Những dấu tích của nhà Mạc trên đất Diệm Xuân

Những dấu tích của nhà Mạc trên đất Diệm Xuân

Xã Việt Xuân nằm ở phía Tây bắc huyện Vĩnh Tường, phía bắc xã giáp sông Phó Đáy là ranh giới tự nhiên với xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch; phía Nam giáp xã Bồ Sao, xã Lũng Hòa, phía Đông giáp xã Yên Lập (cùng huyện); phía Tây giáp sông Lô là ranh giới tự nhiên với thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Xã Việt Xuân nằm gọn trong vùng đồng bằng được tạo nên bởi ngã ba hợp lưu của các con sông: Sông Lô, sông Phó Đáy, sông Hồng. Dọc theo các triền sông, những người Việt cổ đã đến đây định cư, sinh sống trên mảnh đất này từ thời Hùng Vương dựng nước, từ đó hình thành nên những làng cổ như Phượng Lâu, Diệm Xuân. Dựa vào đặc điểm địa hình, dân cư nơi đây lấy nghề nông làm trọng, phát triển sản xuất nông nghiệp trên những đồng ruộng màu mỡ được bồi đắp bởi nguồn phù sa dồi dào của các con sông, nuôi trồng và khai thác thủy sản từ hệ thống các sông ngòi và đầm ao dày đặc; đồng thời còn phát triển giao thương với các vùng lân cận nhờ sự thuận lợi bởi vị trí trung gian, chuyển tiếp của hai con đường thủy, bộ.

 

 

 

Tam quan chùa Trống

 Việt Xuân là một xã có truyền thống văn hóa nối tiếp lâu đời và liên tục qua các thời kỳ. Tuy nhiên, trải qua thời gian với những biến cố thăng trầm của lịch sử, tự nhiên, những dấu tích vật chất về bề dày lịch sử - văn hóa ấy nhiều phần đã mai một. Cho đến nay, số lượng các di tịch lịch sử - văn hóa ở Việt Xuân còn lại không nhiều nhưng lại chứa đựng những giá trị đặc biệt có ý nghĩa trong cộng đồng. Cũng như đối với hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh. Việt Xuân có tổng số 06 di tích thuộc các loại hình: Đình (02 di tích), chùa (02 di tích), miếu (02 di tích), địa điểm phân bố tập chung ở hai làng cổ là Diệm Xuân và Phượng Lâu; trong đó có 03 di tích xếp hạng cấp tỉnh là: đình – chùa Diệm Xuân và chùa Phượng Lâu. Tiêu biểu nhất và có nhiều ý nghĩa cả về lịch sử, văn hóa và yếu tố tâm linh nhất là cụm di tích đình – chùa Diệm Xuân, thuộc làng Diệm Xuân. Đây là một làng cổ có quy mô lớn, tên nôm là làng Trống. Trước đây, Diệm Xuân là một trong 09 làng (hay 9 xã thuộc dạng nhất xã, nhất thôn) của tổng Mộ Chu, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, tỉnh Vĩnh Yên. Diệm Xuân có cả đình, chùa và miếu nhưng ngôi miếu đã bị phá hủy nay chỉ còn lại móng. Cụm di tích đình – chùa Diệm Xuân hay còn gọi là đình – chùa Trống (theo tên làng cổ) không chỉ là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư địa phương, mà trong tâm thức của họ Nguyễn (được cải từ họ Mạc), cụm di tích còn gắn liền với quá trình suy vi và bảo tồn dòng dõi hậu duệ nhà Mạc hiện đang sinh sống ở Việt Xuân, đó là các di tích, truyền ngôn có liên quan đến vị vua cuối cùng của triều Mạc và hậu duệ của họ Mạc hiện vẫn đang an cư lạc nghiệp nơi đây.

Đình – chùa Diệm Xuân và các di tích liên quan đến nhà Mạc được xây dựng trên một gò đất cao nhất là Diệm Xuân, nhân dân gọi là “gò chùa”.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh chúc mừng Hội thảo

Đình Diệm Xuân

Đình Diệm Xuân thờ hai vị thủy thần là An Giang Đại Vương và Đông Hải Long Vương, tương truyền đã có công trị thủy, bảo vệ mùa màng và cuộc sống người dân nơi đây. Đây chính là biểu hiện rõ ràng về giá trị lịch sử truyền thống lâu đời của vùng đất này. Bởi thờ thủy thần (thần nước) chính là một trong những tín ngưỡng bản địa từ thủa sơ khai của người Việt. Đình được xây dựng từ bao giờ đến nay chưa xác định được niên đại. Lần trùng tu gần đây nhất là năm Khải Định thứ 8 (1924). Theo lời kể của các cụ cao tuổi thì đình Diệm Xuân xưa được làm theo lối “hậu đinh, tiền môn”, đến nay, chỉ còn một tòa kiểu chữ “đinh” gồm tiền tế 3 gian 2 dĩ và hậu cung 1 gian thờ dọc. Kết cấu các bộ vì gỗ làm kiểu quá giang gối tường đơn giản nhưng chắc khỏe, mái lợp ngói mũi truyền thống. Nghệ thuật điêu khắc được thể hiện chủ yếu ở các bức chạm trang trí ở xà rồng Thượng cung và trên các di vật, đồ thờ như Long ngai, kiệu bát cống, sập thờ…

