn qua bao đời nay ở huyện Kiến Thụy.

 Bảo Nam

Nguồn: baohaiphong.com.vn

Viết bình luận