Những lễ hội xuân “độc nhất vô nhị” tại Hải Phòng

Những lễ hội xuân “độc nhất vô nhị” tại Hải Phòng

(PLO) - Mỗi năm, Hải Phòng có tới hàng trăm lễ hội truyền thống. Với nét độc đáo riêng đậm “chất” miền biển, các lễ hội đã từng bước khơi dậy và phát huy  giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc trong các tầng lớp nhân dân.

Báo Pháp Luật Việt Nam xin giới thiệu tới quý độc giả những lễ hội không nên bỏ qua nhân dịp đầu xuân tại thành phố Hoa Phượng Đỏ.
Lễ hội khai bút đầu xuân 
Là một trong những địa phương đề cao học vấn, từ xưa đến nay, mỗi khi xuân về, Hải Phòng tổ chức khai bút đầu năm như một thông lệ quen thuộc. Người Hải Phòng quan niệm khai bút là khai trí - khai tâm - khai tốt lành. Năm 2018 là năm thứ 7 liên tiếp Hải Phòng tổ chức lễ hội khai bút đầu xuân tại khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) vào ngày mùng 6 tháng Giêng. 
Lễ hội Khai bút ở Đền Mạc - xã Ngũ Đoan - Kiến Thụy - Hải Phòng

Lễ hội được tổ chức với 2 phần chính: phần lễ với lễ cáo yết, lễ rước linh ứng thần bút, lễ khai bút, lễ giã đám; phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc. Mỗi năm có tới hàng trăm sĩ tử tham dự lễ khai bút trang trọng này. 

Mỗi nét bút viết ra thể hiện tâm tư, nguyện vọng của các em trong dịp đầu năm, chứa đựng hy vọng về một năm may mắn, tốt lành. Du khách khắp nơi cũng đến khu tưởng niệm Vương triều Mạc xin chữ đẹp do ông đồ viết để cầu mong an bình, hạnh phúc.

Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc mang ý nghĩa tri ân Đức Mạc Thái tổ và các tiên đế Vương triều Mạc đã có công cao, đức lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước đồng thời giáo dục tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ ngày nay.
Lễ hội minh thề 
Được xem là “đặc sản” trong số hàng trăm lễ hội ở Hải Phòng, lễ hội minh thề nổi tiếng bởi tính “độc nhất vô nhị”: thề không tham nhũng. Lễ hội minh thề được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại khu di tích quốc gia đền chùa Hòa Liễu (thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ). 

Tương truyền, chùa Hoà Liễu (Thiên Phúc Tự) là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII. Giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ. 

Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội minh thề quy định lấy chí công làm trọng: người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn mà xâm phạm của công. 

Lễ hội minh thề đã ra đời, được nhân dân làng Hoà Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua. Xưa kia, khi khai mạc “Hội thề” dân làng tế Thánh tại miếu chính thường có chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ về dự chứng kiến.

Ngày nay, các nghi lễ chính của lễ hội vẫn được tiến hành trang trọng. Đầu tiên, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của Thánh vương. Sau đó là lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước. Tế thần xong các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. 

Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2m ở giữa sân miếu gọi là Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm.

Ba vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng bước lên Đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất bách thần. Đại diện tư văn dõng dạc đọc Minh thề có Hịch văn. Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân lên đọc vang lời thề: “Ai lấy của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Sau đó, mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm.
Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề. Sau lễ hội minh thề trang nghiêm, dân làng Hoà Liễu như được tiếp thêm sức mạnh, rũ bỏ mọi ưu phiền của một năm qua để tiếp tục bước vào năm mới, với niềm tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.
Lễ hội vật cầu 
Cách trung tâm thành phố Hải Phòng hơn 20km, làng Kim Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ) nổi tiếng với lễ hội vật cầu. Sau khi chiến thắng quân Nguyên trở về, tướng quân Phạm Ngũ Lão (đời Trần) cùng quân sĩ đã dùng củ chuối hột làm quả cầu và chơi trò vật cầu để rèn luyện sức khỏe. 

 

Một nghi thức trang trọng trong lễ vật cầu 

Từ đó, dân làng chọn đây là trò chơi đón xuân mới, lâu ngày trở thành lễ hội vật cầu truyền thống của Kim Sơn. Lễ hội mang đậm tinh thần thượng võ của người dân miền biển này được tổ chức tại sân đình Kim Sơn vào ngày mồng 6 Tết, ba năm một lần. Mỗi lần tổ chức, lễ hội vật cầu thu hút hàng ngàn du khách tham dự. 

Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, từ đầu tháng 11 (âm lịch) năm 2015, các chức sắc họp bàn chia 24 dòng họ trong làng Kim Sơn thành 3 giáp. Mỗi giáp phải chọn mình 6 người trong đó một người làm tổng cờ chỉ huy quân và 5 đô vật. Đô vật phải là những thanh niên khỏe mạnh và chưa lập gia đình. 

Điều quan trọng thứ hai sau việc “tuyển” đô vật là chọn cầu. Quả cầu được làm bằng củ chuối hột nặng 20kg do trưởng làng đi tìm và đào mang về. Quả cầu được bọc giấy hồng điều có gắn tứ linh là Long - Ly - Quy - Phượng và đặt vào kiệu để ở án thờ trong đình làng. 