Chùa Diệm Xuân

Chùa Diệm Xuân (tên chữ là Xuân Sơn tự, tên nôm là chùa Trống), thờ phật phái Đại thừa. Chùa cũng như đình, đến nay không còn tư liệu để xác định niên đại khởi dựng. Tuy nhiên, trong hệ thống văn bìa còn giữ tại chùa, có một tấm bia hậu được lập vào ngày mùng 10 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755), đồng thời tư liệu của viện “viễn Đông bác cổ” năm 1937 ghi lại hai lần tu sửa chùa vào năm Minh mệnh thứ 12 (1832) và Thành thái – Kỷ hợi (1899). Cũng qua tư liệu này mà biết được, chùa xưa có bố cục mặt bằng kiểu chữ “môn”. Kiến trúc ngôi chùa hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm Bảo Đại thứ 15 (1940), lần tu sửa này đã thay đổi phần lớn kết cấu kiến trúc vào ngôi chùa cổ. Hiện chùa có kiểu dáng kiến trúc thường thấy ở các di tích vùng Trung du: Mặt bằng hình chữ đinh, kết cấu chắc khỏe, vì chồng bồn giá chiêng với các cấu kiện gỗ bào trơn, đóng bén không trang trí trạm khắc, mái lợp ngói mũi truyền thống. Do trải qua những thăng trầm của lịch sử nên chùa Xuân Sơn không còn giữ được nhiều tượng phật. Hiện trong chùa chỉ còn một số tượng, trong đó có 01 tượng hậu được tạc bằng chất liệu đá. Đáng chú ý nhất là hệ thống 11 bia đá được gắn trực tiếp lên tường hồi của chùa. Bia có niên đại thời Lê Trung Hưng và Nguyễn: Chính Hòa năm thứ 24 (1703), Cảnh Hưng năm thứ 33 (1772), Tự Đức năm thứ 6 (1853)… Tất cả đều là bia hậu phật, có 3 dạng chính là: Bia một mặt chữ, bia một mặt chữ một mặt tượng – phù điêu, bia một mặt tượng không có chữ. Có ý nghĩa nhất là bia Chính Hòa năm thứ 24 (1703) có hai mặt (một mặt chữ hán, một mặt tượng), nội dung ghi chép về việc thôn Diệm Xuân vào khoảng thời gian đó đã có một ngôi chùa được xây dựng từ trước, có nhiều ruộng hậu.

Cùng với những giá trị văn hóa vật thể, chùa Diệm Xuân còn ẩn chứa, gắn với những truyền ngôn về vị vua cuối cùng của triều Mạc – Mạc Kính Vũ. Truyền ngôn rằng: Sau khi thất thủ ở Cao Bằng. Mạc Kính Vũ cùng gia đình xuôi theo sông Hồng về đây ẩn cư chờ thời. Mạc Kính Vũ đã xây dựng chùa Trống và tu ở chùa, lấy chùa Trống làm bình phong che chở ẩn thân của hoàng thất, cải họ thành họ Nguyễn. Để đề phòng sự truy sát của chính quyền Lê – Trịnh, ông đã cho con trai là Nguyễn Hữu Pháp theo dòng Phó Đáy về vùng Lập Thạch. Nguyễn Hữu Pháp đã chọn đất Tiên Lữ - Lập Thạch để định cư, xây chùa Tiên Lữ (chùa Sùng Phúc), nương vào đó mà mai danh ẩn tích. Về sau Nguyễn Hữu Pháp sinh được 4 người con trai: Người con cả ở lại Tiên Lữ nối tiếp sự nghiệp tổ tiên, người con thứ hai lánh cư sang chùa Sùng Lâm ( xã Văn Quán – Lập Thạch), người con thứ ba lánh cư sang chùa Đông Minh (làng Đông Mật, xã Sơn Đông – Lập Thạch), người con thứ tư là Nguyễn Hữu Nhẫn được phân công trở lại chùa Trống (Xuân Sơn tự) để trông coi mồ mả tổ tiên an táng tại nơi này. Hậu duệ họ Mạc cải Nguyễn ở đây thường được gọi nôm na là họ Nguyễn “chùa” để phân biệt với các họ Nguyễn khác trong làng.

Những ngôi mộ cổ

Trong khuôn viên đình – chùa Diệm Xuân, hiện có 3 ngôi mộ được xác định là của họ Nguyễn gốc Mạc. Ngôi mộ thứ nhất, nhiều đời chi họ Nguyễn gốc Mạc ở đây truyền nhau gọi là mộ tổ hay mả tổ. Đến năm Bảo Đại thứ 13 (1939), chi họ tổ chức tu tạo mộ tổ, dùng đá để xây ghép thành mộ lớn (vì thế về sau còn có tên gọi là mộ đá). Chính vào khi đó đã phát hiện ra rằng quan tài được táng theo hình thức táng treo, chi họ để nguyên trạng rồi ghép đá xung quanh và trên nóc để bảo toàn mộ. Trong chi họ cũng truyền khẩu rằng trước đây vào ngày 27 tháng Chạp hàng năm là “Chạp họ” hay “ăn Chạp họ”, bây giờ chuyển thành ngày 15 tháng Chạp, chi họ đều tập chung dâng lễ ở ngôi mộ này, lời khấn khi cúng là “Cao tổ Mạc cải Nguyễn”. Từ trước đến nay, ngôi mộ này được Chi họ Nguyễn gốc Mạc ở Diệm Xuân biết rộng rãi và quan trọng hơn cả. Có nhiều giả thuyết cho rằng đây là ngôi mộ của con trai Thái tử Nguyễn Hữu Pháp (con trưởng của vua Mạc Kính Vũ) là Nguyễn Hữu Nhẫn, người đã được phân công trở là chùa Trống (sau khi dòng họ di dời về Lập Thạch) để trông coi mồ mả tổ tiên an táng tại đây (tức mộ vua Mạc Kính Vũ và công chúa Mạc Chính Lan); Giả thuyết cũng cho rằng chính cụ Nguyễn Hữu Nhẫn là tổ của chi họ Nguyễn ở Diệm Xuân.

Ngôi mộ thứ hai, được phát hiện vào năm 1964, khi đơn vị bộ đội pháo binh đến đào công sự trong vườn chùa. Khi mở quan thì thấy xác ướp còn nguyên, được xác định là nữ giới khoảng 40 tuổi, được bảo quản trong quan ngoài quách, bên ngoài có đá màu trắng đục, được gắn miết bằng vôi mật. Mộ đã được chuyển sang vị trí khác nay trong vườn chùa chỉ còn dấu vết hố đào của trận địa pháo. Trong chi họ Nguyễn gốc Mạc ở Diệm Xuân, ngôi mộ này được truyền khẩu là mộ công chúa Mạc Chính Lan, con gái vua Mạc Kính Vũ.

 

Hội thảo nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc

 Ngôi mộ thứ 3 được đánh dấu bằng một cây chòi mòi (tòi mòi) trong vườn chùa. Tuy nhiên cây chòi mòi đến nay không còn, chỉ còn dấu tích của ngôi mộ đã được xây trát kín. Cũng theo truyền ngôn từ lời cúng “Cao cao tổ Chính Kính Mạc cải Nguyễn” của chi họ, có thể hiểu, đó là mộ vua Mạc Kính Vũ.

 

Ngôi mộ táng treo cháu nội Mạc Kinh Vũ

Sử liệu thành văn cho rằng, năm 1677, Mạc Kính Vũ thua trận ở Cao Bằng, và chạy sang Long Châu (Trung Quốc), sau năm 1685, số phận của ông và nhiều vương gia nhà Mạc không rõ ra sao. Thế nhưng những truyền ngôn về Mạc Kính Vũ và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc lại cho rằng, Mạc Kính Vũ là một phần hoàng thất của vương triều Mạc từ Cao Bằng đã xuôi theo dòng sông Hồng về ẩn tích ở Vĩnh Phúc. Xét về tư liệu lịch sử đối với thời kỳ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc, việc nghiên cứu còn đặt ra nhiều khó khăn, nguồn tư liệu khan hiếm lại có sự không đồng nhất về nội dung. Vì thế cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, để có những thông tin đầy đu, chính xác về thân phận hoàng đế Mạc Kính Vũ và gia tộc dòng họ Mạc thời kỳ ở Vĩnh Phúc; để một lần nữa khẳng định Diệm Xuân – Việt Xuân là một vùng đất cổ có vị trí quan trọng trong lịch sử, ẩn chứa nhiều tiềm năng địa – văn hóa, địa – du lịch cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác, phát huy.

Theo "Vĩnh Tường - Di sản Văn Hóa"

Viết bình luận