Sáng 30 Tết, dân làng rộn rã chuẩn bị, dựng cổng chào viết câu đối. Thông thường, câu đối có nội dung: “Kiến như đại tân, anh hùng trần lực, vật ngã giai xuân” (dịch: Ngày gặp gỡ lớn, toàn sức vật cầu, quyết giành phần thắng). Đến đêm 30 Tết, cả làng chuẩn bị đồ lễ chỉnh tề để tế Thành Hoàng làng.

Đúng 10 giờ sáng mùng 6/1 âm lịch, người Kim Sơn rước kiệu ra đình. Sau tiếng “cắc” trống vang lên, cuộc vật bắt đầu. Hội thi vật gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Giáp nào đưa được nhiều số lần quả cầu về sân mình nhất sẽ thắng cuộc. Kết hồi, quả cầu được ném xuống hồ bán nguyệt trước cửa đình. 
Các trai tráng trong làng tham gia vật cầu 

Lễ hội rước lợn ông Bồ

Từ xưa, lễ hội rước lợn ông Bồ (xã Kỳ Sơn, huyện Kiến Thụy) đã trở thành truyền thống, một nét văn hóa tốt đẹp của người dân nơi đây. Theo Ban tổ chức, năm nay lễ hội được tổ chức an toàn, tiết kiệm nhưng vẫn giữ nguyên mọi nghi thức độc đáo và diễn ra vào mùng 5 và mùng 6 tháng 1 âm lịch.

Để chuẩn bị cho 2 ngày lễ hội đầu năm được vẹn toàn, ngay từ tháng 10 âm lịch năm 2015, các bậc cao niên trong làng đã phải dày công tuyển chọn “ông Bồ”. Tiêu chuẩn để trở thành lợn ông Bồ là phải to, khỏe, có dáng và đạt đến ngưỡng 100kg. 

Ông Bồ được chăm sóc theo chế độ đặc biệt: cho ăn, uống và tắm rửa hàng ngày; ngày rằm và mùng một thì phải nấu xôi cho ông Bồ ăn. Gia đình nào được “đặt hàng” nuôi dưỡng ông Bồ thì coi đó là niềm vinh hạnh không những cho gia đình mà cho cả dòng họ.

Phần lễ của lễ hội rước lợn ông Bồ diễn ra trong ngày mùng 5 tháng 1 âm lịch. Những người được rước “ông Bồ” mặc áo nâu, đầu đội khăn đỏ, thắt đai xanh. Đi trước “ông Bồ” là các chủ tế cùng các cụ bồi tế và đoàn nhạc bồi bát âm. Tiếp sau là mâm bánh dày đặt trên đòn kiệu và các loại hoa quả, sản vật của các gia đình thành tâm kính lễ Thành hoàng làng. 

Xong phần lễ tế, “ông Bồ” ngự trên gánh kiệu, nữ tế đội bánh theo sau, hàng ngàn người của các giáp kính cẩn rước tới sân đình. Rước xong, bánh dày, lộc quả được chia cho dân làng thụ hưởng. Còn “ông Bồ” được sẻ chia phần cho mọi thành viên trong giáp họ, thể hiện sự công bằng. 

Mùng 6 là thời điểm diễn ra phần hội. Các hoạt động như đánh cờ người, đấu vật, kéo co, chọi gà, tổ tôm và đá bóng diễn ra sôi nổi, hào hứng. Các xóm, các họ tộc thi đấu với nhau. Cũng trong thời gian này các hoạt động văn hóa văn nghệ như hát múa, làm thơ diễn ra không kém phần sôi nổi. 
Lễ hội rước lợn ông Bồ đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Hải Phòng, phản ánh nhu cầu đời sống tâm linh, ước vọng và mong mỏi một cuộc sống phồn thịnh no đủ của nhân dân. 
Lễ hội chợ Xưa
Hội chợ Xưa được xem là nét đẹp trong phong tục, tập quán Tết của người Thủy Nguyên nói riêng và người Hải Phòng nói chung. Lễ hội được họp vào 6 giờ mồng 1 Tết tại khu vực chợ Xưa (thuộc xã An Lư, huyện Thủy Nguyên).

Tại phiên chợ này, mọi người tham gia sẽ bày bán các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như muối, hải sản,.. và đặc biệt là cá mực. So với hội chợ  truyền thống trước đây, hội chợ Xưa ngày nay bán nhiều loại sản phẩm hơn, từ đồ ăn, đồ uống; các nông sản như rau, thịt, cá…đến các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống. Thế nhưng ý nghĩa của hội chợ Xưa vẫn luôn được giữ nguyên. 

Tại đây, mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều tốt lành, hy vọng một năm mới nhiều may mắn, thuận lợi. Người bán hàng cầu buôn may, bán đắt, người mua cũng không mặc cả. Đến nay, lễ hội chợ Xưa không chỉ dành cho người dân địa phương mà người dân ở các xã khác cũng đến buôn bán với nhiều mặt hàng. 

Nguồn: baophapluat.vn

 

Viết bình luận